Aa

Các giá trị “Tự do, Bình đẳng, Bác ái“ từ sự ngưỡng mộ, tìm tòi và đi đến hiện thực ở Việt Nam

Thứ Bảy, 05/06/2021 - 06:00

Ngày 5/6/1911- đánh một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng không chỉ với người dân Việt Nam mà cả những dân tộc yêu chuộng độc lập, hòa bình và tự do trên thế giới.

Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời quê hương ra đi tìm đường cứu nước. Trên cơ sở Người muốn làm rõ những giá trị Tự do, dân chủ, bình đẳng mà thời niên thiếu có được một cách ngẫu nhiên qua học tập, quan sát. Với 30 năm buôn ba qua nhiều địa danh trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã tìm tòi được giá trị đích thực và con đường để đạt được các giá trị Tự do, dân chủ, bình đẳng đó. Từ đây, Người về nước với tên mới là Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi năm 1945 để từng bước hiện thực hóa các giá trị Tự do, dân chủ, bình đẳng. Bài viết đề cập đến ba thời kỳ: Hình thành, tìm kiếm và hiện thực hóa các giá trị Tự do, dân chủ, bình đẳng gắn với ba tên gọi: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh.

Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước
Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu

Ngày 5/6/1911 đánh một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng không chỉ với người dân Việt Nam mà cả những dân tộc yêu chuộng độc lập, hòa bình và tự do trên thế giới - ngày ra đi tìm đường cứu nước của một người thanh niên Nguyễn Tất Thành đầy nhiệt huyết đã mang đến sự thay đổi số phận của một dân tộc sau đó mấy chục năm. Từ đây mở ra một kỷ nguyên mới không chỉ đối với dân tộc Việt Nam, các quốc gia thuộc địa xứ Đông Dương mà cả các dân tộc tiến bộ trên thế giới. Trải qua 30 năm, đi qua 4 châu lục, trải nghiệm mọi công việc, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến được với chủ nghĩa Mác-Lê nin, đắm mình vào cuộc sống người lao động, tham gia vào đời sống chính trị thế giới thông qua các tổ chức quốc tế tiến bộ phù hợp với lợi ích của dân tộc.

Từ những hệ tư tưởng chính trị tiến bộ đã được thử nghiệm ở các nước châu Âu với những thành công và còn những hạn chế, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu và vận dụng vào điều kiện Việt Nam một cách sáng tạo để lãnh đạo cách mạng giành lại những thắng lợi cho dân tộc. Những giá trị: “Tự do, bình đẳng, bác ái” từ việc được xem như là một khát vọng mơ hồ, xa vời, không tưởng đối với một quốc gia, dân tộc thuộc địa chìm trong khổ đau đã trở thành một hiện thực. Và sau đó, những giá trị này được bảo đảm bằng chắc chắn với một chế độ chính trị tiến bộ và một thể chế vững bền, thực chất. Những giá trị tiến bộ, nhân đạo đó dưới sự lãnh đạo của Đảng chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đang từng bước hiện thực hóa trong đời sống xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Bài viết đề cập đến quá trình hình thành các giá trị “Tự do, bình đẳng, bác ái” một cách “rời rạc, ngẫu nhiên” trong thời ấu thơ của Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành để trở thành một khát khao cho thỏa mãn nhận thức đầy đủ về các giá trị tiến bộ, nhân đạo đó. Đây chính là động lực quan trọng hối thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm kiếm vào ngày đầu mùa hạ năm 1911. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã tìm tòi, nghiên cứu, hoạt động, trải nghiệm để trở về quê hương yêu dấu mà Người 30 năm xa cách; biến những giá trị nhân đạo đó thành hiện thực vào giữa thế kỷ XX thông qua cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 với vai trò quan trọng của Hồ Chí Minh. 

1. Từ thúc giục khát vọng: “Tự do, bình đẳng, bác ái” đối với Nguyễn Tất Thành

Thế kỷ XIX, châu Á trở thành thuộc địa của các đế quốc phương Tây. Cái xứ sở lạc hậu của phương Đông mấy nghìn năm quân chủ chuyên chế kéo dài bởi những hệ tư tưởng chính trị không được canh tân đã lỗi thời làm cho các quốc gia ở đây trở thành địa bàn cho sự phân chia thị trường và trở thành thuộc địa của các nước phương Tây đầy ngạo mạn. Phương Đông nghèo nàn về kinh tế, lạc hậu về tư tưởng đã không thể tự bảo vệ mình trước sự xâm lăng về của các thế lực phương Tây. Các nước ở Phương Đông đã trở thành thuộc địa cho các nước phương Tây thực hiện mục tiêu mở rộng khai thác và vơ vét thuộc địa của mình.

Trong sự phân chia thế giới đó, Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Người Pháp đã cai trị xã hội, vơ vét của cải và áp đặt lên người Việt hằng loạt những sự vô lý. Tuy nhiên, trải qua cả một thời gian dài đô hộ, ý thức dân tộc được phát triển, sự giác ngộ từ các tư tưởng độc lập, tự do khác nhau đã tác động làm cho phong trào yêu nước Việt Nam đã phát triển thành chủ nghĩa yêu nước diễn ra sôi nổi ở khắp nơi: Bắc, Trung và Nam kỳ. Nhưng những phong trào, những khuynh hướng yêu nước đó đã gặp phải những khó khăn và đi đến bế tắc do nhiều nguyên nhân. Phong trào yêu nước ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã thoái trào. Hằng loạt các phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau: Phong kiến, nông  dân, tư sản… đều thất bại. Sự bế tắc, chán trường đó còn nguy hại hơn khi ở những vùng những tư tưởng tiến bộ để giải phóng không tới và từ đó sự giải thoát về tinh thần theo hướng tiêu cực đã nảy sinh như ở khu vực Nam Bộ. Trong bối cảnh đó, người thanh niên trí thức yêu nước Nguyễn Tất Thành thấm thía thấy được sự lầm than của dân tộc, thấy được sự thất bại của các khuynh hướng cứu nước đương thời.

Những ý thức đầu tiên này có được đối với Nguyễn Tất Thành khi người thiếu niên quan sát, chứng kiến trong các buổi đàm đạo của các nhân sỹ, trí thức yêu nước đương thời với cha mình - cụ Nguyễn Sinh Sắc. Đồng thời qua sự truyền dạy của những người như ông ngoại cùng với các thày Nho học như Vương Thúc Quý. Những tư tưởng “đại đồng” đề cao dân cùng với các giá trị nhân đạo của Nho giáo đã tác động đến cậu bé.  Những tư tưởng bác ái của nhà Phật đã tác động đến Nguyễn Sinh Cung. Từ đây đã bắt đầu hình thành trong Nguyễn Tất Thành một ý chí: Lựa chọn con đường ra đi để tìm đến một hệ tư tưởng chính trị tiến bộ, phù hợp. Người không chọn lựa sang các nước phương Đông, sang Nhật Bản như các bậc tiền bối mà sang phương Tây. Với lịch sử phát triển mấy trăm năm của chủ nghĩa tư bản và những kiến thức được biết trong thời gian học ở trường tiểu học Pháp bản xứ tại thành phố Vinh từ năm 1905 và Quốc học Huế ba năm sau đó, đặc biệt các giá trị: Tự do, bình đẳng, bác ái được học ở trường đã thôi thúc người thanh niên yêu nước xứ thuộc địa sang phương Tây.

Nói về điều này, năm 1923, Nguyễn Ái Quốc kể lại với Ôxíp Mandenxtam - nhà văn Liên Xô rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe chữ: Tự do, bình đẳng, bác ái. Đối với tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thủa ấy, tôi muốn là quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”  . 

Lúc ở tuổi thiếu thời, Nguyễn Tất Thành thường theo cha đi nhiều nơi để cha tìm những người cùng chí hướng nhằm đàm đạo về thế sự, về đất nước. Đây chính là những điều kiện quan trọng để Người mở rộng được tầm nhìn và nhận thức. Từ đó câu hỏi: Làm thế nào để cứu nước? làm thế nào để cứu dân tộc khỏi lầm than?... đã sớm đặt ra đối với người thiếu niên đầy nhiệt huyết.

Vào ngày hè năm 1911 từ bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (Gia Định), Nguyễn Tất Thành khi đó mới vừa tròn 21 tuổi đã lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville, ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc lầm than. Người thanh niên ra đi để kiếm tìm những giá trị mới, tiến bộ, nhân đạo về cho dân tộc, nhân dân mình.

Người không đi các nước phương Đông, các nước châu Á mà đầu tiên đến châu Âu - nơi những giá trị dân chủ, tự do, bình đẳng được hình thành và phát triển qua mấy thế kỷ. Việc ra đi của Nguyễn Tất Thành không phải là để kiếm cách sinh nhai cho bản thân, mà chủ yếu là để tìm hiểu thế giới bên ngoài, thế giới phương Tây, với hy vọng tìm được những điều hữu ích để “giúp đồng bào chúng ta”.

Do đó, việc ra đi này của Nguyễn Tất Thành hoàn toàn được tính toán có chủ đích và mục tiêu cao cả đối với một người thanh niên nhiệt huyết có hoài bão lớn với mong muốn đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc.

2. Con đường kiếm tìm giá trị “Tự do, bình đẳng, bác ái” của Nguyễn Ái Quốc

Nguyễn Tất Thành đã được tiếp cận đến những giá trị Tự do, bình đẳng, bác ái ngay từ ngày còn ở trong quê hương, đất nước thông qua các tư tưởng mà Người được học ở trường; được nghe, được quan sát qua các cuộc đàm đạo của các nhân sĩ, trí thức, người yêu nước với cha mình. Điều đó, sau này qua một thời gian chiêm nghiệm, Người đã nói: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người... Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” . Lúc bấy giờ những hiểu biết, cảm nhận đầu tiên về tự do, bình đẳng, bác ái… còn sơ khai, còn chưa được đầy đủ nhưng điều đó có một ý nghĩa quan trọng để quyết định cho con đường ra đi để tìm những giá trị đó đối với Nguyễn Tất Thành.

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu. Trước khi đi, Nguyễn Tất Thành trao đổi với một người bạn thân: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?”. Khi người bạn hỏi “lấy đâu ra tiền mà đi?”, Nguyễn Tất Thành vừa nói, vừa giơ hai bàn tay một cách tự tin và kiên quyết: “Đây, tiền đây… chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”.

Sự ra đi đầy quả quyết đã được người thanh niên 21 tuổi xác định, cân nhắc khá kỹ lưỡng. Sự ra đi đó không phải là một cuộc hành trình phẳng lặng, mà là một con đường đầy gian truân đang đón chờ. Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt, phi thường ấy.

Nguyễn Ái Quốc trong Hội nghị ở Pari - Pháp. Ảnh tư liệu
Nguyễn Ái Quốc trong Hội nghị ở Pari- Pháp. Ảnh tư liệu

Sau thời gian đến và ở Pháp, Người mới thấy được rằng: Những tư tưởng Dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái được học ở trường thuộc địa ngày trước không phải là hoàn toàn đúng. Những giá trị đó không phải được thực hiện cho tất cả mọi người lao động. Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác. Suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu kiên định phải giải phóng dân tộc. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa.

Trong thời gian từ 1911 đến 1917 đây là thời gian Người bôn ba qua nhiều nước thuộc các châu lục như Âu, Á, Phi, Mỹ, đặc biệt có ba đế quốc lớn nhất lúc bấy giờ là Pháp, Anh và Mỹ. Người ta nghĩ rằng ở các nước văn minh ấy thì đâu còn những tình trạng bất công và nghèo đói, nhưng khi mục sở thị Người cho rằng: Ở đâu dù thuộc địa hay chính quốc thì bọn đế quốc, thực dân vẫn bạo tàn, ác độc; ở đâu thì người lao động cũng bị áp bức, bóc lột dã man. Đây chính là những nhận thức quan trọng để hình thành lên tư tưởng và lập trường giai cấp của Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1917, từ nước Anh, Nguyễn Ái Quốc trở lại Pháp, sống ở Pari, hoạt động trong Hội những người Việt Nam yêu nước. Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, gửi đến Hội nghị Vecxai Bản yêu sách của nhân dân An Nam đòi thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Đây là biểu hiện của quá trình đấu tranh đầu tiên về mặt lý luận, pháp lý của Người đối với chính quyền thực dân từ mẫu quốc với nước thuộc địa. Người tham gia Đại hội I của Đảng Cộng sản Pháp và thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Đây là tổ chức tập hợp các nước thuộc địa đoàn kết lại để từ việc đấu tranh, đòi hỏi về pháp lý đối với chính quyền đô hộ, từng bước lãnh đạo đấu tranh các bước tiếp theo. Người đã tham gia Đại hội II (năm 1922) của Đảng Cộng sản Pháp và được bầu làm Trưởng ban Phương Đông trong Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp. Để tăng cường đấu tranh về mặt tư tưởng, lý luận, tờ báo Người cùng khổ được ra đời. Bên cạnh đó, Người viết nhiều bài tố cáo tội ác thực dân Pháp đăng trên các báo như: Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền, Dân chúng…

Tháng 7 năm 1920, một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Nguyễn Ái Quốc, đó là Người đã được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) - cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Pháp. Bài báo này đã đưa đến cho Nguyễn Ái Quốc những nhận thức mới về con đường giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa.

Bắt đầu từ đây con đường yêu nước của Nguyễn Ái Quốc đã được xác định cụ thể đó là đi theo chủ nghĩa Lênin. Thể hiện lập trường bằng hành động cụ thể là Người đã đi theo và bỏ phiếu ủng hộ Quốc tế III. Luận cương đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhận thức rõ ràng rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản, con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra. Luận cương đã trực tiếp chỉ ra con đường cứu nước của các dân tộc thuộc địa. 

Người đã nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn tin tưởng V.I.Lênin và Quốc tế Cộng sản.

Ngày 12/7/1946, trả lời phỏng vấn các nhà báo ở Roaya Mông Xô, Người nêu rõ: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi nghiên cứu chủ nghĩa Mác”. Rõ ràng, qua cả một thời gian trải nghiệm, tìm tòi, lựa chọn, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được những giá trị mình theo đuổi, đã tìm được con đường đi cho dân tộc mình. Học thuyết chính trị Mác-Lê nin chính là hệ tư tưởng chân chính, phù hợp mà chúng ta đi theo và vận dụng.
Để bắt gặp được học thuyết chính trị tiến bộ Mác-Lênin là cả một thời gian dài trải nghiệp, tìm tòi, hoạt động của Nguyễn Ái Quốc. Từ đây, con đường cứu nước, cứu dân được hoàn chỉnh và đầy đủ để quá trình cách mạng chuyển sang bước tiếp theo là vận dụng vào thực tiễn chính trị để chiêm nghiệm và đi đến chỉ đạo cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc và xây dựng xã hội mới ở quê hương.

3. Hiện thực xây dựng xã hội “Tự do, bình đẳng, bác ái” của Hồ Chí Minh

Sau một thời gian dài, khi bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lê nin và con đường cách mạng vô sản đã làm cho Nguyễn Ái Quốc quyết định lựa chọn con đường tìm tòi và đấu tranh cho mình để hiện thực hóa những mong ước, khát khao. Từ đây Người đã tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức, các phong trào cộng sản thế giới và cách mạng Việt Nam.

Năm 1923, Người sang Liên Xô dự Đại hội Quốc tế nông dân, trong Đại hội, Người đã được bầu vào Đoàn chủ tịch của Quốc tế nông dân. Đây chính là tổ chức đầu tiên để Người hoạt động. Sau đó, để tăng cường trang bị lý luận cho mình, Người học tại Đại học Phương Đông - nơi đào tạo cán bộ Cộng sản cho những nước phương Đông. 

Năm 1924, Người tham dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản. Đồng thời Người đã tích cực tham dự các hoạt động của các phong trào, tổ chức như: Đại hội Quốc tế thanh niên, Quốc tế cứu tế đỏ, Quốc tế Công hội đỏ… Thời gian này Người tích cực hoạt động với tư cách là thành viên của các tổ chức với tinh thần của một chiến sĩ Cộng sản. Đây là thời gian Nguyễn Ái Quốc lăn lộn với các phong trào quốc tế. Ngoài ra, để gây ảnh hưởng đến cộng đồng thế giới, tập trung sự ủng hộ của cộng đồng tiến bộ, phê phán chủ nghĩa đế quốc, Người tăng cường viết các bài tuyên truyền đăng trên các báo, chẳng hạn báo: Nhân đạo (L’Humanité), Đời sống công nhân (La Vie Ouvrière), Sự thật (Pravda), Người cùng khổ (Le Paria), Thư tín quốc tế (Inprékor), Tạp chí Cộng sản... Các bài báo tập trung nói về các vấn đề liên quan đến giai cấp công nhân, đến cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các thuộc địa, mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng thuộc địa.

Từ những lý luận chính trị đã được tập hợp, nghiên cứu về cách mạng vô sản, phong trào công - nông, mô thức chính trị cùng với sự phân tích đánh giá và trải nghiệm, Người đã quyết định về lãnh đạo cách mạng ở quê hương mình sau bao năm xa cách. Việc đầu tiên là Nguyễn Tất Thành về Quảng Châu, Trung Quốc. Người xác định, đây là địa điểm thuận lợi để thành lập các tổ chức cách mạng và truyền bá học thuyết chính trị vô sản.

Tháng 6/1925, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập. Tổ chức đầu tiên được ra đời để tập hợp lực lượng trẻ tuổi, nhiệt huyết, trí tuệ làm công việc truyền bá lý luận và xây dựng lực lượng cách mạng trong nước. Tờ báo Thanh niên được ra đời làm cơ quan ngôn luận cho thế hệ cách mạng trẻ, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925. Qua đây Người đã mở ra nhiều lớp huấn luyện chính trị cho những thanh niên Việt Nam yêu nước. Những bài giảng về chính trị Mác-Lênin, về phong trào công nhân và con đường cách mạng được chuyển tải với các thanh niên cách mạng và được đóng thành tài liệu có tên là Đường cách mệnh để chuyển về trong nước. Khi những tư tưởng cách mạng này được truyền bá vào trong nước đã xuất hiện ba tổ chức cách mạng ở Bắc, Trung và Nam kỳ.

Ba tổ chức này gồm: An Nam cộng sản Đảng; Đông Dương cộng sản đảng và Đông Dương cộng sản liên đoàn. Để tiếp tục gây ảnh hưởng của học thuyết chính trị Mác-Lênin đối với các nước trong khu vực, năm 1928 Người về Thái Lan hoạt động cách mạng với tên Thầu Chín để tuyên truyền và huấn luyện cho Việt kiều, đồng thời móc nối một số thanh thiếu niên Việt Nam sang Thái Lan hoạt động. Để hợp nhất và thống nhất hành động cho ba tổ chức đảng chính trị ở trong nước, mùa xuân năm 1930, Người cùng với 2 đồng chí của Quốc tế cộng sản về Cửu Long, Hương Cảng. Từ đây Đảng Cộng sản Việt Nam được ra đời trên cơ sở sáp nhập 3 tổ chức đảng chính trị ở trong nước. 

Những giá trị Tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ được tuyên tryền rộng rãi trở thành ngọn cờ cho việc tập hợp các lực lượng tham gia cách mạng để biến những nội dung tuyên truyền thành hiện thực.  

Sau 30 năm bôn ba, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Lịch sử Việt Nam bắt đầu sang một trang mới, lúc đó Người đổi sang tên mới là Hồ Chí Minh. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh năm 1941 và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân năm 1942 cùng các tổ chức khác để tập hợp quần chúng. Hồ Chí Minh cùng với Đảng Cộng sản đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi quan trọng đó là thành lập ra chính quyền Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á năm 1945 bằng cuộc cách mạng Tháng Tám. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Chính quyền công nông đã bảo đảm quyền dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái cho tất cả mọi người dân. Những giá trị cao cả đó được thể hiện đầu tiên ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Hà Nội. Bản Tuyên ngôn đó không chỉ là sự kế thừa mà còn vượt lên trên các bản Tuyên ngôn của các quốc gia mà Hồ Chí Minh đã trích dẫn. Bắt đầu từ đây những giá trị cao cả mà chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành theo đuổi đến Nguyễn Ái Quốc tìm tòi, trải nghiệm và đến Hồ Chí Minh thực hiện để cho những giá trị ấy trở thành hiện thực với một thể chế chính trị mới hiện nay ở chúng ta.

Trong suốt cả mấy chục năm tìm tòi, trải nghiệm, vận dụng các giá trị: Tự do, bình đẳng, bác ái đã được thực hiện ở Việt Nam chúng ta ngày nay. Tính từ ngày ra đi tìm đường cứu nước đầu thế kỷ XX ấy, Hồ Chí Minh đã giành cả cuộc đời mình để theo đuổi một mục tiêu cho dân tộc, cho đất nước. Độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, bình đẳng cho mọi người, bác ái với xã hội đã được Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái quốc, Hồ Chí Minh đi tìm tòi, tạo dựng và vận dụng để trở thành một hiện thực ở Việt Nam. Khi trả lời phỏng vấn, Hồ Chí Minh cho rằng Người ra đi vì muốn "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu". Cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ năm 1911 đã tạo dựng nên được bước ngoặt vô cùng vĩ đại cho cách mạng chúng ta, đã thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, đã giải quyết được những bế tắc của các khuynh hướng cứu nước của các tiền nhân, đã hiện thực hóa được khát vọng Tự do, dân chủ, bình đẳng cho tất cả chúng ta.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.    Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

2.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

4.    GS. Song Thành (chủ biên): Hồ Chí Minh tiểu sử, tập 8, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội,2006.

5.    Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Chính trị quốc gia và NXB trẻ, Hà Nội, 2005.

6.    Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng(Xuất bản lần thứ hai, có bổ sung), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top