Kỳ tích Trung Nam

Kỳ tích Trung Nam

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 19/10/2020 - 06:00

“Năm 2020, Trung Nam Group chỉ có 1 khẩu hiệu là sống, chết với dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam”, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng giám đốc Trung Nam Group phát biểu tại Lễ phát động “Chiến dịch thi đua 102 ngày đêm” nhằm khích lệ tinh thần đội ngũ cán bộ công nhân viên của nhà đầu tư, đơn vị thi công, dốc toàn lực đưa dự án về đích, diễn ra chiều 15/5.

Trước đó, vào giữa tháng 3/2020, Trungnam Group được UBND tỉnh Ninh Thuận quyết định lựa chọn là nhà đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.

Dự án được Trungnam Group triển khai với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, có diện tích 557,09ha, trong đó có hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Việc triển khai dự án lớn như vậy đòi hỏi phải thực hiện trong thời gian dài, thường là từ 3 - 5 năm, tuy nhiên Trungnam Group khởi công dự án từ giữa tháng 5/2020 và đặt ra mục tiêu hoàn thành dự án trong tháng 9/2020, chạy đua tiến độ để kịp thời trở thành công trình điểm nhấn chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021- 2025.

Vị lãnh đạo Trung Nam nhấn mạnh, đây là một dự án không có đường lùi, lấy tinh thần từ “chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ”, công ty sẽ gắn bó với tỉnh Ninh Thuận một cách lâu dài và bền vững để thực hiện dự án đúng như thời gian cam kết.

Bằng sự quyết tâm, chủ đầu tư Trungnam Group và 22 nhà thầu cũng đã ký cam kết triển khai đảm bảo tiến độ dự án.

Công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, băng dây cáp quan đường núi hiểm trở để đưa dự án về đích.

Và rồi, hơn cả một kỳ tích, hơn 8.000 công nhân, kỹ sư đã bất chấp đặc thù điều kiện tự nhiên hiểm trở nhiều đồi núi, vượt khó khăn, tăng ca cả ngày lẫn đêm để thi công hoàn thành dự án trạm biến áp, đường dây 500kV và nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW với thời gian kỷ lục, chỉ trong vòng 6 tháng từ khi nhận quyết định đầu tư và đúng tròn 102 ngày đêm từ buổi lễ phát động chiến dịch đẩy nhanh tiến độ. Ngày 29/9, Trungnam Group thực hiện đóng điện Trạm biến áp và đường dây 220 - 500kV.

Ngày 12/10, lễ khánh thành Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220 - 500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á do tư nhân đầu tư đã được tổ chức tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

"Sau 102 ngày đêm, với hơn 8.200 người cùng nhau góp sức, sự ủng hộ của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, dự án trên diện tích hơn 557ha, trong đó hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV đã chính thức hoàn thành.

"Sau khi dự án này hoàn thành, Trung Nam đã chính thức phát trên lưới quốc gia 1.064MW bao gồm thủy điện, điện mặt trời, điện gió. Dự kiến năm 2021, chúng tôi sẽ phát thêm 900MW điện gió và đến năm 2027 đưa vào vận hành gần 10.000MW điện năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời", ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group, chủ đầu tư dự án phát biểu tại  Lễ khánh thành. 

Ngày 12/10, lễ khánh thành Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220 - 500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á do tư nhân đầu tư đã được tổ chức tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Nói là dấu ấn lịch sử bởi đây là đường dây truyền tải điện 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng tại Việt Nam, là gạch nối dài với một dấu ấn lịch sử khác được thực hiện vào ngày 27/5/1994, khi đường dây 500kV đầu tiên của Việt Nam đi vào vận hành, gắn liền với tên tuổi vị Thủ tướng danh tiếng một thời Võ Văn Kiệt.

Nếu ai đã từng sống vào thời kỳ đó mới thấy được việc hình thành ý tưởng và tổ chức thực hiện xây dựng đường dây 500kV đầu tiên này gặp những gian truân như thế nào, về cả tư duy vĩ mô, về nguồn tài chính tốn kém, về điều kiện kỹ thuật nghiêm ngặt. Thậm chí, có vị bộ trưởng kể lại khi đó, Thủ tướng rất lo và nói rằng, nếu dự án thất bại thì ông sẽ từ chức!

Đấy là với nguồn lực của một quốc gia mà còn căng thẳng như thế. Nay chỉ cần một tập đoàn tư nhân thôi đã hoàn thành một công trình đòi hỏi không chỉ nguồn tài chính dồi dào, về khả năng đáp ứng những điều kiện kỹ thuật nghiêm ngặt mà còn là sự tự tin, lòng quả cảm của một nhà đầu tư đầy bản lĩnh.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

Truyền tải điện như là mạch máu lưu thông hệ thống điện quốc gia, tuy nhiên hiện nay vấn đề đấu nối, truyền tải điện đang còn hạn chế bởi hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất. 

Khắc phục hạn chế này, nhờ cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như địa phương trong việc khuyến khích đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo nên từ năm 2018 đến nay, nhiều dự án năng lượng tái tạo đã được đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận với công suất lên đến 2.000MW.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, đã có khoảng trên 80 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.464MW được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia kiểm tra điều kiện và đóng điện thành công, tập trung nhiều nhất ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

Việc nhiều dự án điện mặt trời cùng lúc đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn đã khiến mạng lưới phân phối, truyền tải trên địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận… bị quá tải. Nhiều dự án không thể phát điện được lên lưới, bị cắt giảm công suất. Ở một số thời điểm, công suất cắt giảm dao động ở mức 30 - 35%, có dự án phải cắt giảm công suất lên đến 60% nhằm đảm bảo an toàn cho công tác vận hành hệ thống điện. Việc thực hiện cắt giảm công suất đã khiến c các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí đầu tư, vận hành cũng như phát triển mở rộng dự án.

Tình trạng quá tải hệ thống truyền tải điện ở tỉnh Ninh Thuận đã cho thấy sự không đồng bộ trong việc phát triển hạ tầng truyền tải quốc gia, dẫn đến không đồng bộ ở các địa phương và không đảm bảo được tốc độ phát triển của các dự án năng lượng tái tạo.

Mặc dù Tập đoàn Điện lực đã cố gắng đẩy nhanh tốc độ nâng cấp hệ thống truyền tải nhưng những khó khăn về thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương khiến cho việc triển khai dự án phát triển lưới điện bị trì trệ. Bên cạnh đó, các dự án năng lượng tái tạo, nhất là dự án điện mặt trời có thể triển khai trong 6 tháng, trong khi để triển khai một dự án lưới điện truyền tải 220kV, 500kV phải kéo dài từ 3 đến 5 năm.

Từ thực tế trên, Trungnam Group đã quyết tâm tham gia vào đầu tư hạ tầng truyền tải điện của quốc gia, bởi đơn vị này biết rằng, việc cắt giảm công suất sẽ không chỉ dừng lại ở con số 60%.

Với cương vị là nhà đầu tư năng lượng tái tạo số 1 Việt Nam và là doanh nghiệp thực hiện các dự án năng lượng tái tạo lớn nhất tại tỉnh Ninh Thuận, cùng với sự khuyến khích của lãnh đạo UBND tỉnh và hỗ trợ kỹ thuật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trungnam Group đã mạnh dạn đề xuất thực hiện Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW để giải quyết vấn đề quá tải hệ thống truyền tải quốc gia.

Trungnam Group đã quyết tâm tham gia vào đầu tư hạ tầng truyền tải điện của quốc gia, bởi đơn vị này biết rằng, việc cắt giảm công suất sẽ không chỉ dừng lại ở con số 60%.

“Hệ thống truyền tải của Việt Nam rất mạnh nhưng “chưa được khỏe” do khâu truyền tải còn nhiều bất ổn. Đầu tư hệ thống truyền tải cần làm theo chuỗi và đồng bộ, do đó việc Trung Nam đầu tư vào trạm biến áp và đường dây 500kV sẽ bảo đảm tính ổn định trong quá trình truyền tải.

Đối với doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi, dòng tiền là máu - dòng tiền ổn thì mới duy trì tốt hoạt động kinh doanh, mỗi quyết định đầu tư đều rất quan trọng. Để đến với quyết định đầu tư, một phần do đây là đường dây truyền tải đầu tiên và duy nhất được Chính phủ cho phép. Đây là động lực cho các nhà đầu tư tư nhân được tham gia.

Với sự ủng hộ của các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công thương, tôi thấy đây là một điểm mới và khai thông một phần nhỏ trong Nghị quyết 55. Ý chí quyết tâm của chúng tôi là phải hoàn thành trong năm 2020, nếu không kịp, Trung Nam được xem như đứng trên bờ vực phá sản”, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam khẳng định.

Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220 - 500kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW được xem là dấu mốc lịch sử của ngành năng lượng Việt Nam khi doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng và nhận được sự đồng thuận đa phương từ Trung ương đến các cấp chính quyền. Ngoài việc khai thác hơn 1 tỷ kWh - tương đương 1GWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo (năm đầu tiên: 1,2 tỷ kWh), dự án sẽ góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và Duyên hải Nam Trung bộ. Hai trạm biến áp của dự án, với tổng công suất 1.800MVA, kết hợp với các đường dây giúp tăng khả năng kết nối, tăng độ tin cậy cho hệ thống lưới điện tại khu vực Nam Trung bộ.

“Việc hoàn thành và đưa Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450 MW, trạm biến áp 220 - 500KV và đường dây 220kV, 500kV vào hoạt động sẽ góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia. Dự án đóng góp quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận tránh tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà máy hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong việc cam kết với các nhà đầu tư và góp phần giải quyết tình trạng cả nước thiếu điện nhưng năng lượng tái tạo lại đang giảm phát. Và quan trong là dự án thể hiện quán triệt Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, tư nhân tham gia phát triển nguồn và xây dựng hạ tầng truyền tải”, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh.

Đánh giá về tính tiên phong và khát vọng của Trung Nam trong việc dốc toàn lực cho dự án điện mặt trời này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực truyền phát điện, thúc đẩy quá trình thị trường hóa ngành điện một cách nhanh hơn là một tín hiệu tốt, thể hiện sự tin tưởng và nhìn nhận khách quan hơn của Nhà nước đối với khả năng của doanh nghiệp tư nhân. Trước đây, việc xây dựng các trạm biến áp vốn được giao cho doanh nghiệp Nhà nước, nguồn lực có hạn nên không đáp ứng được tối đa nhu cầu.

“Chỉ mới cuối năm ngoái, các doanh nghiệp điện mặt trời, điện gió còn gặp khó vì không có đường dây truyền tải hoặc quá tải nhưng Trung Nam chỉ làm trong hơn 6 tháng là xong trạm biến áp chất lượng quốc tế, thay vì phải mất 3 năm.

Tập đoàn Trung Nam đã rất nhanh nhạy khi đi tiên phong, nắm bắt cơ hội và nhìn thấy được những tiềm năng phát triển của năng lượng tái tạo trong tương lai. Khả năng “đánh nhanh, thắng nhanh” khi thực hiện đường dây biến áp 500kV vừa qua là minh chứng rất rõ ràng.

Đây cũng là bước đột phá cho thấy hiệu quả của đầu tư tư nhân, cho thấy kinh tế tư nhân hoàn toàn có thể gánh vác được nhiệm vụ tưởng chừng như rất nặng nề không chỉ trong lĩnh vực phát điện mà cả trong việc truyền tải điện. Họ biết nhìn nhận, biết nắm bắt cơ hội, biết cách thực thi một cách nhanh nhất để đem lại hiệu quả”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

PGS.TS. Ngô Trí Long, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả cũng đánh giá, với bối cảnh đầu tư của ngành điện lớn cần rất nhiều vốn thì việc tư nhân có thể triển khai đầu tư lưới truyền tải điện mặt trời nhanh là rất đáng hoan nghênh. Sự tham gia của tư nhân vào khâu truyền tải điện cũng là giải pháp đảm bảo cho các dự án điện năng mặt trời được phát được hết công suất, tránh tắc nghẽn.

“Việc tham gia đầu tư của doanh nghiệp tư nhân đang góp phần tạo ra nguồn năng lượng mới, là xu hướng tất yếu của tương lai. Sự tiên phong của Trung Nam cũng là việc mà Nhà nước đang khuyến khích. Đây cũng có thể coi là bước tiến đầu tiên để cổ vũ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, sạch, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển điện mặt trời tương xứng với tiềm năng”, ông Long nói.

Được thành lập từ năm 2004, qua hơn 15 năm hoạt động, Trungnam Group được xem là một trong những tập đoàn phát triển năng lượng lớn nhất Việt Nam, dần chứng minh năng lực và uy tín của mình với các dự án thủy điện, điện mặt trời, điện gió. Đây cũng là tập đoàn tư nhân tiên phong với hàng loạt dự án điện mặt trời quy mô lớn.

Cụ thể, tháng 4/2019, Trungnam Group đã thành lập tổ hợp trang trại Năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam giai đoạn 1 tại hai xã Bắc Phong và Lợi Hải (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận).

Tổ hợp năng lượng tái tạo của Trung Nam được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua trạm biến áp 220kV Tháp Chàm, với tổng sản lượng khai thác đạt 950 triệu đến 1 tỷ Kwh điện mỗi năm.

Tổng diện tích vùng dự án năng lượng của Trungnam Group thực hiện tại Ninh Thuận có diện tích 900ha; trong đó trang trại điện mặt trời Trung Nam tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, quy mô lắp đặt 705.000 pin mặt trời.

Thêm vào đó, Trungnam Group cũng đã đóng vai trò lớn trong việc biến vùng đất Trà Vinh - nơi canh tác không hiệu quả trong quá khứ, trở thành một khu vực tiềm năng nhờ dự án năng lượng mặt trời, tận dụng được nhân công địa phương, đóng góp các hoạt động xã hội giúp học sinh khó khăn tiếp tục đến trường, các hộ gia đình được hỗ trợ điều kiện.

Tổng vốn đầu tư dự án Trungnam Group triển khai ở tỉnh Trà Vinh hơn 3.500 tỷ đồng, tổng công suất 165 MWp. Dự án có quy mô 171ha, bao gồm 32 trạm Inverter, 1 trạm biến áp 2x90 MVA và hơn 440.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt trên hơn 7.000 giá đỡ; hòa điện, cung cấp vào nguồn điện cả nước và hỗ trợ an ninh năng lượng cho các khu vực chưa tiếp cận được với lưới điện quốc gia.

Trung Nam là tập đoàn tư nhân tiên phong với hàng loạt dự án điện mặt trời quy mô lớn.

Vừa qua, Tập đoàn này cũng đã triển khai đồng loạt các dự án năng lượng tái tạo, với mục tiêu hòa lưới hơn 3.000 MW (3 GW) tại Trà Vinh, Gia Lai, Đắk Lắk và Ninh Thuận trong 3 năm tới.

Đặc biệt, nhà máy Trung Nam Ninh Thuận công suất 258 MWP đạt doanh thu trên 500 tỷ đồng, lãi ròng 131 tỷ đồng. Nhà máy Trung Nam Trà Vinh với công suất 165 MWP đạt doanh thu 275 tỷ đồng, lãi 94 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời, Trungnam Group làm việc với nhiều đối tác, nhà cung cấp nước ngoài có uy tín trên thị trường thế giới. Trong đó có thể kể đến ENERCON - nhà sản xuất thiết bị điện gió hàng đầu châu Âu đến từ Đức, cung cấp tuabin gió công nghệ “không hộp số” (Gearless) và tự động điều chỉnh đón gió. Với công nghệ tuabin không hộp số, các trụ gió tại Nhà máy điện gió Trung Nam có thể hoàn toàn vận hành bình thường ngay khi gió đạt tốc độ 2,5 m/s.

Tại cánh đồng điện mặt trời, đối tác Siemens cung cấp thiết bị INVERTER và công nghệ chuyển hóa bức xa mặt trời, được thiết kế chịu nhiệt độ trên 40oC độ C, không suy giảm hiệu suất chuyển hóa, cũng như không xảy ra tình trạng quá tải do nhiệt độ cao, các thiết bị, phụ kiện khác do Siemens triển khai đạt được kích thước tối ưu khi gọn và nhẹ hơn so với các hãng.

Bên cạnh sự thành công trong việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, Trungnam Group đang hướng tới phát triển điện khí, đúng theo chủ trương của Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Chính trị ban hành, ưu tiên phát triển đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, trong đó có ưu tiên phát triển điện khí.

Với những lợi thế sẵn có về cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo và đội ngũ chuyên gia, kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực, Trungnam Group khẳng định là một nhà đầu tư tiềm năng trong việc thực hiện các dự án điện khí quy mô lớn trong tương lai, kiên định vững chắc trên con đường khẳng định tên tuổi của mình, hướng tới trở thành một tập đoàn lớn mạnh ở khu vực Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia, Việt Nam từ trước đến nay phụ thuộc nhiều vào thủy điện và nhiệt điện than và đang phải đối mặt với nhu cầu điện ngày càng tăng cao. Thông tin tại Hội thảo Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và Điện mặt trời mái nhà diễn ra ngày 9/7, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, dự tính từ giai đoạn sau 2020 - 2030, nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện sẽ vẫn tăng trưởng cao ở mức từ 7,5 - 8%/năm, đây cũng là một trong những vấn đề gây nhiều khó khăn, thách thức cho hệ thống điện Việt Nam.

Đặc biệt là khi chúng ta khai thác hết các nguồn năng lượng sơ cấp như thủy điện; nguồn nhiên liệu than, khí cũng đang gặp khó khăn, phải nhập khẩu; nhiều dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII chậm tiến độ…

Bổ sung nguồn điện là vấn đề cấp thiết, nhưng để xây dựng dự án thủy điện hay nhiệt điện mất nhiều thời gian, chưa kể những vấn đề môi trường phức tạp, trong khi việc đầu tư dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 - 8 tháng xây dựng, mốc thời gian rất ngắn để bắt đầu tính toán với con số thương mại.

Do đó, việc tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, đặc biệt là gió và mặt trời để sản xuất điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia và nhiều lợi ích khác… là một trong những xu hướng và giải pháp quan trọng hiện nay.

Chia sẻ về những cánh cửa được mở ra trong Diễn đàn cao cấp về Năng lượng Việt Nam 2020 (23/7/2020), TS. Võ Trí Thành cho biết, ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (mặt trời/điện gió) sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Nghị quyết 55 của Bộ Chính Trị khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là kinh tế tư nhân, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch, tháo những nút thắt trong phát triển năng lượng, giải quyết bài toán năng lượng phát triển bền vững cho Việt Nam.

Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, khuyến khích lĩnh vực năng lượng sạch, miền Trung đang trở thành “thủ phủ” của những dự án năng lượng mặt trời, là đòn bẩy cho kinh tế khu vực phát triển mạnh mẽ.

Sự tiên phong của Trungnam Group trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và truyền tải điện đã cho thấy tầm nhìn và khả năng nắm bắt cơ hội của một tập đoàn tư nhân mang trong mình nhiều khát vọng vươn xa và sự cống hiến hết mình cho tương lai đất nước.

Những ánh đèn điện được thắp sáng từ đường dây truyền tải điện 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư.

Nguyên Hà 
Lê Quyên - Thu Nga
17/10/2020 21:04


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top