Aa

Lạng Sơn: Hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Ngọc Tiến
Ngọc Tiến ngoctienreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 21/04/2022 - 10:15

Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp, mục tiêu, phát triển doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ để phù hợp với tình hình thực tế của cộng đồng doanh nghiệp cũng như kinh tế – xã hội của tỉnh.

Ngày 19/4/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Thông báo kết luận của thường trực HĐND tỉnh tại phiên họp giải trình tháng 3/2022 về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025.

Về kết quả đạt được, sau khi Đề án Hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 được ban hành, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, xây dựng các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể (trung tâm là hợp tác xã) của tỉnh. Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, gần 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đạt được một số kết quả tích cực.

Đối với Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp: Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan được đẩy mạnh, đã thực hiện cắt giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của 10 sở ngành với tổng số 116 thủ tục hành chính, gồm 87 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 27 thủ tục hành chính cấp huyện và 2 thủ tục hành chính cấp xã. Tổng số thời gian cắt giảm 675/1.758 ngày, tỷ lệ cắt giảm đạt 38,83%. Hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh ngày càng hiệu quả và nhận được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ thủ tục hành chính hoàn thành trước và đúng hạn chiếm 99,99%.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh (như việc tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh; triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực hiện có hiệu quả chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19). Kết quả chỉ số PCI của tỉnh Lạng Sơn cải thiện đáng kể.

Lạng Sơn hỗ trợ doanh nghiệp
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, gần 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đạt được một số kết quả tích cực.

Đối với chương tình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã: Số HTX thành lập mới tăng đều qua các năm 2020, 2021, trong 2 năm đã thành lập mới 161 HTX, đây cũng là số HTX thành lập cao nhất từ trước đến nay. Chất lượng hoạt động của HTX từng bước nâng lên, một số HTX đã tạo liên kết mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh (như HTX Chế biến nông sản Lụa Vy huyện Chi Lăng; HTX Thành Lộc, huyện Lộc Bình).

Nhiều HTX thành lập mới có tổ chức bộ máy và phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, thích ứng ngày càng tốt hơn về cơ chế thị trường; khẳng định rõ hơn vai trờ, vị trí của HTX trong nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số HTX đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư thiết bị, máy móc, xây dựng nhà xưởng; nhà kho;mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm,...

Trong năm 2021, các cơ quan đã hỗ trợ 6 HTX thực hiện hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng; tham gia triển lãm Hội chợ trong nước với tổng kinh phí là 400 triệu đồng; hỗ  trợ chứng nhận chất lượng, xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc 11 HTX với kinh phí 563 triệu đồng; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm 11 HTX với tổng kinh phí 1.529 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Nguyên nhân khách quan chủ yếu do trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tiếp xúc, tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như do điều kiện kinh tế của tỉnh xuất phát điểm thấp, diện tích tự nhiên chủ yếu là núi cao, do đó thiếu mặt bằng để sản xuất kinh doanh. Việc tiếp cận nguồn vốn sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, còn thiếu ý tưởng kinh doanh có hiệu quả,...

Ngoài ra, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng còn nhiều bất cập, một số khu vực chưa được lập quy hoạch phân khu dẫn đến khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư. Các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên thay đổi, một số dự án thực hiện công tác giải phóng mặt bằng kéo dài nên phải áp dụng các cơ chế, chính sách pháp luật khác nhau dẫn đến khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư,...

Trên cơ sở các kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung giải pháp. Đồng thời, báo cáo định kỳ kết quả tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Đề án Hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 về Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh trước ngày 15/11/2022.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top