Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng sẽ trình cổ đông kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ. Phương án tăng vốn chủ yếu là từ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoài ra, một số ngân hàng còn có kế hoạch chào bán riêng lẻ, chào bán cho cổ đông chiến lược.
Theo tài liệu trình cổ đông, MB muốn tăng vốn điều lệ thêm 10.688 tỷ đồng trong năm 2021, lên 38.675 tỷ đồng - cao hơn mức vốn điều lệ của VietinBank, Vietcombank, Techcombank hiện nay.
Ngân hàng có 3 phương án tăng vốn, lần 1 tăng thêm gần 10.000 tỷ từ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 35%), lần 2 tăng thêm 700 tỷ thông qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược, lần 3 tăng thêm 192,4 tỷ thông qua phát hành cổ phiếu ESOP.
Ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay là BIDV với hơn 40.200 tỷ đồng cũng có kế hoạch tăng vốn. Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, cổ đông ngân hàng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng (tức tăng 20,6%) trong giai đoạn 2021 - 2022. Phương án tăng vốn bao gồm việc phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%) và phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Một ngân hàng lớn khác cũng đã được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 là ACB. Theo đó, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 21.600 tỷ lên hơn 27.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%.
Còn tại HDBank, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.000 tỷ lên 20.110 tỷ đồng trong năm nay bằng việc phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%.
SHB cũng dự kiến chia cổ tức năm 2019 và năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ lần lượt 10% và 10,5%. Từ đó, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng, tương đương tăng 21% so với vốn điều lệ hiện tại.
Các ngân hàng tầm trung như VIB, MSB, SeABank cũng muốn tăng vốn. Trong đó, SeABank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 12.087 tỷ đồng lên 15.238 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 110,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 9,12%. MSB tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng, thông qua trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. VIB tăng vốn từ 11.093 tỷ đồng hiện tại lên hơn 15.530 tỷ đồng thông qua việc chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ tối đa 40%.
Trong khi đó, đa số ngân hàng nhỏ không có động thái gì về việc tăng vốn điều lệ dù đang có gần 10 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ, thậm chí một số ngân hàng chỉ ở mức 3.000 tỷ.
Với kế hoạch tăng vốn mạnh của các ngân hàng lớn và ngân hàng tầm trung, bảng xếp hạng vốn điều lệ trong năm nay sẽ có sự xáo trộn mạnh, đặc biệt ở những ngân hàng tốp đầu.
Hiện nay, BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống với hơn 40.200 tỷ đồng. Theo sau là VietinBank và Vietcombank với mức xấp xỉ nhau, lần lượt là 37.234 tỷ và 37.089 tỷ. Techcombank là ngân hàng đứng thứ 4 trong hệ thống, với vốn điều lệ hơn 35.000 tỷ đồng; đồng thời là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong các ngân hàng tư nhân.
Các ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn tiếp theo là MB (gần 28.000 tỷ), VPBank (25.300 tỷ), ACB (21.600 tỷ), Sacombank (18.800 tỷ), SHB (17.500 tỷ), HDBank (16.000 tỷ),…
Trong top 10 ngân hàng về vốn điều lệ, BIDV, MB, ACB, SHB, HDB đã công bố kế hoạch tăng vốn năm 2021.
Trong khi đó, VietinBank và Vietcombank cho biết sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ tại ĐHĐCĐ sắp tới nhưng chưa cụ thể mức tăng bao nhiêu. Techcombank và VPBank chưa có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay. Sacombank thì đang đề xuất Ngân hàng Nhà nước để được chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo đó, nếu MB có thể tăng vốn thành công lên gần 39.000 tỷ, ngân hàng sẽ vượt Techcombank để trở thành ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất. ACB có khả năng vượt VPBank trong khi SHB và HDBank vượt Sacombank.
Trong khi đó, các ngân hàng tầm trung như SeABank, MSB, VIB cũng có thể vượt 2 ngân hàng lớn SCB và Eximbank về vốn điều lệ./.