Aa

Mở rộng sân bay Phù Cát làm đòn bẩy phát triển kinh tế Bình Định

Thứ Năm, 10/11/2022 - 10:15

Sân bay Phù Cát là một trong những cầu nối vận tải quan trọng bậc nhất của Bình Định, đặc biệt là với sự phát triển kinh tế du lịch những năm gần đây.

Kỳ vọng vào việc “cất cánh” mạnh mẽ hơn nữa, đầu tháng 11/2022, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương khảo sát, lập quy hoạch mở rộng sân bay Phù Cát, phát triển thành cảng hàng không quốc tế.

Sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Giải quyết nhu cầu đi lại ngày càng tăng

Sân bay Phù Cát hiện đang khai thác nhà ga 2 tầng, phục vụ 600 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 2,5 triệu khách/năm. Sân bay có 1 đường băng dài 3.048m, rộng 45m và sân đỗ với 7 vị trí đỗ máy bay Airbus A321.

UBND tỉnh Bình Định kiến nghị các hạng mục đầu tư như sau: Mở rộng sân đỗ (từ 7 lên 14 chỗ đậu); làm đường băng thứ hai đạt chuẩn 4E từ nguồn ngân sách Nhà nước để có thể khai thác các máy bay lớn như Boeing 787, 777, Airbus A350… Tỉnh này cũng muốn xây mới nhà ga theo phương thức PPP (đối tác công - tư). Việc huy động nguồn vốn xã hội hóa theo phương thức PPP để đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng cảng hàng không Phù Cát được đánh giá là giải pháp đột phá, đưa sân bay này trở thành một cảng hàng không hiện đại, tạo đà cho giao thương thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và hành lang kinh tế Đông - Tây. Khi hoàn thành việc mở rộng sân bay, công suất vận tải khách hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi, từ 2,5 triệu lên 5 triệu khách/năm, hàng hóa đạt 50.000 tấn/năm.

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Du lịch Bình Định, trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh này đón hơn 3,5 triệu lượt khách (tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2021). Doanh thu ước đạt 11.578,8 tỷ đồng, tăng 617,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu lưu trú đạt 3.055,07 tỷ đồng (chiếm 26%); doanh thu ăn uống đạt 3.505,98 tỷ đồng (chiếm 30%); doanh thu tham quan, vui chơi giải trí đạt 1.588,19 tỷ đồng (chiếm 14%); doanh thu lữ hành, vận chuyển đạt 1.549,91 tỷ đồng (chiếm 13%) và doanh thu dịch vụ khác đạt 1.879,69 tỷ đồng (chiếm 16%).

Ngoài ra, sự phát triển từ các ngành kinh tế khác như công nghiệp, nông nghiệp, vận tải… của Bình Định là nhu cầu bức thiết cho việc đầu tư, xây dựng mở rộng và nâng cấp sân bay Phù Cát thành sân bay quốc tế.

Sân bay Phù Cát cần được đầu tư, mở rộng thành sân bay lưỡng dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội cho Bình Định nói riêng và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Cú hích cho sức bật kinh tế vùng Duyên hải Nam Trung B

Bình Định là cửa ngõ quan trọng, kết nối giao thương kinh tế của cả vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và một phần Tây Nguyên, gồm các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và là cửa ngõ thông ra biển của Nam Lào, Bắc Campuchia. Bên cạnh đó, Bình Định còn có cảng biển nước sâu, một lợi thế lớn cho sự lưu thông hàng hóa khu vực. Việc phát triển mở rộng sân bay ngoài lợi ích kinh tế còn có ý nghĩa về mặt quân sự. Điểm đặc biệt của sân bay Phù Cát là sự kết hợp của hàng không dân dụng và hàng không quân sự.

Theo tư liệu, sân bay Phù Cát ban đầu có tên gọi là sân bay Gò Quánh, được khởi công xây dựng vào năm 1966, phục vụ cho mục đích quân sự. Trước 1975, sân bay được sử dụng làm căn cứ không quân. Sau khi hòa bình, thống nhất Tổ quốc, Bộ Quốc phòng được giao quyền quản lý trực tiếp sân bay, phục vụ cho mục đích là trung tâm huấn luyện phi công tiêm kích.

Mãi cho đến tháng 9/1984, sân bay Phù Cát chính thức đi vào khai thác đường bay dân sự đầu tiên nhằm phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân, được dùng chung cả mục đích dân sự và quân sự. Đến tháng 1/2015, sân bay được Tổng công ty Hàng không Việt Nam thông qua dự án đầu tư, cải tạo và nâng cấp với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.

Cuối năm 2018, UBND tỉnh Bình Định và Cục Hàng không Việt Nam đã thống nhất sử dụng nhà ga T2, Cảng hàng không Phù Cát (sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định), để chuyên phục vụ cho các chuyến bay quốc tế đi và đến sân bay này. Đồng thời, sẽ sớm sửa chữa, lắp đặt thiết bị cần thiết bảo đảm theo quy định để phục vụ đưa, đón khách quốc tế. Thị trường hướng tới đầu tiên là khách Hàn Quốc và Nhật Bản. Đến tháng 1/2020, Bình Định đã mở các chuyến bay quốc tế đầu tiên tại sân bay Phù Cát khởi hành từ Hàn Quốc và ngược lại do hãng hàng không Bamboo Airways khai thác. Dự định nâng cấp sân bay trở thành sân bay quốc tế thời điểm này đã bị hoãn lại do dịch Covid-19./.

Trong báo cáo kinh tế - xã hội cuối năm 2021, Bình Định là tỉnh duy nhất ở khu vực miền Trung có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề. Kinh tế Bình Định ghi nhận điểm sáng tích cực trong xuất khẩu với tổng kim ngạch cả năm ước đạt hơn 1,33 tỷ USD, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 13.676,9 tỷ đồng, vượt 29,5% dự toán năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ. Từ bức tranh tổng thể đó cho thấy nội lực của kinh tế Bình Định và ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Bình Định, trong 9 tháng đầu năm 2022, Bình Định cũng tiếp tục là tỉnh có nhiều tăng trưởng kinh tế đáng chú ý. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2022 ước đạt 8.296,5 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 29% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng năm 2022 ước đạt 69.452,9 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 180,1 triệu USD, giảm 4,6% so với tháng trước và tăng 14,8% so cùng kỳ; lũy kế 9 tháng năm 2022 giá trị ước đạt 1.620,4 triệu USD, tăng 22,6% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu ước đạt 1.263,6 triệu USD, đạt 93,6% so kế hoạch năm; hàng hóa thông qua cảng tháng 9/2022 ước đạt 1.315 nghìn tấn, tăng 1% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng năm 2022 ước đạt 11.038,3 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top