Aa

Kỳ 1: Cuộc thoát hiểm “vụ trốn thuế lớn nhất thế kỷ”

Thứ Tư, 24/08/2016 - 11:09

Cho đến nay, khi nhớ lại chuyện này, tôi vẫn thầm khâm phục những doanh nhân Việt Nam ấy. Họ thông minh, tài giỏi, bản lĩnh và mạo hiểm một cách trí tuệ. Rồi họ lâm vào một hoạn nạn chưa từng xảy ra, đó là bị buộc tội trước Quốc hội trong “vụ trốn thuế lớn nhất thế kỷ”, rồi họ thoát hiểm và hoàn toàn vô can...

Kỳ 1: Thông tin “khủng” tại diễn đàn Quốc hội

Một ngày cuối năm 1992, trên diễn đàn Quốc hội, Chánh Thanh tra Chính phủ Nguyễn Kỳ Cẩm đã thông báo một tin động trời, rằng Công an Hà Nội vừa phát hiện một vụ trốn thuế với số tiền lớn chưa từng có, khoảng 21,5 tỷ đồng, ở một Công ty tư nhân có tên là 3C.

Ngay ngày hôm sau, nhiều tờ báo lớn trong nước, thậm chí cả ở nước ngoài, đã đăng tải thông tin này với những dòng tít giật gân, nào là “phát hiện vụ trốn thuế lớn nhất thế kỷ”, nào là “Công ty 3C trốn thuế 21,5 tỷ đồng”...

Tôi khi ấy đang là Tổng biên tập báo Doanh Nghiệp thuộc Hội đồng trung ương lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (sau đổi tên thành Liên minh HTX Việt Nam) cũng choáng váng vì thông tin này, và tin rằng, đó có thể là dấu chấm hết cho một sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, đó là Công ty 3C.

Thực ra, tôi chưa đến Công ty 3C bao giờ, cũng chưa gặp bất cứ lãnh đạo nào ở doanh nghiệp này, nhưng tên tuổi của họ thì đã nổi như cồn. Đó là một doanh nghiệp ra đời từ ý tưởng của một số cán bộ làm khoa học hoặc đã từng công tác trong bộ máy Nhà nước, như anh Bùi Huy Hùng học ở Liên Xô về, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty XNK của Bộ Nội Thương, Nguyễn Quang A, tiến sĩ tin học ở Hungari về, anh Nguyễn Minh Song... Họ có nhiều thương vụ đình đám trong việc xuất khẩu máy tính sang Liên Xô, đã từng ứng tiền mua 6 máy bay TU hiện đại cho Vietnam Airlines, lại có một Văn phòng cực “oách” ngay phố Tràng Tiền hồi bấy giờ...

Thời ấy, việc ra đời của một công ty tư nhân là rất khó khăn, nhưng để tồn tại và phát triển còn khó khăn hơn nhiều. Đến cái xe ô tô cùng ra sân bay Nội Bài, xe biển xanh thì được vào, còn xe biển trắng phải đỗ tít ngoài xa. Không chỉ trong bộ máy chính quyền mà cả trong tâm lý xã hội còn nặng trĩu sự kỳ thị về các doanh nghiệp tư nhân.

Vì thế, cho dù có thành đạt đến mấy, nếu vướng vào “vụ trốn thuế lớn nhất thế kỷ” thì gần như cầm chắc sập tiệm.

Tuy nhiên, “vụ trốn thuê” này lại hấp dẫn tôi ở một góc độ khác, đó là phải những người tài ba mới có thể kiếm ra một nguồn lợi nhuận khổng lồ như thế. Vậy họ là những ai, mặt mũi như thế nào, làm cách nào để mang lại một nguồn lợi nhuận đến 43 tỷ đồng, tương đương với 7.000 cây vàng hồi bấy giờ, để rồi dẫn đến việc trốn thuế lợi tức doanh nghiệp 50%, bằng 21,5 tỷ đồng? Tôi tin chắc rằng cho đến lúc này, họ đủ khôn ngoan để tự bảo vệ mình bằng cách minh bạch thông tin.

Tôi liền rủ nhà báo Phương Quang ở báo Thương Mại sang tận Công ty ở ngõ 4A Lý Thường Kiệt để tìm hiểu...

Và thời gian dần qua đi, mọi sự việc cứ dần dần vỡ ra, thành một câu chuyện gần như huyền thoại mà tôi kể lại dưới đây, qua những tài liệu mà tôi đã được đọc, qua các câu chuyện mà tôi tích cóp từ những người trong cuộc...

Câu chuyện về thương vụ lãi “khủng” lại bắt đầu từ một người mà vài chục năm sau, hầu như ai cũng biết tên, đó là Nguyễn Đức Kiên, tức “Bầu Kiên” hoặc “Kiên tóc bạc”, hồi đó khoảng 26-27 tuổi, đang làm trợ lý Tổng giám đốc Công ty may Thăng Long (hình như tôi không nhớ rõ lắm, là cấp dưới của Tổng công ty Dệt May Việt Nam – Cofextimex).

Khi đó, Liên Xô tan rã, nguồn cung cấp sợi cho công nghiệp dệt may của Việt Nam bị đình trệ. Nhiều nhà máy có nguy cơ đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Câu chuyện sau đây là do người bạn tôi, anh Bùi Huy Hùng, lúc ấy là Tổng giám đốc Công ty 3C, kể lại.

“...Chuyện bắt đầu diễn ra vào khoảng đầu nửa cuối năm 1990, vào một buổi tối, anh Quang A và Phan Tô Giang - một kỹ sư máy tính đang làm việc với anh Quang A - dẫn theo một anh chàng thấp lùn, đậm người đến nhà tôi ở phố Cao Bá Quát. Vừa gặp tôi ở sân, anh Quang A giới thiệu người lạ là Nguyễn Đức Kiên, từng học ở Hungari, bạn của Phan Tô Giang, hiện đang làm trợ lý cho anh Hồng, Tổng giám đốc Công ty may Thăng Long. Cậu Kiên có một ý tưởng rất hay và muốn chúng tôi cùng chia sẻ ý tưởng, hợp tác với cậu ta.

Ba chúng tôi đứng nói chuyện ngay ở sân nhà tôi. Khi đấy, điều làm tôi ngạc nhiên là một cậu thanh niên, chắc là chưa đến 30 tuổi, mặt trông hơi già (sau này tôi còn phát hiện ra khi đó cậu ta chỉ mới 26 tuổi) hết sức tự tin, không để anh Quang A giới thiệu, cậu ta đã nhanh chóng trình bày một cách rất rõ ràng về phương án kinh doanh của mình.

Tôi còn ngạc nhiên ở chỗ, một cán bộ không có chức vụ cụ thể ở một tổ chức Nhà nước mà vào lúc chiều tối, ngoài giờ làm việc lại tự tin đi gặp anh Quang A rồi đi tìm tôi bàn việc làm ăn với hợp đồng dự kiến cả vài chục triệu rúp chuyển nhượng, một số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Cách đặt vấn đề, địa điểm để nói chuyện, thành phần tham gia để thảo luận…, có lẽ cũng không bình thường giống như đám cò mồi tính chuyện làm ăn.

Không hiểu sao, lúc bấy giờ tôi lại tin là có thể làm ăn được với công ty mà theo lời giới thiệu, cậu ta là người đại diện cho Tổng giám đốc. Có thể là bởi vì lúc bấy giờ, chúng tôi đang có một số lượng rúp chuyển nhượng rất lớn trong tài khoản và cũng đang tìm mọi cách để biến số tiền đó thành hàng hóa hoặc tiền Việt Nam.

Chúng tôi đã kéo nhau ra một quán café ở ngã ba Cao Bá Quát – Nguyễn Thái Học bàn chi tiết về phương án kinh doanh mà tôi thấy rất hấp dẫn. Mọi việc sau đó tiến triển rất thuận lợi và rất nhanh. Tôi và anh Quang A thống nhất với nhau về nguyên tắc, chúng tôi sẽ lo toàn bộ tài chính cho việc nhập khẩu sợi. Chúng tôi còn phớn đến mức tuyên bố với cậu ta là số lượng tiền không hạn chế, còn việc của phía Nguyễn Đức Kiên và công ty của cậu ta là lo lượng hàng hóa nhiều nhất có thể, chủ yếu là sợi để nhập khẩu về Việt Nam, miễn là sợi và các hàng hóa ấy có thể tiêu thụ được.

Sở dĩ phải nói như vậy là vì cả tôi và anh Quang A đều biết sợi là để dệt vải, nhưng nhập sợi loại gì, nhập về rồi bán cho ai, bán như thế nào thì chúng tôi hoàn toàn không có khái niệm. Có điều, chúng tôi rất tự tin mình hoàn toàn lo được về tiền trong sơ đồ kinh doanh máy tính mà chúng tôi đã khởi động thuận lợi...”.

Đón đọc kỳ sau: “Hiện tượng 3C”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top