Aa

Lãi suất huy động tăng chưa đáng ngại

Thứ Bảy, 13/03/2021 - 13:15

Ngay từ đầu tháng 3/2021, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu rục rịch tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn khác nhau.

 

Một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 3/2021.
Một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 3/2021.

Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động khiến nhiều người lo ngại gây áp lực tăng lãi suất cho vay.

Lo ngại tăng lãi vay

Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) vừa đưa ra biểu lãi suất huy động mới, tăng ở khá nhiều kỳ hạn. Đơn cử với khách hàng thường dưới 50 tuổi, hiện Techcombank đang áp dụng mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng là 2,75%/năm (tăng 0,5% so với tháng 2); 2 tháng là 2,75%/năm (tăng 0,4%); 3 - 5 tháng là 2,85%/năm (tăng 0,4%); 6 - 11 tháng là 3,9% (tăng 0,2%); 12 - 35 tháng là 4,6%/năm (tăng 0,1%)…

Hay như tại VPBank cũng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 2 tháng đến 5 tháng với số tiền gửi trên 300 triệu đồng, mức tăng khoảng 0,1 - 0,2%. Cụ thể, nếu như trước đây khách hàng gửi từ 300 triệu đến dưới 3 tỷ đồng kỳ hạn 3 - 5 tháng là 3,4%/năm, thì nay đã được nâng lên 3,6%/năm…

Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động trong bối cảnh áp lực lạm phát đã có xu hướng quay lại, đã làm dấy lên lo ngại mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng, gây khó cho đà phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế hậu dịch.

Áp lực chưa đủ lớn

Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn của các ngân hàng chủ yếu nhằm cơ cấu lại nguồn vốn theo chiến lược kinh doanh của mình, chứ không phải do thanh khoản đang căng thẳng.

Các ngân hàng tăng lãi suất huy động, được cho nhằm cơ cấu nguồn vốn theo chiến lược kinh doanh
Các ngân hàng tăng lãi suất huy động, được cho nhằm cơ cấu nguồn vốn theo chiến lược kinh doanh

Quả vậy từ ngày 25/2 đến 4/3/2021, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần có chung diễn biến giảm nhẹ, với mức giảm 0,04% và 0,14%, xuống tương ứng còn 0,43%/năm và 0,56%/năm; trong khi lãi suất kỳ hạn qua đêm giữ nguyên ở mức 0,29%/năm. Như vậy, hiện lãi suất liên ngân hàng đã quay về mặt bằng thấp của năm 2020. “Thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang ở trạng thái dồi dào, do đó Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa chịu áp lực can thiệp vào thị trường mở”, Công ty Chứng khoán BVSC nhận định.

Trong khi đó, CPI tháng 2 tăng tới 1,52% so với tháng 1, song chủ yếu do tháng 2 là tháng Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cộng thêm giá xăng cũng tăng và giá điện không còn hỗ trợ. Do đó, các yếu tố mùa vụ và giá điện sẽ không còn nhiều tác động trong những tháng tới, trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp sẽ làm giảm bớt áp lực giá cả.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng “rất ngại” đi ngược lại chủ trương giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Bản thân các ngân hàng cũng kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong quý I/2021 với mức giảm khoảng 0,05 - 0,16% so với cuối năm 2020./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top