Kỳ 2: Quản lý đất đai ở cấp xã, một lỗ thủng quan trọng!

Kỳ 2: Quản lý đất đai ở cấp xã, một lỗ thủng quan trọng!

Thứ Tư, 26/05/2021 - 06:58

Lời toà soạn

Gần đây, Reatimes nhận được thông tin phản ánh của người dân tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội về việc lấp sông suối để phân lô bán nền: “Nhà báo hãy về cứu người dân chúng tôi. Họ đang lấp sông, lấp suối để phân lô bán nền. Mùa lũ sắp đến, năm nay chắc chúng tôi sẽ một lần nữa trôi hết tài sản!”.

Yên Bài khoảng chục năm trở lại đây chưa lúc nào được “yên” vì những cơn “sốt" đất, "sốt" phân lô bán nền. Tình trạng quản lý đất đai không chỉ ở địa phương này mà cả các khu vực giáp ranh thuộc Ba Vì, Thạch Thất dường như đã và đang trở thành điển hình của việc buông lỏng quản lý đất đai.

Nhận thấy đây là sự việc đáng được lưu tâm, Reatimes xây dựng bài viết nhằm mục đích tìm hiểu cặn kẽ sự việc này và phản ánh tới quý độc giả những thông tin chân thực nhất. 

Trân trọng mời quý vị đón đọc!

Thất thoát tài sản đất đai luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ trong suốt nhiều năm qua. Hàng chục vụ đại án tham nhũng liên quan đến đất đai đã được phanh phui, hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được thu hồi. Lâu nay, nhiều người và cả hệ thống quản lý Nhà nước dường như mới chỉ quan tâm đến sự thất thoát nguồn tài sản công này nằm ở những đô thị lớn, những đại án ở cấp quốc gia, còn ở cấp xã, phường, thị trấn thì nhiều nơi bị buông lỏng.

Đứng ở trên cầu Sông Cò nhìn xuống vùng đất vàng tươi mới bị san lấp kia cỡ trên dưới 4.000m2, rồi nhẩm tính giá đất thị trường mà người dân sang tay đang nóng lên ở đây là từ 2 - 4 triệu đồng một mét vuông thì trị giá của nó đã trên dưới 10 tỷ đồng. Trên suốt ven con sông này còn nhiều chỗ bị lấn chiếm như thế, thử hỏi tài sản quốc gia thất thoát là bao nhiêu?

Lấp sông Cò ba vì phân lô bán nền

Nhẩm tính tại gần 11.000 xã, phường và thị trấn trên cả nước, nếu mỗi nơi lại tồn tại những “lỗ thủng” về quản lý tài sản công như vậy, thì tài sản quốc gia dù giầu có đến mấy cũng không thể chịu đựng nổi, chứ chưa nói nước mình còn đang rất nghèo, đang cần huy động nhiều nguồn lực để phát triển đất nước.

Chính vì thế, chúng tôi quyết định đi tìm tới ngọn ngành về việc buông lỏng quản lý đất đai tại những địa phương tựa như những “tế bào” của nền kinh tế đất nước, đó là cấp xã.

Như đã nói ở phần trên, con sông Cò chảy cắt ngang qua xã Yên Bài (huyện Ba Vì) và bên kia là xã Yên Bình (huyện Thạch Thất). Nó cũng là ranh giới của 2 xã và cũng là của 2 huyện.

Cấp sổ đỏ trái phép tại xã Yên Bình Thạch Thất

Theo lời ông Nguyễn Giáp Dần, Chủ tịch UBND xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về việc lập mới, bổ sung, chỉnh lý, cắm mốc địa giới hành chính thành phố, ngày 05/5/2017, Sở Nội vụ Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hiệp thương đường Địa giới hành chính giữa xã Yên Bình, huyện Thạch Thất và xã Yên Bài, huyện Ba Vì.

Kết quả của Hội nghị hiệp thương, là các hộ dân nay đang thực hiện lấn chiếm sông Cò đã thuộc địa phận lẫn quản lý của UBND xã Yên Bài.

Ông Dần cho hay, với hiện trạng như ngày nay thì xã "bó tay" vì nước sông không phạm nước giếng, không thể nào ra quyết định thay cho xã Yên Bài, huyện Ba Vì đối với những trường hợp cố tình vi phạm, lấn chiếm lòng sông ở... phía bên kia địa phận.

Vị Chủ tịch xã Yên Bình bức xúc cho biết, cũng chỉ vì các hộ dân lấn chiếm nằm tại bờ sông phía Yên Bình, nhưng lại thuộc sự quản lý của xã Yên Bài mà UBND xã Yên Bình lâu nay đã phải mang “tiếng xấu” rằng để cho tình trạng lấn chiếm sông Cò tiếp diễn.

Phía bên kia họ (xã Yên Bài) đang lấn hết cả. Hiện nay, nhân dân của xã Yên Bình đang thắc mắc rất nhiều, bởi khi lũ về mà bị chặn dòng, cả hai bên đều bị thiệt hại”, ông Nguyễn Giáp Dần bày tỏ quan điểm.

Về phía Yên Bài, ông Nguyễn Đăng Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài, huyện Ba Vì cho biết: “Khu vực đổ đất lấn chiếm ra lòng suối Cò thuộc dự án trường bắn Đồng Doi và hiện nay khu vực tái định cư cho người dân cũng nằm trong dự án. Một số hộ vi phạm chúng tôi đã kiểm tra, tại khu vực đầu nguồn dòng suối có một số hộ đổ kè, chúng tôi đã yêu cầu tạm dừng”.

Ông Bảy cũng cho biết, dòng suối Cò cũng nằm trong dự án trường bắn Đồng Doi. Đến nay, phía chủ đầu tư dự án là Trường Sỹ quan Lục quân 1 chưa bàn giao dự án cho chính quyền địa phương. Vì thế, công tác quản lý khu dân cư cũng gặp khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát việc người dân chấp hành các quy định pháp luật về đất đai.

Ảnh cầu sông Cò Ba Vì
Lấp sông Cò bán đất nền

Ông Bảy thừa nhận, đối với hành vi vi phạm trên thì cơ quan chức năng chưa ban hành quyết định xử phạt và cá nhân vi phạm cũng chưa khắc phục nguyên trạng ban đầu của dòng suối

Ông Bảy thừa nhận, đối với hành vi vi phạm trên thì cơ quan chức năng chưa ban hành quyết định xử phạt. Hiện tại, cá nhân vi phạm cũng chưa khắc phục nguyên trạng ban đầu của dòng suối. Bên cạnh đó, UBND xã Yên Bài cũng phát hiện và đề nghị tạm dừng việc đổ đất, thi công kè.

Chúng tôi đã ghi nhận những chia sẻ, ý kiến của ông Bảy về sự việc. Nhưng có một điều không thỏa đáng cần phải tìm hiểu tiếp, đó là ranh giới của dự án định cư tại chỗ của cụm cư dân Hòa Thuận có bao gồm cả những vùng đất đổ kè lấn chiếm hay không? Và kể cả việc vùng đất bị lấn chiếm đó cùng nằm trong khu dự án thì trách nhiệm quản lý liệu có còn thuộc về chính quyền địa phương?

Xã Yên Bài vi phạm quản lý sử dụng đất

Nếu với tình trạng không minh bạch về trách nhiệm ở cấp cơ sở này đối với tài sản quốc gia thì tình trạng đùn đẩy lẫn nhau là điều dễ hiểu và Nhà nước không có cách nào quản lý nổi.

Thực tế đã chứng minh, việc buông lỏng quản lý tài nguyên đất đai tại cấp xã ở huyện Ba Vì đã diễn ra một thời gian dài, ở nhiều nơi, không chỉ với hành vi lấn chiếm đất công như tại Yên Bài mà còn với những biểu hiện muôn hình muôn vẻ khác.

Chẳng hạn như các thông tin truyền thông phản ánh, thời gian gần đây, tại xã Cam Thượng, tình trạng tự ý hạ độ cao mặt ruộng để lấy đất bán cho các lò gạch tư nhân diễn ra khá phổ biến. Toàn xã có 15 lò gạch thủ công và 1 nhà máy gạch Tuynel đang hoạt động nhưng hợp đồng thuê khoán với UBND xã đã hết hạn. Vì thế, người dân ở những cánh đồng Hế, Ngả Ba, Đồng Nhét, Thim, Làng Giai… của xã Cam Thượng đã âm thầm khai thác đất mặt của ruộng khoán nhà mình đem bán.

Lấp sông Cò ảnh hưởng người dân sinh sống
 Hệ quả việc lấp sông Cò là mỗi lần mưa lũ đến, nhiều công trình, tài sản của người dân bị cuốn trôi và đẩy họ vào cuộc sống bần cùng

Còn ở xã Phú Sơn lại khác, với lý do chưa có quy hoạch, cấp phép khai thác mỏ đất, dẫn đến tình trạng khan hiếm đất để san lấp mặt bằng thi công hạ tầng kỹ thuật các dự án giao thông, nhà ở... Vì vậy, các chủ đầu tư, nhà thầu đã thu gom đất đồi của các hộ dân hạ nền đất, cải tạo vườn đồi, chuyển đổi cây trồng. Việc này đã "biến tướng" thành khai thác đất ồ ạt, dẫn đến các vùng đồi bị "băm nát," lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thậm chí có những điểm khai thác đất thiếu an toàn, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân…

Để xảy ra tình trạng như trên, vậy vai trò quản lý của huyện Ba Vì liệu có vấn đề gì chăng?

Thực ra, nếu nói về văn bản chỉ đạo thì Ba Vì không có sự lơi lỏng. Được biết, hồi tháng 7/2019, Huyện ủy Ba Vì đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/HU về việc: Tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai; xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Ba Vì. Trong đó nêu rõ: “Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Làm tốt công tác nắm tình hình tại cơ sở, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng ngay từ khi mới phát sinh; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị nào để xảy ra vi phạm trên địa bàn, lĩnh vực quản lý của mình mà không được xử lý kịp thời, kiên quyết thì phải chịu xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước”.

Vi phạm quản lý sử dụng đất tại Yên Bài Ba Vì

Có thể thấy ý chí của Chỉ thị đã rất kiên quyết, trách nhiệm định ra thì phân minh, nhưng thực tiễn xảy ra lại khác "một trời một vực". Như vậy, về lời nói thì không lơi lỏng mà sự lơi lỏng nằm ở phần việc làm, và chủ yếu lại nằm ở cấp… xã!

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm, Bộ nhận được gần 10.000 lượt đơn tranh chấp, khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường của công dân 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đơn thuộc lĩnh vực đất đai chiếm hơn 90% tổng số đơn. 

Và nguồn lực quốc gia vừa bị thất thoát một lượng tài sản lớn, lại vừa phải tổ chức cả một bộ máy khổng lồ để giải quyết hàng vạn đơn tố cáo, khiếu nại về lĩnh vực đất đai. Thiệt hại hẳn ai cũng thấy rõ.

Nhóm phóng viên
Thanh Thảo - Anh Nga
05/26/2021 06:51
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top