Với những người mua nhà lần đầu, với tài chính chưa có nhiều tích lũy, vay tiền mua nhà hay tiếp tục ở thuê là quyết định bước ngoặt. Những thách thức, khó khăn cũng như giải pháp cho vấn đề này, đã được các chuyên gia, doanh nghiệp “mổ xẻ”, trong hội thảo về “Giải pháp đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khách hàng trẻ”, vừa diễn ra.
Muốn mua nhưng gặp nhiều trở ngại
Một nghiên cứu của Vina Research cho thấy, khách hàng trẻ lần đầu tiên mua nhà thường là khách hàng có độ tuổi từ 25 - 35 tuổi, mua nhà vì mục đích muốn có chỗ ở ổn định hoặc khi lập gia đình (chiếm 65% mục đích của người trẻ khi mua nhà). Khách hàng trẻ có khả năng mua nhà là đối tượng khách hàng đã đi làm và có thu nhập.
Theo TS.Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh – Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, Việt Nam hiện đang sở hữu tài nguyên dân số “vàng” với độ tuổi từ 25 - 45 chiếm tỷ lệ 32,23%, trong đó hơn nửa là 25 - 35 tuổi. Chỉ riêng TP.HCM mỗi năm có hơn 50 nghìn người lập gia đình, vì vậy mà nhu cầu về nhà ở từ bộ phận này rất lớn.
Người trẻ lần đầu tiên mua nhà là một trong những đối tượng khách hàng tiềm năng của thị trường bất động sản hiện nay. Tuy nhiên, họ đang gặp khá nhiều khó khăn trở ngại, khi đứng trước quyết định sở hữu cho mình một ngôi nhà. Trong số những trở ngại đó là về tài chính, trở ngại về việc lựa chọn sản phẩm.
Cần chính sách hỗ trợ từ ngân hàng và chủ đầu tư
Theo TS. Bùi Quang Tín: “Hiện nay, các ngân hàng thường có hai hình thức trả nợ, đó là trả góp theo dư nợ giảm dần và lãi trả hàng kỳ, gốc trả cuối kỳ. Phương thức trả góp định kỳ theo dư nợ giảm dần được cho là phù hợp hơn với nhu cầu mua nhà để ở và khách hàng có nguồn vốn thu nhập ổn định”. Tuy nhiên, ông Tín cho rằng hiện nay ngân hàng chưa thực sự hỗ trợ cho khách hàng trẻ khi vay mua nhà.
Về khó khăn tài chính đối với khách hàng trẻ hiện nay, ông Lê Minh Hoàng Long, Khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Ngân hàng TP.HCM chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là phải tích lũy đủ số vốn tối thiểu để mua căn hộ, chiếm 30% giá trị căn hộ, đa phần khách hàng phải tự xoay sở khoản này. 70% còn lại thường phải vay ngân hàng”.
“Một thuận lợi là hiện nay các chủ đầu tư đều có liên kết với ngân hàng với thủ tục cho vay hết sức dễ dàng, tuy nhiên khó khăn lại đến từ lãi suất vay và khả năng chi trả”, ông Long cho biết thêm.
Về phía doanh nghiệp, bà Đỗ Thu Diễm, Giám đốc điều hành Công ty Vietcomreal cho biết: Hiện công ty đưa ra rất nhiều chương trình khuyến khích và hỗ trợ cho người mua nhà miễn lãi suất (lãi suất là 0%) vì chủ đầu tư sẽ trả tiền lãi thay cho khách hàng đến khi nhận nhà.
Tuy nhiên, theo bà Diễm, để khuyến khích các bạn trẻ mua nhà, ngoài việc chủ đầu tư đưa ra mức giá hợp lý thì cần có sự hậu thuẫn từ phía ngân hàng. Vì hiện giờ, lãi suất cho vay tại Việt Nam là cao. “Nếu mức lãi suất 6 %/năm, bất động sản tầm trung và cao cấp sẽ có tính thanh khoản tốt và giải quyết được nhiều bài toán đang đau đầu cho đất nước như lạm phát, như cơ sở hạ tầng quá tải… Đồng thời, dễ dàng làm tái định cư nhà ở, khi đưa dân vào ở chung cư và dành quỹ đất lớn hơn để mở rộng đường xá, làm cao tốc, phát triển hạ tầng”, bà Diễm bày tỏ quan điểm.
Người trẻ phải có ý chí mua nhà và tích lũy
Để có thể an cư lập nghiệp, bên cạnh sự tạo điều kiện từ phía Nhà nước, các ngân hàng và các chủ đầu tư đưa ra chính sách dành cho khách hàng trẻ, người trẻ cũng cần có sự nỗ lực riêng. “Bản thân người trẻ cần phải thực hiện được 3 điều là quyết tâm và ý chí tạo lập nhà; phải có kế hoạch thực hiện việc mua nhà”, Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ.
TS.Đinh Thế Hiển cũng đưa ra lời khuyên cho người trẻ khi mua nhà phải đảm bảo 3 yếu tố.
Thứ nhất, đối với thu nhập của gia đình ổn định trên 20 triệu mới nên nghĩ đến việc mua. Hiện nay, các căn hộ có mức giá từ 800 – 1,5 tỷ đồng là phù hợp với đối tượng khách hàng trẻ. Tuy nhiên, muốn mua nhà trước hết phải để dành ít nhất từ 20 - 30% giá trị căn hộ thì mới nên mua.
Thứ hai, chọn nhà cần kết hợp các yếu tố như: Thu nhập + vị trí + nhu cầu sử dụng. Trong đó tài chính phải đảm bảo, tức là không nên mua nhà vượt quá khả năng thanh toán (chấn nhập mua diện tích nhỏ hơn...). Trong đó khoản trả góp chiếm dưới 40% tổng thu nhập hàng tháng mới chấp nhận được.
Thứ ba, trong 2, 3 năm đầu phải chấp nhận giảm mọi tiêu xài (không sắm đồ mới, đổi xe, du lịch, vui chơi...), dành tối đa nguồn tiền trả và dự phòng. Tiêu dùng ở mức thấp nhất, rồi từ từ mới trở lại bình thường./.