Aa

Làm sao để không ảnh hưởng đến di tích quốc gia đặc biệt?

Thứ Tư, 14/03/2018 - 20:01

Gần một tuần kể từ khi Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội tổ chức trưng bày giới thiệu và lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 - ga hồ Gươm. Đến nay, có không ít ý kiến bày tỏ ủng hộ vị trí đặt ga ngầm như phương án nêu ra nhưng đặt thế nào vẫn cần một sự tính toàn tỉ mỉ.

Trước đó vào sáng 9/3, Hà Nội tổ chức trưng bày, lấy ý kiến đóng góp của người dân về ga tàu điện ngầm bên Hồ Gươm, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Trong đó, ga tàu điện ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 được đề xuất đặt tại vị trí Km9+864,645, trong khu vực khuôn viên công viên Bờ hồ Hoàn Kiếm đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Lý giải việc ga ngầm C9 đặt ở vị trí này, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được tính toán để kết nối tốt với các tuyến số 1 và 3. Cụ thể, ga C8 của tuyến số 2, tại phố Hàng Đậu sẽ tiếp nhận và trung chuyển hành khách với tuyến số 1 Ngọc Hồi - Như Quỳnh. Ga C10 tại khu vực phố Hàng Bài sẽ kết nối với tuyến số 3 Nhổn - Hoàng Mai. Vì vậy, ga C9 ở giữa có tính chất kết nối cả 3 tuyến đường sắt đô thị trên. Do đó, ga C9 buộc phải khống chế vị trí trên đường Đinh Tiên Hoàng để đảm bảo khoảng cách giữa ga C9 đến 2 ga còn lại không quá 1km, thuận tiện cho người dân di chuyển, tiếp cận cả 3 tuyến đường sắt này.

Nhà ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m, tới Tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m.

Ga đường sắt C9 (đỏ vàng) ở hệ thống đường sắt đô thị trong cấu trúc đô thị tương lai.

Ga đường sắt C9 (đỏ vàng) ở hệ thống đường sắt đô thị trong cấu trúc đô thị tương lai.

Trao đổi với Reatimes xoay quanh câu chuyện này, chuyên gia quy hoạch, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, vị trí nhà ga ngầm C9 đặt cạnh hồ Gươm là hợp lý, là rất cần thiết. Kế hoạch này cũng nằm trong định hướng phát triển hệ thống giao thông của Hà Nội và có lấy ý kiến của nhiều cơ quan tư vấn cũng như chuyên gia nước ngoài.

Ông Nghiêm khẳng định: “Đặt ga ngầm cạnh hồ Gươm là một vấn đề liên quan đến di tích quốc gia đặc biệt, liên quan đến những quy định của bảo tồn di sản. Tuy nhiên, để tạo ra đặc thù đô thị, không phải bảo tồn để giữ một cơ thể chết mà phải phát huy giá trị để cho nó sống và quảng bá được giá trị của nó.

Lúc đầu nhà ga C9 đặt ở vị trí quá sát mép nước, lấn chiếm khu vực Tháp Bút. Sau nhiều lần nghiên cứu và đặc biệt tiếp thu ý kiến của các chuyên gia thì vị trí hiện nay là có thể chấp nhận được. Nhiều chuyên gia, nhà sử học cũng ủng hộ. Nhà ga sẽ là một trong những điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị của di tích quốc gia hồ Gươm, đồng thời tăng cường chức năng của khu trung tâm cảnh quan đang chuyển hóa thành khu đi bộ và giữ gìn, bảo tồn phát huy giá trị truyền thống”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nghiêm, kế hoạch là vậy song để làm như thế nào thì Hà Nội vẫn cần tiếp tục nghiên cứu. Cụ thể, đặt ra những vấn đề như làm ga ngầm phải có kỹ thuật như thế nào để đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, hệ thống cây xanh bên trên nhà ga. Đây không phải là lần tranh cãi đầu tiên mà trước đó chuyện đặt ga ngầm ở Vườn hoa Lý Thái Tổ hay bên cạnh vườn hoa Tao Đàn cũng có nhiều tranh cãi về kỹ thuật, về bảo tồn cây xanh ở phía trên. Theo đó, phương án làm ga ngầm cần có nghiên cứu vững chắc hơn nữa.

Ông Nghiêm cũng đưa ra giải pháp khi xây dựng nhà ga C9, cần quan tâm đến việc tổ chức giao thông, kết nối các tuyến đường công cộng để người dân đi bộ vào khu vực nhà ga thì mới bảo tồn và phát huy giá trị toàn bộ khu vực hồ Gươm.

Bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 - ga hồ Hoàn Kiếm được trưng bày để người dân tham quan, đóng góp ý kiến.

Bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 - ga hồ Gươm được trưng bày để người dân tham quan, đóng góp ý kiến.

Cùng quan điểm với TS. Đào Ngọc Nghiêm, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy, cũng cho rằng việc xây dựng tàu điện ngầm sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động trên mặt đất, tạo ra nhiều thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy: "Nói ga đặt cạnh hồ Gươm là gây xung đột giao thông là chưa đúng bởi có người đến cũng có người đi. Nếu chuyển 1.000 người đến thì cũng có 1.000 người đi. Thực tế, việc đặt ga tàu điện ngầm ở đó sẽ tăng thêm lượng người đến hồ Gươm chứ không phải tăng lên những người sống ở khu vực đó".

“Vị trí đặt ga C9 là phù hợp, bởi khu vực Bờ Hồ là một danh thắng đặc biệt. Theo đó triển khai hệ thống tàu điện ngầm nói chung và ga C9 đi vào hoạt động thì sẽ thu hút không chỉ người dân lân cận Hà Nội mà cả khách quốc tế đến với Hà Nội nói riêng và hồ Gươm nói chung. Tuy nhiên, tôi cho rằng bản thiết kế nhà ga 4 cửa là hơi nhiều. Tôi từng đi ga ngầm ở các nước trên thế giới và chỉ thấy 2 cửa lên xuống. Vấn đề quan trọng là mở rộng hai cửa lên xuống chứ không cần thiết phải làm tới 4 cửa vì sẽ làm chi phí tăng lên mà không phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, việc để 4 cửa ở ga này cần cân nhắc đến sự ảnh hưởng công viên cây xanh trong khu vực hay không?”, ông Thủy lý giải.

Trong một trao đổi trước đó với Reatimes, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ tiếc nuối: “Ngành Quy hoạch xây dựng Việt Nam đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước và đến nay đã trải qua hơn 50 năm với nhiều giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia nhưng chúng ta vẫn bị một “cái lối” rất nông nghiệp là “ăn xổi, ở thì”. Chúng ta chỉ biết khai thác trên mặt đất, mà bỏ quên nguồn tài nguyên dưới mặt đất”.

Theo ông Tùng lý giải, những năm 1872, người Anh đã làm tàu điện ngầm đầu tiên trên thế giới. Và họ đã mở đầu cho việc con người phải sử dụng không gian dưới đất và tạo ra tàu điện ngầm, cống thoát nước ngầm. Những nước như Nhật Bản, Nga... đều có những thành phố dưới lòng đất rất hiện đại.

"Ngược lại, Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quy hoạch ngầm. Không có quy hoạch đô thị ngầm, chúng ta làm sao có tàu điện ngầm, đặt được những ống cống ngầm lớn hiện đại?", KTS Phạm Thanh Tùng đặt câu hỏi. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top