Móng Cái: Vị thế của thành phố ven biên, ven biển và cuộc chuyển mình ngoạn mục

Móng Cái: Vị thế của thành phố ven biên, ven biển và cuộc chuyển mình ngoạn mục

Thứ Hai, 05/09/2022 - 06:11

Từ một huyện nghèo nơi địa đầu Tổ quốc, chỉ trong một thập kỷ qua, Móng Cái đã đã vươn mình trỗi dậy, phát huy những tiềm năng, lợi thế của một thành phố ven biên, ven biển, nơi cửa ngõ mở ra thế giới.

Thành phố đang trên hành trình trở thành đô thị loại I này đã thực sự trở thành một mắt xích quan trọng, một điểm phát triển kinh tế mang ý nghĩa động lực của tỉnh Quảng Ninh và cả vùng, đồng thời là cửa ngõ chủ lực, đóng góp tích cực trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Những đột phá về hạ tầng giao thông, sự quan tâm về chính sách, quy hoạch của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh là bước đệm để Móng Cái viết tiếp giấc mơ về một thành phố cửa khẩu vươn tầm quốc tế, phát triển vững mạnh về mọi mặt và trở thành địa chỉ tin cậy của những “đại bàng” lớn.

Dư địa để bứt phá còn rất dồi dào, Móng Cái đang chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho một cuộc chuyển mình mới trên hành trình “dọn tổ” đón đại bàng, đặc biệt là từ thời khắc tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được thông xe...

******

(Video: Nguyễn Nam)

Sáng ngày 1/9, tuyến cao tốc có giá trị gần 13.000 tỷ đồng - Vân Đồn - Móng Cái chính thức được thông xe sau 25 tháng “vượt nắng, thắng mưa” và triển khai “thần tốc”. Đây là tuyến cuối cùng được hoàn thành của đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài là 176km, chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước. Khi đưa vào sử dụng, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ kết nối với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long tạo thành tuyến cao tốc dài nhất cả nước với gần 600km.

Tuyến cao tốc được đánh giá là cú bứt phá mới, thể hiện bước đi mạnh mẽ nhằm thực hiện hóa chủ trương coi đầu tư cho hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội mà Quảng Ninh đang kiên trì thực hiện trong những năm qua.

Cao tốc Vân Đồn Móng Cái
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thông xe mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Cắt băng và tuyên bố khánh thành tuyến đường cao tốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua hàng loạt khó khăn và không ngừng sáng tạo, linh hoạt trong quá trình triển khai, thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng ở một địa phương, lấy đầu tư Nhà nước dẫn dắt, làm vốn mồi kích hoạt mọi nguồn vốn xã hội.

"Đây là con đường cao tốc của khát vọng và niềm tin. Tuyến cao tốc gia tăng kết nối vùng, tạo động lực phát triển cho 3 cực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh”, Thủ tướng khẳng định.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của người dân Quảng Ninh khi chào đón những đoàn xe đầu tiên trên tuyến cao tốc của “lòng dân” này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái (Quảng Ninh).

Niềm nở tiếp đón phóng viên, vị bí thư thành ủy không ít lần bày tỏ sự xúc động và tự hào khi chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ của TP. Móng Cái nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung trong thời gian qua, đồng thời thể hiện một quyết tâm mãnh liệt cùng những trăn trở để hiện thực hóa giấc mơ phát triển vững mạnh một thành phố vùng biên...

Bước đột phá từ giao thông

PV: Thưa ông, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đóng vai trò như thế nào trong bức tranh phát triển tương lai của TP. Móng Cái?

Ông Hoàng Bá Nam: Đó là vai trò kiến tạo, là “chìa khóa” mở ra dư địa lớn, tạo động lực thúc đẩy Thành phố phát triển bền vững trong tương lai.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có 6 điểm nhấn khác biệt, cụ thể là:

Con đường của niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân bằng sự đồng thuận, ủng hộ, hiến đất, hoàn thành giải phóng mặt bằng nhanh nhất.

Con đường của khát vọng, đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh: Được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Con đường mang tầm nhìn chiến lược mở ra cửa ngõ giao thương của Việt Nam, Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN với Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giữa vùng núi, biên giới Đông - Tây Bắc với vùng Duyên hải và Đồng bằng sông Hồng…

Con đường của kết nối đồng bộ, hợp tác hóa lãnh thổ, liên thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng kinh tế, tam giác, tứ giác phát triển; nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống giao thông vận tải cảng biển, cảng hàng không và các tuyến cao tốc phía Bắc.

Con đường của trách nhiệm với sự nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư; cường độ làm việc không ngừng nghỉ của hàng nghìn kỹ sư, kỹ thuật viên, cán bộ, công nhân viên và máy móc thiết bị để hoàn thành trên 80 km đường cao tốc, với 35 cây cầu trong vòng 500 ngày đêm trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát, địa hình phức tạp và thời tiết khắc nghiệt.

Con đường thân thiện chào đón bạn bè trong, ngoài nước tới các vùng di sản.

Với tất cả những điểm nhấn đó, rõ ràng, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mở ra một dư địa lớn, góp phần bứt phá một tiềm lực rất lớn, thể hiện một khát khao lớn của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung, TP. Móng Cái nói riêng.

Tuyến cao tốc kiến tạo ra các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của thành phố Móng Cái; là sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng kết nối giao thông quan trọng để thực hiện mục tiêu chung cùng phát triển giữa hai địa phương Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc).

Giao thông thuận tiện sẽ tạo nên cơ hội phát triển lớn, khi việc lưu thông hàng hóa từ Hà Nội và các tỉnh lân cận ra cửa khẩu Móng Cái nhanh chóng hơn, khách du lịch cũng sẽ đến với Móng Cái nhiều hơn. Trong hơn 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, du lịch bị ảnh hưởng rất lớn nhưng từ tháng 3/2022 đến nay, lượng khách du lịch ra Móng Cái đã tăng tới gần 600%. Năm nay Móng Cái được giao nhiệm vụ là đón khoảng 600.000 khách du lịch, thì đến tháng 8 chúng tôi đã đón khoảng trên 500.000 khách. Khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thông xe và nếu mở cửa xuất nhập cảnh tại cửa khẩu thì tôi tin rằng tới đây Móng Cái sẽ thu hút hàng triệu lượt khách. Đây chính là một trong những động lực rất lớn cho sự bứt phá của TP. Móng Cái trong tương lai gần. Tuyến cao tốc cũng kết nối trực tiếp, đồng bộ tới cả 3 khu kinh tế gồm khu kinh tế ven biển Quảng Yên, khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, điều này sẽ giúp Móng Cái có sự phát triển vượt bậc, tạo sức mạnh lan tỏa và là động lực giúp khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh tăng trưởng nhanh hơn.

Cuộc chuyển mình...

PV: Từ một xuất phát điểm thấp, Móng Cái đã nhanh chóng bứt phá, trở thành một trong 2 trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Nhìn lại các chặng đường phát triển vừa qua, ông có cảm nhận gì về sự thay đổi và những bước chuyển mình của Thành phố?

Ông Hoàng Bá Nam: Thực hiện chủ trương mở cửa biên giới, bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (tháng 2/1989) với đường lối mở cửa, thực hiện đa phương hoá, đa dạng hóa trong quan hệ hợp tác đối ngoại, Móng Cái đã đón nhận thời cơ, vận hội chuyển mình vững bước đi lên và đã có sự bứt phá ngoạn mục trong những năm qua.

Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho phép Móng Cái được áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, công nghiệp tại khu vực biên giới. Quyết định này đã đưa Móng Cái thành một điểm sáng trên bức tranh kinh tế tỉnh Quảng Ninh. Đến năm 2012, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái được thành lập. Nhờ những cơ chế, chính sách đặc thù và sự quan tâm của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, trong những năm qua Móng Cái đã có những bước phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản bộ mặt kinh tế - xã hội vùng biên. Từ một huyện biên giới thuần nông, kinh tế lạc hậu, cơ sở hạ tầng thấp kém Móng Cái đã phát triển trở thành thành phố cửa khẩu hiện đại.

Móng Cái đã đón nhận thời cơ, vận hội chuyển mình vững bước đi lên và đã có sự bứt phá ngoạn mục trong những năm qua. Ảnh: Nguyễn Nam.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Móng Cái được xác định là một trong những trung tâm động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh, cùng với Vân Đồn và khu kinh tế ven biển Quảng Yên. Cùng với sự đầu tư, coi hạ tầng giao thông là bước đột phá lớn, Móng Cái đã từng bước được lột xác, thay đổi diện mạo. Người dân Móng Cái ai cũng cảm nhận được rõ ràng rằng, kinh tế của địa phương đang phát triển lên rất nhanh và Móng Cái được xác định là trung tâm dịch vụ - thương mại - du lịch - logistics, là một thành phố cửa khẩu. Được sự quan tâm của tỉnh và Trung ương, Móng Cái đang tạo cho mình sức bật cho vấn đề phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng an ninh.

Cùng với niềm vui chung của nhân dân, tôi cảm thấy hạnh phúc, hãnh diện, tự hào với sự phát triển, đổi mới đúng hướng của Thành phố. Hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ, các thiết chế văn hóa - xã hội đã từng bước đáp ứng nhu cầu, chất lượng cuộc sống, chỉ số hạnh phúc của người dân được nâng cao. Thành phố Móng Cái có thể tự tin sánh vai với các địa phương khác trong tỉnh.

Trong xúc cảm tự hào, cá nhân tôi, cùng tập thể lãnh đạo Thành phố luôn trăn trở, nhận thức, thấy rõ trách nhiệm phải tiếp tục kế thừa thành quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới, lan tỏa khát vọng, đưa Thành phố tiếp tục phát triển bền vững, đáp lại niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân, sớm vươn tầm đô thị loại I trước 2030.

Trên “đường băng” cất cánh

PV: TP. Móng Cái có những lợi thế và tiềm năng gì để có thể nuôi giấc mơ trở thành một khu kinh tế cửa khẩu hiện đại mang tầm vóc quốc tế trong tương lai, thưa ông?

Ông Hoàng Bá Nam: Móng Cái là vùng đất có thiên thời, địa lợi, nhân hòa” - có vị trí địa chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại đặc biệt: Nằm ở cực tăng trưởng phía Bắc Tổ quốc, là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia được Chính phủ tập trung ưu tiên nguồn lực để phát triển, là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, là thành phố cửa khẩu quốc tế duy nhất vừa có đường biên giới trên bộ, vừa có đường biên giới trên biển tiếp giáp với Trung Quốc, là cầu nối trực tiếp, trọng yếu trong thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, ASEAN và Đông Bắc Á, được tỉnh Quảng Ninh xác định là 1 trong 2 “mũi đột phá” trong chiến lược phát triển.

Móng Cái cũng là một trong số ít địa phương “cấp huyện” của cả nước được Trung ương, tỉnh Quảng Ninh quan tâm phê duyệt đầy đủ các quy hoạch chiến lược phát triển quan trọng, nhất là Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 16/3/2021 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 với quy mô lập quy hoạch chung trên diện tích khoảng 121.197ha. 

Bên cạnh đó, một lợi thế quan trọng khác là truyền thống đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, trong hệ thống chính trị và trong toàn dân Móng Cái luôn được duy trì và nâng cao, hướng vào mục tiêu xây dựng Thành phố giàu mạnh nơi vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.

Ngoài ra, Móng Cái đang có những thời cơ, vận hội mới và đang trong khí thế quyết tâm lan tỏa, hiện thực hóa khát vọng đổi mới, phát triển: Thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế -  xã hội, ưu tiên 3 khâu đột phá (cải cách hành chính nhân lực, kết cấu hạ tầng), tạo đột phá mới trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phát triển dịch vụ, thương mại, logistics”...

Mặt khác, Móng Cái cũng là điểm sáng trong công tác phòng chống chống dịch, tiếp tục “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Coivd-19” - sáng tạo trong thiết lập và “Thực hiện vùng xanh an toàn”, tạo niềm tin chiến lược với các đối tác đầu tư, nhất là phía bạn Trung Quốc.

Chung quy lại, Móng Cái có một vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, đối ngoại và phát triển kinh tế. Từ quỹ đất, đến con người, điều kiện tự nhiên và khí hậu, tất cả đều là những tiềm lực quan trọng để Móng Cái có thể phát triển hơn nữa.

Tương lai của một thành phố cửa khẩu hiện đại, vươn tầm?

PV: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; đây là cơ sở, động lực quan trọng, mở ra không gian mới cho sự phát triển nhanh, mạnh của Thành phố. Để thực hiện được các mục tiêu đặt ra trong quy hoạch, TP. Móng Cái đã và đang làm gì?

Ông Hoàng Bá Nam: Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt các quy hoạch phân khu thuộc khu kinh tế đặc biệt là các phân khu chức năng, quy hoạch vùng lõi để đưa ra các dự án phát triển hạ tầng - thu hút đầu tư. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công về hạ tầng giao thông hạ tầng đô thị, hạ tầng đường thủy trọng điểm động lực có tính liên kết vùng, phát triển vùng: Hoàn thành, khai thác đường kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái xuống cảng Vạn Ninh; Đường ven biển liên kết Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế Vân Đồn, đoạn từ Cầu Voi, Vạn Ninh đến tỉnh lộ 335;...

Móng Cái tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước chỉ như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng chú trọng phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ cảng biển, logistics để kết nối, liên thông hệ thống giao thông, đường cao tốc, và đường kết nối ra cảng biển để phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Cùng với đó, tập trung công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, phát triển triển nhanh mạnh đội ngũ Đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh - để tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, thực hiện  phát triển, chuyển đổi khu kinh tế cửa khẩu.

Một chiến lược không kém phần quan trọng khác đó là thực hiện chuyển đổi số trên 3 trụ cột (công dân số, hạ tầng số, dữ liệu số) và thành phố thông minh để hướng tới một thành phố cửa khẩu hiện tại ngang tầm quốc tế.

Móng Cái
Thành phố cửa khẩu Móng Cái ngày càng hiện đại

PV: Để sớm trở thành Thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện theo định hướng đã đặt ra, Móng Cái có giải pháp ra sao?

Ông Hoàng Bá Nam: Để phát triển thanh phố thông minh, phát triển tổng thể toàn diện, Thành phố đã ban hành nghị quyết chuyên đề, thể hiện quyết tâm chỉ đạo, thực hiện nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và chuyển đổi nhanh, mạnh mẽ nhận thức về phát triển Thành phố thông minh và chuyển đổi số trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ và người dân. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, nâng cao chất lượng theo hướng “vừa hợp tác, vừa đào tạo” phục vụ xây dựng, phát triển Thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện.

Thành phố đã và đang hoàn thiện các quy hoạch và xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện. Vận hành hiệu quả Trung tâm điều hành Thành phố thông minh, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu,  nhất là các lĩnh vực đất đai, thương mại, du lịch, y tế, giáo dục…

Cùng với đó, thời gian qua, Móng Cái đã tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển Thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện, chủ động phối hợp với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc), ưu tiên triển khai đề án hợp tác cửa khẩu số, phát triển sàn thương mại điện tử, logistics, xuất nhập khẩu, sàn du lịch đa ngôn ngữ, có khả năng kết nối, chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, sản phẩm, dịch vụ và các thông tin hữu ích có liên quan, với phương châm “cùng hợp tác, cùng phát triển”.

PV: Bên cạnh chuyển đổi số, Móng Cái sẽ phát triển và khơi dậy tiềm năng của một đô thị có yếu tố biển như thế nào? 

Ông Hoàng Bá Nam: Chúng tôi đảm bảo bám sát các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về chiến lược phát triển đô thị biển đảo; bám sát các quy hoạch chiến lược, quy hoạch chung phát triển Thành phố; đầu tư đồng bộ, có trọng điểm ưu tiên các dự án giao thông, kết nối hạ tầng, mở rộng không gian đô thịViệc đầu tư, phát triển hướng đến mục tiêu cốt lõi vì người dân, rút ngắn khoảng cách, chất lượng cuộc sống giữa các vùng miền, vì sự phát triển chung của Thành phố, phát triển kinh tế - xã hội phải gắn kết hài hòa với bảo đảm quốc phòng - an ninh biên giới, quốc gia.

PV: Đối với ngành kinh tế mũi nhọn - du lịch, Móng Cái sẽ phát triển theo hướng nào để phát huy được các lợi thế của thành phố ven biển nơi địa đầu đất nước?

Ông Hoàng Bá Nam: Hiện tại, chúng tôi đang tập trung triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch và Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ, Móng Cái theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 28/8/2020 của BTV Thành ủy: Phát triển các sản phẩm thương hiệu, sản phẩm loại hình du lịch Móng Cái “xanh, thông minh, thân thiện và an toàn” - nơi đáng đến, muốn đến. Triển khai các giải pháp phục hồi, kích cầu du lịch, mở cửa khẩu để đón khách du lịch nước ngoài xuất nhập cảnh qua địa bàn Móng Cái, đặc biệt là hiện nay dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã hoàn thành.

Chú trọng phát triển du lịch biển, đảo, du lịch biên giới, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, thương hiệu mạnh, đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp trên đảo Vĩnh Thực gắn với Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ - Móng Cái.

Các cơ sở lưu trú đang dần được hoàn thiện tại ven biển Trà Cổ.

PV: Cụ thể, để nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng trên địa bàn nhằm đón dòng khách du lịch cao cấp, phân khúc bất động sản du lịch sắp tới có được đẩy mạnh?

Ông Hoàng Bá Nam: Chắc chắn rồi. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì phải bắt đầu từ quy hoạch. Chúng tôi sẽ làm tốt quy hoạch để sẵn sàng đón các nhà đầu tư đến, nhưng các nhà đầu tư phải cam kết với chính quyền trong việc hoàn thiện hạ tầng cho những khu du lịch, nghỉ dưỡng trước khi phát triển và kinh doanh các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng biệt thự, khách sạn... Chúng tôi sẽ quản lý chặt chẽ từ quy hoạch, dòng vốn đầu tư đến tiến độ của các dự án.

PV: Bên cạnh bất động sản đô thị và nghỉ dưỡng, phân khúc bất động sản công nghiệp tại Móng Cái cũng có tiềm năng lớn?

Ông Hoàng Bá Nam: Hiện nay việc phát triển bất động sản công nghiệp của khu vực Móng Cái đang là giai đoạn tiền đề, cũng đã có nhà đầu tư và hình thành khu công nghiệp, nhưng rõ ràng là tỷ lệ lấp đầy chưa cao, trong khi tiềm năng thì vẫn rất lớn. Chúng tôi rất muốn các nhà đầu tư lớn đến phát triển các khu công nghiệp, kèm theo đó là các nhà đầu tư thứ cấp. Bất động sản công nghiệp Móng Cái vẫn ở giai đoạn sơ khai và chính vì thế sắp tới chắc chắn sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn để phát triển trụ cột về công nghiệp, đô thị. 

PV: Bất động sản công nghiệp đang dần phát triển như vậy thì việc đầu cơ thổi giá đất nền khu vực lân cận có xảy ra hay không, thưa ông?

Ông Hoàng Bá Nam: Tất nhiên là trong thời gian vừa rồi, thị trường bất động sản cũng có một chút biến động nhưng sau khi phát hiện ra thì chúng tôi đã ngay lập tức quản lý chặt theo những nhóm vấn đề. Thứ nhất là quản lý thật chặt các sàn giao dịch bất động sản, tránh tình trạng thổi giá, làm méo mó thị trường bất động sản. Thứ hai là quản lý chặt tiến độ của các dự án đầu tư và đảm bảo phải thực hiện theo các quy định pháp luật, yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết hoàn thiện xong toàn bộ hạ tầng mới được đưa các sản phẩm ra thị trường. Thứ ba là chúng tôi tăng cường quản lý về thuế, thu nhập và các giấy phép hoạt động của các nhà đầu tư cũng như của các sàn giao dịch bất động sản.

Bởi có sự giám sát chặt chẽ như vậy nên trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản Móng Cái hầu như không có tình trạng thổi giá đất nền và trong thời gian tới cũng sẽ như vậy.

“Dọn tổ” đón đại bàng

PV: Để thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước trong thời gian qua, thông điệp mà TP. Móng Cái đưa ra là gì?

Ông Hoàng Bá Nam: Thông điệp “cùng đi - cùng đến - cùng chia sẻ lợi ích - cùng hướng tới thành công” được Móng Cái nhất quán về nhận thức và cam kết đồng hành với các nhà đầu tư. Thành phố cũng đưa ra những tiêu chí cụ thể để lựa chọn nhà đầu tư trên tinh thần sẵn sàng chào đón nhà đầu tư nhưng làm đến đâu phải chắc đến đó, làm đến đâu, hiệu quả đến đó, tránh tình trạng đầu cơ giữ đất để tạo ra lợi ích nhóm, tạo ra sự phát triển méo mó của thị trường bất động sản. Chính quyền địa phương cùng với nhà đầu tư và nhân dân chia sẻ lợi ích, đóng góp cho sự phát triển chung.

Móng Cái

Với phương châm mở cửa, thông thoáng, minh bạch và khuyến khích tạo điều kiện tối đa thu hút đầu tư, Thành phố triển khai các thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi, công khai minh bạch, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trong khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái còn được hưởng đầy đủ các cơ chế ưu đãi với mức cao nhất theo các quy định đang có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam.

PV: Với những lợi thế, tiềm năng và tư duy cởi mở của chính quyền trong việc thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển, đặc biệt là khi công tác quy hoạch được triển khai hoàn chỉnh, sẽ có thêm rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn rót vốn vào địa phương. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về quan điểm của Thành phố trong việc lựa chọn nhà đầu tư?

Ông Hoàng Bá Nam: Chúng tôi lựa chọn nhà đầu tư tuân thủ nguyên tắc vì nhân dân, phù hợp quy hoạch chung, sự phát triển chung, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Lựa chọn nhà đầu tư chọn lọc và có chất lượng, ưu tiên các nhà đầu tư có uy tín, có thế mạnh, kinh nghiệm trong lĩnh vực Thành phố đang quan tâm, có năng lực tài chính đầu tư, thi công nhanh, hiệu quả.

Hiện nay nhà đầu tư nước ngoài tại Móng Cái tập trung chủ yếu phát triển khu công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp dệt may, còn logistics và cảng biển chủ yếu đang thu hút các nhà đầu tư trong nước, các cụm công nghiệp cũng là nhà đầu tư trong nước. Do vậy, chúng tôi cũng phải có các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư, trọng tâm là 3 nhóm tiêu chí về công nghệ, vốn, thân thiện môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững của Móng Cái.

PV: Ngoài ra, để sớm đạt được các mục tiêu phát triển đã đặt ra, Móng Cái đã và đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nào và đã có giải pháp tháo gỡ ra sao?

Ông Hoàng Bá Nam: Tôi cho rằng, trong thời gian tới, muốn Móng Cái phát triển được như các định hướng đặt ra thì bắt đầu từ việc giải quyết 3 điểm nghẽn.

Trước đây, để ra Móng Cái chỉ có con đường độc đạo duy nhất là quốc lộ 18. Sau khi được Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh đầu tư, quan tâm thì Móng Cái đã có một hệ thống giao thông kết nối đồng bộ song song cùng hệ thống cao tốc như hiện nay. Như vậy, Móng Cái đã và đang được đầu tư các tuyến giao thông nội thị kết nối với cao tốc ra cảng biển tổng hợp Vạn Ninh, giữa cao tốc với các đường quốc lộ. Điểm nghẽn đầu tiên về giao thông đã từng bước được giải quyết và tạo ra sự đột phá.

Cùng với đó, trong chiến lược phát triển của Móng Cái, bên cạnh phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch, cảng biển, logistics thì nơi đây cũng sẽ là một trung tâm để sản xuất công nghiệp chế biến - chế tạo, do vậy Thành phố đang hình thành các khu công nghiệp nhằm đón một làn sóng đầu tư rất lớn từ các nước trên thế giới. Móng Cái cũng sẽ sớm trở thành một trung tâm để sản xuất công nghiệp cũng như các dịch vụ sau cảng biển. Muốn làm được điều này thì điểm nghẽn thứ hai phải được giải quyết đó là vấn đề nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đến với Móng Cái.

Thứ ba, muốn đón được nhà đầu tư khi có cao tốc, tạo ra dư địa phát triển mới thì phải chuẩn bị quỹ đất sạch. Do đó, chúng tôi đang tập trung quyết liệt giải quyết dứt điểm những vấn đề về đất đai và giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Móng Cái để có quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư, vừa phát triển sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, vừa phát triển du lịch, dịch vụ, vừa hình thành hạ tầng đô thị để hướng tới đến năm 2030 Móng Cái là đô thị loại I./.

-       Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top