Lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay vẫn cao
So với tháng 4, lãi suất huy động của các ngân hàng trong tháng 5 đã giảm mạnh. Hiện lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng của một số ngân hàng tiếp tục giảm từ 0,1 - 0,9%/năm tùy kỳ hạn. Mức lãi suất huy động 12 tháng niêm yết cao nhất quanh 8%/năm.
Nhóm ngân hàng tư nhân lớn đều đã đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống dưới 8% như SHB 7,9%, Techcombank 7,8%, ACB 7,75%, Sacombank 7,6%, MB 7,3%.
Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank vẫn duy trì mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường là 7,2%/năm gửi tại quầy. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 5,8 - 5,9%/năm.
Số ngân hàng tham gia vào xu hướng giảm lãi suất huy động vẫn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn chưa theo kịp đang gây khó khăn cho khách hàng có nhu cầu.
Theo báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI công bố, trong tháng 4 mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19, dao động ở mức 10 - 10,5%/năm kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm kỳ hạn 12 tháng cho doanh nghiệp sản xuất thông thường; trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm.
Thực tế cũng cho thấy lãi vay đang giảm kiểu “nhỏ giọt” trong thời gian qua. Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc ở Hà Nội cho biết, doanh nghiệp đang vay nợ cũ với mức lãi suất 13%. Đến thời điểm này, doanh nghiệp chưa được giảm lãi suất.
Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp chưa được giảm lãi suất nên mong sớm được áp dụng các chính sách về giảm lãi vay. Các doanh nghiệp cũng mong lãi suất hạ như nắng hạn chờ mưa rào. Bên cạnh đó, việc giãn nợ cũng chưa thực hiện. Ông Kỳ kiến nghị, việc giãn nợ, ngân hàng phải hướng dẫn cụ thể chi tiết, quá trình thực thi.
Điểm nghẽn về việc lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với xu hướng giảm của lãi suất huy động cũng vừa được nhắc đến tại hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng bàn công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023 về cơ cấu nợ vừa ban hành. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đơn vị đã nhắc nhở các ngân hàng cho vay lãi suất cao cần hạ xuống để có mặt bằng thống nhất chung trong hệ thống. “Các nhà băng thời gian qua cũng đã chủ động giảm lãi suất” - ông Tú nói, đồng thời cho biết: “Tới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm”.
Cần giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng
Tính đến ngày 24/4, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,66% so với cuối năm 2022. Theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa, sau 2 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp rõ ràng về chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức hấp thụ của nền kinh tế suy yếu, lãi suất cho vay phải giảm thêm mới có thể kích cầu tín dụng tăng trở lại.
Số liệu kinh tế tháng 4 vừa công bố cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một điểm sáng lại là sức ép lạm phát dường như đã dịu đi đáng kể, dù có nhiều tác động cần phải theo dõi thêm. Thống kê trong tháng 4 cho thấy lạm phát toàn phần giảm 0,3% so với tháng 3, giúp lạm phát cùng kỳ năm dưới mức 3%, thấp hơn nhiều so với trần lạm phát 4,5%. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Maybank IB, chỉ số CPI giảm tháng thứ 2 liên tiếp, đã giúp mức lạm phát toàn phần ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022 do chi phí tiện ích, thực phẩm và giáo dục thấp hơn.
Để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, có thể nhà điều hành cần tăng cung tiền linh hoạt hơn, nhất là khi áp lực lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt dần. Từ đầu năm đến nay, một trong những giải pháp tăng cung tiền của nhà điều hành là tiếp tục mua ròng ngoại tệ để bơm thanh khoản tiền đồng. Tuy nhiên, một phần vốn này đã bị trung hòa khi Ngân hàng Nhà nước hút trở lại qua kênh thị trường mở và tín phiếu do lo ngại áp lực lạm phát.
Sau khi hai lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành vào tháng 3, kịch bản tiếp tục giảm lãi suất trong bối cảnh kinh tế hiện nay được nhiều chuyên gia nhắc đến hơn.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đang tập trung đối phó với lạm phát, nhưng lạm phát tại Việt Nam có xu hướng giảm dần. Đây là yếu tố đầu tiên giúp Ngân hàng Nhà nước có cơ sở hợp lý để cắt giảm lãi suất sớm hơn khu vực. Yếu tố thứ hai là áp lực tỷ giá dịu bớt khi đồng USD có xu hướng yếu đi. “Dù tăng trưởng có chậm lại, nhưng lạm phát đã tốt hơn, giúp các nhà hoạch định chính sách dễ thở hơn” - báo cáo HSBC nhận định.
Còn theo báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect, nhóm phân tích kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023, bên cạnh việc nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định: Khi giảm lãi suất, sẽ kích cầu tín dụng, qua đó cũng giúp khiến cho doanh nghiệp và người dân sẵn sàng vay nợ nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh tiêu dùng.
Trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về triển khai hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 2, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 25,83%. Các ngân hàng về cơ bản đều đáp ứng quy định, trừ một số tổ chức tín dụng yếu kém, được kiểm soát đặc biệt. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong việc giảm lãi vay.