Aa

Kỳ 1: Cảm hóa những người đã từng lầm lỡ

Thứ Năm, 27/04/2023 - 11:26

Đà Nẵng được mệnh danh là: Thành phố đáng sống! Bởi ở thành phố này, người dân lẫn du khách đều cảm thấy an tâm, dễ chịu, an ninh trật tự được đảm bảo.

LTS: Xuyên suốt một thời gian dài, TP. Đà Nẵng triển khai các chương trình hành động “5 không”, “3 có” rồi “4 an” đã mang lại hiệu quả tích cực trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo ở các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tạo lập niềm tin của người dân với chính quyền; các loại tội phạm được kiểm soát và kiềm chế; an sinh xã hội được đảm bảo… Thành công của các chương trình nêu trên đã góp phần xây dựng nên thương hiệu: Đà Nẵng - Thành phố đáng sống!

Ngày 1/12/2021, Công an TP. Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 1335/KH-CATP-PTM về xây dựng, thực hiện mô hình “Công an cơ sở tăng ca phục vụ Nhân dân” của lực lượng Công an xã, phường trên địa bàn thành phố. Gần dân, bám sát dân, chia sẻ, động viên, giúp đỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người dân… Bước đầu, cách làm này đã phát huy hiệu quả, qua đó kết nối sâu đậm hơn tình cảm, trách nhiệm của người chiến sĩ Công an Nhân dân với cư dân sinh sống trên từng địa bàn.

Reatimes xin giới thiệu đến độc giả các mô hình hay của lực lượng Công an TP. Đà Nẵng để qua đó làm rõ hơn lý do vì sao Đà Nẵng được mệnh danh là: Thành phố đáng sống!

Đà Nẵng - Thành phố đáng sống
Đà Nẵng - Thành phố đáng sống

Chỉ tiêu: 1 phải kèm 1!

Theo Kế hoạch số 1335/KH-CATP-PTM, từ 18 – 20 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 và từ 8 – 11 giờ ngày thứ 7 trong tất cả các tuần (bao gồm trong thời gian lễ, tết), lực lượng Công an xã, phường tổ chức công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, phòng cháy chữa cháy và quản lý cư trú trên địa bàn; tiếp nhận, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, trao đổi với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Công an tại trụ sở hoặc khu dân cư.

Các khoảng thời gian còn lại trong ngày thứ 7 và chủ nhật, lực lượng Công an xã, phường chủ động bố trí lịch triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, phòng cháy chữa cháy, quản lý cư trú và giải quyết thủ tục hành chính phù hợp với đặc điểm đơn vị, tình hình trên địa bàn.

Mô hình “Công an cơ sở tăng ca phục vụ Nhân dân” của Công an TP. Đà Nẵng phát huy hiệu quả. (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)
Mô hình “Công an cơ sở tăng ca phục vụ Nhân dân” của Công an TP. Đà Nẵng phát huy hiệu quả. (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)

Theo Công an TP. Đà Nẵng, từ 18 – 20 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần là khung giờ công chức, viên chức, công nhân, người lao động và các thành phần khác thường có mặt đông đủ tại nơi cư trú, thuận lợi cho công tác thăm gặp, nắm tình hình, tuyên truyền, thông báo, hướng dẫn các nội dung liên quan đến an ninh trật tự cũng như hỗ trợ nhân dân giải quyết các thủ tục hành chính mà trong thời gian hành chính bận công việc không xử lý được. Ngoài ra, đây là khoảng thời gian thường xảy ra các loại tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị…

Trong Kết luận Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 và triển khai nhân rộng mô hình “Công an cơ sở tăng ca phục vụ Nhân dân”, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo: “Mỗi chỉ huy Công an xã, phường phải trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế cho 1 người đã chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng hoặc có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ cao thực hiện tội phạm, vi phạm pháp luật tại địa bàn quản lý”.

Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn thực hiện, trong đó giai đoạn 1 (từ ngày 15/12/2021 - 15/3/2022) triển khai thí điểm 1 Công an xã, phường/1 Công an quận, huyện, trong đó Q. Hải Châu (phường Hải Châu 1); Q. Thanh Khê (phường Xuân Hà); Q. Sơn Trà (phường Phước Mỹ); Q. Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải); Q. Liên Chiểu (phường Hòa Khánh Nam); Q. Cẩm Lệ (phường Hòa Xuân); H. Hòa Vang (xã Hòa Phong). Giai đoạn 2 từ ngày 16/3/2022 trở đi, tổ chức sơ kết giai đoạn 1 và nhân rộng ở tất cả Công an xã, phường trên toàn địa bàn thành phố.

Đến nay, mô hình “Công an cơ sở tăng ca phục vụ Nhân dân” đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, công tác kèm cặp, giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế của chỉ huy Công an xã, phường ngày càng cho thấy tầm quan trọng đối với vấn đề bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Lực lượng Công an xã, phường đã tổ chức 56 buổi gặp mặt, tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật; chỉ huy Công an xã, phường đã tiến hành gần 2.000 lượt thăm hỏi, động viên, nắm tình hình đối với 162 người được kèm cặp, giúp đỡ.

Cùng với đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như năng lực, điều kiện sức khỏe để định hướng nghề nghiệp phù hợp, qua đó đã liên hệ, tạo điều kiện cho 77 người có công việc phù hợp với khả năng như bảo vệ, thợ cơ khí, công nhân,… với mức thu nhập trung bình từ 4,5 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra, đã giúp đỡ, phối hợp với các cơ quan hoàn thiện thủ tục và giải ngân vay vốn cho 10 người để mở cửa hàng tạp hóa nhỏ, quán ăn; cùng với chính quyền địa phương thăm hỏi động viên và tặng quà đối với 81 người với tổng số tiền trên 90 triệu đồng. Hiện còn 9 trường hợp đang được Công an xã, phường hỗ trợ hoàn thiện thủ tục để vay vốn và 66 trường hợp đang được tạo điều kiện để tiếp cận các công việc phù hợp. Bên cạnh đó, Công an xã, phường cũng đã tổ chức vận động nhân dân địa phương nơi người được kèm cặp, giúp đỡ cư trú thường xuyên quan tâm, ủng hộ, động viên để họ được yên tâm, phấn đấu lao động, sản xuất để từng bước ổn định cuộc sống.

Công an phường Thanh Khê Đông (Q. Thanh Khê) tổ chức nhiều buổi gặp mặt động viên, hỗ trợ cho nhiều trường hợp tái hòa nhập cộng đồng.
Công an phường Thanh Khê Đông (Q. Thanh Khê) tổ chức nhiều buổi gặp mặt động viên, hỗ trợ cho nhiều trường hợp tái hòa nhập cộng đồng.

Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho công dân có tiền án, tiền sự

Thực hiện theo Kế hoạch “Công an cơ sở tăng ca phục vụ Nhân dân”, Công an phường Thanh Khê Đông (Q. Thanh Khê) đã tiến hành rà soát các trường hợp có nguy cơ cao vi phạm pháp luật trên địa bàn để ban chỉ huy trực tiếp gặp gỡ, kèm cặp, giáo dục.

Trao đổi với PV Reatimes, lãnh đạo Công an phường Thanh Khê Đông, cho biết đã lựa chọn 3 trường hợp “nổi trội” để giúp đỡ. Đến nay, 1 trường hợp đã được tạo điều kiện tiếp cận công việc và đang làm công nhân tại cảng Tiên Sa. Những trường hợp còn lại qua nhiều lần động viên, tuyên truyền, hiện đang tham gia vào lực lượng bảo vệ dân phố, được điều động thực hiện công tác bảo vệ an ninh trật tự tại những sự kiện, lễ hội của địa phương và tham gia lực lượng tuần tra 8394 hàng đêm cùng với lực lượng Công an và dân quân.

Anh Nguyễn Văn T. (sinh năm 2000), trước đây bị xử lý về hành vi trộm cắp tài sản, lĩnh án phạt tù 1 năm. Sau khi mãn hạn tù, T. trở về địa phương và được lực lượng Công an phường Thanh Khê Đông quan tâm thăm hỏi, động viên, tặng quà, nắm bắt tâm tư nguyện vọng. Qua quá trình vận động, Nguyễn Văn T. giờ đây đã tham gia vào lực lượng bảo vệ dân phố của địa phương, dần trở thành một tuyên truyền viên hỗ trợ công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Từ ngày tham gia vào lực lượng bảo vệ dân phố, anh Nguyễn Văn T. cho biết cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa và nhiều niềm vui. “Trước đây, lúc còn nhỏ thì ban đêm nghe theo chúng bạn, tụ tập đi phá làng phá xóm, nay hàng đêm thì đi giữ làng giữ xóm được bình yên”, anh T. chia sẻ.

Với Văn Anh T. (sinh năm 2002), tuổi đời còn khá trẻ nhưng trước đây do bị bạn bè lôi kéo tham gia gây gổ đánh nhau và bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích. Văn Anh T. cũng như Nguyễn Văn T. giờ đây đều tham gia vào lực lượng bảo vệ dân phố của phường Thanh Khê Đông. Chia sẻ về quá khứ của mình, Văn Anh T. bày tỏ hối hận về những hành vi đã gây ra. “Thời điểm đó bản thân không đủ chín chắn để giải quyết mọi vấn đề mà chỉ biết dùng hành động. Bây giờ trải qua quá trình giáo dục, cảm hóa thì bản thân đã có sự thay đổi, bình tĩnh và chín chắn hơn trong suy nghĩ”, Văn Anh T. trần tình.

Cả Nguyễn Văn T. và Văn Anh T. đều bày tỏ sự biết ơn đối với những chiến sĩ Công an phường Thanh Khê Đông về sự giúp đỡ, động viên trong thời gian qua. “Chúng em cảm thấy các anh trong phường rất cởi mở, nhiệt tình giúp đỡ để chúng em có thể vượt qua khó khăn, hòa nhập với cộng đồng cũng như hòa nhập với lực lượng dân phòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ,…”, anh Nguyễn Văn T. chia sẻ.

“Mục tiêu của chúng ta là làm sao những công dân đã từng có tiền án, tiền sự về tái hoà nhập cộng đồng, có việc làm ổn định cùng với gia đình góp phần xây dựng tổ dân phố, xã phường lành mạnh”, Thượng tá Trần Văn Tám, Trưởng Công an Q. Thanh Khê, chia sẻ.

Để đạt được những kết quả tích cực, đáng tự hào như trên, thời gian qua, Công an phường Thanh Khê Đông đã nỗ lực cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn trong việc giáo dục, cảm hóa và từng bước thực hiện biện pháp “mưa dầm thấm lâu” để cảm hóa những người từng là nguy cơ của xã hội trở thành những điểm sáng, những người có ích cho xã hội.

Theo Trung tá Phạm Thanh Sơn, Trưởng Công an phường Thanh Khê Đông, thực tiễn cho thấy công tác tái hòa nhập cộng đồng là một quá trình khó khăn, phức tạp và lâu dài. Ngay từ ban đầu, khi được phân công kèm cặp, giúp đỡ, hỗ trợ cho người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng còn gặp một số khó khăn như nhận thức của mọi người về công tác tái hòa nhập cộng đồng chưa thực sự đúng, còn có sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người từng có quá khứ vi phạm pháp luật. Họ chưa thực sự mở lòng, chưa thực sự tin tưởng đối với những người từng có tiền án, tiền sự.

Về phía người chấp hành xong án phạt tù, do quyền và lợi ích hợp pháp của họ chưa được thực hiện nghiêm túc nên còn mặc cảm, tự ti và cũng chưa thấy hết được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với cộng đồng và xã hội. Thời gian đầu, khi tiếp xúc trực tiếp với các em thì còn có tâm lý đề phòng, e ngại, chưa thực sự cởi mở, chia sẻ những vấn đề khó khăn, vướng mắc cũng như tâm tư nguyện vọng của mình nên việc tiếp cận và giúp đỡ còn khó khăn hơn. Đa số các em khi vừa chấp hành xong án phạt tù hoặc giáo dục quản lý tại địa phương đều không có công việc làm ổn định, mà nhàn cư thì vi bất thiện, nên điều này là một trong những nguy cơ dẫn đến tái vi phạm pháp luật của các em.

Nhiều trường hợp sau khi đã chấp hành xong án phạt đã tham gia vào lực lượng tuần tra 8394, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Nhiều trường hợp sau khi đã chấp hành xong án phạt đã tham gia vào lực lượng tuần tra 8394, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Vượt qua những khó khăn trên, Công an phường Thanh Khê Đông thông qua các buổi tuyên truyền, tọa đàm, hội nghị hay các buổi tiếp xúc họp tổ dân phố thường xuyên phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác tái hòa nhập cộng đồng, để từ đó cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ, kèm cặp những người tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ định kiến đối với họ. Thường xuyên thăm hỏi, gặp gỡ bản thân các em và gia đình các em để trò chuyện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em. Dùng chính sự chân thành để tạo thiện cảm và dành lấy sự tin tưởng của các em, từ đó các em dần dần cởi mở hơn, mở lòng hơn, bớt e ngại hơn.

Đa dạng hóa các biện pháp hỗ trợ về kiến thức pháp luật, hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương. Tuyên truyền vận động các em tham gia vào các công tác xã hội tại địa phương. Kịp thời khen thưởng, hỗ trợ, tặng quà cho các em vào các dịp lễ, tết hoặc đột xuất khi các em đạt được những thành tích đáng khích lệ. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự nhiệt tình của người tiếp cận, giúp đỡ, kèm cặp người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sự tiên phong đi đầu của Cấp ủy, Ban chỉ huy Công an phường trực tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ các em.

Trung tá Phạm Thanh Sơn cho rằng việc quản lý, giáo dục người tái hòa nhập cộng đồng giúp người chấp hành xong hình phạt tù có khả năng thích ứng nhanh hơn với cuộc sống xã hội, rút ngắn thời gian hòa nhập cộng đồng. Đồng thời giúp họ có điều kiện tạo lập cuộc sống của bản thân, trở thành người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý, giáo dục người tái hòa nhập cộng đồng cũng sẽ góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và ngăn ngừa tình trạng tái phạm.

Đánh giá về kết quả trong công tác hỗ trợ tái hóa nhập cộng đồng đối với những người hợp đã chấp hành xong án phạt tù của Công an phường Thanh Khê Đông, Thượng tá Trần Văn Tám, Trưởng Công an Q. Thanh Khê, cho biết những kết quả của Công an phường Thanh Khê Đông đạt được là rất đáng hoan nghênh và ghi nhận. Trong thời gian tới, cách làm của Công an phường Thanh Khê Đông sẽ được nhân rộng trên địa bàn Q. Thanh Khê.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top