Hiện tại, lãi suất điều hành đã trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2019, dư địa tăng tiếp lãi suất điều hành sẽ tùy thuộc vào diễn biến áp lực các yếu tố bên ngoài (Fed, diễn biến chỉ số DXY, đồng NDT), lạm phát trong nước và áp lực mất giá của tiền đồng như cung - cầu ngoại tệ, triển vọng cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, thanh khoản tiền đồng.
Cả ba yếu tố này đều đang hỗ trợ khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tăng thêm lãi suất điều hành. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ điều chỉnh tăng thêm lãi suất điều hành ít nhất 0,5 - 1 điểm % trong quý IV/2022 đến quý I/2023.
Riêng trong tháng 10/2022, tiền đồng đã mất giá 4,1% so với đồng USD, gần xấp xỉ mức mất giá của tiền đồng trong suốt 9 tháng đầu năm. So với các đồng tiền khác, áp lực mất giá của tiền đồng là mạnh nhất trong tháng qua. Trước áp lực tỷ giá tăng cao, NHNN đã nâng lãi suất điều hành thêm 1 điểm %. Trong tuần cuối tháng 10, tỷ giá nhìn chung đã ổn định trở lại và tỷ giá USDVND cũng không phản ứng nhiều sau quyết định nâng lãi suất 0,75 điểm % của Fed vào ngày 2/11.
Ngày 24/10, NHNN thông báo tăng loạt lãi suất điều hành và áp dụng từ ngày 25/10. Theo đó, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các tổ chức tín dụng là 6%/năm, thay vì 5%/năm như mức cũ. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,5% một năm.
Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,5% lên 1% một năm. Bên cạnh đó, 2 loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 6% một năm và 4,5% một năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm.
Quyết định tăng lãi suất điều hành được NHNN giải thích do áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao. Trong bối cảnh này, Fed đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3 - 3,25% một năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Ngoài ra, việc đồng USD lên giá mạnh đã làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Trước đó, ngày 23/9, NHNN đã tăng một loạt lãi suất điều hành sau thời gian giữ ổn định kể từ tháng 10/2020 đến nay.
Theo CTCP Chứng khoán SSI, NHNN đã tiếp tục bơm ròng 74.000 tỷ đồng thông qua hoạt động OMO từ 31/10 - 4/11, hoạt động thị trường mở tiếp tục được sử dụng linh hoạt nhằm điều tiết trạng thái thanh khoản ở mức phù hợp.
Trong đó, nghiệp vụ mua kỳ hạn được sử dụng xuyên suốt tuần với tổng khối lượng lên đến 58.000 tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày nhằm cấp thanh khoản trong ngắn hạn. Phương thức đấu thầu khối lượng được duy trì và lãi suất trúng thầu đạt 6%.
Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng được phát hành trong giai đoạn đầu tuần, với khối lượng 20.000 tỷ đồng và lãi suất 6%. Kết tuần, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 106.800 tỷ đồng và trên kênh tín phiếu là 20.000 tỷ đồng.
Dưới góc nhìn của TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tăng lãi suất điều hành trong bối cảnh hiện nay là tất yếu. Động thái này không chỉ có tác dụng giảm áp lực lạm phát và lạm phát kỳ vọng, mà còn hỗ trợ tỷ giá và lãi suất thực dương cho người gửi tiền.
Rất có thể Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 11 này. Vì thế, thời điểm điều chỉnh tăng lãi suất điều hành của NHNN được một số chuyên gia đánh giá là phù hợp. Bởi càng về cuối năm áp lực lạm phát ngày càng gia tăng, nếu đến khi đó mới có điều chỉnh thì sẽ càng tạo áp lực hơn.
Theo phân tích đến từ CTCP Chứng khoán Mirae Asset (MAS) dự báo trong thời gian tới lãi suất chính sách của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm, với mục tiêu chính là ổn định tỉ giá và kiểm soát lạm phát.
MAS kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ giúp ổn định tỉ giá cũng như thúc đẩy các nhà xuất khẩu gửi VND thay vì USD và tiền gửi ngân hàng sẽ tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng của tín dụng, giúp thu hẹp chênh lệch lớn giữa tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng trong suốt hai năm qua.
Theo đó, khả năng cao sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất trong quý IV hay 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị phân tích cho rằng, so với lãi suất của FED (đã vượt mức lãi suất trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19), lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn còn cách mốc trước dịch 100 điểm cơ bản. Thêm vào đó, FED cũng có kế hoạch cho các đợt nâng tiếp theo trong giai đoạn còn lại của năm 2022, vì vậy, nhiều khả năng NHNN sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất điều hành nội địa. Tuy nhiên, mốc thời gian tăng sẽ tùy thuộc nhiều vào diễn biến tỉ giá cũng như vấn đề thanh khoản của hệ thống./.