Aa

Mở cửa du lịch cũng là khát khao phục hồi phát triển nền kinh tế

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 18/02/2022 - 16:28

Việc Chính phủ đồng ý mở cửa du lịch từ 15/3 nhận được nhiều sự quan tâm từ doanh nghiệp, khách du lịch. Bởi đó không chỉ là khao khát được du lịch trở lại mà đó còn là khao khát mở cửa phục hồi nền kinh tế.

Nhu cầu cấp thiết cần mở cửa ngành du lịch

Sau hai năm chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi, nhất là khi Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3, trong đó có cả hoạt động đón khách quốc tế (inbound) và đưa khách Việt Nam đi nước ngoài (outbound) hứa hẹn sẽ kích thích du lịch quốc tế trong thời gian tới.

Việc mở cửa sẽ được tiến hành cụ thể như thế nào? Doanh nghiệp cần thay đổi và nắm bắt cơ hội ra sao?

Chiều ngày 18/2, tại tọa đàm “Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam” được UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Tập đoàn FLC tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng phân tích và chia sẻ rất nhiều các nhận định xoay quanh việc mở cửa hoàn toàn ngành du lịch.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng việc mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kéo theo hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác, tác động đến kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu không bóng người, gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế.

Đặc biệt, ông Bình nhấn mạnh: “Người dân khát khao mở cửa lại du lịch không phải chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà mở cửa du lịch còn để phát triển đời sống cho người dân, cho các ngành kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí của ngành du lịch mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước”.

Tuy nhiên, theo ông Bình, Việt Nam hiện tại vẫn còn nhiều sự tranh luận về việc mở cửa du lịch.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

So với quốc tế, việc mở cửa phục hồi du lịch của Việt Nam đang chậm hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu Chính phủ không thể hiện quyết tâm mở cửa thì người dân không thể theo. Mặt yếu nữa là thiếu nhất quán trong các chính sách giữa các địa phương, như các chính sách cách ly đối với người dân, chính sách xuất nhập cảnh của khách du lịch.

“Tới thời điểm này, trách nhiệm đang đặt lên vai các doanh nghiệp du lịch, phải chứng minh chính sách mở cửa là đúng đắn. Chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn”, ông Bình nói.

Còn ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành thông tin đã có 9.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong dịp Tết nguyên đán, thể hiện sự quan tâm của thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nga... tới ngành du lịch Việt Nam.

Đại diện vụ lữ hành cho hay, việc hàng không tăng cường kết nối sẽ là những bước khởi động cho hoạt động du lịch phục hồi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tham mưu, đề xuất Chính phủ, lấy ý kiến về lộ trình mở cửa, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đến năm 2023.

Đặc biệt, theo lộ trình mở cửa từ 15/3 sẽ theo bối cảnh bình thưởng mới, linh hoạt hơn, như trước đây yêu cầu xét nghiệm PCR, đi tour trọn gói 3 ngày, thì nay hàng không có hai phương án áp dụng, như xét nghiệm có giá trị 72 giờ, ở các thị trường khó khăn có thể xét nghiệm nhanh có giá trị 24h, không phải test tại sân bay mà về cơ sở lưu trú.

“Điều này tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và khách du lịch”, ông Phương nói.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom cho biết, ngay trước thềm tọa đàm ngày hôm nay, Chính phủ đã đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3. Đây là tín hiệu tích cực để địa phương và các doanh nghiệp khôi phục lại các hoạt động, cùng góp phần phục ngành hồi du lịch.

Theo ông Hùng, ở thời điểm này một quy trình đồng bộ giữa các địa phương, doanh nghiệp, sự nhất quán trong chính sách là những yếu tố cần thiết mà cộng đồng doanh nghiệp du lịch đang chờ đợi để du lịch mở cửa lại. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khởi sắc, đây sẽ là thời cơ vàng để du lịch - ngành kinh tế vàng của Việt Nam bứt phá, khi các du khách quốc tế đặc biệt đánh giá cao yếu tố an toàn trong điểm đến du lịch, trong đó có Bình Định.

Ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom.

Giải pháp cho ngành du lịch khi mở cửa

Chia sẻ tại tọa đàm, giới chuyên gia cũng cho rằng, với nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú, hình ảnh Việt Nam đã được lan tỏa trong cộng đồng quốc tế nên doanh nghiệp, người dân hoàn toàn có thể tự tin với quyết định mở cửa của Chính phủ. Minh chứng là trong dịp Tết Nguyên đán, lượng người dân đi du lịch hùng hậu, với hơn 6 triệu lượt khách chỉ trong vỏn vẹn 9 ngày nghỉ. Điều này cho thấy, người dân đã sẵn sàng hưởng ứng. Tuy nhiên, giải pháp và phương hướng nào để đón dòng khách quốc tế và nội địa cũng là vấn đề cần bàn luận.

Nhà báo Trương Anh Ngọc, đến từ Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ: “Khi mở cửa du lịch, chúng ta tin tưởng phải du khách, coi họ là một cơ hội, không phải nguy cơ. Điều này được tôi rút ra từ bản thân, khi tôi đến một nước Đông Nam Á, họ đón tiếp tôi nhiệt tình, hoàn toàn không có sự lo ngại khả năng nhiễm bệnh”.

Theo ông, cơ hội vàng của ngành du lịch nằm ở việc Việt Nam sẽ ứng xử với du khách thế nào? Hiện chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, chưa có hướng dẫn đồng bộ. Ví dụ khi đón khách quốc tế phát hiện có F0 trong đoàn thì địa phương và ngành du lịch phải có phương án giải quyết.

“Khi mở cửa du lịch vào ngày 15/3, chúng ta đã chuẩn bị về mặt tinh thần chưa? Liệu chúng ta mở cửa rồi liệu có đóng lại không?”, nhà báo Trương Anh Ngọc đặt câu hỏi.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch cho rằng, các doanh nghiệp đã sẵn sàng, nhu cầu du lịch của người dân cũng rất cao, minh chứng ở kết quả du lịch dịp Tết Nguyên đán.

Ông Đức đưa giải pháp: “Giai đoạn này, một là các doanh nghiệp phối hợp với nhau, làm mới sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới; hai là đẩy mạnh truyền thông để kích hoạt nhu cầu của người dân, khẳng định ngành du lịch an toàn với những sản phẩm phù hợp. Về du lịch quốc tế, các cơ quan, ban ngành nên có những chương trình riêng để thu hút du khách cả ngắn hạn và dài hạn”.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho hay: "Du lịch Việt Nam cũng đang đối mặt với 4 khó khăn. Thứ nhất là chính sách. Thứ hai là nhân sự. Thứ ba là sản phẩm du lịch vừa thừa vừa thiếu; thừa những sản phẩm chung chung, thiếu sản phẩm đặc trưng. Thứ tư là việc xúc tiến chưa hiệu quả do chưa định vị được thương hiệu quốc gia nên xúc tiến chưa hiệu quả. Bốn điểm này cần tháo gỡ sau Covid-19 thì mới khôi phục được hoạt động du lịch".

Còn ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ khách sạn cho rằng, du lịch hai năm đình trệ có hiện tượng cơ sở vật chất có sự xuống cấp, lao động thiếu hụt. Do đó, vấn đề của các địa phương, doanh nghiệp làm sao để sẵn sàng có chất lượng sản phẩm tương ứng đáp ứng nhu cầu du khách, đều cần nỗ lực của nhiều bên.

Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, các đại diện ngành du lịch, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổng kết: “Sản phẩm du lịch sau Covid-19 sẽ phải rất khác biệt so với sản phẩm trước khi có dịch. Du lịch phải phát triển dựa trên nhu cầu thực sự của người dân, phải phát triển các sản phẩm mới, phù hợp hơn như du lịch liên quan đến sắc đẹp, sức khỏe, du lịch liên quan đến thể thao,… Quan trọng là sản phẩm du lịch phải đảm bảo các yếu tố về môi trường”.

Ông Bình cũng nói thêm, tất cả các cố gắng của ngành du lịch cần phải được truyền thông để người dân hưởng ứng, đặc biệt là ứng xử của người dân đối với du lịch, với người làm du lịch. Chúng ta phải nói với thế giới chúng tôi đã thay đổi, chúng tôi có nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, chúng tôi sẽ cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nước trong khu vực và thế giới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top