Lời tòa soạn
Đầu tháng 12/2018, tại kỳ họp thứ 7, khóa 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.
Tiếp đó, ngày 10/12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực 1 hệ thống di tích kinh thành Huế. Đây là Khung chính sách đặc biệt chưa từng có, mở được nhiều nút thắt vốn làm tắc nghẽn hàng thập kỷ với công cuộc di dân, bảo tồn, tu bổ Kinh thành Huế.
Sau hàng thập kỷ sống tạm bợ trong Kinh thành Huế, từ cuối năm 2019 cuộc di dân lịch sử ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế được triển khai. Hàng ngàn hộ dân dần được chuyển đến nơi ở mới. Di tích được “cởi trói”, những ngôi nhà trong mơ trên thửa đất tiền tỷ được dựng nên trên những khu dân cư mới mà chủ nhân là những người dân từng sống vá víu trên kinh thành…
Nếu xem Huế là một tuyệt tác về “bài thơ đô thị” thì đời sống người dân, cảnh quang khu vực 1 Kinh thành Huế là những góc khuất, gam màu u uất ẩn mình bên trong “tuyệt tác” đó.
Di sản, phận người…
Kinh thành Huế là nơi định đô của các triều vua Nguyễn, được khảo sát, xây dựng vào thời vua Gia Long (1805), hoàn chỉnh vào thời vua Minh Mạng (1832). Hiện nay Kinh thành Huế có vị trí có thể hình dung là một khu vực rộng lớn bao gồm các vùng dân cư, di tích, danh thắng, sinh cảnh… bao trùm lên một phần diện tích tự nhiên rộng lớn thuộc nhiều phường ở phía bắc sông Hương.
Theo sử liệu, từ thời vua Khải Định trở đi, tình hình dân cư bên trong thành Nội mới phát triển. Nhưng phải sau khi kết thúc triều Nguyễn và cũng là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam năm 1945, mới có sự tăng nhiều về số lượng người dân sinh sống ở khu vực kinh thành.
Đặc biệt, thập niên 1970 và những năm 1980, do ảnh hưởng bởi thiên tai, chiến tranh mà một bộ phận lớn người dân ồ ạt di tản đến sinh sống ở ngay trên Thượng Thành, Eo Bầu hay dọc tuyến Phòng lộ, Hộ Thành hào thuộc khu vực 1 của Kinh thành Huế. Cho đến nay con số này đã lên đến hàng ngàn hộ, thuộc rất nhiều phường như Thuận Thành, Thuận Hòa, Thuận Lộc, Tây Lộc, Phú Thuận, Phú Bình…, trong đó phần lớn người dân không có giấy tờ sở hữu đất đai hợp pháp.
Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích kinh thành Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đầu năm 2019 với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng.
Như nhiều hộ gia đình khác, từ khoảng 50 năm trước bố mẹ bà Trần Thị Gái, 57 tuổi, ở kiệt 92 đường Ông Ích Khiêm đã lên làm nhà ở khu vực Eo Bầu thuộc khu vực 1 hệ thống Kinh thành Huế. Họ có 11 người con, phần nhiều sinh ra, lớn lên ở di tích này. Một nửa chị em bà Gái khi lớn lên, có vợ có chồng thì lấn ra di tích, dựng thêm những túp lều san sát nhau, ở thành một đại gia đình có nhiều nóc nhà mà không tấm giấy pháp lý gì.
Bà Gái lấy chồng được bố mẹ dựng cho túp lều bên cạnh rồi sinh lần lượt 3 người con, nhưng ai cũng ốm o gầy gò, bệnh tật, tuổi đã lớn mà không có khả năng lao động. Năm 2013 bà Gái mất người con đầu tiên, năm 2018 người chồng bà cũng về với tổ tiên do bệnh tật. Một mình bà Gái lượm chai bao bán nuôi hai người con còn lại, cả 2 đều bệnh tật. Ngôi nhà chừng 15m2 có chiếc bàn thờ Phật phía trước, phía sau thờ chồng và con. Nhà nhỏ không làm được nhà vệ sinh nên mẹ con bà Gái dùng bô. Thứ quý giá nhất và xa xỉ nhất trong ngôi nhà bà Gái có lẽ chính là… ánh nắng mặt trời!.
Đầu năm 2020, khu hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 xây dựng khu dân cư mới dành cho bà con ảnh hưởng dự án hoàn thành với gần 520 lô đất ở phía bắc phường Hương Sơ, TP. Huế được hoàn thành, bàn giao cho người dân. Cuộc di dân lịch sử khu vực 1 Kinh thành Huế bắt đầu, trong đó có 28 hộ dân nghèo được ưu tiên, giảm 50% tiền đất và tài trợ 100% tiền xây nhà bằng nguồn xã hội hóa. Tháng 4/2020, 25/28 căn nhà cho dân nghèo Thượng Thành ở khu dân cư mới bên đường Tản Đà, phường Hương Sơ, phía bắc TP. Huế hoàn tất, đích thân ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đến trao từng chiếc chìa khóa cho bà con ngay di dân đợt đầu.
Bà Gái bùi ngùi bước vào ngôi nhà mới. Bỗng chốc trên gương mặt kham khổ lệ nhòa chứa chan. Hỏi ra mới hay hai người con còn lại của bà Gái, người con trai đã không kịp cùng mẹ và chị bước vào ngôi nhà ước mơ ấy. Sau 21 năm sinh ra, lớn lên trong ngôi nhà thừa tối thiếu sáng, đón Canh Tý xong thì anh đã qua đời vì bệnh tật trước khi cùng mẹ và chị nhận được chiếc “chìa khóa vàng”.
Khép lại trang sử buồn
Năm 1993, Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa thế giới đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử quan trọng của hệ thống các di tích triều Nguyễn, trong đó có khu vực 1 Kinh thành Huế. Tự hào, nhưng bao thách thức đặt ra về công tác khoanh vùng, bảo vệ di tích.
Trong giai đoạn 1996 - 2018, có hơn 1.000 hộ dân tại các khu vực hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ và Thượng Thành, Eo Bầu phía Nam kinh thành được di dời để bảo tồn, tôn tạo các di tích nằm ở khu vực 1 Kinh thành Huế. Tuy nhiên trong hơn 20 năm cũng đã nảy sinh sự gia tăng “cơ học” về dân số ở những di tích nơi khác ngay trong khu vực 1 kinh thành Huế.
Sự gia tăng về dân số trong khi di tích được thắt chặt quản lý đã nảy sinh hai vấn đề: hoặc là lấn chiếm vài tái lấn chiếm để xây dựng nhà ở, công trình dân sinh dân dụng, hoặc là người dân chấp nhận sống bức bách, ngột ngạt trong những khu nhà “ổ chuột” trên kinh thành Huế. Tình trạng này đã khiến bao phận đời tiếp nối lửng lơ theo sự bào mòn di tích.
Nếu tính từ khi Huế triển khai trùng tu Kỳ đài (thuộc hệ thống kinh thành, trước đại nội Huế) từ 1995, lúc ấy có 1.838 hộ dân ở khu vực 1 kinh thành Huế thì đến năm 2018, đã có hơn 4.200 hộ dân, với hơn 20.000 nhân khẩu. Toàn bộ gần 2 vạn người sẽ được quyết tâm di chuyển rời khỏi di tích kinh thành đến khu dân cư mới, trong đó giai đoạn 1 dự kiến kết thúc năm 2021 với hơn 1 vạn người, 2.938 hộ ở Thượng Thành, Eo Bầu, Tuyến Phòng lộ, Hộ Thành hào được di dời.
“Tôi đi khảo sát thấy cuộc sống bà con vô cùng khó khăn, nhiều gia đình 3 - 4 thế hệ ở chung trong một nhà. Nhưng bà con không thể cơi nới, mở rộng để làm nhà vì pháp luật đã quy định. Bây giờ là ra đi, quyết tâm, đến nơi mới bà con có cuộc sống mới, nơi ở mới chắc chắn tốt hơn so với nơi ở cũ. Được như thế chính là nhờ Khung chính sách mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đây là điều hết sức quan trọng.…” – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ bộc bạch trong cuộc gặp mặt bà con vùng Thượng Thành trước khi bắt đầu cuộc di dân lịch sử.
(Kỳ 2: Giải phóng di tích, thay đổi phận người: Những ngôi nhà khang trang, trong đó có rất nhiều dãy nhà 2 - 3 tầng được dựng nên. Chủ nhân của nó chính là những người vừa rời những ngôi nhà tuềnh toàng, xộc xệch ở Thượng Thành, Kinh thành Huế).