Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) và vùng phụ cận đến năm 2045.
Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP. Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà), với cao trình 850m trở lên. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930ha.
Việc điều chỉnh quy hoạch TP. Đà Lạt và vùng phụ cận được đặt trong mối quan hệ không gian vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên. Đáng chú ý, việc mở rộng phạm vi không gian đô thị TP. Đà Lạt sang các khu vực lân cận và các đô thị vệ tinh theo hướng nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng khoa học, hiện đại tạo sự đột phá đối với việc phát triển mở rộng phạm vi không gian đô thị. Những khu sản xuất đất nông nghiệp chưa hiệu quả, hiệu quả thấp, thuần túy về nông nghiệp chuyển sang dạng kết hợp và cũng chuyển một phần sang dịch vụ và các hoạt động khác hiệu quả cao hơn tránh tình trạng chuyển đổi mạnh đất nông nghiệp. TP. Đà Lạt và vùng phụ cận nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung giữa dịch vụ du lịch và nông nghiệp gắn bó rất chặt chẽ, có sự hài hòa trong định hướng, có giải pháp và hiệu quả hợp lý hơn.
Tính chất đô thị theo nhiệm vụ quy hoạch được xác định là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và giải trí cấp vùng và quốc gia; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. TP. Đà Lạt là đô thị phát triển du lịch quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản.
Theo nhiệm vụ được Thủ tướng phê duyệt, sẽ điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian toàn vùng TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đảm bảo gắn kết chặt chẽ với mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng tỉnh Lâm Đồng, kết nối các đô thị trọng điểm trong vùng tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt lưu ý mối quan hệ giữa TP. Đà Lạt và vùng phụ cận với TP. Bảo Lộc; giữa cảng hàng không Liên Khương, tuyến xe lửa Phan Rang - Đà Lạt và hệ thống giao thông cao tốc, quốc lộ để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Đà Lạt và vùng phụ cận; đảm bảo phù hợp với phương án phát triển của các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan đến phạm vi quy hoạch; phù hợp với đặc thù của điều kiện địa hình, địa chất thủy văn và năng lực của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại từng khu vực phát triển; phát triển bền vững về môi trường sinh thái, bảo vệ những cấu trúc sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tính chống chịu và khả năng phục hồi trước những tác động biến đổi; gắn với lộ trình chuyển đổi huyện Đức Trọng thành thị xã và huyện Lạc Dương sáp nhập vào TP. Đà Lạt.
Ngoài ra, định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị Đà Lạt hướng tới gia tăng giá trị, sức hấp dẫn, đặc trưng và bản sắc riêng cho thành phố, tạo điều kiện thu hút đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị. Không gian cho khu vực đô thị Đà Lạt cần khai thác các khu vực đặc trưng về cảnh quan rừng, sông, suối, hồ và hệ thống công trình kiến trúc gắn với phát triển kinh tế dịch vụ, xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng; tạo điều kiện cho công tác thu hút đầu tư bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, xây dựng hệ thống không gian mở, cây xanh, các quảng trường chức năng... gắn với các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng. Nghiên cứu di dời các xí nghiệp công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành cũ; hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực đô thị và sử dụng quỹ đất hiệu quả; tổ chức không gian sản xuất theo chuyên ngành và thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông và không gây ô nhiễm môi trường; chuyển đổi dần các không gian sản xuất nông nghiệp theo mô hình nhà kính, nhà màn sang mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch kết hợp khai thác du lịch theo mô hình du lịch canh nông.
Theo nhiệm vụ được Thủ tướng phê duyệt, quy mô dân số TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm đến năm 2035 khoảng 1.100.000 - 1.150.000 người; đến năm 2045 khoảng 1.900.000 - 1.950.000 người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2035 khoảng 25.500 - 27.000ha (trong đó đất dân dụng khoảng 6.800 - 7.200ha); đến năm 2045 khoảng 45.000 - 46.500ha (trong đó đất dân dụng khoảng 12.000 - 12.400ha)./.