Từng có những lần Hà Nội “cầu kỳ” và “lòe loẹt”
Cứ mỗi lần chuẩn bị đến những ngày lễ lớn như Quốc khánh 2/9, tết Nguyên đán thì người dân Thủ đô lại ngóng chờ các cơ quan quản lý, UBND thành phố, các kiến trúc sư sẽ trang trí Hà Nội theo cách nào. Và nhiều năm trở lại đây, những kiểu lòe loẹt sặc sỡ, hào nhoáng, không hợp văn hóa kiến trúc vẫn được trình diễn trên nhiều phố.
Nhiều chuyên gia cho rằng những khâu trang trí đô thị tại các thành phố lớn mang tính “thời vụ” với các điểm nhấn như hoa giả, cây giả, đèn đường lóng lánh đang thể hiện những tư duy thẩm mỹ quá cũ, là cách làm lãng phí kinh phí của thành phố, là “căn bệnh” đến hẹn lại lên.
Còn nhớ vào đầu năm 2016, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - Hà Nội với lối trang trí toàn bộ đèn led cho 20 bông hoa vừa được dựng lên vỏn vẹn 1 ngày đã buộc phải dỡ bỏ. Lý do phải tháo dỡ bởi dư luận tranh cãi gay gắt gắt rằng việc trang trí có vấn đề khi những chiếc đèn kệch cỡm, lòe loẹt, không hợp với không gian kiến trúc của quảng trường. Nhiều kiến trúc sư cũng phải sửng sốt không hiểu ý nghĩa thông điệp trong hình tượng trang trí đó. Đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình về việc trang trí không đẹp, không vừa mắt ở Thủ đô.
Bên cạnh đó còn là câu chuyện thí điểm tuyến đường kiểu mẫu tại đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội. Trong đó, các biển quảng cáo mặt phố được quy hoạch đồng bộ, thống nhất từ màu sắc, chiều cao đến tương đồng kích cỡ và được sơn với 2 màu xanh dương và đỏ tươi. Mục đích của Hà Nội là chỉnh trang bộ mặt đô thị sạch đẹp, khang trang hơn.
Tuy nhiên xoay quanh câu chuyện này cũng có nhiều tranh cãi rằng ý tưởng này đã gò ép quá kỹ về các tiêu chí màu sắc, hình ảnh của biển hiệu dẫn đến cách cách trang trí gây nhàm chán, làm khó cho cả người tiêu dùng và cơ sở kinh doanh. Kết quả là tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn một năm, thực hiện thí điểm, trên tuyến phố này nhiều biển kiểu mẫu đã được tháo dỡ, thay bằng những biển bảng sáng tạo của các cửa hàng.
Trên đây chỉ là hai ví dụ điển hình của chuyện trang trí và thiết kế thẩm mỹ đô thị. Thực tế là những trang trí thiết kế này hiệu quả thực sự chưa thấy, chỉ thấy chuyện tốn công, tốn sức, tiêu hao lãng phí tiền của. Nói xa hơn thì đó là câu chuyện nhận thức chung về trang trí đô thị, thành phố vẫn là một thứ nghệ thuật theo kiểu... phong trào.
Bàn về câu chuyện trang trí thế nào cho đô thị trong khi chẳng còn mấy thời gian là hết năm cũ và tết Nguyên đán 2018 sắp tới, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội. Trong đó, PGS chia sẻ rằng, đã có rất nhiều cuộc hội thảo về kiến trúc đô thị, kiến trúc phổ cổ, kiến trúc phố đang xây dựng, hoặc họp bàn về câu chuyện xây dựng và văn hóa thẩm mỹ kiến trúc... nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả nào khiến mọi người hài lòng.
Theo ông Thám, xây dựng một đô thị cần phải có đặc thù riêng của đô thị, vì mỗi thành phố có một đặc trưng, kiến trúc của nó. Trong đó, kiến trúc sư đóng vai trò chủ yếu, quan trọng đầu tiên để thiết kế hình thành nên đô thị, vẽ lên thẩm mỹ bức tranh của đô thị.
PGS. TS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh: “Ở Việt Nam, trong mỗi lần kiến trúc đô thị thường bàn về tổng thể, nêu nguyên lý chung và đến khi cụ thể từng công trình thì lại không tuân theo nguyên lý chung nên sinh ra hiện tượng không hài hòa, không hòa nhập với nhau. Cái vướng của chúng ta là phải nêu được nguyên tắc chung sau đó để moi người phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt chứ không phải là cứ mỗi giai đoạn thiết kế một ý, đến giai đoạn sau lại tự sửa chữ hoặc bỏ đi.
Cuối cùng đô thị trở thành những mảng chắp vá, không đúng như quy hoạch và kiến trúc ban đầu. Từ đó mà phá vỡ tất cả những không gian, cảnh quan và kiến trúc thẩm mỹ đô thị. Nếu thống nhất ngay từ đầu, trung thành với ý tưởng thiết kế được duyệt từ đầu thì lúc đó mới giữ được bản sắc nét đẹp của đô thị, thành phố”.
Chia sẻ trước quan điểm trang trí đô thị đang xa hoa và lãng phí, PGS Thám cho hay, ở đây có hai câu chuyện là làm cho thành phố đẹp và cách chi tiền thế nào để không xa hoa, lãng phí. Rất nhiều người đưa phương án có tiền cứ chi, cứ làm và phương án đó thường lấn át phương án để thành phố đẹp.
“Ông có tiền thì thường có quyền quyết định mọi chuyện nên cứ làm đã, còn với người vì đẹp vì thẩm mỹ của đô thị thì sẽ phải tính kỹ là làm những gì, trang trí nội dụng gì, vẽ vời hay lắp đặt gì đó. Có kế hoạch như vậy rồi mới tính đến chuyện xin tiền để làm.
Người Việt mình có nhiều lúc cứ chạy đua theo cái mới giống như chạy đua theo mốt thời trang. Cứ thấy thế giới họ làm cái gì là mình chạy theo cái đó thành ra thành phố chúng ta mới không có cái đặc trưng riêng”, PGS. TS Nguyễn Đình Thám chia sẻ.
Luật có “dễ dãi”?
Giới chuyên môn kiến nghị rằng, trang trí thẩm mỹ đô thị rất cần sự chung sức của các chuyên ngành quy hoạch, kiến trúc, mỹ thuật… để đưa ra những sản phẩm có tính thống nhất, có văn hóa, hài hòa với nhịp sống đô thị. Nhưng bên cạnh đó nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về việc ban hành luật và thực thi luật để đảm bảo mỹ quan đô thị có nghiêm khắc?
Chia sẻ với Reatimes, luật sư Nguyễn Xuân Vinh, Công ty luật The Light - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay, theo quy định hiện hành tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/03/2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, tại Điều 51 có quy định:
“Phạt tiền đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng như sau: từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo.”
Điều 61 của Nghị định này cũng quy định về chế tài xử phạt Vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội và trên phương tiện giao thông: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Ngoài ra Nghị định cũng quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; Quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định.
Theo LS Vinh: “Hiện nay có tình trạng sau những đợt ra quân rầm rộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các tờ rơi, quảng cáo vẫn tái xuất hiện. Theo tôi để khắc phục tình trạng này thì Cơ quan nhà nước nói chung, UBND thành phố Hà Nội nói riêng cần ban hành văn bản quy định việc duy trì kiểm tra, xử phạt (nếu phát hiện vi phạm) một cách thường xuyên, định kỳ, ví dụ như mỗi tuần 1 - 2 buổi, phân công cụ thể thành phần, lực lượng tham gia; có sự giám sát việc thực hiện, quy định trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức nếu không thực hiện đúng quy định về việc duy trì kiểm tra, xử phạt.
Ngoài ra cần xử phạt nghiêm cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, tăng cường tuyên truyền để các cá nhân, doanh nghiệp không tham gia hoặc tiếp tay cho việc làm vi phạm này. Về mức tiền phạt theo Nghị định đã ban hành cũng có nhiều ý kiến đánh giá là còn khá nhẹ, cần điều chỉnh cho phù hợp”.
Reatimes cũng đã có cuộc trao đổi với LS Nguyễn Thanh Tùng, đoàn luật sư TP.Hà Nội thì được biết, theo quy định rõ ràng trong các bộ luật thì những công trình thuộc quyền quản lý của nhà nước thì nhà nước có thể quyết định trang trí, sơn màu, thiết kế kiến trúc…Còn những công trình thuộc về doanh nghiệp hay của cộng đồng thì một phần doanh nghiệp được quyết định hoặc xin ý kiến của cộng đồng.
Theo LS. Tùng: “Chiếu theo các quy định, việc sơn vẽ mặt phố như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan thẩm quyền. Ngược lại theo Luật quảng cáo chỉ quy định về mức tối đa của kích thước bảng hiệu mà không bắt buộc cửa hàng, công ty phải sử dụng màu sắc, hình thức bắt buộc nào. Cụ thể, theo khoản 3, điều 34 của Luật quảng cáo, chiều cao không quá 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
Như vậy, trong câu chuyện biển hiệu kiểu mẫu ở các phố thì đây mới chỉ là chuyện thí điểm trên một hai tuyến phố của Hà Nội. Nếu thực sự phải áp dụng để đảm bảo mỹ quan thành phố thì cần có sự rõ ràng hơn theo các luật đã quy định để không gây tranh cãi”.