Aa

"Mỏ vàng" và nước mắt

Thứ Bảy, 12/10/2019 - 06:30

Đã xa rồi thời kỳ ca ngợi nước ta "rừng vàng biển bạc", bởi trong khi chúng ta loay hoay chưa biết làm gì với "báu vật" của đất trời thì yêu cầu sinh tồn và phát triển kinh tế đã khiến cho nhiều nơi trở nên hoang tàn.

LTS: Tuần vừa qua, một trong những từ khoá được dư luận cả nước quan tâm và tranh cãi nhiều nhất chính là "Mã Pì Lèng". Hà Giang đã có đề xuất về phương án xử lý công trình này và rồi mọi chuyện sẽ theo dòng chảy của sự kiện mà khép lại. Tuy nhiên, vấn đề như của Mã Pì Lèng hay Hà Giang chính là câu chuyện điển hình cho bài toán hóc búa mà cả 63 tỉnh, thành của cả nước đang loay hoay tìm cách giải. Giữa một bên là mục tiêu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và một bên là những bế tắc của bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan tự nhiên và di sản.

Khi những mâu thuẫn chồng chéo về câu chuyện phát triển và bảo tồn còn chưa được tư duy và định hướng một cách rành mạch thì rõ ràng việc phát triển còn manh mún và việc bảo tồn còn dang dở. Sẽ còn nhiều giọt nước mắt rơi trên những "mỏ vàng" giống như của nữ chủ nhân nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama, của những người dân nghèo loay hoay không biết làm gì thoát nghèo trên chính "báu vật" của quê hương mình.

Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (reatimes.vn) giới thiệu loạt bài: Chuyên nghiệp hoá bất động sản du lịch - Phát triển để bảo tồn. Loạt bài phản ánh bức tranh toàn cảnh trong khai thác và phát triển du lịch ở một số địa phương trên cả nước, đồng thời ghi nhận ý kiến phân tích của các chuyên gia để có cái nhìn khách quan và bước đầu đưa ra các giải pháp thiết thực góp phần giải bài toán PHÁT TRIỂN VÀ BẢO TỒN.

NHỮNG CON SỐ KỲ VỌNG

Báo cáo mới đây của Tổng cục Du lịch cho hay, trong 9 tháng đầu năm nay tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt hơn 12,8 triệu lượt, tăng 10,8% so với cùng kỳ.

Với khách nội địa, 9 tháng đầu năm đạt 66 triệu lượt, trong đó có 33,7 triệu lượt khách lưu trú. Đáng lưu ý, cũng theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt 504.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu nhìn vào con số doanh thu về từ du lịch, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy thị trường này là một “mỏ vàng” hốt hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Những địa phương có mức tăng trưởng tốt như Ninh Bình đón 6,5 triệu lượt khách; Hà Nội đón 21,5 triệu lượt. Các địa phương như Thanh Hóa; Quảng Ngãi; Kiên Giang; TP. HCM… đều có mức tăng trưởng cao.

Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch 2019. Theo đó, du lịch Việt Nam đã tăng 4 bậc từ 67 lên 63 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là con số cho thấy ngành du lịch Việt đang có mức tăng trưởng tốt so với các nước trong khối ASEAN.

Trong chiến lược phát triển Tổng cục Du lịch dự kiến: Năm 2020 đón 7 - 8 triệu lượt khách quốc tế; 32 - 35 triệu lượt khách nội địa; thu nhập trực tiếp du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD, đóng góp 5,5 - 6% GDP, tạo ra 2,2 triệu việc làm trong đó 620.000 việc làm trực tiếp; Dự kiến năm 2030 phấn đấu đón 11 - 12 triệu lượt khách quốc tế; 45 - 48 triệu lượt khách nội địa; thu nhập trực tiếp du lịch đạt 18 - 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP, tạo ra 3 triệu việc làm, trong đó 870.000 việc làm trực tiếp. Nhìn nhận một cách khách quan, đây là những con số đầy tích cực và theo như dự báo của ngành thì khả năng có thể "vượt dự kiến".

Tuy nhiên, để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết TW8 của Bộ Chính trị đề ra thì con đường phía trước của ngành này còn khá nhiều chông gai và khoảng cách của những con số còn khá xa xôi. 

Nguồn: Mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW ban hành ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đã hết thời viện vào điệp khúc "khai thác tài nguyên du lịch chưa tương xứng với tiềm năng" hay mỹ miều hơn như nhiều tiêu đề bài viết là "đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng". Từ câu chuyện ở Mã Pì Lèng, đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra giải pháp, đối với những "mỏ vàng" du lịch, cần được khai thác như thế nào một cách hiệu quả, bài bản và bền vững. 

Để hiểu rõ câu chuyện này, Cà phê cuối tuần xin giới thiệu: GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; PGS. TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Du lịch; PGS. TS Khuất Tân Hưng, đại học Kiến trúc Hà Nội.

NỖI ÁM ẢNH MANG TÊN THIẾU QUY HOẠCH, TỰ PHÁT

GS. Đặng Hùng Võ: Chính phủ Việt Nam định hướng phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn là hoàn toàn khả thi. Nhưng với điều kiện là chúng ta phải biết cách làm.

Về tổng quan, Việt Nam hiện được đánh giá là đất nước thanh bình, không có chiến tranh, khủng bố và không có mâu thuẫn chính trị cao đến mức gây phá hoại. Hơn nữa, chúng ta có nhiều điểm du lịch độc đáo hút khách nhưng chưa biết cách khai thác. Điển hình như một số địa điểm: Hạ Long, Tây Nguyên, Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang, đồng bằng Sông Cửu Long.

Tóm lại ngành du lịch Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhưng có biến ngành này trở thành nền kinh tế mũi nhọn hay không thì lại là một công việc kỳ công mà chúng ta phải làm.

Do đó, đầu tư để phát triển du lịch là đúng, nhưng phải đầu tư về nhiều thứ. Trong đó có đầu tư về ý thức của người dân địa phương, cư xử như thế nào với du lịch, tham gia vào du lịch như thế nào; đầu tư kết nối giao thông đi lại sao cho thuận tiện; đầu tư phát triển dịch vụ sao cho hài lòng khách du lịch; đầu tư về chính sách...

Đầu tư là từ rất khái quát, nhưng đầu tư ở đây phải hiểu theo nghĩa khá rộng. Không chỉ là quẳng tiền vào xây dựng chỗ này chỗ kia trở nên kỳ thú hơn, hay tạo ra hạ tầng thuận lợi hơn, mà quan trọng còn phải cần đầu tư vào văn hóa của nhân dân.

Đối với vấn đề bảo tồn và phát triển đang tranh cãi trong thời gian qua. Chúng ta phải hiểu là bảo tồn trong trạng thái động thì cụ thể hơn là phát triển để bảo tồn. Trước đây chúng ta bảo tồn trong trạng thái tĩnh, bảo tồn tức là để yên nguyên trạng, cấm mọi người, không cho ai đến. Còn bảo tồn trong quan niệm động thì chúng ta phải xem xét theo thời gian, và nó phải được vận động, vẫn khai thác nhưng vẫn phải bảo tồn. Đó mới là cách thức bảo tồn du lịch chính xác nhất. Theo tôi chúng ta cần phải bảo tồn theo quan điểm đó. 

Hay nói cách khác, những nơi chúng ta cần bảo tồn tức là những nơi mà chúng ta quan niệm nó rất quý hiếm, cần giữ chặt. Nhưng giữ bằng cách nào thì không phải bằng cách đóng chặt cửa lại, cất một chỗ. Mà chúng ta chắc chắn phải khai thác. Nhưng trong quá trình khai thác, chúng ta phải có những quy tắc để những di sản, thiên nhiên không bị suy chuyển trong quá trình khai thác. Thậm chí, khai thác nhưng vẫn phải giữ nguyên được giá trị. Đó là một khái niệm bảo tồn mới, khó khăn hơn, thách thức nhiều hơn.

Du lịch thường dựa vào một số yếu tố: Một là cảnh quan thiên nhiên đặc trưng; hai là những hoạt động lịch sử văn hóa bản địa, lịch sử con người tạo nên; ba là yếu tố con người, con người có tính hấp dẫn hay không? Đó đều là những yếu tố khi phát triển du lịch thành ngành kinh tế chúng ta đều phải giữ.

Gần đây, dư luận phản ánh nhiều về việc các dự án xây dựng xâm phạm đến cảnh quan thiên nhiên. Trong câu chuyện Mã Pì Lèng (Hà Giang) phải nhìn một cách toàn diện rằng, với Hà Giang và Mã Pì Lèng thì việc có những điểm lưu trú đáp ứng nhu cầu khách du lịch là cần thiết, nhưng cần kiến trúc nào, quy hoạch ra sao cho phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, thì rất cần phải nghiên cứu.

Trong câu chuyện “truyền đạt mồm” để xây dựng một Panorama ở Mã Pì Lèng có thể nói lỗi ở rất nhiều phía. Để phát hiện sai phạm không phải từ chính quyền mà từ phóng viên, người dân, chứng tỏ chính quyền Hà Giang cũng chưa có sự quan tâm, giám sát đến việc phát triển dự án, xây dựng, du lịch địa phương.

Chính quyền "thả" tư nhân đến mức làm gì cũng không hay biết, không có sự quản lý, không có quy hoạch, không có giấy phép. Đáng lẽ chính quyền Hà Giang nên thuê những kiến trúc sư giỏi để thiết kế hạ tầng phù hợp, đảm bảo tiện lợi để phát triển du lịch.

Câu chuyện Hà Giang là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy để thu hút được các nhà đầu tư có tâm, có tầm định hướng phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế của địa phương thì đầu tiên buộc phải có quy hoạch du lịch. Với những địa phương chưa có điều kiện thì phải thuê chuyên gia, chứ chính quyền có khi đi đến 10 năm cũng chưa xây dựng được quy hoạch gì. Và chuyên gia họ sẽ nhìn và phân tích cảnh quan ở đây nên quy hoạch như thế nào, và sau khi có quy hoạch du lịch rồi thì vấn đề sau là hạ tầng lưu trú nên kiến trúc ra sao đối với từng dự án, từng vị trí cụ thể. Tiếp đó là chính sách khi các nhà đầu tư vào phát triển thì được ưu đãi những gì. Tất cả điều cơ bản đó chúng ta đều phải hình thành thì mới thu hút được đầu tư lên.

Phải khẳng định rằng, bao giờ quy hoạch cũng là khâu quan trọng, là bản đồ phát triển trong tương lai. Chúng ta đã có coi trọng nhưng lại coi trọng khía cạnh thủ tục để chạy dự án nhiều hơn là vai trò của tấm bản đồ quy hoạch. Lo chạy dự án nhiều hơn. Tương lai chúng ta làm như thế nào thì đều thể hiện trên quy hoạch đó. Một quy hoạch phải đảm bảo lợi ích thu lại cao nhất, chi phí thấp nhất. Thử hỏi Việt Nam có bản quy hoạch nào chúng ta tính được chi phí và lợi ích không? Chắc chắn Việt Nam chưa bao giờ làm việc này.

Ngay bản thân quy hoạch là công cụ quan trọng nhưng chúng ta lại coi nó như khung định hình về pháp luật. Ai phạm quy hoạch thì xử lý, không phạm quy hoạch là được. Hệ quả là không ít dự án chạy quy hoạch, dẫn đến điều chỉnh quy hoạch như cơm bữa. Một bản quy hoạch lập ra mà điều chỉnh liên tục thì còn gì là quy hoạch nữa?

MỐI LIÊN KẾT BỊ ĐỨT GÃY

PGS. TS Phạm Trung Lương: Để bảo tồn hiệu quả các khu du lịch thì chỉ nên khai thác trong ngưỡng cho phép, không được khai thác nhiều quá. Chúng ta có khái niệm sức chứa trong du lịch, không được vượt quá về mặt sinh thái cũng như không gian. Ví dụ bảo tàng một ngày chỉ tiếp nhận bao nhiêu người, bờ biển cũng vậy, nếu quá tải sẽ tác động ảnh hưởng đến môi trường biển, cảnh quan,...

Tiếp theo là khai thác du lịch thu được 10 đồng thì phải bỏ một phần ra bảo tồn tài nguyên đó. Và cần phải có cơ chế, chính sách cụ thể để quy định về điều này. Còn đối với các vùng cấm thì đều có quy định trong luật cả. Các vùng lõi, vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi, vùng đệm,… đều có luật cả thì đều phải thực hiện đúng luật.

Hiện nay, du lịch dựa nhiều vào yếu tố cảnh quan văn hóa, tự nhiên để phát triển, nhưng nếu như không nghĩ đến chuyện lấy lại tiền mà mình đầu tư khai thác đó để quay lại bảo tồn cho những giá trị kia thì sự phát triển đó cũng không bền vững.

Chúng ta cũng không nên phân biệt đầu tư của doanh nghiệp hay cá nhân, miễn sao là người đầu tư. Và đầu tư đó phải đúng quy định nhà nước. Tôi cho rằng khuyến khích nhiều đầu tư vào du lịch càng tốt miễn sao phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với cảnh quan địa chất của địa phương. Và không phân biệt nhà đầu tư lớn hay nhỏ, doanh nghiệp hay cá nhân miễn sao có đủ năng lực thì hãy cho họ đầu tư.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Để xảy ra tình trạng xâm phạm vào các di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh thời gian vừa qua là do thiếu những quy hoạch rõ ràng tại các khu vực có danh lam thắng cảnh. Bảo vệ các di sản thiên nhiên không chỉ bao gồm các khu vực vùng lõi mà còn bao gồm tổng thể các cảnh quan xung quanh.

Di sản cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang không chỉ là tài nguyên thiên nhiên quý báu của địa phương mà còn là di sản thiên nhiên của cả quốc gia. Đây cũng là nguồn tài nguyên có tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai.

Bởi vậy, để hạn chế những trường hợp xâm phạm đến cảnh quan của các di sản thiên nhiên nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng, rất cần xây dựng một quy hoạch phát triển tổng thể của khu vực có di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh. Quy hoạch này đòi hỏi có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc cảnh quan, xây dựng và chính quyền địa phương.

Quy hoạch bất cứ khu du lịch nào cũng phải được dựa trên nền tảng mang tính chuyên nghiệp và tính chuyên môn cao mới có thể cân đối, hài hòa giữa việc phát triển, bảo tồn các cảnh quan thiên nhiên của đất nước.

PGS. TS Khuất Tân Hưng: Hiện nay, Việt Nam đã có khá đầy đủ văn bản pháp lý để bảo vệ các di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh gồm Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang thiếu những cơ chế phối hợp giữa các ngành với nhau nên khi kết hợp giữa các luật để thực hiện vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự chặt chẽ và rõ ràng. Bên cạnh đó là công tác quản lý yếu kém dẫn đến sự xuất hiện của các công trình gây bức xúc dư luận như trường hợp nhà hàng Mã Pí Lèng Panorama ở Hà Giang.

Để bảo vệ cảnh quan của những di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, bên cạnh những biện pháp thắt chặt quản lý, cần có những thông tư liên tịch đưa ra những quy định, những nguyên tắc ứng xử chung đối với các công trình xây dựng nằm ngoài khu vực bảo vệ di sản. Trên cơ sở đó, tùy theo đặc điểm của các khu vực này mà các địa phương có đề xuất quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc phù hợp.

Kinh nghiệm của nhiều khu du lịch trên thế giới cho thấy, phần lớn các công trình được xây dựng là các địa điểm quan sát, dừng chân, không bố trí các khu vực lưu trú nhằm hạn chế những ảnh hưởng đến cảnh quan, tầm nhìn và gây tác động xấu tới môi trường.

Doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch tại các khu vực di sản đương nhiên phải có trách nhiệm với di sản đó, bởi di sản chính là “nồi cơm” của họ. Trong thực tế cũng không thiếu những doanh nghiệp do thiếu hiểu biết hoặc do “ăn xổi” nên đã ứng xử không đúng với di sản, trực tiếp hoặc gián tiếp gây tổn thương cho di sản.

Tuy nhiên, cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho họ bởi mục đích lớn nhất của doanh nghiệp chính là lợi nhuận, họ được phép làm những điều mà luật pháp không cấm. Vấn đề ở đây là chúng ta phải tạo ra được những công cụ hữu hiệu để quản lý các hoạt động phát triển và khai thác du lịch tại các vùng di sản, kể cả những địa điểm chưa được công nhận là di tích nhưng có giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top