Aa

Lãi suất giảm đẩy cầu tín dụng cuối năm tăng

Thứ Bảy, 19/12/2020 - 06:28

Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến ngày 27/11, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng 8,46% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,89%).

Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Hỗ trợ khách hàng tối đa

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói vay ưu đãi nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu tài chính giai đoạn cuối năm của cá nhân và doanh nghiệp dịp cận tết.

Đi đầu là 4 NHTMNN cũng tung ra gói cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay DNNVV, mức lãi suất cho vay dao động từ 4,8 - 6,5%/năm với các khoản vay dưới 6 tháng và 5,5 - 7,5%/năm với các khoản vay từ 6 đến 12 tháng. 

Chẳng hạn như Agribank đang triển khai gói tín dụng ưu đãi quy mô lên đến 30.000 tỷ đồng cho DNNVV. Mức lãi suất ưu đãi được áp dụng là 4,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Đồng thời ngân hàng này cũng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho các DN FDI kinh doanh tại Việt Nam quy mô lên tới 5.000 tỷ đồng, với mức lãi suất vay ngắn hạn thấp nhất là 4,8%/năm.

Còn tại BIDV, nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 và đáp ứng nhu cầu vốn vào dịp Tết Dương lịch, ngân hàng mở rộng quy mô gói vay ngắn hạn từ 70.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng. Khách hàng tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi từ 5%/năm đối với các khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc từ 5,5%/năm đối với các khoản vay từ 6 đến 12 tháng (giảm 0,5 điểm %/năm đối với tất cả các kỳ hạn), thấp hơn lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng…

Khối các NHTMCP tư nhân cũng không là ngoại lệ, NCB mới đây triển khai gói tín dụng hộ kinh doanh để tích trữ hàng hóa cuối năm với lãi suất ưu đãi từ 8,7%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên. 

SHB tung gói tín dụng 8.000 tỷ đồng áp dụng cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ các mục đích vay mua nhà, mua ô tô, vay tiêu dùng và sử dụng tài khoản thanh toán SHB với mức lãi suất vay mua nhà đất điều chỉnh từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm và lãi suất vay mua nhà dự án, mua ô tô, tiêu dùng giảm chỉ còn 6,8%/năm. 

Tại VPBank, từ nay đến cuối năm, khách hàng là cá nhân, nhóm cá nhân được vay với mức lãi suất ưu đãi từ 5,99%/năm; SeABank triển khai cho vay với lãi suất từ 7,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân đến hết ngày 31/1/2021...

Ảnh minh họa.

Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. 

NHNN cũng đã giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của TCTD đối với khách hàng với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện ở mức 4,5%/năm). Nhờ thế, các TCTD cũng đã có sự chủ động hơn trong việc cân đối tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động để có thể giảm thêm lãi vay cho khách hàng.

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6 - 0,8%/năm so với cuối năm 2019 trong đó có một số ngân hàng đã giảm từ 1 - 2,5%/năm; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm. Mới nhất, Vietcombank công bố quyết định giảm tới 1%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng từ 15/12/2020 đến hết 15/3/2021. 

Chủ tịch HĐQT Vietcombank ông Nghiêm Xuân Thành cho hay, theo tính toán của Vietcombank, đợt giảm lãi suất lần thứ 5 này tác động đến khoảng 150.000 doanh nghiệp, giảm lãi khoảng 300 tỷ đồng, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên khoảng 3.700 tỷ đồng. 

Còn như với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không, lưu trú, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, Nam A Bank có lãi vay ưu đãi giảm đến 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành. HDBank cũng thông báo tiếp tục giảm sâu lãi suất xuống còn 6,2%/năm trong gói SWIFT SME trị giá 5.000 tỷ đồng dành cho DNNVV có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng. Techcombank, TPBank, HSBC, Shinhan... cũng giảm lãi suất cho vay mua nhà.

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến ngày 27/11, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng 8,46% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,89%). Hai tháng qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng bình quân gần 1,2%/tháng, cao hơn mức bình quân tháng của cả năm 2019. Con số này cũng cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế đang dần phục hồi, đồng thời kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt được mức dự báo của NHNN từ 8 - 10%.

Nhóm nghiên cứu của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tiếp tục duy trì quan điểm tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ đạt 9 - 10%. KBSV cho hay, các tín hiệu cho thấy lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới để ngỏ khả năng NHNN tiếp tục có động thái điều chỉnh hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. SSI Research cũng cho biết, gần đây NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng 2020 lần thứ 2 cho một số ngân hàng, trong đó mức cao nhất lên tới 30% để phục vụ nhu cầu vốn của các DN dịp cuối năm.

Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực nhận thấy, việc tăng trưởng tín dụng khả quan là điều có thể nhìn thấy được trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh khá tốt, tăng trưởng kinh tế khá tích cực. Nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân và DN vẫn ở mức cao, dư nợ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng nông nghiệp khả quan. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ đạt mức từ 2,5 đến 3%. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho hay, thẳng thắn mà nói ngành Ngân hàng vẫn đang đứng trước rất nhiều rủi ro, biến động khó lường trong năm tới 2021 khi nợ xấu tiềm ẩn tăng nhanh, nợ xấu năm 2021 có thể lên mức 3,5 - 4%.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, mặc dù hệ thống ngân hàng rất nỗ lực để đẩy vốn ra nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên nỗ lực của một mình ngân hàng là chưa đủ bởi cầu tín dụng vẫn sẽ thấp nếu như sản xuất - kinh doanh vẫn chưa phục hồi. Bởi vậy, các bộ ngành liên quan cần chung tay để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh, chỉ khi đó thì cầu tín dụng mới có thể tăng nhanh trở lại.

Khảo sát mới nhất của Vụ Dự báo - Thống kê NHNN cho thấy, hơn 50% TCTD kỳ vọng nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tăng trở lại và đạt mức 4,7% trong quý IV/2020.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top