Aa

Lâm Đồng: Nỗi lo từ việc lấn chiếm đất rừng, hành hung lực lượng kiểm lâm

Thứ Sáu, 27/08/2021 - 16:40

Tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) để trồng cây nông nghiệp, làm nhà ở… đang diễn ra khá thường xuyên. Điều đáng lo là nhiều đối tượng còn hành hung lực lượng kiểm lâm.

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng), khi tuần tra tại khoảnh 3, tiểu khu 439, địa giới hành chính xã Lộc Phú, lực lượng chức năng xã Lộc Phú và huyện Bảo Lâm đã phát hiện nhiều cây bơ cao từ 25 - 45cm được trồng dưới tán rừng thông và keo với diện tích gần 1ha.

Nhiều cây gỗ bị “bức tử” chưa bao lâu thì bên cạnh đã được trồng những cây nông nghiệp khác.

Trao đổi với PV Reatimes, đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Đam B’ri cho biết: Trong quá trình đi tuần tra, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nhận thấy đây là diện tích mới bị lấn chiếm trái phép trên đất lâm nghiệp, đoàn kiểm tra đã tiến hành giải tỏa nóng. Khi lực lượng đang nhổ bỏ cây bơ trồng trên đất rừng, các ông N.Đ.D và ông N.C.Đ cầm những thanh gỗ lao đến hành hung Trưởng ban QLRPH Đam B’ri và ông Phạm Hồng Đăng, nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng của Ban QLRPH.

Không dừng lại ở đó, khi ông Nguyễn Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm vào can ngăn, ông N.Đ.D cầm cây lao đến đánh Hạt trưởng nhưng cán bộ này né kịp. Mặc dù lực lượng chức năng đã lùi ra xa để giữ khoảng cách an toàn nhưng ông N.Đ.D và ông N.C.Đ vẫn tiếp tục chạy theo, cầm cây rượt đánh. Tiếp đó, đoàn kiểm tra di chuyển ra khỏi khu vực lấn chiếm đất rừng trồng cây, nhưng vẫn bị một số đối tượng tiếp tục hành hung, đe dọa xâm hại tính mạng… Chỉ đến khi lực lượng Công an xã Lộc Phú đến lập biên bản vụ việc, trật tự mới được vãn hồi.

Đất rừng ở Tây Nguyên bị xâm hại nghiêm trọng để lấy đất trồng cây

Trao đổi với PV Reatimes, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết: Khi tình trạng trên xảy ra, Sở đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng hành hung lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn. Ngoài ra, liên quan vụ việc này, Sở cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh kiến nghị giao vụ việc cho UBND huyện Bảo Lâm chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý nghiêm.

Hiện nay, công an huyện Bảo Lâm cho hay, đơn vị đang thụ lý và chỉ đạo các Đội nghiệp vụ phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện, Ban QLRPH Đam B’ri và UBND xã Lộc Phú tiến hành xác minh, điều tra làm rõ hành vi cản trở, hành hung lực lượng kiểm lâm, kiểm soát bảo vệ rừng để xử lý theo quy định pháp luật đối với một số người liên quan.

Được biết trước đó, ông N.Đ.D đã có hành vi lấn chiếm 327,43m2 đất rừng sản xuất tại lô a, khoảnh 6, tiểu khu 438A thuộc “rừng cộng đồng” (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) do Ban QLRPH Đam B’ri quản lý, bảo vệ để làm nhà và chuồng trại chăn nuôi. Ngày 7/10/2020, ông đã bị UBND huyện Bảo Lâm xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng. Đồng thời, UBND huyện Bảo Lâm buộc ông N.Đ.D khắc phục đối với sai phạm, trả lại diện tích đất lấn chiếm và khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất rừng nói trên.

Hơn 227ha nhà kính, nhà lưới xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại Lâm Đồng bị yêu cầu tháo dỡ

Như Reatimes đã phản ánh, tại Lâm Đồng, tình trạng lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp diễn ra thường xuyên, đáng báo động. Mới đây, qua kiểm tra, rà soát đến ngày 16/8/2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có tổng cộng hơn 227ha diện tích nhà kính, nhà lưới tồn tại trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Cụ thể, có 210,1ha nhà kính và 17,3ha nhà lưới được dựng trên đất quy hoạch lâm nghiệp, với 649 hộ đang sử dụng. Trong số này, nhiều nhất là TP. Đà Lạt với hơn 184,8ha của 475 hộ đang sử dụng, kế tiếp là huyện Lạc Dương với trên 21,4ha của 106 hộ, huyện Đơn Dương nhiều thứ 3 với trên 16,2ha của 44 hộ, còn lại ở các huyện: Đam Rông, Di Linh, Đức Trọng. UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu tháo dỡ toàn bộ nhà kính, nhà lưới xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.

Không chỉ tại tỉnh Lâm Đồng, thực trạng người dân “hô biến” hàng trăm héc-ta rừng, đất rừng thành đất canh tác nông nghiệp đang diễn ra tại các tỉnh Tây Nguyên. Một phần đất rừng tại những vùng này khó giải quyết dứt điểm là do rừng nằm ngay cạnh nhà người dân; điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng khu vực này rất thích hợp để phát triển các loại cây nông nghiệp nên các hộ lấn chiếm để lấy đất sản xuất, thậm chí sang nhượng cho người khác…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top