Kỹ năng mềm và sự giả tạo?

Kỹ năng mềm và sự giả tạo?

Thứ Bảy, 27/11/2021 - 06:15
Kỹ năng mềm và sự giả tạo

Khi tôi giảng dạy các kỹ năng mềm, có rất nhiều người hỏi tôi rằng, có phải dạy người khác kỹ năng mềm nghĩa là dạy người ta tạo vỏ bọc giả tạo, lừa dối người khác không? Nghe cũng hợp lý nhỉ? Học kỹ năng mềm là ta phải dùng nó để đạt được mục tiêu nào đó trong công việc và cuộc sống phải không? Đôi lúc trong cuộc đời, ta phải làm những điều mình không thích để đạt được những điều mình thích. Mà lạ là, khi ta làm điều mình không thích nhiều quá, có khi ta lại dần quen và trở nên thích hơn. Đó là quá trình kỹ năng chuyển hóa thành bản năng tốt. Còn nếu như không thể chuyển hóa, ta vẫn giả tạo, nhưng sự giả tạo đó tốt cho ta và những người xung quanh thì “hãy cứ giả tạo đi, còn hơn phơi bày sự thật trần trụi”.

Kỹ năng mềm và sự giả tạo

Với tôi, điều quan trọng nhất đó là mục tiêu. Bạn dùng kỹ năng đó nhằm mục đích gì? Nếu mục tiêu của bạn là tốt (năng lượng tích cực), mọi người sẽ vẫn cảm thấy sự giả tạo ấy là tốt thôi. Nhưng nếu mục tiêu của bạn là xấu (năng lượng tiêu cực), người ta sẽ có cảm nhận tồi tệ về sự giả tạo. 

Khi cầm con dao, ta có thể dùng nó để gọt trái cây cho mọi người ăn, nhưng con dao cũng có thể dùng để giết người. Người có kỹ năng nói giỏi có thể dùng lời nói để chữa lành tổn thương, cũng có thể dùng nó để gây thêm đau khổ, tổn thương cho người khác hoặc lừa đảo. Người khéo miệng có thể dùng lời lẽ hay ho để làm vui lòng cô gái mình yêu, nhưng cũng có thể tán đổ một lúc 10 cô gái để chứng tỏ bản thân. Người có kỹ năng tự vệ có thể tự tin bảo vệ mình và người khác, nhưng cũng có thể dùng những gì mình học được để gây hấn, đánh nhau. Người thuyết trình giỏi có thể khiến người khác có những lựa chọn đúng đắn, giúp mọi người có động lực và kiến thức, nhưng cũng có thể dụ dỗ người khác chi tiền cho các khoản đầu tư vô bổ, thậm chí khiến họ tán gia bại sản...

Tuy nhiên nếu xét về khía cạnh tích cực, kỹ năng là công cụ được sử dụng nhằm che lấp đi phần con và phát triển phần người tốt đẹp trong mỗi chúng ta. Kỹ năng giúp cuộc sống dễ dàng, thuận lợi hơn, giúp ta tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp và tăng khả năng thành công. Kỹ năng có thể trở thành bản năng tốt nếu chúng ta rèn giũa một cách thường xuyên. Như vậy, từ giả tạo có thể chuyển hóa thành chân thành. 

Khi ra ngoài gặp mọi người, chúng ta phải nhìn thẳng, hơi cúi đầu, bắt tay, nở nụ cười thân thiện để gây thiện cảm. Với người hướng ngoại thì dễ rồi, nhưng với người hướng nội, đó là thử thách bởi họ thực chất không thích giao tiếp.

Đối với việc ăn mặc cũng vậy, cởi trần chạy tung tăng như ngày bé có lẽ vẫn thoải mái nhất; mặc comple thắt cà vạt cũng chật chội mệt mỏi. Thế nhưng vì hình ảnh, vì hiệu quả giao tiếp buộc mình phải làm thôi. Thế rồi, mình cũng quen và thấy hào hứng hơn khi những thứ mình làm tạo ra được kết quả ban đầu nào đó, vậy là chúng ta quen dần với sự thay đổi. Đó là lúc sự giả tạo dần dần chuyển hóa thành thói quen và bản năng tốt.

Rồi có khi ta tức điên lên, muốn "táng" ngay ai đó mà vẫn phải nhịn, ta bắt đầu nghĩ: "Sao phải nhịn như vậy nhỉ, thật khó chịu quá đi", nhưng nếu cứ làm như bản thân muốn sẽ tạo ra rất nhiều hậu quả, ta sợ và ta nhịn. Để bớt khó chịu, ta bắt đầu phải làm quen với các nguyên lý của tiết chế cảm xúc, xoa dịu tinh thần bằng suy nghĩ tích cực, và nhiều kỹ năng khác nữa giúp cho chúng ta không còn muốn tranh cãi, không còn muốn đối kháng hay "táng" ai đó nữa.

Dần dần ta quen và thấy không cần thiết phải chịu đựng: "Tội gì phải giận để xấu, để già, để tổn thọ, huyết áp cao, bệnh tật, stress căng thẳng... Sự bực tức giống như muốn người khác chết mà ta uống thuộc độc vậy". Ta bắt đầu "khoái" cái cảm giác bình an, không ai động chạm vào chúng ta được nữa.

Đứng trước đám đông? Ôi sợ chết đi, tim đập, chân run, vã mồ hôi, nhiều lúc muốn độn thổ, muốn trốn quách đi cho xong. Nhưng công việc đòi hỏi khả năng nói trước công chúng, thôi thì buộc phải làm chứ biết sao. Và rồi ta học đủ các thủ thuật, kỹ năng để làm thứ mình không thích, bên trong run rẩy, bên ngoài cười ra vẻ rất ổn. Giả tạo đó. Thế nhưng sau khi đứng vài lần thì... ơ hay, ta không sợ người nữa rồi, mọi thứ đều ổn lên. Ta khoái cái cảm giác chiến thắng chính mình ấy, ta lại càng hăng say học và rút kinh nghiệm, rồi đến một ngày, ta thuyết trình, cả khán phòng như bị ta thôi miên. Ôi, ta có giá trị, ta yêu việc này quá đi. Đó, từ không thích trở thành thích là có thể đúng không? Và từ giả có thể hóa thành thật nếu như kỹ năng mới được lặp đi lặp lại thành thói quen.

Rồi làm việc nhóm, có ai thích làm việc với người mình không ưa đâu, nhưng ta buộc phải học cách công nhận người khác và lựa sao cho đạt được mục tiêu công việc. Tất nhiên mọi người sẽ nói là giả tạo, thế nhưng thà giả mà cuộc sống yên bình, vui vẻ, ấm êm còn hơn là thật toẹt mà thế giới đảo lộn.

Hãy tưởng tượng nếu như có một cỗ máy nói thật mà ai chạm vào cũng không thể giả tạo được nữa, chuyện gì sẽ xảy ra? Người đàn ông khi tiếp xúc với một người phụ nữ sẽ nói ngay “Chào em, vòng một của em hơi lép, em không nên mặc áo hở như vậy” hay “Chắc đồ đó là giả phải không em? Chứ lấy đâu mà bự vậy”; “Chị ơi sao bụng chị nhiều mỡ thế, chẳng đẹp như bụng em” hay “Sao mặt anh nhiều mụn vậy, thấy gớm quá”; “Em tư vấn bán hàng vô duyên quá”; "Anh ơi sản phẩm của anh nhiều người chê lắm..."; "Thầy ơi, thầy dạy dở và buồn ngủ quá ạ, biết thế này thì thà em ở nhà ngủ còn hơn"... Rồi có khi người chồng về sẽ nói với vợ “Ở với em lâu nhạt quá nên anh có 2 cô bồ rồi, 2 cô ấy tuyệt vời nóng bỏng làm anh không muốn quay về với em nữa”. Nhân viên gặp sếp sẽ chỉ thẳng và nói thật: “Ông là đồ bóc lột, tôi muốn leo lên vị trí của ông ngồi, chờ đấy, nhất định tôi sẽ làm được”.

Nghe tới đây thôi chắc hẳn bạn sẽ hoang mang, hóa ra thế giới này giả tạo đến thế ư? Tất cả là sự thật nhưng nếu ai cũng phô bày hết sự thật, sống với bản năng thì thế giới thực sự sẽ đảo điên. Vậy nên khi thấy điều gì nói ra có thể khiến người khác buồn, chúng ta sẽ giấu kín trong lòng; chỉ nói khi nào biết rõ điều ta nói là tốt cho người khác, làm cho người khác vui vẻ, bình an mà thôi.

Con người có 2 phần: Phần con (bản năng xấu) và phần người (bản năng tốt). Cả cuộc đời chúng ta đơn giản là học tập và rèn luyện kỹ năng để kiểm soát phần con và phát triển hoàn thiện phần người, nên mới gọi là “học làm người”.

Chúng ta quen với cụm từ “chiến thắng bản thân”. Tại sao lại phải chiến thắng? Câu nói này ám chỉ phần con (sự nhu nhược, hèn nhát, sợ hãi, tham lam, ích kỷ, nóng nảy, thô lỗ, nham hiểm, khinh bỉ...) - đó là đại diện cho thứ năng lượng thấp kém trong một con người. Kiểm soát nó chính là chiến thắng phần con bên trong chúng ta. 

Cả đời ta vẫn sẽ chỉ đi trên con đường hoàn thiện phần người, phần đạo đức (tiêu chuẩn tốt đẹp để hướng con người đến tích cực và bình an) bởi sinh ra chẳng ai hoàn hảo. Nếu phần con là mặt tối, năng lượng dơ bẩn thì phần người là mặt sáng, là năng lượng tích cực. Càng hướng dần về ánh sáng thì bóng tối sẽ càng lùi xa. Và đó là lý do khi ta rèn các kỹ năng để hướng tới phần người nhiều hơn, ta sẽ bớt đi phần con.

Tuy nhiên, phần con vẫn hiện diện nhưng ta ẩn nó đi, bởi ta biết nó chẳng tốt đẹp gì. Nếu nó xuất hiện thì vừa không tốt cho ta và mọi người, vừa không tốt cho cả công việc và đời sống của ta. Đó là lý do tại sao luôn có phần “giả tạo”. Nhưng kết luận là ta có quyền học kỹ năng và giả dối, giấu bớt phần con để tăng năng lượng tích cực, từ đó ai tiếp xúc với ta cũng sẽ tiếp xúc với nguồn năng lượng tốt, như vậy cái giả tạo đó tốt cho người khác, vậy ta nên làm quá đi chứ. 

Hơn nữa, khi phần người càng được bộc lộ tốt thì cơ hội đến với ta nhiều hơn, may mắn chỉ được hút bởi năng lượng tích cực thôi, và công việc, cuộc sống của chúng ta cũng cân bằng, bình an hơn. Cảm giác chiến thắng phần con khiến ta tự hào, hạnh phúc, tự tin, thanh thản, bình an, an toàn, muốn giúp đỡ, che chở, chỉ dạy cho người khác... Đó chính là những gì kỹ năng mang lại.
Kỹ năng là giả tạo, không sai. Tuy nhiên, đó là sự giả tạo tạm thời. Khi ta "thành người" rồi thì mãi mãi ta sẽ ngẩng cao đầu, an yên sống với phần người. Kỹ năng khi ấy đã biến thành bản năng tốt.

Cả đời người có nhiều khi, về già ta còn chưa nhận ra được rõ ràng phần con và người trong chúng ta, và cũng chẳng biết kỹ năng có thể giúp ta chuyển hóa. Với tôi, tới già mới ngộ ra thì học cũng vẫn chưa muộn. Vậy nên các bạn đừng dương dương tự mãn rằng ta đã đủ rồi! Nếu bạn 30 tuổi mà nói câu này thì bạn đã già rồi đó. Còn tôi, tôi tin rằng phần người luôn cần môi trường để nuôi dưỡng và tôi tin, 70 hay 80 tuổi mình cũng sẽ vẫn trẻ để tiếp tục học thêm những kỹ năng cho phần người của tôi, nếu may mắn còn sống tới tuổi đó! 

Cuối cùng, tôi cảm ơn kỹ năng, cảm ơn sự giả tạo tạm thời của ngày cũ, để tôi thành người của ngày hôm nay cùng những bản năng tốt đẹp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top