Aa

Kỳ 2: Cần mẫn ở Mường Lay, may mắn đất bạn Lào

Thứ Hai, 22/01/2018 - 20:00

Trong suốt 3 năm điều động 1/2 lực lượng thi công vào nước bạn Lào, Lê Thanh Thản đã gặt hái được nhiều thành công, để lại những công trình đầy ấn tượng tốt đẹp. Tính tổng cộng trong 3 năm ấy, số hợp đồng mà ông Thản ký kết thi công với các bạn Lào lên tới 1,5 tỷ USD.

“Việt - Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”

Đó là câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về mối tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt - Lào đã được thử thách hơn 50 năm qua, câu thơ mà dường như người Việt Nam nào cũng biết. Quê Nghệ An của ông Thản giáp nước bạn Lào là tỉnh Xiêng Khoảng và các huyện Mường Xén, Quỳ Châu, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông mà chắc người lính như ông Thản thì biết rõ. Khi ông Thản lên Lai Châu thì có huyện Mường Nhé (nay thuộc tỉnh Điện Biên) lại giáp với huyện Phong Sa Lỳ, nước bạn Lào. Đó phải chăng là một cơ duyên của người lính, người nông dân xứ Nghệ?

Tại sao lại nói về kỳ tích của ông Lê Thanh Thản trên đất Lào? Bởi ông Thản có hai thời điểm làm ăn trên đất nước bạn Lào anh em, đó là  năm 1995 ở huyện Phong Sa Lỳ và 21 năm  sau, năm 2015 ở Thủ đô Viên Chăn. Mỗi thời kỳ đều ghi những dấu ấn có tính chất quyết định cho con đường lập nghiệp, vươn xa của Tập đoàn Mường Thanh.

Nếu như các doanh nhân Việt Nam thành đạt như các ông Phạm Nhật Vượng của Vingroup, Lê Viết Lam của Sun Group, Nguyễn Cảnh Sơn của EuroWindow… khởi nghiệp từ các nước Đông Âu để rồi mang tiền về nước đầu tư thì Lê Thanh Thản là ngoại lệ. Dường như những tích lũy lớn đầu tiên của ông được thực hiện ở nước bạn Lào, là ở huyện Mường Lay giáp với huyện Phong Sa Lỳ - cực bắc của nước Lào. Mường Lay, Lai Châu thuở ấy, nơi Lê Thanh Thản được cất nhắc Phó văn phòng huyện ủy.

Lại nói về thời gian ông Thản làm Phó văn phòng huyện ủy. Theo tư liệu của nhà báo Phan Thế Hải thì: tính ông Thản không hợp với nghề “bàn giấy” buộc chân 4 chân bàn! Lính chiến thích kinh doanh nên đầu năm 1984, Lê Thanh Thản xin được làm kinh tế theo chủ trương của Đảng là đảng viên gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế tư nhân. Ông lập xưởng sản xuất vật liệu xây dựng sản xuất vôi, gạch, ngói xi măng cung cấp cho bà con miền núi và các cơ quan có nhu cầu. Ông cũng thành lập tổ xây dựng nhận các công trình xây dựng nhỏ như: nhà dân, trạm công an, đồn biên phòng, thủy lợi nhỏ, trường học nhỏ cho các bản.

Ông Lê Thanh Thản

Ông Lê Thanh Thản

Thời kỳ này cực kỳ khó khăn về vốn, dân miền núi nghèo, họ không có tiền mặt. Lê Thanh Thản đã áp dụng cơ chế linh hoạt: xây nhà cho dân, bán vật liệu đổi lấy trâu, bò, vàng, bạc…, những thứ có thể quy ra tiền. Cùng với đó, ông còn tổ chức thu mua trâu, bò, lợn, gà cho dân và mang ra cửa hàng bách hóa đổi lấy các mặt hàng thiết yếu khác cung cấp cho các bản vùng sâu vùng xa. Ông còn tự sản xuất vật liệu như vôi, gạch, cát, đá, rọ thép…. cung cấp cho các công trình nhận được. Đây là cơ chế linh hoạt được áp dụng xuyêt suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, ông cũng đã gặp không ít khó khăn về vốn, trắc trở do cơ chế Nhà nước trói buộc và nhận thức lạc hậu của cán bộ thời đó.

Mường Lay hồi đó gồm những bản nhỏ chênh vênh bên sườn núi, mỗi bản có dăm bảy chục nóc nhà, chủ yếu là nhà sàn, vách thưng phên, gỗ mái lợp tranh. Những ngôi nhà như vậy chỉ yên ổn trong điều kiện bình thường, nhưng khó lòng chống đỡ trước những biến động của thiên tai. Một cơn lốc có thể xô đổ cả chục nóc nhà, lại còn lũ quét, thỉnh thoảng cuốn đi dăm bảy nóc là chuyện bình thường. Đó là chưa nói đến chuyện hỏa hoạn. Tập quán người miền núi vẫn hay đốt lửa ở giữa sàn vào mùa đông. Những đống lửa ở giữa nhà như vậy rất dễ gây hỏa hoạn, đặc biệt là trong thời tiết hanh khô. Nhận thức được tính ưu việt của mái ngói, cửa nhà kiên cố, Lê Thanh Thản đã lên kế hoạch sản xuất gạch pa-panh và dập ngói xi măng để ngói hóa cho các làng bản quanh vùng.

Vật liệu xây dựng rất khan hiếm, lại khó vận chuyển do chính sách ngăn sông cấm chợ. Bằng các mối quan hệ của mình, ông đã mua được 30 tấn xi măng từ miền xuôi, thuê xe của tỉnh đội chuyển về Mường Lay để làm ngói xi măng phục vụ chính sách “ngói hoá nông thôn miền núi”. Số lượng vật liệu ấy, giờ thấy không lớn nhưng cách đây hơn ba chục năm, đó là cả một tài sản. Hơn thế lại tập kết lên được miền thâm sơn cùng cốc như Mường Lay.

Một buổi sáng, đội quản lý thị trường ập đến lập biên bản, ra lệnh tịch thu lượng xi măng trên với lý do là “đầu cơ tích trữ”, mầm mống của tư bản trỗi dậy. Họ chất vấn ông móc ngoặc từ đâu? Cất trữ nhiều thế để làm gì, có phải nhằm đầu cơ kiếm chênh lệch giá? Với số lượng xi măng đó, nếu có mua ngoại tỉnh được thì khi vận chuyển cũng không lọt qua được các trạm kiểm soát dọc đường. Vậy mà Lê Thanh Thản đã gom được số hàng đó cũng là một kỳ tích và thách thức cơ quan Nhà nước là quản lý thị trường.

Thực ra, hồi đó, phía hạ lưu sông Đà đang là đại công trường thủy điện Hòa Bình, mọi nguồn lực của đất nước đều dồn cho công trình trọng điểm. Thời cao điểm, nơi đây từng có hơn 50 ngàn người làm việc. Bằng cách thu gom hàng nông sản của bà con các vùng thôn bản, ông Thản mang về Hòa Bình đổi lấy xi măng. Để qua được các trạm kiểm soát, ông Thản nhờ xe bộ đội biên phòng vận chuyển. Ông quan niệm: Việc gì có lợi cho dân thì làm. Tuy nhiên, với chính quyền thì điều quan trọng nhất là giữ được định hướng và không cho mầm mống tư bản trỗi dậy. Một số người coi tội danh này thật kinh khủng. Khỏi cần chứng lý, khỏi cần cáo trạng, khỏi cần tòa án, chỉ với một kết luận như vậy là có thể bị tịch thu tài sản, bắt tạm giam chủ nhà mà không ai có thể can thiệp. Trước sự rắn tay đó, Lê Thanh Thản đã tha thiết trình bày: tài sản, hàng hóa của tôi, mua bán có nguồn gốc hẳn hoi, phục vụ chương trình ngói hóa nông thôn, gắn với quyền lợi của người dân, các đồng chí không thể tịch thu được! Nếu thu là tôi sẽ kiện!

Trước thái độ kiên quyết đó, lực lượng quản lý thị trường phải lùi bước và mời ông lên trụ sở Ủy ban huyện để làm việc. Tại đó, ông đã trình bày thực trạng của bà con miền núi và mong muốn của ông muốn sản xuất vật liệu phục vụ chương trình ngói hóa nông thôn. Lãnh đạo huyện thấy hợp lý đã tạo điều kiện cho ông tiếp tục dự án.

Có vốn liếng cần mẫn gom nhặt được, năm 1992 đánh dấu sự kiện Lê Thanh Thản chính thức bước vào con đường doanh nhân đầy chông gai, đó là thành lập xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Lai Châu (sau này tách tỉnh đổi tên là Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên).

Càng ngẫm thấy ông Thanh Thản từ ngày lập nghiệp lại chẳng thanh thản chút nào. Giữa cơ chế mới và cơ chế cũ, người nào đi tiên phong thường gặp những rắc rối như vậy cả. Có người thì chùn bước, có người rơi vào vòng khổ ải, thậm chí có người rơi vào vòng lao lý. Còn Lê Thanh Thản, một người lính chiến can trường, một người Nghệ “gan sắt” thì thuyết phục được cấp trên, thuyết phục được cơ quan quản lý. Phải chăng đó là may hơn khôn? Cũng có thể người ta thấy hiệu quả của cách ông làm thoát nghèo, giúp được nhiều người dân tộc thiểu số nên được ngầm ủng hộ. Thế cũng là may lắm. Nhưng tôi nghĩ, có thể Lê Thanh Thản chính là nhờ những tư tưởng đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế của Đảng ta đang manh nha trong thực tiễn để góp cho đường lối đổi mới toàn diện từ Đại hội VI của Đảng mùa xuân năm 1986!

Cũng nhờ thế mà con đường “tiến quân” qua nước bạn Lào của ông Thản đã gặp thuận lợi cả phía ta và phía bạn! Cửa khẩu Tây Trang ngày ấy tất nhiên là heo hút nhưng lại có vai trò rất quan trọng với Lào, đặc biệt là với tỉnh Phong Sa Lỳ cực Bắc nước này. Từ Tây Trang, theo quốc lộ 42 của Lào vượt qua gần 200 cây số nữa sẽ tới cố đô Luông Pra Băng, nơi ẩn chứa nền văn minh rực rỡ của đất nước triệu Voi. Đi tiếp với quãng đường tương tự sẽ tới Bò Kẹo, sang đất Chiang Mai của Thái Lan.

Phong Sa Lỳ là tỉnh miền núi heo hút nên hầu hết những hàng hóa tiêu dùng cơ bản đều được cấp từ Việt Nam sang qua cửa khẩu Tây Trang. Mùa mưa 1995 ấy, toàn bộ tuyến đường 70km từ cửa khẩu Tây Trang đi Mường Khoa bị lở núi, tê liệt giao thông hoàn toàn, hàng hóa khan hiếm, thị trường rối loạn. Tình thế cấp bách, đoàn cán bộ tỉnh trưởng Phong Sa Lỳ phải đi bộ sang Điện Biên nhờ thông tuyến. Là doanh nghiệp đầu đàn có năng lực số một của tỉnh, ông Thản được tỉnh chọn giao nhiệm vụ thông tuyến giúp bạn Lào trong vòng 30 ngày. Nhiệm vụ tưởng như bất khả thi.

Ông Thản nghĩ: “Có khó họ mới nhờ mình”. Vậy là ông nhận lời và kéo quân sang bên đó. Trước khi xuất quân, ông quán triệt với các cộng sự rằng: “Ta đã được chọn thầu, việc rất khó, ta đã cưỡi lên lưng hổ, nếu tụt xuống hổ cũng cắn chết! Phải tổ chức thi công tốt để vừa có doanh thu vừa có uy tín cho các công trình tiếp theo”.

Thế là Xí nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu đã huy động toàn lực của mình gồm hơn chục xe ủi, 5 xe xúc, hàng trăm cán bộ kỹ thuật và lao động tay nghề, đủ sức khỏe và kỷ luật vào chiến dịch này. Với tinh thần quyết tâm, ông đôn đốc quân sỹ làm cấp tập 3 ca/ngày, theo tinh thần của chiến sỹ Điện Biên năm xưa: “Khoét núi, ngủ hầm mưa dầm cơm vắt”. Trong cái thiếu thốn ở chốn rừng sâu, cùng với những sáng tạo trong thi công, chỉ sau 15 ngày, toàn tuyến Mường Khoa - Cửa khẩu đã được thông xe. Tỉnh trưởng Mạy En vui mừng bắt tay và nói hùng hồn: “Cám ơn bạn, bạn đã làm đẹp cho tôi và hứa sẽ bàn với các cơ quan chức năng khác tiếp tục mời bạn sang thi công tiếp một số công trình trụ sở làm việc tại thị xã Phong Sa Lỳ nữa”.

Cắt băng khai trương Khách sạn Mường Thanh Luxury Vientiane

Sau khi đã có tập đoàn khách sạn cao cấp hùng hậu trong nước, ông Lê Thanh Thản quay lại đất nước Lào và xây một khách sạn 5 sao ở Thủ đô Viên Chăn, khánh thành giữa năm 2016.

Từ sự tín nhiệm này, tỉnh trưởng Phong Sa Lỳ đã giao tiếp cho ông Thản thông tuyến 109km Bản Rọ - Bun Nưa, rồi giao mở mới đường Mường Xẳm Phằn 52km, xây mới cửa khẩu Xốp - Hùn, xây mới trụ sở của tỉnh, làm 70km đường cấp phối cùng công trình thoát nước từ  Mường Khoa - Cửa khẩu Tây trang… Công trình nào được giao, ông cũng làm với sự thần tốc, chất lượng đảm bảo khiến nước bạn Lào rất hài lòng, nể phục và tin cậy.

Trong suốt 3 năm điều động 1/2 lực lượng thi công vào nước bạn Lào, Lê Thanh Thản đã gặt hái được nhiều thành công, để lại những công trình đầy ấn tượng tốt đẹp. Tính tổng cộng trong 3 năm ấy, số hợp đồng mà ông Thản ký kết thi công với các bạn Lào lên tới 1,5 tỷ USD. (Thấy con số lớn quá, mới đây, tôi hỏi ông Thản xác minh lại, ông gật đầu xác nhận). Tính sơ sơ nếu lãi gộp khoảng 30% thì công ty ông Thản đã thu về nửa tỷ USD. Còn nếu tiết kiệm được chi phí nhân công và nguyên vật liệu nữa, có thể ông Thản thu về xấp xỉ 1 tỷ. Chao ôi, số tiền ấy là lớn đến mức nào trong thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, nước ta đang bị bao vây cấm vận, gặp muôn vàn khó khăn. Bỗng nghĩ, có thể ông Lê Thanh Thản là doanh nhân đầu tiên của nước ta được gọi là “tỷ phú đô la chăng?”. Nhưng thôi, bây giờ thì bàn đến chuyện ấy làm gì. Tôi biết chắc tính ông Thản không thích vậy, vì ông chưa bao giờ thể hiện mình “Mít-tơ-oai!”. Chỉ có điều, thi thoảng rảnh rang, ông Thản tâm sự: "Cả cuộc đời làm nhà thầu, không đâu khổ bằng làm đường bên Lào nhưng đó cũng là thời kỳ sung sướng nhất. Khi đã tạo dựng được niềm tin, làm đến đâu lập hồ sơ quyết toán đến đó. Hồ sơ nghiệm thu được phê duyệt, ra kho bạc lấy tiền, đầy đủ, không thiếu một xu, không nợ đọng".

Khách sạn Mường Thanh Luxury Vientiane

Khách sạn Mường Thanh Luxury Vientiane

Có lẽ cảm động về tình cảm đó, sau khi đã có tập đoàn khách sạn cao cấp hùng hậu trong nước, ông Thản lại quay lại đất nước Lào và xây một khách sạn 5 sao ở Thủ đô Viên Chăn, khánh thành giữa năm 2016. Mường Thanh với biểu tượng con chim Đại Bàng trở thành một khách sạn sang trọng bậc nhất Thủ đô nước bạn với 300 phòng. Đó như là trách nhiệm ông tự “đảm nhận” với nước ta trong hỗ trợ nước bạn phát triển kinh tế, nhưng cũng như một tình cảm tri ân với đất nước bạn đã tin cậy, hỗ trợ ông từ khi ông khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng. Giống như người xứ Nghệ quê ông thường nhắc nhau qua câu hát dân ca “rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau…”.

Tích lũy vốn liếng kha khá từ Lào, ông Thản  kéo quân về Hà Nội chinh phục thị trường Thủ đô. Từ nhà thầu, ông trở thành nhà đầu tư. Đây là một câu chuyện khá dài, chúng tôi xin nói ở phần sau.

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3 loạt bài "Doanh nhân Lê Thanh Thản - một người Nghệ đặc biệt" trên reatimes.vn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top