Mắt người lặng thầm vẽ biển

Mắt người lặng thầm vẽ biển

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Thứ Tư, 29/12/2021 - 06:15

Trong cuộc hành trình đến với Trường Sa, chúng tôi sẽ đi đến mười hai điểm đảo: Đá Lớn, Sơn Ca, Đá Thị, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô-lin, Phan Vinh, Đá Tây, Trường Sa… và Nhà giàn DK1. Đi đến đâu, ở lại đâu cũng đều đọng lại trong mắt người biết bao tình cảm và niềm thương nỗi nhớ. Đi đến đâu cũng gặp những mắt người dù phong ba bão tố, vẫn vững vàng nơi đầu sóng gió. Ở Trường Sa, một mầm lá, một hòn đá, một con thuyền… cũng làm cho nên hình dung về mắt người giữ đảo.

Làm sao tôi có thể diễn tả được đôi mắt của những người ra đảo khi tiếng còi tàu đang thúc giục liên hồi, khi muôn ánh nhìn muốn bạt đi tất cả nhà cửa, cây cối và núi đồi, muốn thu lại cả ngàn cây số biển để được gặp Trường Sa cho thỏa lòng mong mỏi. Làm sao tôi có thể diễn tả được đôi mắt của vị tướng già lúc ấy, Cát Lái là đây, hơn bốn mươi năm chừng như vừa về lại. Thôi cứ để mắt người tự nói.

Hoa đào, hoa mai giấy chuyển tới Nhà giàn DK1.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 325 tham gia chiến dịch Giải phóng Sài Gòn. Ngày 29/4/1975, ông cùng đồng đội đánh vào Cát Lái. Lúc ấy. Sài Gòn khắp nơi vang dậy, tiếng hô xung phong, tiếng đạn rít, bom rung, tiếng của ngày thống nhất non sông, lẫn cả tiếng những người thua trận: “Phải rút bằng đường sông!”. Tất cả đổ dồn về Cát Lái. Họ đã mở đường máu để chiếm giữ nơi này, để chặn địch thoát lui ra biển. Những cánh quân của Sư 325, vừa giải phóng Bình Sơn, Nhơn Trạch, Long Thành, dồn cả về và mở cuộc tiến công. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nguyễn Ánh Dương hy sinh, trên con đường tiến vào Cát Lái. Đồng đội ngã xuống trước ngày giải phóng, máu nhòa theo sóng nước Sài Gòn.

“Tôi năm nay 88 tuổi, đi bộ đội năm 1948, từng đỏ lửa với Quảng Trị suốt 81 ngày đêm, tham gia giải phóng Sài Gòn, Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên… nhưng lần đầu ra với Trường Sa. Cậu đừng nghĩ tôi là một lính già, không đủ sức quăng mình vào biển. Đã là một người lính, Tổ quốc ở đâu là tôi đến”, người lính năm xưa thủ thỉ tâm tình. Ông lại hỏi: “Cậu năm nay bao nhiêu tuổi? Tới Trường Sa lần nào chưa?”. Tôi đáp: “Cháu đi lần đầu, nhưng Hoàng Sa thì đã đến”.

Đôi mắt ông làm tôi nhớ Lâm. Năm 2015, trên biển Hoàng Sa, tôi đã gặp đôi mắt Hoàng Văn Lâm - chỉ huy tàu KN 628 cũng ánh lên như thế. Lâm kể: “Con tàu này đã bị 13 lần đâm va khi làm nhiệm vụ, có lúc tưởng như đã chìm xuống. Nhưng không, sự kiên trung và bền gan không cho phép những người lính chúng tôi gục ngã, ngay cả con tàu này - con tàu mang linh hồn thủy thủ. Một ngọn sóng không đổi, một tấc đất không rời, những người lính chúng tôi vẫn nhủ lòng như thế. Khi đã đến đây, không ai muốn là người vắng mặt, với quê hương, Tổ quốc của mình”.

Tháng tư ấy, Sài Gòn nắng vàng như lụa, gió xa mà nước thì gần, hai bên bờ sông những hàng cây vẽ nắng, còn nắng thì vẽ bóng người, dập dềnh trên sóng. Mắt bảo tôi thôi đừng mơ mộng. Tàu đã đến cửa sông. Mọi ánh mắt đổ dồn ra boong, tất cả reo lên. Biển, mênh mông là biển. Trường Sa trước mặt kìa. Không! Trường Sa xa lắm, hơn 400 hải lý cơ mà. “Không xa đâu Trường Sa. Không xa đâu Trường Sa. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh…”, giọng hát trong trẻo vút lên, tôi quay đầu lại nhìn. Là Giàng Thị Hoa, cô ca sĩ giọng hát Sao Mai năm 2015. Giọng hát của cô cất lên làm cho không ít người bùi ngùi, rộn rạo. Trường Sa là thế, đi là nhớ, về là thương. Cứ mỗi lần ai nhắc đến Trường Sa lại như nghe thấy tiếng sóng vỗ quanh mình. Cứ mỗi lần ai nhắc đến Trường Sa lại hiện lên những gian nan vất vả của người lính nơi đầu ngọn sóng, như thấy đâu đây đồng đội gọi tên mình.

Đảo Sinh Tồn một ngày giòn giã nắng. Nắng mênh mang theo câu hát “lính đảo đợi mưa”. Nắng vời vợi trong mắt người sâu thẳm. Nắng thầm thì câu chuyện lính đảo. Trong câu chuyện ấy, tôi đã gặp thượng úy Mai Ngọc Lượng, sinh năm 1988, quê ở Thái Bình. Anh kể: “Bố em bị mù nhiều năm nay rồi. Mẹ thì không còn sức lao động ốm đau cũng nhiều. Vợ em chưa có công ăn việc làm và hiện ở nhà trông con… Bao nhiêu chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào đồng lương bộ đội cả. Mỗi lần gọi điện về nhà, thương bố lắm anh ạ.

Bố em sinh ra ở miền quê biển, ầm òa với sóng nước đã thành quen. Nhưng từ khi bị mù thì ông không còn biết biển ra sao và ở phương nào nên mỗi lần nghe tiếng con trong điện thoại là bố chỉ muốn nghe em kể chuyện biển. Có lúc gọi về ông bảo, "đêm qua bố mơ thấy mình đi biển, trên con thuyền có rất nhiều cá, biển hôm nay thế nào, kể cho bố nghe đi". Hôm khác bố lại nói, “đêm qua bố mơ gặp con ở đảo Trường Sa”… Cũng có lần bố hỏi “biển Trường Sa có đẹp như biển Thái Bình quê mình không con? Câu hỏi của ông làm em ứa nước mắt.

Em bảo với bố biển Trường Sa đẹp, rất đẹp, biển của đất nước mình chỗ nào cũng đẹp. Ông vui lắm. Có cảm giác như biển đang reo quanh ông. Có cảm giác như hồn biển đang phả vào để ông trở lại một thời trai trẻ. Đời một con người là thế, khi cái gì đã gắn bó với mình, ăn vào máu thịt của mình mà nay bỗng nhiên phải xa rời thì có gì để buồn hơn. Cũng bởi vậy, từ khi biết em phấn đấu để trở thành chàng trai của biển thì ông mừng và tự hào lắm”.

Khi những câu chuyện đi qua, tôi cúi xuống, còn anh nhìn ra biển, những con sóng dạt dào, nắng vẽ hình lính đảo và như thể người lính ấy đang lặng thầm vẽ biển, giữa khơi xa để gửi tới cha mình.

Đảo Nam Yết trong đêm, trăng mười bốn dát vàng lên biển, đảo như con thuyền Tổ quốc giữa trùng khơi. Tôi ngồi dưới tán cây, những bông hoa bàng vuông nở trắng, những bông hoa như sao trời xa thẳm, như mắt người trong đêm. Giữa tiếng gió lao xao, cây như thầm thì với tôi rằng: “Giữa muôn trùng bão tố, mỗi chiếc lá trên thân tôi là một mắt nhìn dõi về biển cả, dõi về quê hương, dõi theo từng bước chân người lính. Trên thân tôi còn rất nhiều mảnh đạn. Tuổi tôi đã quá trăm năm. Bão tố đến rồi qua, những đau đớn cũng dần liền sẹo nhưng biển xanh thì còn mãi. Vào đêm trăng sáng, những người lính đã ngã xuống nơi này thường hay đến bên tôi, dù thân xác nằm dưới đáy đại dương, linh hồn họ vẫn trở về canh đảo, họ hóa thành những con hạc trắng”.

Những con hạc trắng. Tiếng thì thầm của cây làm tôi nhớ đến những cánh chim bay ngang qua bầu trời Nam Yết lúc chiều buông. Khi đó tôi đã tự hỏi: Đó có phải là những người lính đã hy sinh ở nơi này. Đó có phải là hàng vạn ngư dân mang dòng máu Lạc Hồng vươn khơi bám biển, đem xác thân dựng cột mốc chủ quyền. Linh hồn họ hóa thành hạc trắng, thành hải âu chỉ lối dẫn đường. Tôi lặng thầm nhìn đàn chim bay cao, những cánh trắng đang xếp hình đảo nhỏ, những cánh trắng thành vòng tròn bất tử, kết nhớ thương trong triệu trái tim người.

Đảo Nam Yết.

Tàu cập bến Vũng Tàu, hai bên bờ cảng đèn neon vọng sáng, ngàn con sóng vỗ thầm vào vịnh vắng, vỗ vào đêm trắng. Một tiếng đàn theo giai điệu ngân lên. Nỗi nhớ mang hình hài cánh buồm, chở đôi mắt đất liền ra với biển. Những con sóng xa như kéo đảo về gần. Những ngôi sao vẫn thức cùng người lính. Đêm ở phía vầng trăng sắp lặn, ánh lên một vùng biển đảo quê hương. Đường trở về đất liền sẽ vẫn là con đường của những đôi mắt. Mắt lính trông về đất mẹ với lời thì thầm: “Chúng tôi sẽ giữ yên biển trời của Tổ quốc, một ngọn sóng không đổi, một tấc đất không dời”. Mắt người về vời vợi nỗi nhớ mong. Ước thêm một lần được ra với Trường Sa, được là người lính Trường Sa cho thỏa chí làm trai. Cuộc đời con người luôn là những chuyến đi dài. Những chuyến đi để thương để nhớ./.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top