Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng, SSI Research dự báo mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận tương đối thấp trong 6 tháng cuối năm 2021.
Theo SSI Research, tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, để kiểm soát lạm phát, NHNN có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Nhìn chung, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt mức 15% -16%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) có thể chịu áp lực so với nửa đầu năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, NIM của các ngân hàng được nới rộng do tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và hệ số cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) cao hơn. Tuy nhiên, khi hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được ban hành, áp lực của việc tăng lãi suất huy động cũng sẽ tăng lên. Tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn được hạ xuống 34% kể từ ngày 1/10/2022. Các ngân hàng, do đó, sẽ phải tăng nguồn vốn huy động dài hạn của mình, khiến chi phí vốn bình quân cao hơn. Trong khi, thông thường phải mất từ 1 - 2 quý để lãi suất cho vay điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động. Dù vậy, nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, NIM trong nửa cuối 2022 vẫn sẽ cao hơn nửa cuối năm 2021.
''Thu nhập lãi thuần sẽ vẫn có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ và là động lực chính giữ nhịp tăng trưởng lợi nhuận YoY ngân hàng nửa cuối năm'', nhóm phân tích đánh giá.
SSI Research cũng dự báo các nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm. Theo đó, ngoài việc không còn lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu chính phủ, doanh số thanh toán của nhóm NHTM Nhà nước sẽ bị sụt giảm do chương trình miễn phí chuyển khoản.
Mặt khác, nhóm phân tích cho rằng các chỉ số phản ánh chất lượng tín dụng có thể được giữ ổn định vào năm 2022 nhưng sẽ chịu áp lực lớn hơn vào năm 2023.
Cụ thể, rủi ro từ các khoản nợ tái cơ cấu Covid-19 không quá đang lo ngại đối với các ngân hàng lớn. Tính đến cuối tháng 4 năm 2022, dư nợ tái cơ cấu Covid đã giảm 24% so với đầu năm và bằng khoảng 1,8% tổng dư nợ cho vay. Một số ngân hàng đã giảm mạnh dư nợ tái cơ cấu (ví dụ như VCB giảm 62% so với đầu năm, BID giảm 31% so với đầu năm). Các ngân hàng lớn hơn (VCB, BID, ACB, MBB và TCB) cũng đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu Covid.
Tuy nhiên, SSI Research cho rằng rủi ro lớn hơn có thể đến từ các khoản vay liên quan đến lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc cho vay kinh doanh bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này đã gây ra sự gián đoạn về vòng quay vốn cũng như thanh khoản (25% trái phiếu bất động sản phát hành đến hạn vào năm 2022 và 65% đến hạn vào năm 2023, năm 2024) và làm tăng chi phí tài chính cho các chủ đầu tư bất động sản. Rủi ro này sẽ dần được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán của ngân hàng từ năm 2023./.