Aa

Làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp liên tiếp khất nợ trái phiếu

Thứ Ba, 28/02/2023 - 08:10

34 doanh nghiệp bất động sản – xây dựng nằm trong danh sách 54 doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang chậm thanh toán gốc, lãi cho trái chủ. Chuyên gia cảnh báo về làn sóng tăng trưởng nóng và có thể đổ vỡ lan rộng.

34 doanh nghiệp bất động sản xây dựng khất nợ trái phiếu 

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 - 31/1 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Trong danh sách công bố có 54 doanh nghiệp, đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp bất động sản - xây dựng là 34 doanh nghiệp, chiếm gần 63%. 

trái phiếu. reatimes
34 doanh nghiệp bất động sản khất nợ trái phiếu (Ảnh: Minh hoạ)

Các doanh nghiệp bất động sản nằm trong danh sách có thể kể tới là các doanh nghiệp thuộc nhóm Đất Xanh có CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An, CTCP Đầu tư và dịch vụ Đất Xanh Miền Nam. Thứ hai là một số đơn vị như CTCP Nova Final Solution, CTCP Kinh doanh Bất động sản Thái Bình...

 Các doanh nghiệp thuộc nhóm LDG có CTCP Đầu tư LDG, CTCP Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát.

Bên cạnh danh sách các doanh nghiệp bất động sản - xây dựng trên còn có những cái tên đã niêm yết như CTCP Đầu tư Hải Phát, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land), CTCP DRH Holdings, CTCP Tập đoàn Danh Khôi.

Các doanh nghiệp còn lại bao gồm CTCP Gotec Land, CTCP Hưng Vượng Developer, CTCP Apec Land Huế, CTCP Bông Sen, CTCP Đầu tư Tân Thành Long An, CTCP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Vận tải, CTCP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát, CTCP Galactic Group, CTCP GreenHill Village, CTCP Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát, CTCP Sapphire Coast, CTCP STC Corporation, Công ty TNHH Nam Land, Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân, CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai, CTCP Đầu tư Quang Thuận, CTCP Du lịch và Đầu tư Xây dựng châu Á, CTCP Lâu Đài Trắng, CTCP Kinh doanh Bất động sản VHC.

 Bước sang tháng 2, nhiều doanh nghiệp ghi tên vào danh sách chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tiếp tục ghi danh thêm hàng loại doanh nghiệp khác như CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC), Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú (thành viên nhóm Novaland), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star, CTCP Fuji Nutri Food (FNF), CTCP Lavida Invest, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Seaside Homes, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova.

Khất nợ vì làm ăn thua lỗ 

 Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2 là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nằm trong danh sách khất nợ trái phiếu. Mới đây, doanh nghiệp này đã phải tiến hành họp trái chủ để tìm sự đồng thuận lùi thời gian thanh toán gốc và lãi lô trái phiếu VC2H2122001. Đây là lô trái phiếu phát hành ngày 27/10/2021 giá trị phát hành 150 tỷ đồng, kỳ trả lãi 6 tháng một lần. Ngày 27/10/2022 là mốc thời gian Vina 2 phải thanh toán gốc và lãi cho nhà đầu tư. Mục đích vốn sử dụng lô trái phiếu này là tăng quy mô vốn hoạt động của công ty, thực hiện các chương trình dự án đầu tư của công ty, bổ sung vốn thi công công trình Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Căn hộ I-Tower Quy Nhơn.

Tại hội nghị với trái chủ, Vina 2 xin khất nợ thêm một năm nữa, tức là đến ngày 27/10/2023, sẽ thanh toán 118,7 tỷ đồng tiền gốc và lãi phát sinh cho trái chủ với lãi quá hạn được xác định là 150% mức lãi suất đã công bố 11,5% theo quy định và cam kết với người sở hữu trái phiếu. Nguyên nhân khiến doanh nghiệp này buộc phải khất nợ trái phiếu do tình hình kinh doanh khó khăn. Theo kết quả kinh doanh, quý IV/2022, doanh thu thuần của công ty ghi nhận tăng 37% từ gần 296 tỷ đồng lên 405 tỷ đồng tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng 70% dẫn đến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 4,3 tỷ đồng giảm 91%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận chỉ còn 3,6 tỷ đồng, giảm 89%.

Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cũng nằm trong danh sách doanh nghiệp khất nợ trái phiếu. Cụ thể, lô trái phiếu TDC.BOND.2020.700 của doanh nghiệp này có mệnh giá 700 tỷ đồng, đáo hạn ngày 15/11/2025. Từ ngày 15 - 22/2/2023, Công ty phải thanh toán 23,82 tỷ đồng lãi đến hạn. Song, đến ngày 15/2/2023, doanh nghiệp này mới thanh toán 7 tỷ đồng, số tiền chưa thanh toán là hơn 16,8 tỷ đồng. Becamex TDC đưa ra phương án hoàn thành thanh toán trước ngày 23/3/2023, tức là lùi 1 tháng. Becamex TDC cho hay, do giao dịch bất động sản rất chậm nên ảnh hưởng dòng tiền sản xuất kinh doanh. 

Báo cáo kết quả kinh doanh ghi nhận, trong quý IV/2022, Becamex TDC ghi nhận mức lỗ kỷ lục 104,4 tỷ đồng.

Công ty CP Lavida Invest cũng là cái tên nằm trong danh sách doanh nghiệp địa ốc xin khất nợ trái phiếu. Trước đó, doanh nghiệp này phát hành lô trái phiếu LVDCH2123001 với mệnh giá 70 tỷ đồng và lưu hành 62 tỷ đồng vào ngày phát hành 8/2/2021. Lô trái phiếu này được đáo hạn vào ngày 8/2/2023. Song, Lavida Invest cho biết, do công ty chưa kịp sắp xếp được nguồn thanh toán nên sẽ trả thành 3 đợt. Đợt thứ nhất ngày 15/3/2023 sẽ thanh toán 10 tỷ đồng; đợt 2 ngày 15/4 thanh toán 30 tỷ đồng và đợt 3 ngày 30/5 thanh toán số tiền còn lại 22 tỷ đồng.

Báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 1-2023 của FiinRatings đã đưa ra con số đáng chú ý, đó là lượng trái phiếu đáo hạn rất lớn - khoảng 205.000 tỉ đồng, trong đó có 104.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp địa ốc. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế từng nhiều lần cảnh báo về sự tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp địa ốc. Ông Hiếu dự báo, với làn sóng “vỡ nợ” trái phiếu từ doanh nghiệp có thể tác động mạnh đến thị trường địa ốc, đặc biệt tâm lý nhà đầu tư. 

Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng Phòng Phân tích tín dụng và Dịch vụ tài chính xanh của FiinRatings cho hay, thị trường đang kỳ vọng vào sửa đổi trong Nghị định 65/2022 với giải pháp thỏa thuận về việc giãn kỳ hạn thanh toán nợ cùng các điều khoản mới đi kèm.

Ông Tùng Anh nhấn mạnh: "Việc triển khai quy định mới sẽ rất cần thiết trong thời gian tới bởi áp lực thanh khoản của doanh nghiệp đã thể hiện rõ ở giai đoạn cuối năm 2022 khi 12 doanh nghiệp phát hành trong ngành bấtđộng sản và năng lượng vi phạm nghĩa vụ nợ, chậm trả lãi và/hoặc gốc".

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top