Aa

Lạm phát gia tăng, nền kinh tế Việt Nam chịu áp lực ra sao?

Thứ Năm, 09/06/2022 - 06:05

Trong phiên chất vấn của Quốc hội ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát 7 tháng cuối năm 2022.

Kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng cũng gia tăng áp lực lạm phát

Lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát ở Việt Nam đã có những diễn biến khả quan hơn so với tình hình thế giới, nhưng liệu có thể duy trì được mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra, trong bối cảnh từ đây đến cuối năm nền kinh tế còn nhiều biến động?

Tại Việt Nam, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước; và CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước (theo số liệu của Tổng cục Thống kê).

Nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế trong nước thời gian tới gặp nhiều khó khăn. Khả năng năm nay, lạm phát sẽ xoay quanh ngưỡng mục tiêu 4%. Một số chuyên gia kinh tế trong nước đưa ra nhận định, lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể rơi vào khoảng 3,8-4%, trong bối cảnh từ nay đến cuối năm, nền kinh tế còn nhiều biến động, giá dầu thô và các loại nguyên vật liệu đầu vào sản xuất đều tăng.

Trong phiên chất vấn tại Quốc ngày 8/6, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã chất vấn Bộ trưởng bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về vấn đề kiềm chế lạm phát.

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, lạm phát trên thế giới đang gia tăng rất nhanh. Nước ta nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu vật tư đầu vào rất lớn, trong khi nhập khẩu hàng hóa cũng là nhập khẩu lạm phát. Giá xăng dầu tăng cao, kéo theo tăng giá các mặt hàng khác. Thêm vào đó Chính phủ giải ngân gói cứu trợ kinh tế, tăng lượng cung tiền vào nền kinh tế, đồng nghĩa với việc tăng thêm áp lực lạm phát. Đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến về vấn đề này và giải pháp kiềm chế lạm phát trong giai đoạn hiện nay?

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, lạm phát là vấn đề nóng, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội. Việc kiềm chế lạm phát là mục tiêu lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như các cấp các ngành liên quan.

“Nền kinh tế nước ta hiện nay hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhiều nguyên vật liệu chúng ta chưa tự chủ được nên phải nhập khẩu từ nước ngoài. Giá nguyên vật liệu thế giới tăng lên, cộng với yếu tố lạm phát nên đương nhiên kéo giá nguyên vật liệu trong nước tăng theo”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích.

Bộ trưởng cho biết chỉ số lạm phát 5 tháng đầu năm của Việt Nam là 2,25%, hiện vẫn còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4%.

Tuy nhiên giá năng lượng và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới tiếp tục tăng gây sức ép đến mặt bằng giá trong nước và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hững ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào như sắt thép, hóa chất, phân bón...Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình thị trường, trong đó có giá dịch vụ giáo dục, sẽ tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022. Ngoài ra, việc triển khai các gói cứu trợ kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát.

Giá xăng thời gian qua liên tục tăng. (Ảnh: VOV)

Thời điểm vàng để kiềm chế lạm phát và phát triển kinh tế

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết lạm phát ở Việt Nam đang có độ trễ nhất định so với các nước. Trong khi chỉ số lạm phát ở Mỹ là 8,3%, châu Âu 8%, Singapore 5,4%, Hàn Quốc 4,8%, Thái Lan 4,6% thì Việt Nam vẫn giữ ngưỡng thấp hơn nhiều lần. Nguyên nhân là Việt Nam tự chủ được lương thực, thực phẩm (chiếm 40% giá trị hàng hóa). Đây là thời điểm vàng để kinh tế Việt Nam hồi phục, thậm chí là phát triển bứt phá. Nhận thức được điều này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Chính phủ và các bộ ngành liên quan đưa ra nhiều giải pháp kiềm chế lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Giải pháp thứ nhất là về vấn đề tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ

Giải pháp thứ hai Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đưa ra liên quan đến chính sách tài khóa. Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ theo nghị quyết 43. Trong đó, vừa giảm thuế vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Các giải pháp tài khóa triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2022 như giảm thuế VAT từ 10% xuống 2% đối với một số hàng hóa, dịch vụ; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và các mặt hàng xăng dầu; giảm mức thu 37 khoản phí trong 6 tháng đầu năm 2022 đã giảm áp lực lên mặt bằng giá cả và góp phần kiểm soát lạm phát trong 5 tháng đầu năm 2022.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, ngay trong tháng 6/2022, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5079/BTC-QLG gửi các địa phương đôn đốc đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, điều hành giá kiểm soát lạm phát.

Thứ ba là giải pháp quản lý chặt giá cả thị trường. Trước đó, trong báo cáo các nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính cho biết, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, ngay từ đầu năm 2022, Bộ đã tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các giải pháp điều hành giá trong năm trình Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trước mắt tiếp tục giữ ổn định để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ tác động đến CPI để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.

Bộ Tài chính cũng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quản lý giá các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý. Bên cạnh đó, cần chú trọng thông tin công khai, minh bạch về giá; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn thị trường.

Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện quản lý các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, công khai niêm yết giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục lưu ý công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin giá cả để kiểm soát lạm phát; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng và bất ổn thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong phiên chất vấn sáng 8/6. (Ảnh: Vietnamplus)

Giải pháp thứ tư mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra là thúc đẩy doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định cốt lõi của nền kinh tế không nằm ở các chính sách tài khóa và tiền tệ mà vấn đề là các chính sách ấy phải hướng đến doanh nghiệp và nhân dân. Khi doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể có hoạt động tốt, giải quyết được vấn đề thu nhập và việc làm thì sẽ tăng GDP, tăng nộp ngân sách Nhà nước. Qua đó mới giữ vững được chính sách tài khóa tiền tệ.

“Việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ gia đình hoạt động sản xuất - kinh doanh, thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số cùng những điều kiện khác là điều căn cốt nhất để phát triển kinh tế và kiềm giữ lạm phát hiệu quả hiện nay”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

 

Tham gia giải trình tại phiên chất vấn này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ và đưa ra những chính sách về tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp. Nhờ đó, về cơ bản thị trường tiền tệ khá ổn định trong 5 tháng đầu năm 2022.

Bà Hồng khẳng định trong thời gian tới chính sách tiền tệ sẽ phải theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, cũng như tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, đặc biệt nhập khẩu trên GDP chiếm 100%, có nghĩa là sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, nên chịu áp lực lạm phát. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành, trong đó có chính sách tiền tệ, tài khóa cần kết hợp chặt chẽ. Những tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát với 2,25%. Qua phân tích, mức tăng này liên quan đến giá hàng hóa thế giới. Còn với góc độ điều hành, các gói trong chương trình phục hồi kinh tế chưa giải ngân., khi các gói này đưa ra cũng sẽ tác động đến lạm phát thời gian tới.

Thông qua Ban chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phân tích sát những diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra những kết hợp chính sách phù hợp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top