Aa

Làng đại học Đà Nẵng: Quy hoạch treo xuyên thế kỷ

Thứ Tư, 26/08/2020 - 07:00

Dự án Làng đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào năm 1997. Đến năm 2004, Bộ GD-ĐT phê duyệt quy hoạch chung. Từ đó đến nay, dự án này nằm treo, khiến đời sống của không ít người dân lao đao.

Dự án Làng đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào năm 1997. Đến năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phê duyệt quy hoạch chung. Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, dự án vẫn nằm im bất động bởi gặp các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 227/QĐ-TTg phê duyệt “Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Làng đại học Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2.000” với quy mô hơn 286ha, gồm 96,5ha thuộc phường Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) và 190ha thuộc phường Điện Ngọc (TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). 

Tháng 11/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) có công văn về việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020, thuộc nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, năm 2020 dự án Làng đại học Đà Nẵng được bố trí vốn 500 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, năm 2020, Đại học Đà Nẵng sẽ triển khai giải phóng mặt bằng dự án này ở địa bàn TP. Đà Nẵng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ kiểm tra dự án Làng đại học Đà Nẵng vào tháng 5.2020
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ kiểm tra dự án Làng đại học Đà Nẵng vào tháng 5/2020

Với hành trình vắt dài qua 2 thế kỷ, cụ thể: Có quyết định phê duyệt từ năm 1997 (thế kỷ 20), đến nay, năm 2020 có kế hoạch triển khai, giải phóng mặt bằng (thế kỷ 21) và kéo dài qua 4 đời giám đốc Đại học Đà Nẵng, thông tin Làng đại học Đà Nẵng sắp triển khai giải phóng mặt bằng, chuyển động sau 23 năm quy hoạch “treo” khiến người dân trong vùng quy hoạch khấp khởi vui mừng,

Thế nhưng, niềm vui có lẽ còn “nằm đâu đó” khi nỗi lo về giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư và bố trí tái định cư vẫn hiện hữu.

Người dân như ngồi trên lửa!

Ông Nguyễn Tám (khối phố Câu Hà, P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, Quảng Nam) và một số người dân ở các khối phố Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh kể rằng, khi được nghe thông tin dự án Làng đại học Đà Nẵng khởi động, bà con rất vui. Tuy nhiên, theo phân kỳ đầu tư mà Đại học Đà Nẵng đưa ra, mãi đến giai đoạn 2030 - 2035 dự án mới “đụng” vào đến Quảng Nam. “Dự án quy hoạch đã lâu, 23 năm rồi còn gì, mà bây giờ lại kéo dài thêm cả 10 - 15 năm nữa thì người dân sẽ phải chịu thêm bao khó khăn, khổ ải?”, ông Nguyễn Tám than vãn.

Hạ tầng giao thông nhếch nhác do không được đầu tư
Hạ tầng giao thông nhếch nhác do không được đầu tư

Gia đình ông Tám có 3.600m2 đất thổ cư nằm trong quy hoạch, nên nhiều năm qua không thể lập kế hoạch đầu tư sản xuất dài hạn vì sợ thu hồi, mất vốn cũng như không được tách thửa, chia đất cho con; không được bán mua, cầm cố, thế chấp gì được. “Ngay cả chuyện sửa chữa nhà cũng phải xin xỏ khắp nơi, rồi cũng chỉ được phép sửa chữa nhỏ. Mỗi khi mưa gió bão bùng thì quá khổ!”, ông Tám chua xót.

Trải qua 2 thế kỷ bị quy hoạch treo, hàng trăm ngôi nhà xây dựng không phép đã mọc lên trên Làng đại học Đà Nẵng
Trải qua 2 thế kỷ bị quy hoạch treo, hàng trăm ngôi nhà xây dựng không phép đã mọc lên trên Làng đại học Đà Nẵng

Dự án lận đận, người dân khổ lây

Dự án Làng đại học Đà Nẵng dự kiến có tổng mức đầu tư hơn 8.620 tỷ đồng, trong đó, 3.700 tỷ đồng là kinh phí đền bù, giải tỏa. Thời gian qua, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đề nghị Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ủng hộ đề xuất dự án vay 100 triệu USD cho Đại học Đà Nẵng theo cơ chế cấp phát; bố trí vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2015 - 2020 và 4.900 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025 để ưu tiên giải phóng mặt bằng và đầu tư một số công trình cấp thiết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, nguồn kinh phí để bố trí để khởi động dự án Làng đại học Đà Nẵng vẫn còn quá ít.

Trong khi đó, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng có 2 vấn đề đặt ra, một là nguồn vốn phục vụ cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư hiện nay cũng vẫn chưa xác định được, chưa cân đối, bố trí được. Vì phải cần khoản kinh phí rất lớn. Thứ hai là bây giờ cũng chưa có tiền để đầu tư khu tái định cư. Chưa có khu tái định cư thì chưa giải tỏa được để triển khai dự án Làng đại học Đà Nẵng.

Theo UBND TX. Điện Bàn, có khoảng 600 hộ dân ở các khối phố Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh… bị ảnh hưởng bởi dự án Làng đại học Đà Nẵng. Nếu giải phóng mặt bằng khu vực này, cần bố trí 3.155 lô tái định cư và phải có quỹ đất khoảng 820ha. Hiện, TX. Điện Bàn đã quy hoạch khu đô thị phía tây đường ĐT607 trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt để đầu tư, xây dựng khu dân cư, bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng của dự án.

Trong khi đó, phía TP. Đà Nẵng cũng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng gần 39ha. Còn lại hơn 71ha chưa giải phóng mặt bằng, cần 1.201 tỷ đồng để bồi thường. Đồng thời, cần đến 250 tỷ đồng đầu tư khu tái định phục vụ giải tỏa, bố trí cho người dân.

Nỗi lo xây dựng trái phép

Năm 2019, ông P.Đ.T, nhà ở Khối phố Viêm Trung đã cho người tiến hành xây dựng công trình quy mô trên đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch Làng đại học Đà Nẵng ở khối phố Câu Hà, P. Điện Ngọc. Thấy ông P.Đ.T xây dựng “đại công trình” nên người dân trong khối phố cũng đua nhau xây dựng. Người có tiền thì làm nhà, người không có cũng chạy vạy vay mượn cố làm hàng rào, cổng ngõ, tôn nền, lợp mái… UBND phường Điện Ngọc cho rằng, vì lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên không thể quán xuyến hết được tình trạng xây dựng trái phép, không phép tại Làng đại học Đà Nẵng.

Không được cấp phép, người dân xây dựng các hạng mục trên đất quy hoạch
Không được cấp phép, người dân xây dựng các hạng mục trên đất quy hoạch

Những năm gần đây, giá đất tại các khu vực xung quanh Làng đại học Đà Nẵng đều tăng chóng mặt. Có lúc từ 5 triệu đồng/m2 tăng lên 20 - 25 triệu đồng/m2. Việc giá đất tăng cao đã gây hệ lụy tức thì cho công tác giải phóng mặt bằng. 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, đến nay Đại học Đà Nẵng đã hoàn thành quy hoạch 1/2.000 trình Bộ Xây dựng để lấy ý kiến các bộ, ngành để tiếp tục trình Chính phủ phê duyệt. Bộ GD-ĐT cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư với nguồn kinh phí 500 tỷ đồng, trong đó 400 tỷ đồng để ưu tiên giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Đà Nẵng và 100 tỷ đồng còn lại để xây dựng các công trình cấp thiết. 

Ngoài ra, Đại học Đà Nẵng đang gấp rút xây dựng dự án đầu tư để trình Bộ GD-ĐT, dự kiến trong năm 2020 sẽ triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại TP. Đà Nẵng. Còn việc giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ được thực hiện trong năm 2021.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top