Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, lấy xuất nhập khẩu làm động lực tăng trưởng

Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, lấy xuất nhập khẩu làm động lực tăng trưởng

Chủ Nhật, 14/05/2023 - 06:09

Với vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước, những năm gần đây, Lạng Sơn đã cùng với các tỉnh liền kề có kế hoạch hợp tác phát triển hạ tầng kỹ thuật mang tính liên vùng để hình thành không gian kinh tế tương xứng với tiềm năng, lợi thế, sức phát triển của tỉnh và khu vực...

******

LTS: Lạng Sơn là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội. Năm 2020, Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Chương trình hành động số 04 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sau đó đã điều chỉnh bằng Chương trình số 23-CTr/TU), phát triển dựa trên 3 trụ cột: Một là, tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Hai là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Ba là, tập trung phát triển du lịch.

Với tinh thần đồng hành cùng những mục tiêu lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Lạng Sơn phát triển kinh tế 3 trụ cột, tầm nhìn đến năm 2030".

Bài 3: Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, lấy xuất nhập khẩu làm động lực tăng trưởng

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn (quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập...) xấp xỉ 30 tỷ USD/năm, chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc. 

3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch XNK đạt trên 10 tỷ USD. Trong đó, riêng kim ngạch hàng hóa XNK mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đạt 867,7 triệu USD, tăng trên 90% so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt, xuất khẩu tăng gấp gần 4 lần (380%). Hàng ngày có trên 1.000 phương tiện xuất nhập khẩu thông quan qua các cửa khẩu.

Đẩy mạnh phát triển giao thông, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch

Với vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước, những năm gần đây, Lạng Sơn đã cùng với các tỉnh liền kề có kế hoạch hợp tác phát triển hạ tầng kỹ thuật mang tính liên vùng để hình thành không gian kinh tế tương xứng với tiềm năng, lợi thế, sức phát triển của tỉnh và khu vực. Giao thông được lựa chọn là lĩnh vực được ưu tiên số một.

Lạng Sơn có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là đầu mối giao lưu thương mại đường bộ quy mô bậc nhất giữa Việt Nam với Trung Quốc. Có 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt ga Đồng Đăng), 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ, có các tuyến Quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 đi qua, là điểm đầu tiên của Việt Nam trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - TP.HCM - Mộc Bài (tham gia hành lang xuyên Á: Nam Ninh - Singapore), có tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Đồng Đăng - Bằng Tường - Bắc Kinh.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, khai thác từ tháng 1/2020. (Ảnh: ST)
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, khai thác từ tháng 1/2020. (Ảnh: LH)

Tăng cường liên kết trong khu vực, Lạng Sơn xác định hợp tác hướng tới kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật với Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm đồng bộ hóa giao thông quốc tế. Trong những năm gần đây, chương trình hợp tác phát triển giữa các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) là một trong những chương trình tiêu biểu của tỉnh.

Bốn nội dung trọng điểm tỉnh Lạng Sơn đã và đang tập trung phát triển là: Kinh tế - thương mại; kết nối giao thông; xây dựng cửa khẩu và hợp tác du lịch.

Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển nhờ huy động tối đa các nguồn lực, bảo đảm kết nối thuận lợi với các tỉnh trong khu vực; kết nối trung tâm tỉnh tới trung tâm các huyện, các khu, cụm công nghiệp, Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, khu vực cửa khẩu, đường tuần tra biên giới; trung tâm huyện với các xã, đường liên xã, đường đến trung tâm xã, thôn.

Lạng Sơn cũng đã huy động nguồn đầu tư xã hội hóa hiệu quả. Đáng kể nhất là thông qua việc đầu tư theo hình thức BOT, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 63,86km đã được đưa vào khai thác từ tháng 1/2020 góp phần nhanh chóng hình thành mạng lưới cao tốc quốc gia; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, cải thiện điều kiện khai thác và tránh ùn tắc, tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1. Dự án đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của khu vực nói chung và hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn nói riêng, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông. Tuy nhiên, tuyến cao tốc này hiện còn cách cửa khẩu khoảng 43km, các phương tiện vẫn phải chuyển sang Quốc lộ 1A để ra cửa khẩu Hữu Nghị.

Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trên địa bàn Lạng Sơn qua huyện Hữu Lũng, nơi có khu công nghiệp rộng 600ha và các cụm công nghiệp vệ tinh đang được đầu tư xây dựng. Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư trên 10.600 tỷ đồng; điểm đầu tiếp giáp Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; tiếp cận các dự án cảng cạn, khu chế xuất khác...

Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng chiều dài khoảng 60,18km. Trong đó, đoạn tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài khoảng 43km. Điểm đầu tại Km1+800 thuộc địa phận thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Điểm cuối tại Km44+749,67 (kết nối với điểm đầu tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã đưa vào khai thác từ năm 2020) thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Đoạn kết nối từ tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam có chiều dài 17, 18 km.

Điểm đầu tại Km0+000 tại nút giao giữa Quốc lộ 4A và đường đi vào khu cửa khẩu Tân Thanh. Điểm cuối tại Km15+002,62 tại nút giao IC02 - Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Để khẩn trương hoàn chỉnh tuyến cao tốc và các dự án giao thông quan trọng khác, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động báo cáo Trung ương và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tách dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) ra khỏi dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập theo hình thức BOT, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2025. Phối hợp triển khai hoàn thiện các thủ tục thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Xúc tiến phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp đoạn Km18 - Km80, Quốc lộ 4B. Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, phục vụ vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu của các tỉnh ra các cửa khẩu song phương Chi Ma, cửa khẩu phụ Bản Chắt của tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời kết nối với cửa khẩu quốc tế Móng Cái và các khu du lịch tại Hạ Long, Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) có chiều dài khoảng 121km, trong đó qua địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52km, sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

3 tuyến giao thông huyến mạch của Lạng Sơn là cao tốc từ Hữu Nghị đến Bắc Giang, về Hà Nội; Quốc lộ 4B nối Lạng Sơn với Quảng Ninh ra biển; tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ tạo thế chân vạc, hình thành không gian kinh tế xuất nhập khẩu tầm cỡ khu vực. Không những mở thêm dư địa lớn hơn 30% so với hiện nay mà còn tạo động lực kéo các ngành kinh tế địa phương bứt phá đi nhanh vào giai đoạn sau năm 2025.

Hiện trạng Khu du lịch Mẫu Sơn. (Ảnh: Thuận Bùi)
Hiện trạng Khu du lịch Mẫu Sơn. (Ảnh: Thuận Bùi)

Xuất nhập khẩu sớm trở thành động lực tích cực phát triển đô thị

Đô thị hóa không chỉ chuyển dịch về không gian đô thị, không gian kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang xanh, sạch đẹp, cuộc sống đô thị văn minh hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ. Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; sự phát triển của một số đô thị đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. 

Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 30%; đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 - 1,9%; đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 - 16%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8m2. 

Tỷ lệ đô thị hóa Lạng Sơn thấp hơn 15% so với mục tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở điều kiện thực tế, định hướng phát triển và tính khả thi thực hiện).

 Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, để phát triển đô thị bền vững, có năng lực cạnh tranh thì phải có các "điều kiện cần và đủ". "Điều kiện cần" bao gồm hai nhân tố chính là có quy mô dân số và có quy mô diện tích phù hợp với từng loại hình đô thị. Trong đó "cơ cấu dân số vàng" với lực lượng lao động được đào tạo và kỹ năng là nhân tố có tính quyết định nhất.
"Điều kiện đủ" là quy mô nền kinh tế đô thị, là phương thức phát triển, vận hành nền kinh tế đô thị và khung thể chế pháp luật kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, để huy động các nguồn lực phát triển đô thị bền vững.

Một góc TP. Lạng Sơn. (Ảnh: Bùi Thuận)
Một góc TP. Lạng Sơn. (Ảnh: Bùi Thuận)

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho rằng, để thúc đẩy đô thị hóa và hướng đến bền vững, thịnh vượng thì các địa phương cần tập trung vào 4/6 giải pháp quan trọng gồm: (1) Thúc đẩy đô thị hóa nhanh trong sự kiểm soát; (2) Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; (3) Tháo gỡ điểm nghẽn trong hạ tầng kết nối vùng, hạ tầng đô thị, khơi thông nguồn lực; (4) Đổi mới mô hình phát triển đô thị tiến tới xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu...

Thế mạnh của Lạng Sơn chính là dịch vụ, hiện đang đóng góp tới gần 50% cơ cấu kinh tế, đạt trên 20.000 tỷ đồng (năm 2022). Đến 2025 khi hệ thống giao thông quan trọng phục vụ xuất nhập khẩu được kết nối đồng bộ, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được đầu tư cơ bản; hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ logistics hoàn chỉnh sẽ giúp cho quy mô giá trị và mật độ kinh tế tại Khu kinh tế cửa khẩu nói riêng và các đô thị dọc trục kinh tế của Lạng Sơn sẽ có hấp lực mạnh mẽ để phát triển cùng thời điểm sau năm 2025.

Khu đô thị Mailand Hoàng Đồng nằm giữa TP. Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị. (Ảnh: VnExpress)
Khu đô thị Mailand Hoàng Đồng nằm giữa TP. Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị. (Ảnh: VnExpress)

Lạng Sơn không thể tự tháo gỡ khó khăn, cần sự chung tay 

Trong cân đối vĩ mô, năm 2022 cả nước có cơ cấu đầu tư toàn xã hội khá lý tưởng với vốn đầu tư ngoài Nhà nước trên 58%, Nhà nước trên 25% và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài gần 17%; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn 2% so với tăng trưởng nhập khẩu. Hệ số ICOR đạt 14,27 điểm (năm 2020).

Đối với Lạng Sơn, đến năm 2020, ICOR chỉ đạt 6,97 điểm. Vốn đầu tư ngoài Nhà nước chiếm gần 66%; vốn Nhà nước trên 33% và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vẻn vẹn chưa đầy 1%. Qúy I năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng gần 32% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tăng 86%, nhập khẩu giảm 11% và đạt giá trị tuyệt đối gần tương đương nhau, tiệm cận với tỷ lệ chung của cả nước.

Mặc dù vốn đầu tư ngoài Nhà nước của Lạng Sơn có tỷ lệ cao nhưng nguồn vốn này chưa ổn định. Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài rất thấp cũng bộc lộ mức độ cạnh tranh hạn chế của địa phương.

Hệ số ICOR thấp, chưa bằng ½ của cả nước nhưng lại có tỷ lệ vốn đầu tư ngoài Nhà nước cao gấp 2 lần vốn Nhà nước. Điều này chứng tỏ tính hiệu quả đầu tư rất cao ở cục bộ một số lĩnh vực đầu tư. Điểm tập trung nhất là các dự án lĩnh vực dịch vụ logistics, chế xuất, du lịch sinh thái và đô thị, toàn tỉnh hiện có 7 dự án quy mô lớn thuộc các lĩnh vực này.

Điển hình là dự án Khu trung chuyển hàng hóa đang xây dựng tại xã Thụy Hùng và Phú Xá, huyện Cao Lộc nằm trên trục giao thông huyết mạch Quốc lộ 1A, điểm đầu của tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, tiếp giáp với cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu ga quốc tế Đồng Đăng và tiếp cận với cửa khẩu Tân Thanh. Quy mô 143ha, tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, công suất thiết kế 930 xe/ngày từ nay đến 2030 (khoảng 337.000 xe/năm) và 1.500 xe/ngày (trên nửa triệu xe/năm) từ năm 2030. Trên thực tế, công suất thiết kế này có thể sẽ quá tải vì mỗi ngày đã có trên 1.000 xe thông quan qua các cửa khẩu Lạng Sơn, không những thế từ đầu 2023 đến nay, xuất nhập khẩu tăng trưởng trên 90%. Đây là một dự án có hệ số đầu tư cao tại Lạng Sơn, có tiềm năng phát triển vừa ngắn hạn trước mắt, vừa có giá trị lâu dài.

Tiềm năng và hiệu quả đầu tư cao, nhưng các nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập. Cho đến thời điểm này, riêng 7 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư trên 15.000 tỷ đang bị chậm tiến độ, nguyên nhân chính vẫn là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, do năng lực nhà đầu tư, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa ngoài thẩm quyền địa phương.

Khó khăn thứ hai tác động đến phát triển đô thị của Lạng Sơn mà xuất nhập khẩu đang là động lực, bắt nguồn chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc ngày càng chặt chẽ, hiệu suất thông quan chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cả hai phía.

Khó khăn thứ ba đến từ nội tại của hoạt động phát triển đô thị. Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị. Đầu tư còn dàn trải, thiếu đồng bộ; chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn tăng trưởng xanh của Lạng Sơn cũng là một thách thức và đề xuất với Trung ương một số nội dung:

Về đầu tư, xây dựng: Xem xét sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, trong đó cần hướng dẫn cụ thể đối với các dự án khu dân cư và dự án xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng...

Về đất đai: Đối với các dự án phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đảm bảo thời gian theo quy định...

Về quy hoạch: Xem xét điều chỉnh quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, ủy quyền cho UBND cấp tỉnh lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng các khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính...

Về xuất nhập khẩu: Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh đàm phán thỏa thuận với Trung Quốc để bổ sung các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam và của tỉnh Lạng Sơn. Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc với các cơ quan ngang cấp phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các cặp cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top