Ngày 23/03, dư luận cả nước đều hướng về vụ cháy đầy đau thương mang tên chung cư Carina Plaza (Q.8, TP.HCM). Những con số: 13 người chết, hơn 50 người bị thương, 17 ôtô và hơn 340 xe máy bị thiêu rụi đã trở thành nỗi ám ảnh đầy hoang mang cho hàng triệu người đang sống tại các khu chung cư.
Kết quả điều tra ban đầu về vụ cháy cho thấy, nguyên nhân xuất phát từ chiếc xe Attila tại tầng hầm khi tia lửa điện đầu tiên từ chỗ gác chân của chiếc xe tạo ra ngọn lửa. Sau gần 8 phút, lửa bùng cao ngang ống thông gió và lan sang các xe khác. 13 phút sau, hệ thống đèn ở tầng hầm bị tắt. Chỉ trong 13 phút, ngọn lửa bắt đầu bùng lên và lan rộng nhưng không có bất kỳ một sự can thiệp nào từ phía lực lượng trực an ninh hay bảo vệ, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Cách đây hơn 2 năm, vụ cháy tại tòa nhà CT4 (khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng diễn ra với diễn biến tương tự như vụ cháy chung cư Carina. Nguyên nhân của vụ việc là do chập điện tại tầng hầm, lửa thiêu rụi hơn 300 xe máy, một ô tô. Khói từ tầng hầm lan lên tầng cao khiến hàng trăm người mắc kẹt song rất may, việc giải cứu thành công nên không có thiệt hại về người.
Trước nguyên nhân xảy ra các vụ cháy xuất phát từ tầng hầm chung cư PGS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục cho rằng: “Rất nhiều vụ cháy nổ có nguyên nhân xuất phát từ tầng hầm để xe máy, ô tô. Những chiếc xe không đảm bảo yêu cầu mà rò rỉ xăng dầu thì chỉ cần 1 người hút thuốc đi ngang qua cũng có thể làm ngọn lửa bùng phát.”
“Tầng hầm được xây dưới lòng đất với không gian kín, chỉ có một lối thông lên cao kèm theo khu thoát hiểm được ngăn với khu vực người dân ở bằng cửa sập chống cháy. Áp lực ở khu tầng hầm rất lớn. Nếu xảy ra tình trạng cháy thì nguy cơ bùng phát và lan tỏa ngọn lửa diễn ra rất nhanh, khí độc được sinh ra sẽ theo đường thoát hiểm đến các tầng trong tòa nhà trong trường hợp cửa sập không đáp ứng đủ tiêu chuẩn”, PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục phân tích đặc điểm thiết kế của khu tầng hầm để xe.
Đồng quan điểm với PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục, ông Hà Mạnh Hùng (Chuyên viên đánh giá rủi ro PCCC) quan ngại khi tầng hầm gửi xe là quả “bom nổ chậm” của các tòa nhà chung cư. “Quá trình đánh giá phân tích rủi ro đã chỉ ra rằng, điểm chung của các chung cư là có tầng hầm để xe. Đây là nơi sản sinh ra nguy cơ cháy nổ lớn khi chứa nhiều vật dụng dễ cháy nổ như bình xăng, chi tiết bằng nhựa, hệ thống dây điện. Xe máy, ô tô không được bảo dưỡng định kỳ cũng có thể trở thành một quả bom tự động bất cứ lúc nào. Nguy cơ cháy nổ xuất phát từ tầng hầm gửi xe sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng nếu không xử lý kịp thời”.
Thực tiễn cũng đã cho thấy, cháy ở tầng hầm các tòa nhà cao tầng rất khó chữa và hậu quả để lại vô cùng nghiêm trọng. Một bài toán bắt đầu được đặt ra, đó là mô hình tầng hầm chung cư nên được thiết kế như thế nào để hạn chế nguy cơ cháy nổ.
Trên thế giới hiện nay, một số nước đã thiết kế khu để xe tách biệt với tòa nhà. Tại Nhật Bản, rất nhiều nhà để xe tự động được thiết kế cách xa với các tòa nhà chung cư, hội tụ nhiều tính năng thông minh và có khả năng chứa được rất nhiều xe.
Singapore cũng là một trong những nước chủ trương thực hiện mô hình thiết kế khu để xe trên mặt đất và tách biệt với tòa nhà chung cư. Singapore hiện được mệnh danh là đất nước của các chung cư khi có tới 80% người dân sống tại chung cư. Để giải quyết bài toán về tầng gửi xe và giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, đảm bảo tiêu chí xanh trong từng công trình, mô hình thiết kế các căn hộ chung cư tại Singapore là xây dựng các tầng gửi xe ngay trên mặt đất, sau đó mới đến những tầng căn hộ. Khu HDB và khu căn hộ cao cấp ở đất nước này có khu vực để ô tô cách biệt với tòa nhà có người ở nhằm giảm thiểu rủi ro từ cháy nổ xe cơ giới.
PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục cũng cho rằng, tại Việt Nam, thiết kế tầng gửi xe tách biệt với khu ở của người dân là một phương án khả thi để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, nhất là đối với khu vực đông dân như KĐT Linh Đàm.
“Thiết kế tầng để xe không phụ thuộc vào hệ tiêu chuẩn mà phụ thuộc vào hệ quy chuẩn. Bởi vậy, chủ đầu tư có thể lựa chọn quy chuẩn riêng phù hợp với nhu cầu của người dân, đảm bảo an toàn trong công tác PCCC.
Trong quá trình tư vấn thiết kế cho một số công trình chung cư, tôi cũng từng đưa ra khuyến nghị về mô hình thiết kế tầng gửi xe trên mặt đất. Các tòa chung cư có thể thiết kế từ tầng 1 đến tầng 5 là nơi gửi xe và sau đó mới tiến hành chồng tầng cho các căn hộ để ở.
Bên cạnh thiết kế tầng để xe trên mặt đất như vậy, chúng ta cần tăng cường sự giám sát chặt chẽ khu vực có nguy cơ cháy nổ cao và đảm bảo các thiết kế như cửa sập chặn ở tầng để xe và các tầng khu dân cư ở”, PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục chia sẻ.