Aa

Kỳ vọng “sức bật” từ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Thứ Tư, 24/11/2021 - 06:15

Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được đánh giá là cấp thiết; có vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm vùng Tây Nguyên với Khu kinh tế Vân Phong, tạo động lực phát triển cho cả vùng.

Theo Ban quản lý dự án 6 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT - chủ đầu tư giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột), Khánh Hòa là trung tâm kinh tế - chính trị lớn của khu vực Nam Trung bộ, trụ cột kinh tế là du lịch, công nghiệp và vận tải biển với TP. Nha Trang, Khu kinh tế Vân Phong, Khu kinh tế Cam Ranh…  

cao tốc khánh hoà buôn ma thuột
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm vùng Tây Nguyên với Khu kinh tế Vân Phong (Ảnh minh hoạ)

Dự án cấp thiết

Vân Phong được xác định như động lực phát triển kinh tế mới của tỉnh, là một trong ba khu kinh tế trọng điểm của cả nước (2 khu còn lại là Khu kinh tế Phú Quốc và Khu kinh tế Vân Đồn), với định hướng phát triển du lịch biển Dốc Lết và các cảng biển được chia thành 2 khu vực. Khu Bắc Vân Phong tập trung phát triển cảng trung chuyển quốc tế kết nối với QL1A và cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại khu vực nút giao hầm Cổ Mã; khu Nam Vân Phong tập trung phát triển cảng tổng hợp, cảng nội địa, hiện tại kết nối với QL1A bằng QL26B tại khu vực trung tâm của thị xã Ninh Hòa.

Trong khi đó, Đắk Lắk là trung tâm kinh tế - chính trị của vùng Tây Nguyên, trong tam giác phát triển kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia, với trụ cột kinh tế là nông - lâm nghiệp, du lịch và năng lượng tái tạo. TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ của Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, là đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội, văn hoá giữa Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung; đồng thời là cực tăng trưởng tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng, là trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu buôn bán hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia, có vị trí chiến lược về mặt chính trị, kinh tế, xã hội...

cao tốc
QL 26 nối Khánh Hòa với Đắk Lắk hiện nay nhỏ hẹp, chỉ có 2 làn xe, thường xuyên hư hỏng, là một trong những nguyên nhân khiến 2 tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng

Hiện nay, QL26 nối Khánh Hòa với Đắk Lắk nhỏ hẹp, chỉ có 2 làn xe rộng từ 6 - 12m (tùy đoạn), nhiều đoạn đường đèo quanh co, mặt đường thường xuyên hư hỏng, là một trong những nguyên nhân 2 tỉnh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Ngày 15/11/2019 Bộ Chính trị đã có cuộc họp nghe trình bày tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW, ra kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định Trung ương và tỉnh Đắk Lắk ưu tiên đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thông TP. Buôn Ma Thuột với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không vào khu vực trung tâm đô thị. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm; trong đó có xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Theo Quyết định số 1454 ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Tuyến cao tốc được đánh giá là cần thiết và cấp bách, ưu tiên đầu tư sớm nhất trong khu vực.

Xây dựng hoàn thiện một lần

Mới đây, đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về Dự án đầu tư đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đã đưa ra 3 phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Khu kinh tế Vân Phong
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ thúc đẩy phát triển vùng kinh tế Tây Nguyên và Khu kinh tế Vân Phong. Trong ảnh: Một góc Khu kinh tế Vân Phong

Theo đó, phương án 1: Đầu tư hoàn thiện ngay từ đầu với 4 làn xe, mặt đường 24,75m (mỗi làn 3,75m). Phương án 2: Đầu tư 8km từ QL1 đến đường cao tốc Bắc - Nam phía đông có quy mô 4 làn hoàn thiện 24,75m; đoạn còn lại từ đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đến cuối tuyến dài 110km đầu tư quy mô mặt đường 13,5m (2 làn, mỗi làn 3,5m), hoàn thiện quy mô 24,75m tại thời điểm thích hợp. Phương án 3: Đầu tư quy mô mặt đường 4 làn cao tốc hạn chế 17m, hoàn thiện quy mô 24,75m tại thời điểm thích hợp.

UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất cao với việc đầu tư dự án theo phương án 1, là hoàn thiện một lần, không phân kỳ đầu tư; qua đó tạo động lực để phát triển Khu vực Vân Phong và kết nối với các tỉnh Tây Nguyên. Với phương án đầu tư đề xuất làm một lần, không phân kỳ, tỉnh Khánh Hòa sẽ quyết tâm vận động nhân dân giải phóng mặt bằng sớm sau khi được thống nhất đầu tư. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉnh trang nâng cấp mở rộng QL26B để đồng bộ với mặt đường cao tốc. Đại diện Bộ GTVT yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý của địa phương để hoàn thiện phương án đầu tư. Khi có văn bản chính thức của UBND tỉnh, Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thẩm định đầu tư dự án.

Theo chủ trương, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài khoảng 118km, điểm đầu từ nút giao giữa QL26B và QL1 (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa); điểm cuối giao cắt tại khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Quy mô dự án 4 làn xe, đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, vận tốc thiết kế 80 - 100km/giờ. Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện đường cao tốc 4 làn xe là 24,75m. Tổng nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên theo quy mô hoàn chỉnh hơn 1.000ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 23.200 tỷ đồng - 25.700 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện bằng hình thức đối tác công - tư (PPP).

“Sức bật” cho vùng kinh tế trọng điểm

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá, việc đầu tư đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là hết sức cần thiết. Bởi hiện tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong và xác định đây là động lực phát triển kinh tế mới của tỉnh. Trong khi đó, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kết nối trực tiếp vào tuyến đường chính QL26B đi đến khu vực Nam Vân Phong, nơi có Khu công nghiệp Ninh Thủy, cảng biển, nhà máy nhiệt điện…

khu kinh tế trọng điểm
Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đang từng bước trở thành trung tâm logictics lớn, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, kết nối với thị trường Tây Nguyên rộng lớn và đầy tiềm năng

Nói đến “sức bật” của vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên không thể không nói đến Cảng tổng hợp Nam Vân Phong hiện nay đã đi vào hoạt động. Cảng nằm liền kề Khu công nghiệp Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), cách QL1A 12km, sân bay Cam Ranh 75km, sân bay Tuy Hòa 85km, Đắk Lắk 120km. Cảng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất khu vực Nam Vân Phong, cập được tàu 70.000DWT, trong tương lai nâng cấp có thể cập tàu lên đến 100.000DWT. Dự kiến, lượng hàng thông qua cảng đạt 1.000.000T - 2.000.000T/năm, giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa từ Khánh Hòa lên Tây Nguyên và từ Tây Nguyên xuống Khánh Hòa thông qua QL26 và sau này là tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, cho biết: “Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đang từng bước trở thành trung tâm logictics lớn, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, kết nối với thị trường Tây Nguyên rộng lớn và đầy tiềm năng. Việc tiếp nhận ngày càng nhiều tàu hàng vào Cảng sẽ tạo sự phát triển cho doanh nghiệp nói riêng và góp phần gia tăng thu ngân sách tại địa phương nói chung; là một lợi thế cho các doanh nghiệp đầu tư tại Khu công nghiệp Ninh Thủy và khu vực lân cận tại Khu kinh tế Vân Phong vì tiết kiệm được chi phí vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng siêu trường, siêu trọng. Do đó, đây là một yếu tố thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư, đặt biệt là các nhà đầu tư lớn, cần cảng trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp”.

Theo nghiên cứu của Viện chiến lược phát triển GTVT, các tuyến đường bộ cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả rõ rệt về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh; tạo không gian phát triển và quỹ đất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và khu vực; mức tăng trưởng GRDP khi đầu tư đường bộ cao tốc cao hơn khi không có đường bộ cao tốc trung bình 1,5%. Chỉ xét riêng tỉnh Đắk Lắk, khi đầu tư đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, mỗi năm GRDP có thể tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, hiệu quả tăng trưởng hàng hóa cũng sẽ được thể hiện rõ thông qua cảng Nam Vân Phong. Cảng này có chức năng phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Vân Phong và các tỉnh Tây Nguyên. Hiện tại do điều kiện đèo Phượng Hoàng trên QL26 quanh co, nhiều đường cong bán kính nhỏ, độ dốc lớn, nên một lượng lớn hàng hóa có xu hướng lựa chọn vận chuyển theo QL14 đến các cảng phía Nam; đặc biệt là các hàng hóa siêu trường, siêu trọng. Thực tế thời gian qua khu vực Tây Nguyên phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, các thiết bị đều phải nhập cảng phía Nam và vận chuyển theo QL14. Hệ thống giao thông kết nối yếu kém là một trong những nguyên nhân khiến cảng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Chính vì vậy, việc đầu tư tuyến đường cao tốc hiện đại, chất lượng cao là yếu tố then chốt tạo “sức bật” về phát triển kinh tế cho tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk cũng như cả khu vực lân cận. Ngoài ra, còn mang lại nhiều hiệu quả khác về xã hội, du lịch, an ninh - quốc phòng…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top