Aa

Kỳ I: Rút bớt quyền lực nhằm cắt “dây leo” vay chéo?

Thứ Tư, 06/12/2017 - 06:00

Sở hữu chéo tràn lan, cho vay "sân sau" bừa bãi, nợ xấu nhiều, khó quản lý dòng tiền ngân hàng, nhiều đại án xảy ra,… là những thực trạng có thật đang diễn ra trong ngành ngân hàng. Đó phải chăng cũng là lý do để luật phải hạn chế quyền lực của lãnh đạo ngân hàng hoặc lãnh đạo doanh nghiệp có “chân” trong ngân hàng?

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng mới được Quốc hội thông qua, từ 15/1/2018, lãnh đạo hàng loạt tổ chức tín dụng sẽ không được đồng thời là thành viên trong ban lãnh đạo các doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng khác.

Cụ thể, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của TCTD, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác. 

Như vậy có nghĩa là, nhiều "sếp" ngân hàng sẽ phải lựa chọn thay đổi vị trí tại một trong hai đơn vị, hoặc ngân hàng hoặc doanh nghiệp nơi mình làm chủ.

Ảnh minh họa

Hàng loạt đại án kinh tế trong mấy năm trở lại đây cho thấy, thế giới tiền ngầm trong hệ thống ngân hàng lớn hơn nhiều lần thị trường nổi. Ngay cả giới có tai mắt trong ngành, không phải ai cũng biết được những chuyện "thâm cung bí sử". Đến khi vụ việc bị phanh phui thì mọi chuyện đã quá muộn. Vụ án Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Bầu Kiên, Huyền Như,… là những ví dụ.

Những hiện tượng cho vay chéo, "sân sau" cũng đang ẩn náu dưới nhiều hình thức. Ví dụ, có chủ ngân hàng vốn xuất thân là "tay ngang" nhưng nhờ đẩy vốn sang công ty "sân sau" là một doanh nghiệp bất động sản "tí hon" nên doanh nghiệp này "lớn nhanh" như Thánh Gióng.

Hay như ngân hàng kia huy động được bao nhiêu tiền lại lập tức rót sang công ty sân sau cho dự án nông nghiệp sạch do lãnh đạo nhà băng đồng thời làm chủ. Hóa ra công ty nông nghiệp này lại là công ty con của một tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản.

Hoặc nhờ mác lãnh đạo ngân hàng, nhờ có mối quan hệ sâu rộng, nên vị chủ nhà băng nọ có thể huy động nhiều nghìn tỷ ở hàng loạt ngân hàng lớn nhỏ nhằm rót vốn cho công ty "sân sau". Đến khi đổ vỡ, ông này kéo theo hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân điêu đứng liên lụy,…

Những diễn biến có thể nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi vì nó là con số ẩn, là thị trường ngầm nên càng khó quản lý, khó khống chế. Có lẽ đó cũng là lý do mà luật quy định hạn chế quyền quản lý cá nhân để hạn chế cho vay chéo.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, quy định mới theo Luật sửa đổi có mục đích là hạn chế tình trạng sở hữu chéo tồn tại trong thời gian qua. Nhờ đó có thể giúp các ngân hàng hoạt động một cách minh bạch, an toàn hơn. Đồng thời giảm thiểu tình trạng cho vay sân sau rủi ro.

Đa phần nhận định rằng, cá nhân đồng thời nắm quyền chi phối tại cả tổ chức tín dụng và đối tượng cho vay nhiều khả năng sẽ gây xung đột lợi ích lớn.

Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung có hiệu lực sắp tới đây cũng vẫn làm dấy lên nhiều chiều trong dư luận, khi mà hiện nay sự kiêm nhiệm đang khá phổ biến ở các Tập đoàn lớn và ngân hàng lớn. Đến thời điểm thực thi, những vị lãnh đạo có tên tuổi trên thị trường sẽ rút vị trí nào, rút bằng cách nào? Liệu việc "rút ghế" có được thực hiện thật chất hay chỉ là hình thức, bởi "rút ghế" trong doanh nghiệp cổ phần không phải là việc dễ về cả tài chính và tinh thần. Chưa kể liệu thị trường có sự xáo trộn hơn khi luật hạn chế quyền quản lý cá nhân và liệu hệ thống ngân hàng có minh bạch hơn không,…?

Điểm mặt những vị trí kiêm nhiệm lớn mới thấy câu hỏi trên của dư luận cũng có lý do, bởi hiện tượng được đề cập trong luật là không hề hiếm. 

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội kiêm Chủ tịch T&T; Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB cũng đang kiêm nhiều vị trí khác như: Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh; Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình đang là Chủ tịch Geleximco. 

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bắc Á kiêm Chủ tịch TH Truemilk; Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Việt Á cũng đang kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Việt Phương; Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Kiên Long kiêm Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group; Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank kiêm thành viên Tập đoàn Masan... Ngày 15/1/2018 đang đến gần, liệu các vị này có "nóng ruột"? 

Reatimes sẽ tiếp tục phản ánh những chia sẻ đa chiều xung quanh câu chuyện này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top