Lâm Đồng đã thu hồi Dự án Khu đô thị Đại Ninh 25.000 tỷ đồng?  

Lâm Đồng đã thu hồi Dự án Khu đô thị Đại Ninh 25.000 tỷ đồng?  

Thứ Hai, 01/03/2021 - 10:40

Công ty Sài Gòn - Đại Ninh của doanh nhân Phan Thị Hoa khi triển khai Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh để mất rừng và đất rừng, không trả tiền thuế đất, chây ì không triển khai dự án suốt một thập kỷ... 

Du an pha rung o Lam Dong

Dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh với tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh (trụ sở tại TP. Đà Lạt) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2010. Dự án nằm trên địa bàn các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia (huyện Đức Trọng) với tổng quy mô diện tích lên đến hơn 3.595ha, trong đó có trên 1.306ha đất quy hoạch lâm nghiệp.

Theo giấy phép, dự án được triển khai xây dựng từ năm 2010 - 2018 với 6 phân khu chức năng, quy mô dân số lưu trú thường xuyên hơn 19.700 người. Thế nhưng đến giữa năm 2020, dự án trễ hạn hơn một năm rưỡi mà các hạng mục chính của dự án hầu như chưa được xây dựng. Như vậy, gần 10 năm qua, chủ đầu tư mới chỉ xây 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20km đường nội bộ...

Theo Thanh tra Chính phủ, gần chục năm qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định cho phép Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng 323ha đất để thực hiện dự án với số tiền sử dụng đất phải nộp là hơn 158 tỷ đồng. Mặc dù được đôn đốc nhiều lần nhưng đến năm 2018 chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nói trên; do đó phát sinh thêm khoản tiền phạt chậm nộp khoảng 104 tỷ đồng.

Dự án Sài Gòn Đại Ninh
Phối cảnh Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh

Đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng lại ra quyết định điều chỉnh quyết định nói trên, trong đó có nội dung: Chưa thực hiện chuyển mục đích sang đất ở đối với diện tích hơn 166ha đã được chuyển mục đích từ năm 2012. Theo đó, diện tích đất ở được chuyển đổi từ năm 2012 trở về trạng thái đất chuyên dùng và Công ty không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với số tiền hàng trăm tỷ này.

KĐT Sài Gòn Đại Ninh

Hơn nữa, quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư khi triển khai dự án vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng Hội trường không phép khoảng 560m2, 15 căn nhà chuyên gia không có trong quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, không có giấy phép xây dựng…

Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng việc UBND tỉnh Lâm Đồng không quyết định thu hồi đất của dự án này là chưa thực hiện đúng theo quy định Luật Đất đai 2013, thể hiện sự tùy tiện, chạy theo chủ đầu tư trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.

Nghiêm trọng hơn, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh hiện chưa lập hồ sơ tận thu lâm sản, chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng và đền bù tài nguyên rừng mà đã tiến hành làm đường giao thông. 

Thông tin từ Hạt Kiểm lâm Đức Trọng cho hay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong phạm vi dự án xảy ra rất phổ biến, nhưng hầu hết các vụ vi phạm đều không được chủ đầu tư kiểm tra, ngăn chặn, lập biên bản chuyển UBND các xã xử lý theo quy định. Theo phản ánh, việc lập kế hoạch kiểm tra truy quét của công ty này chỉ mang tính chất đối phó chứ không có lực lượng để chủ động thực hiện; thậm chí có dấu hiệu làm ngơ cho các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. 

Ngay cả đối với các vụ phá rừng quy mô lớn, công ty cũng không phát hiện, xử lý kịp thời như vụ đổ hóa chất đầu độc cây thông 3 lá, hay nhiều vụ các đối tượng đưa xe cơ giới vào đào xới đất, múc hố để trồng cây nông nghiệp, khai thác mủ cây thông,… gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, làm giảm độ tán che hàng năm của địa phương. Năm 2017, Sở Tài chính có quyết định yêu cầu công ty bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng tổng cộng 6,66 tỷ đồng, nhưng đến nay đơn vị này mới nộp 1,67 tỷ đồng. 

Với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất Dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng do CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư.

dự án khu đô thị đại ninh

Theo giới thiệu, Sài Gòn Đại Ninh nằm trong nhóm doanh nghiệp Công ty TNHH XDKD Nhà ở Phương Nam (Phuongnamdaininhgroup). Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Phan Thị Hoa. Bà Hoa từng được vinh danh và tôn vinh danh hiệu cao quý “Người phụ nữ thành đạt”, “Nữ doanh nghiệp tiêu biểu”, “Doanh nhân tiêu biểu” và “Bông Hồng Vàng”. 

Công ty có vốn điều lệ ban đầu là 600 tỷ đồng, hiện nâng lên 2.000 tỷ đồng. Ra đời năm 1979, Sài Gòn Đại Ninh xuất thân từ tổ hợp xuất khẩu thảm cói, thảm đay sang Liên Xô. Đến năm 1996, doanh nghiệp tập trung sang mảng bất động sản. Dự án ghi dấu ấn của doanh nghiệp này là Khu nhà ở phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM với quy mô 26.444m2. Năm 2017, công ty đầu tư cải tạo và xây dựng tổng cộng 20 chung cư trị giá khoảng 400 triệu USD tại TP.HCM. 

Riêng về Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh mà Thanh tra Chính phủ yêu cầu Lâm Đồng thu hồi, vẫn được doanh nghiệp này giới thiệu trên website tính đến ngày 22/2/2021. Giới thiệu về dự án, Sài Gòn Đại Ninh cho biết, tổng mức vốn đầu tư ban đầu dự kiến 25.243 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng công bố chi tiết nguồn thu gấp đôi so với quy mô vốn đầu tư ban đầu. Mỗi đơn vị chức năng thiết kế dự án, phân phối dự án, thi công hạ tầng,… được giới thiệu sẽ đến từ các quốc gia khác nhau: Mỹ, Úc, Anh, Hà Lan. 

Dự án Sài Gòn Đại Ninh
Website của Sài Gòn Đại Ninh vẫn quảng cáo Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh 

Website chính của Sài Gòn Đại Ninh vẫn đang giới thiệu Dự án quy mô dự án đầu tư đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt 1/500 ngày 25/10/2011. Tổng diện tích đất quy hoạch 3.595,45ha (có điều chỉnh) bao gồm: Đất rừng thông nghỉ dưỡng 1.428,356 ha, đất ngoài lâm nghiệp 325,83ha, lòng hồ Đại Ninh 1.954,87ha. Quy mô dân số19.734 người lưu trú thường xuyên. Dự kiến sẽ có 20.000 người đến đây nghỉ dưỡng và sinh sống làm việc tại khu đô thị Nam Đà Lạt. 

Chi tiết quy hoạch gồm có: 129 hạng mục du lịch nghỉ dưỡng, 37 cao ốc từ 8-10-12 tầng (dự kiến 11.445 căn hộ), 6 cụm khách sạn nghỉ dưỡng dưới 5 tầng và 3.840 biệt thự nghỉ dưỡng. Theo kế hoạch công bố, quý I/2017 Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã đầu tư xây dựng đồng loạt cùng một thời điểm hạ tầng giao thông và tất cả các hạng mục. Dự kiến đưa vào khai thác kinh doanh cụ thể từng hạng mục... 

Mọi thông tin vẫn được công khai trên website của Chủ đầu tư khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh đã được Lâm Đồng thu hồi hay chưa?

Dự án Sài Gòn Đại Ninh

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động lâm nghiệp năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 diễn ra ngày 21/12/2020, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết sẽ cương quyết đề xuất thu hồi, đưa ra khỏi quy hoạch những dự án chuyển đổi nhưng hoạt động không hiệu quả, để xảy ra tình trạng mất rừng, xâm lấn đất rừng, tạo thành điểm nóng kéo dài.  

Dự án phá rừngTheo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019 tổng diện tích rừng cả nước đạt 14,6 triệu ha, tăng 117.000ha so với năm 2018, trong đó rừng tự nhiên tăng 36.000ha. Đáng chú ý, năm 2019 có 33.200ha rừng tự nhiên bị tàn phá tại 26 tỉnh, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Trong đó, mất rừng nhiều nhất xảy ra tại Đắk Lắk 11.400ha, Đắk Nông 7.100ha, Quảng Bình 3.300ha... Tuy nhiên, các địa phương này lại không làm giải trình, làm rõ nguyên nhân khi trình các cấp công bố hiện trạng rừng.

Đối với việc kiểm soát chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp đã tiếp nhận, tham mưu rà soát, thẩm định 87 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng của 31 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là 13.865ha (gồm: 7.909ha rừng tự nhiên, 5.956ha rừng trồng).

Sau khi rà soát, lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Tổng cục Lâm nghiệp đã báo cáo Bộ để đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 30 dự án.

"Việc chuyển mục đích sử dụng rừng đã được các bộ, ngành và chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ, rà soát, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định của pháp luật, không để lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên để phá rừng, đặc biệt đối với các dự án về thủy điện", Tổng cục Lâm nghiệp nêu.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các vi phạm được dư luận quan tâm trong năm 2020 vẫn tập trung hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở miền Trung và Tây Nguyên. Điển hình là tình trạng khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại các huyện Kon Rẫy, Đắk Tô, Đắk Glei, tỉnh Kon Tum vào tháng 4/2020. Tình trạng phá rừng, khai thác trái pháp luật tại huyện Tây Hòa, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên vào tháng 5/2020. Tình trạng phá rừng tại Khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào tháng 10/2020. Tình trạng phá rừng phòng hộ tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng vào tháng 11/2020... 

Đồng quan điểm, các chuyên gia cũng cho rằng phải thu hồi ngay lập tức và nghiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với các dự án có dấu hiệu phá rừng. Tránh tình trạng như nhiều địa phương doanh nghiệp và chính quyền địa phương bắt tay nhau chây ỳ chống lại lệnh của Thanh tra Chính phủ. Vì lợi ích nhóm mà cản trở sự nghiêm minh của pháp luật...

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Hiện nay, tiêu chí chọn chủ đầu tư cũng như cơ chế quản lý dự án đã rõ ràng: Chủ đầu tư nhận dự án phải đủ tài chính trên tài khoản khoảng 25% vốn dự án. Nhưng khi quá 12 tháng, nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng và 24 tháng mà sử dụng đất không đúng tiến độ sẽ bị hồi. Đến năm 2013, quy định trên được nới lỏng là gia hạn thêm 24 tháng mà dự án vẫn treo thì quyết định thu hồi không chỉ đất đai mà toàn bộ tài sản gắn liền với đất. 

Một số yếu tố tạo ra tình trạng hàng trăm dự án bị bỏ hoang trong khi quỹ đất hạn hẹp là dự án được giao cho người thân người quen, người "đưa phong bì" và cho nhà đầu tư thiếu năng lực. Sau đó, nhà đầu tư lại tìm cách lách luật, cơ quan chức năng chậm xử lý hoặc không thực hiện thanh tra giám sát, gây lãng phí tài nguyên đất. 

"Do đó, tiêu chí chọn nhà đầu tư làm dự án phải yêu cầu lành mạnh về tài chính bằng cách công khai báo cáo tài chính kiểm toán nhiều năm. Đặc biệt, trong cơ chế quản lý quy định rõ ràng chủ đầu tư nhận dự án không được vi phạm pháp luật về đất đai tại các dự án được giao trước đó. Tức là trong lịch sử, nếu chủ đầu tư một lần bị thu hồi dự án do chậm tiến độ phải cấm đấu thầu hoặc nhận dự án tiếp theo tại các tỉnh", GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh. 

Trao đổi với Reatimes, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM cho rằng, cần phải có những biện pháp cụ thể ngay từ đầu để không xảy ra tình trạng nhà đầu tư dễ làm bừa.

Theo các chuyên gia, Lâm Đồng cũng như các tỉnh nên cấm cửa những nhà đầu tư lấy dự án bằng "quan hệ", sau đó không thi công, không báo cáo. Cần lập lại trật tự đầu tư để dành cơ hội cho những nhà đầu tư làm thật sự. Nếu không làm mạnh ngay từ đầu, để các nhà đầu tư thích thì nhận, không thích thì bỏ, hoặc nhận dự án để rửa tiền, để kéo dài thời gian phục vụ cho các mục đích khác, sẽ gây thất thoát tài sản Nhà nước. 

 

Mộc Trà
Thanh Thảo
01/03/2021 11:20
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top