Aa

Lợi dụng cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp định giá sai để “chiếm dụng vốn”

Thứ Ba, 29/05/2018 - 20:01

Có nhiều doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đã cố tình “để quên ” hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất dẫn đến xác định giá đất thấp hơn giá thị trường…

Đó là ý kiến của Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Vũ Hồng Thanh trong buổi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước (TSNN) tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 - 2016 tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV ngày 28/5 vừa qua.

Định giá “sai lệch” để “tư lợi”?

Theo đó, tính đến cuối năm 2016 cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 273 doanh nghiệp cổ phần. Tổng tài sản tại DNNN giữ 100% là hơn 3,05 triệu tỷ đồng (tăng 45,8%), trong đó vốn Nhà nước gần 1,4 triệu tỷ đồng. 

Cũng theo kết quả giám sát của Đoàn giám sát Quốc hội, hiện đã có 571 doanh nghiệp cổ phần hoá trong 6 năm qua, các chỉ số kinh doanh tại hầu hết DNNN đều tăng sau bán vốn Nhà nước, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%... Đến cuối 2015, các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đã thoái vốn được gần 10.000 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. Ảnh: Chinhphu.vn

 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, qua giám sát cho thấy, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, có nhiều Tổng công ty tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài được rất nhỏ, chỉ khoảng 1% -2% vốn điều lệ, dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài

Đến tháng 8/2017, còn 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký lưu ký và giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; chậm bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC…

Theo Đoàn giám sát Quốc hội, tồn tại chủ yếu của DNNN trong cổ phần hoá là sai phạm trong xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá nhằm chiếm dụng vốn. Có trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị doanh nghiệp.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Sau cổ phần hoá, doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn chiếm...

Thay mặt Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh kiến nghị với Chính phủ: đề nghị chỉ đạo cấm và xử lý nghiêm các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước, cũng như làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu…

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang). Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang). Ảnh: Chinhphu.vn

Xem lại quy định xác định giá trị quyền thuê đất

Ý kiến về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp trong phiên thảo luận ngày 28/5, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp cổ phần hóa là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hóa thời gian qua.

Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp.

Trong thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá, trị giá đúng giá cao hơn nhiều với giá khởi điểm.

Theo đại biểu, hai thông số quan trọng trong việc xác định giá đất là tỷ lệ phần trăm và giá đất cụ thể đều không thể hiện hết tính hiệu quả trong xác định giá trị, lợi thế quyền thuê đất của doanh nghiệp cổ phần.

Do đó, đại biểu kiến nghị, để bảo đảm lợi ích Nhà nước và phản ánh đúng giá trị thực tế của doanh nghiệp, cần xem xét lại quy định liên quan đến xác định giá trị quyền thuê đất và giá trị DNNN khi cổ phần hóa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top