Aa

Lời của dòng sông

Thứ Tư, 06/03/2019 - 06:00

Chất lượng cuộc sống của bạn như thế nào tùy thuộc vào thái độ ứng xử của các bạn với thiên nhiên. Đồng hành trong quá trình đô thị hóa phải là cuộc sống xanh bền vững.

Tôi là sông Tô Lịch. Xa xưa tôi là một nhánh của mẹ sông Hồng làm nên vòng thành nước của kinh đô Thăng Long. Từ khu vực Cầu Gỗ, Hàng Lược, tôi đổ vào khúc quanh Hồ Tây thơ mộng đã đi vào thơ ca. Tôi cũng từng được đưa vào thơ ca như thế:

"Sông Tô nước chảy trong ngần

Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa

Thon thon hai mái chèo hoa

Lướt đi lướt lại như là bướm bay"

Sông Tô Lịch đã từng

Sông Tô Lịch đã từng "nước chảy trong ngần"

Trải qua bao bồi lấp thăng trầm, bao huyền thoại cùng vẻ trữ tình êm đềm hiền hòa, giờ tôi chỉ còn một đoạn ngắn khoảng 14km bắt đầu từ phường Nghĩa Đô rồi chảy xuôi về hướng nam, đổ ra sông Nhuệ. Trên trục dòng chảy của tôi mọc lên nhiều chung cư tiện ích, nhiều đô thị mới chứng tỏ cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá, xã hội ngày càng phát triển. Tôi vui và tự hào khi được là bộ phận cấu thành làm nên đô thị. Dòng sông, hồ nước, cây xanh, khí trời là những nhân tố không thể thiếu cho bất cứ một không gian sống xanh nào. Chúng tôi góp phần làm nên cuộc sống xanh cho con người, chúng tôi luôn đồng hành và giúp con người có bầu khí quyển trong lành, có nguồn nước sạch, có không gian tươi mát để nâng cao chất lượng toàn diện trong sự phát triển đô thị.

Tôi từng hứng khởi vào những năm 80 của thế kỷ trước. Khi ấy con người thực hiện dự án cải tạo sông Tô. Biết bao nhiêu sinh viên các trường đại học hăng hái lao động nạo vét dòng sông, khơi thông dòng chảy. Nhưng niềm vui của tôi quả có hơi sớm. Vì nhiều lý do, con người lại quên tôi. Từ đó tôi phải oằn mình chịu đựng những vô tư đến vô tâm của họ. Tôi là một phần trong cuộc sống của con người. Nhưng con người không công bằng với tôi.

Tôi từng là dòng sông đem lại sắc đẹp nên thơ và không gian sống xanh giúp cải thiện môi trường cho thành phố. Thế mà nay tôi bị đối xử như một cống thoát nước để con người có thể vứt bất cứ thứ gì xuống đó. Nước thải từ các khu đô thị đổ lên người tôi. Rác thải, túi ni lông ném vào mặt tôi. Xác các loài động vật được quẳng xuống làm tôi không thở được. Người ta trách móc tôi ô nhiễm, người ta bịt mũi khi đi gần tôi. Tôi đau lòng khi mùi hôi của tôi bốc lên, nhất là vào mùa hè, khiến người đi đường và các khu chung cư nơi tôi đi qua đều bị ám ảnh. Chiếc áo tôi mặc từ màu trong xanh giờ biến thành màu đen kịt tù túng. Thêm vào đó, nguồn nước không đủ để có thể cuốn đi những rác rưởi và bùn lắng nên tôi cứ phải tích tụ mãi lên người thứ nước thải tuy không làm chết ngay, nhưng nó âm thầm, từ từ gây hại cho sức khỏe con người.

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày tôi phải tiếp nhận hơn 100 nghìn m3 nước thải trong đó phần lớn chưa qua xử lý. Kết quả quan trắc nước sông Tô Lịch của trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường - Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành năm 2013 cho thấy lượng ôxy hòa tan (DO) thấp hơn 2 lần so với tiêu chuẩn; Lượng ôxy hóa học trong nước (COD), ôxy sinh học trong nước (BOD5), khuẩn coliform trong nước, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng dầu, mỡ, hàm lượng amoni (NH4+)… đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Chiếc áo của tôi có màu đen, có váng, cặn lắng và mùi hôi. Còn ai muốn đến gần tôi với thân hình xấu xí hôi thối và bẩn thỉu như thế? Thật đáng buồn.

Năm 2008 tôi đã được mấy ngày vui sướng tràn trề khi một trận mưa to, nước đổ xuống ào ào cuốn phăng mọi thứ rác rưởi tanh tưởi do con người trút xuống. Tôi lấy lại màu xanh như từng có ngày xưa. Con người thích thú ngỡ ngàng đổ ra hai bở sông ngắm tôi. Điều đó chứng tỏ tôi hoàn toàn có thể xanh trở lại, đẹp trở lại, sạch trở lại như tôi đã từng. Yếu tố quyết định vẫn là cách ứng xử của con người với tôi như thế nào.

Sông Tô Lịch ngập rác

Sông Tô Lịch ngập rác

Để xây các khu đô thị, các chung cư, người ta phải mất công đào hồ điều hòa. Nhiều khu đô thị, chung cư đắt giá hơn khi có sông liền kề. Ấy thế mà tôi, vốn hiện hữu từ hàng ngàn năm nay thì lại bị con người bỏ rơi. Hãy tin tôi đi, cứu tôi cũng chính là cứu con người và cứu cả tương lai. Xã hội ngày càng phát triển thì môi trường sống của con người càng phải được cải thiện. Cây xanh, hồ nước, sông suối, không khí luôn phải là những tiêu chí được quan tâm. Trên thế giới, nhiều nước nổi tiếng nhờ sông. Nước Anh tự hào với dòng sông Thames. Nước Pháp thơ mộng hơn bởi sông Seine. Hàn Quốc có hẳn chương trình xây dựng thành phố bên bờ sông Hàn. Trong lịch sử các quốc gia phương đông, những quốc gia đầu tiên đều được ra đời ven các con sông. Quốc gia Đại Việt cũng như vậy. Và tôi ước gì mình được góp phần tô đẹp thành phố ngàn năm văn hiến bởi dòng sông Tô hiền hòa trong cuộc sống hiện đại.

Đã có hàng chục đề xuất khác nhau về việc cải tạo đưa tôi trở về cái thời “nước sông Tô vừa trong vừa mát”. Gần đây tôi biết phó giáo sư Trần Hồng Côn cho rằng muốn cải tạo sông Tô phải qua 3 bước. Đầu tiên là tách và xử lý toàn bộ nước thải trước khi đổ vào sông. Việc thứ hai là xây dựng con đập để mực nước sông Tô luôn ở mức cao từ 1,5 đến 2 mét. Cuối cùng công tác quản lý phải chặt chẽ để đảm bảo không còn hiện tượng vứt đổ rác thải lên người tôi. Làm được ba điều đó thì tôi còn đẹp hơn cả sông Thames vì trên trục dòng chảy của tôi đã có nhiều cây xanh. Trước khi những đề xuất trở thành hiện thực, có một việc mà tôi nghĩ rằng ai cũng có thể làm ngay và không hề tốn kém, giúp tôi lấy lại dáng vẻ xưa. Đó là hành động của mỗi cá nhân bởi công tác quản lý thực ra thuộc về con người. Hãy đừng vứt rác thải, túi ni lông lên người tôi. Hãy phân loại rác, hãy vứt rác đúng nơi quy định. Tôi còn biết đồng loại của tôi ở khắp nơi trên đất nước này cũng đang ngày đêm kêu cứu đến tuyệt vọng khi con người biến sông thành nơi đổ chất thải. Các bạn bè của tôi là cây xanh, là nguồn đất, là không khí... cũng bị con người hành hạ đến khốn khổ.

Đến cả người nước ngoài họ còn lội bùn dọn rác trên thân thể tôi huống chi các bạn là chủ nhân của thành phố này.

Việc dọn rác không thể theo phong trào, rộ lên vài ngày rồi quên.

Việc dọn rác phải bắt đầu từ việc không vứt rác bừa bãi.

Các khu đô thị, các chung cư cao tầng hiện đại mọc lên để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Các thiết bị hiện đại được đưa vào phục vụ cuộc sống con người. Những căn hộ thông minh được điều khiển từ xa bằng Smart phone. Chủ nhân của những căn hộ đó là lớp người trẻ tuổi, năng động, sáng tạo, có nền tảng kiến thức văn hóa xã hội. Các bạn biết rõ không gian sống của các bạn không chỉ là các tiện nghị hiện đại đắt tiền, tiện ích cao. Không gian sống không chỉ là ứng xử giữa người với người, giữa người với xã hội mà còn là ứng xử của con người với tự nhiên. Các bạn coi tự nhiên là một phần cuộc sống của bạn thì cũng chính là các bạn đã góp phần làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn. Các bạn đã đầu tư cho tương lai của con, của cháu bạn.

Tôi là cuộc sống của các bạn. Cuộc sống của tôi phụ thuộc các bạn và tôi giúp các bạn có không gian sống đẹp, sống xanh, sống như mơ ước. Chất lượng cuộc sống của bạn như thế nào tùy thuộc vào thái độ ứng xử của các bạn với thiên nhiên. Đồng hành trong quá trình đô thị hóa phải là cuộc sống xanh bền vững.

Hãy đối xử công bằng với chúng tôi, công bằng với những dòng sông, hỡi con người.

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: noitoisong2018@gmail.com

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top