Aa

Lạc quan và quan ngại về cổ phiếu đá, gỗ, ôtô Phú Tài!

Chủ Nhật, 29/09/2019 - 10:30

Khá khó hiểu cho một mã cổ phiếu địa phương được định giá ngang ngửa với doanh nghiệp khủng, trong khi các chỉ số tài chính nhiều phần rủi ro.

Điển hình tăng giá

Cổ phiếu PTB của Công ty cổ phần Phú Tài là một trong những điển hình tăng giá liên tục bất chấp thị trường chứng khoán ít biến động trong thời gian vừa qua.

Cuối tháng 8, cổ phiếu PTB lên trên mức 70.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá dành cho những doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu các ngành ngân hàng, bất động sản với vốn hóa khủng và uy tín bậc nhất như VCB hay VIC…

Nguyên nhân PTB tăng lên mức đỉnh trong vòng 1 năm được cho là nhờ hưởng lợi khi xuất khẩu ngành gỗ tăng mạnh. Sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu gỗ Việt Nam có thể đến từ những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra từ năm 2018 tới nay. Điều này đã mang đến những tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp trong nước, tiêu biểu như Phú Tài.

Nhìn con số lợi nhuận thì có thể thấy được sự khả quan này. Trong năm 2018, mảng kinh doanh gỗ mang về cho Phú Tài 1.841 tỷ đồng doanh thu, tăng 48% so với năm trước đó và chiếm 39% tổng doanh thu công ty.

Nửa đầu năm 2019, hoạt động kinh doanh gỗ của Phú Tài tiếp tục ghi nhận doanh thu 969 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu hoạt động xuất khẩu gỗ chiếm tới 77%.

Theo báo cáo mới được công bố, CTCK Phú Hưng cho rằng ngoài việc tận dụng lợi thế theo quy mô và chuỗi giá trị hoàn thiện, việc có các chứng nhận về nguồn gỗ keo, gỗ bạch đàn "sạch" của Phú Tài giúp công ty sớm chiếm lĩnh được các thị trường khó tính, như Mỹ, EU trong bối cảnh các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đang bị thu hẹp thị phần.

Với 30% nguyên liệu nhập khẩu và 70% nguyên liệu trong nước đều có chứng nhận FSC về nguồn gốc xuất xứ cho phép Phú Tài nắm bắt được cơ hội xuất khẩu vào các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe.

Bên cạnh sự tăng trưởng của mảng gỗ, trong 6 tháng đầu năm, mảng đá mang về cho công ty 656 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn khá nhiều so với gỗ. Dù vậy, đây là mảng kinh doanh mang lại tỷ suất lợi nhuận lớn nhất, với biên lãi gộp thường từ 30 - 40%.

Phú Tài có thời hạn khai thác của các mỏ đá 20 - 30 năm, cho phép công ty tiếp tục phát huy lợi thế của doanh nghiệp đi đầu trong cung cấp đá ốp lát xây dựng cả nước từ việc chủ động được đầu vào nguyên vật liệu đầu vào.

Lạc quan và quan ngại về cổ phiếu đá, gỗ, ôtô Phú Tài!

Việc sở hữu 11 mỏ đá có tổng trữ lượng 52,7 triệu m3, bao gồm một mỏ đá Cẩm thạch (Marble) ở Yên Bái có trữ lượng 29 triệu m3 (mua mới 2018) và các mỏ Granite tập trung chủ yếu ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là lợi thế lớn của công ty.

Trong khi đó, mảng kinh doanh ôtô Toyota cũng đang được tập trung. Từ tháng 9/2018 đến nay, với sự ổn định trở lại của nguồn cung, tình hình tiêu thụ xe đã có được sự cải thiện, qua đó giúp các doanh nghiệp phân phối ô tô như Phú Tài cải thiện doanh thu.

Trong nửa đầu năm 2019, doanh thu bán hàng và sửa chữa xe Toyota của Phú Tài đạt 941 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.

Tiềm năng đi cùng rủi ro

Dù vậy, PTB lại không được nhiều nhà đầu tư “coi trọng” khi thanh khoản thấp, khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ khoảng trăm nghìn cổ phiếu là cao. Hiếm khi có giao dịch lên đến 1 triệu cổ phiếu/phiên.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Phú Tài chuyên kinh doanh và sản xuất chế biến các sản phẩm gỗ, đá và phân phối xe Toyota. Năm 2000, Công ty Thắng Lợi được sáp nhập vào Công ty Phú Tài. Năm 2004, Công ty Phú Tài chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình công ty cổ phần.

Ưu thế của công ty chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất sản phẩm bàn ghế ngoài trời và trang trí nội thất; sản phẩm chế biến từ đá granite tự nhiên phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; kinh doanh dịch vụ xe du lịch cho hãng ô tô Toyota Việt Nam; cung ứng gỗ nguyên liệu…

Ngoài ra, các sản phẩm về vật liệu xây dựng và dịch vụ cho thuê văn phòng, nhà xưởng. Phú Tài được chấp thuận niêm yết từ 20/5/2011 tại HOSE. Hiện công ty có gần 49 triệu cổ phiếu đang niêm yết.

Ban lãnh đạo là một trong những điểm nhấn đáng chú ý khi tìm hiểu về doanh nghiệp này. Chủ tịch Hội đồng quản trị Phú Tài là ông Lê Vỹ. Em trai ông Vỹ là ông Lê Văn Lộc cũng nằm trong ban quản trị. Cả ông Vỹ và ông Lộc cũng đều là cổ đông lớn.

Trong đó, ông Lê Vỹ đồng thời là cổ đông lớn nhất với trên 12% cổ phần và ông Lộc nắm gần 6% cổ phần. Ngoài ra, vợ con hai lãnh đạo này cũng liên tiếp giao dịch cổ phiếu PTB.

Trong cơ cấu ban lãnh đạo còn có vợ chồng Tổng giám đốc là ông Lê Văn Thảo cũng là cổ đông lớn và nắm giữ tổng gần 9% cổ phần. Ông Lê Văn Thảo là cổ đông lớn thứ hai sau ông Vỹ. Như vậy, dễ nhận thấy, quyền lực và lợi ích từ PTB chủ yếu nằm trong tay nhóm lãnh đạo chủ chốt.

Dù ông Lê Vỹ được đánh giá là uy tín với 30 năm kinh nghiệm trong nghề và luôn đặt kế hoạch tăng trưởng hàng năm. Tuy nhiên, ở góc độ nhà đầu tư, với cơ cấu cổ đông ít đối trọng thì các yếu tố tài chính khác sẽ phụ thuộc nhiều vào ban lãnh đạo, tức là nghiêng về quyết định chủ quan. Ngoài ra, việc phát hành cổ phiếu nhiều trong quá khứ cũng là rủi ro lớn mà nhà đầu tư cần lưu tâm.

Lợi nhuận hàng quý của PTB khá ổn định trên dưới 100 tỷ đồng và chủ yếu ở công ty mẹ. Tuy nhiên, nợ vay tăng cao lên xấp xỉ 70% vốn chủ sở hữu và đây là con số khá rủi ro. Ngoài ra, các khoản phải thu và tài sản cố định cũng tăng trương ứng dẫn đến dòng tiền tự do của PTB nhiều năm bị thâm hụt./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top