Aa

Loay hoay “giải cứu” nhà tái định cư

Thứ Bảy, 07/11/2020 - 14:31

Trong khi, rất nhiều dự án tái định cư (TĐC) bỏ hoang, thì mỗi địa phương lại đưa ra cách “giải cứu” khác nhau mà gần như chưa có một giải pháp tổng thể giải quyết tận gốc vấn đề.

Chỉ riêng tại dự án TĐC cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM), trong năm 2020, ngân sách TP đã phải bỏ ra 71 tỷ đồng để quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất TĐC bỏ hoang.

Chưa tính kỹ nguyện vọng của dân

Việc dự án TĐC bỏ hoang gây lãng phí nhiều cho ngân sách và nguồn lực của xã hội cũng xảy ra trên rất nhiều dự án tại TP. Hà Nội tại quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên… Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam lý giải, nguyên nhân cơ bản do trước khi tiến hành xây dựng nhà TĐC, việc nghiên cứu xem liệu dự án có đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân gần như chưa được thực hiện.

Căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được bán đấu giá 2 lần nhưng chưa có người mua thành công do số lượng căn hộ quá lớn.

Mặc dù trên thực tế, nhà TĐC vẫn luôn là phương án mà người dân mong muốn được sở hữu thay vì tiền bồi thường bởi không phải lo lắng về việc không đủ tiền mua nhà ở khu vực khác. Tuy nhiên vì không phù hợp với nhu cầu, nhiều người dân được TĐC không đến nhận nhà, mà buộc phải rao bán, hưởng chênh lệch, rồi tìm chỗ ở khác phù hợp hơn. Nhưng không phải dự án nào cũng có tính thanh khoản cao, nhiều dự án và căn hộ không bán được, bỏ hoảng nhiều năm, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng.

Khu tái định cư 38,4ha trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM

Để giải quyết tình trạng trên, UBND TP.HCM đã xin ý kiến chuyển đổi thành nhà thương mại để bán. Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, ngoài giải quyết các căn hộ đang bị bỏ trống, TP cũng đang tính lại phương án TĐC cho người dân. Bởi thực tế, giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM cần tới 27.200 căn hộ TĐC. Để không lặp lại tình trạng "ế căn hộ TĐC" như hiện nay, TP sẽ xem xét công tác TĐC một cách toàn diện, hài hòa với đời sống người dân khi di dời.

Nặng - nhẹ cách xử lý

Mỗi địa phương lại có cách xử lí nhà TĐC bỏ hoang khác nhau. Theo ông Danh, “Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của người dân và các dự án nhà ở thương mại đang xây dựng trên địa bàn, TP sẽ đăng ký mua lại để đảm bảo TĐC tại chỗ cho người dân, sát với nhu cầu. Cùng với đó, chất lượng nhà TĐC sẽ được nâng cao hơn”.

Tuy nhiên, TP. Hà Nội lai có biện pháp mạnh hơn. Theo đại diện Phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), Sở Xây dựng đã có đề xuất thu hồi các căn hộ TĐC sau 2 năm người dân không về ở, để bán đấu giá thu hồi vốn.

Dự án nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu có vị trí đắc địa đã hoàn thiện nhiều năm nay nhưng vẫn bị bỏ quên trên đất vàng

Ở góc nhìn dự án TĐC bỏ hoang, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng, với các dự án bị chậm tiến độ, Sở này cũng đã nghị Thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thu hồi dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định của Luật Đầu tư, làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư khác thực hiện, tránh để các dự án nhà TĐC bị đắp chiếu nhiều năm, trong khi quỹ nhà TĐC không đủ phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top