Mã văn hóa, “chìa khóa“ vạn năng

Mã văn hóa, “chìa khóa“ vạn năng

Thứ Sáu, 17/12/2021 - 06:09
Giá trị văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một lần nhìn lên cái cây xa xa và nói: “Không có loài cây nào là không đẹp, cho dù đó là một loài cỏ dại, cho đến một cây cổ thụ. Không có chiếc lá nào là không đẹp”. Đúng vậy, cây, với hàng ngàn nguồn gen, biết tên và chưa biết tên, thảm thực vật là những "mảng màu" đẹp nhất trong "bức tranh" sinh thái, vĩnh cửu.

Câu nói bất ngờ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ngỡ giản đơn nhưng có tính triết học và không ít cảm xúc. Nghe ông nói, tôi nhớ hai câu thơ, quá đỗi chân thành như thuộc hàng đặc sắc của nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại “Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh” (Lá xanh). Vâng, an nhiên xanh, xanh an nhiên là làm đẹp cho đời. Trong câu nói và câu thơ của hai nhà thơ có ẩn dụ về văn hóa.

Chúng ta đang sống giữa một cộng đồng, gần 100 triệu dân. Cộng đồng ấy gồm nhiều dân tộc anh em. Cũng giống như trong muôn loài, mỗi con người là một “thế giới” - vừa về tâm, sinh lý, thói quen, lối sống, vừa có những khả năng khác nhau. Ví von mỗi con người là một “thế giới” là của thi sỹ người Nga Evgheny Evtusenko (1932 - 2017). Ông từng viết “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận riêng dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu” (Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời).

Trong thế giới tự nhiên, đất có “sứ mệnh” tôn cao nhau, nước có “sứ mệnh” làm đầy nhau, lá cỏ “Chúng tôi đan vào nhau/ Làm nên những chân trời” (thơ Hữu Thỉnh) thì con người sống với nhau có “sứ mệnh” kết nối làm nên sức mạnh đoàn kết.

Giá trị văn hóa
“Phương tiện” kết nối đâu chỉ là kinh tế, mà sự kết nối bền vững nhất chính là văn hóa. (Ảnh minh họa. Nguồn: VOV)

Thật bất hạnh, nếu một người nào đó phải cách ly với cộng đồng. Năm 2013, từng có “sự kiện truyền thông” chấn động ở Quảng Nam. Đó là việc người dân phát hiện cha con ông Hồ Văn Lang sống nhiều năm ở rừng sâu, tách biệt với cuộc sống dân làng. Việc cha con ông Hồ Văn Lang trở thành “người rừng” là hậu quả của chiến tranh, hậu quả của một trận ném bom gần 50 năm về trước. Khi trở về với cộng đồng, anh Hồ Văn Lang đã phải học lại tiếng người, học cách mặc quần áo, đi giày dép... Nay thì họ đều đã mất.

Tôi có người bạn công tác trong ngành Điều tra tội phạm. Anh kể rằng, cho dù những tên tội phạm xã hội đen sừng sỏ nhất, khi bị “xộ khám” đều có nhu cầu nói chuyện, tâm tư, dẫu lúc mới bị bắt rất lỳ lợm.

Nhắc lại hai câu chuyện này, để nói rằng, con người cần giao tiếp với cộng đồng, từ những câu chuyện “hàng quà”, thăm hỏi quanh chén trà, ly rượu. Nó là một thứ thuộc về quy luật của muôn đời.

Con người kết nối với nhau bằng gì, nếu không gọi đúng tên, đó là văn hóa. Tất nhiên, văn hóa có nhiều cách hiểu. Về duy vật biện chứng, văn hóa là thành tố của kiến trúc thượng tầng, “soi đường cho quốc dân đi” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh). Thế nhưng, nó biểu hiện ra qua mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dân tộc ở những điều rất cụ thể. Gần gũi nhất là ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với môi trường, giữa con người với đô thị, giữa con người với cộng đồng.

Chính vì lời ăn, tiếng nói, lối sống, một thời việc ly hương đối với người dân nông thôn là hết sức khó khăn. Truyền thống của họ là luôn mong muốn con cái ở gần bố mẹ. Tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường (tức là ba, bốn thế hệ sống chung dưới một mái nhà, một thời là biểu tượng của hạnh phúc), tuy nhiên, xã hội phát triển tạo nên xu hướng dịch chuyển. Sức hút của đô thị, trước là công ăn, việc làm... là rất lớn.

Thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa khiến cho truyền thống thay đổi, thanh niên lớn lên ở các vùng quê đều muốn đổ ra đô thị để kiếm sống, tìm đến các trung tâm công nghiệp để mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Điều này khiến cho các đô thị và các khu công nghiệp trở thành tập hợp của rất nhiều miền quê khác nhau. Có tiếp cận, có xung đột.

"Làng trong phố" xuất hiện ngày càng nhiều. Đồng hương gặp gỡ nhau, ăn uống, chúc tụng... là đưa “sinh hoạt làng” ra phố. Ngày ở quê hương, cư dân được tham gia các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng để gắn kết, nhưng khi ra phố, về các khu công nghiệp luôn thiếu những sinh hoạt văn hóa đó, cả truyền thống lẫn hiện đại, thiếu mối dây liên kết con người lại với nhau. Thiếu đi sự liên kết về mặt văn hóa, thiếu đi động lực tinh thần để gắn bó với vùng đất mà người ta đang làm việc.

Giá trị văn hóa

Câu chuyện này, chính là một nguyên nhân của “dòng người” tự phát về quê, chạy trốn Covid-19, từng làm day dứt những con người giàu trắc ẩn. Bất chấp đường xa khó khăn, nguy hiểm rình rập dọc đường, hàng ngàn người đã tìm về quê, nơi họ cảm thấy an toàn nhất. Văn hóa, sợi dây liên kết giữa con người cùng văn hóa bản địa, truyền thống “chị ngã em nâng” là một nguyên nhân quan trọng không kém nguyên nhân về kinh tế, xã hội.

Dịch bệnh Covid-19 không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn gióng lên một hồi chuông báo động về văn hóa. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở các khu công nghiệp thật sự nghèo nàn. Điều này khiến cho người công nhân bị cô đơn tại chính nơi làm việc.

Không phải ngẫu nhiên, tôi nhắc lại chuyện “người rừng” Hồ Văn Lang và câu chuyện trong các trại tạm giam, trại giam giữ của các “đại ca”, “đầu gấu” đâu. Từ người, bị cách ly mà thành “người rừng”. Từ “lỳ lợm” không khai báo, mà kể tuồn tuột. Lực lượng điều tra, chỉ cần như vậy là nắm được “hành tung” phạm tội, mà đấu tranh.

Không có cái cây nào xấu, không có chiếc lá nào xấu. Mỗi cái cây, mỗi chiếc lá là một “gam màu” làm nên bức tranh hùng vĩ của tự nhiên. “Nhân vô thập toàn” (thành ngữ Việt), nhưng mỗi con người là một “thế giới”. Hiểu con người, phát huy sức mạnh tiềm ẩn của họ, kết nối sức mạnh tiềm ẩn của từng cá thể mà thành sức mạnh của cộng đồng. “Phương tiện” kết nối đâu chỉ là kinh tế, mà sự kết nối bền vững nhất chính là văn hóa.

Cách đây không lâu, tôi có viết bài thơ “Giọng Choa” và đưa lên trang cá nhân. Nhạc sỹ Vũ Hường ở TP. Vũng Tàu biết được và phổ nhạc ngay thành bài hát cùng tên. Sau khi ca sỹ xứ Nghệ Lê Khánh Huyền thể hiện đưa lên mạng xã hội, rất nhiều người thích thú. Thế đấy. Việt Nam là đất nước gồm nhiều dân tộc anh em, đa dạng về văn hóa bản địa. Giọng nói, phương ngữ đều là thành tố của văn hóa bản địa. Nó đều có vẻ đẹp riêng, có tác dụng gắn kết con người, cộng đồng.

Giải mã được gen mới hiểu về vẻ đẹp của cây, của hoa cỏ. Hiểu được “mã văn hóa” mới nhân lên được sức mạnh cá nhân, mới có sức mạnh cộng đồng. Nó là chiếc “chìa khóa” đắc dụng, nếu không muốn rơi vào bất khả./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top