Ông sinh năm 1957, nghĩa là năm nay 60 tuổi ta, bước vào ngưỡng của tuổi “lục tuần”. Ông cũng là đại biểu Quốc hội 2 khóa liền, đến tháng 5/2016 vừa rồi mới nghỉ. Là một doanh nhân lừng danh ở đất Hải Phòng, chuyện về ông thì nhiều, nhưng câu chuyện chỉ một quyết định “trong nháy mắt” đã có trong tay 10 triệu USD thì quả là ấn tượng. Ông là Nguyễn Văn Bình, còn anh em bạn bè thân thiết thì gọi cái tên rất mộc: “Bình cận”.
Ông kể rằng cái tài sản khổng lồ trên dưới 10 triệu USD không bao giờ có được nếu ông không quyết định ngay trong ngày hôm ấy. Ông có thể sẽ suốt đời làm nhà xuất nhập khẩu, nghĩa là chuyên buôn bán, tìm nơi cung nhiều nối chân hàng với nơi cầu nhiều, thế cũng đủ làm nên một sự nghiệp rồi. Cái nghề nhập khẩu phôi thép bán cho các nhà máy cán thép đã đem lại cho ông đôi chút kiến thức về thị trường thép nhưng chưa đủ để có trong tay một nhà máy cán thép.
Đùng một cái, kinh tế khu vực bị khủng hoảng. Đó là vào năm 1998. Một thông tin mỏng manh lọt vào tai ông: Tại Hàn Quốc đang rao bán rất rẻ một nhà máy thép công nghệ Nhật Bản còn mới tinh. Linh cảm nghề nghiệp báo cho ông biết đây là một cơ hội làm ăn lớn. Bởi vì người bán đang rất cần bán để thanh toán nợ nần, còn ở Việt Nam đang là một công trường xây dựng khổng lồ, làm sao không cần thêm những nhà máy cán thép? Kể cả trường hợp thị trường thép còn những khe hở rất hẹp thì với chi phí đầu tư thấp, chất lượng sản phẩm cao, vẫn chơi được.
Ông thuê ngay một công ty tư vấn với một khoản tiền trọn gói là 50.000 USD. Rồi lên Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mời chuyên gia cùng sang Hàn Quốc. Sau những ngày tiếp cận căng thẳng, cùng với sự hỗ trợ của công ty tư vấn, cuối cùng, ông rinh được cả một nhà máy thép có công suất trên 200.000 tấn/năm, mới chạy “rốt-đa” 9 tháng với giá chưa đầy 3 triệu USD, trong khi giá đầu tư ban đầu của họ là 17 triệu USD.
Có nhà máy ắt phải có người điều khiển. Gần 40 chuyên gia và công nhân kỹ thuật lành nghề từ khắp nơi được mời về điều hành nhà máy với mức đãi ngộ cao. Ông tuyển một lúc gần 100 sinh viên Bách khoa, Cao đẳng kỹ thuật rồi trung cấp cơ khí, điện…mới ra trường, thuê thầy mở lớp đào tạo ngắn hạn 3 tháng chuyên về thép và sản xuất thép, tài trợ cho mỗi em 500.000 đồng (hồi bấy giờ khoảng gần một chỉ vàng) lên nhà máy Gang thép Thái Nguyên thực tập…Sau đó, nghề nào thợ ấy, các em cùng bên B lắp ráp nhà máy. Khi bên B bàn giao thì các em cũng thuộc nhà máy như lòng bàn tay và tự tin vận hành toàn bộ dây chuyền.
Với quan điểm chất lượng sản phẩm được quyết định từ khi chưa nhìn thấy sản phẩm, ông cho áp dụng ngay lập tức Hệ thống quản lý chất lượng Quốc tế ISO 9001 và Hệ thống quản lý môi trường ISO14000. Thấy hệ thống điều khiển tự động kỹ thuật số của SIEMENS ổn định và có nhiều đặc tính ưu việt hơn, ông quyết định đầu tư thêm trên100.000USD để thay toàn bộ. Ngay khi ra lò mẻ đầu tiên vào tháng 10/2001, thép của công ty ông đã được các cơ quan giám định kết luận đạt các Tiêu chuẩn Nhật Bản (JIS), Việt Nam (TCVN), Hoa Kỳ (ASTM) và Anh quốc (BS).
Với những nỗ lực như thế, sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi biết rằng công trình cầu Thanh Trì (một trong những dự án lớn nhất của Thủ đô Hà Nội hồi đó) đã chọn công ty ông là một trong những nhà cung cấp thép chính cho công trình. Cứ đều đặn hằng tuần, liên doanh nhà thầu Nhật Bản Obayashi-Shumitomo gửi niềm tin của mình qua các đơn đặt hàng vào Công ty cổ phần thép Việt-Nhật HPS, nơi ông làm Tổng giám đốc và có 75% cổ phần.
Tôi may mắn có dịp chứng kiến cái cơ ngơi đồ sộ ấy từ khi còn là khối thiết bị cao như một quả đồi mới cập cảng đến khi mẻ thép đầu tiên xuất xưởng. Khi hỏi vì sao ông cho làm một công viên mini tuyệt đẹp, có nhiều bức tượng thể hiện tình yêu đôi lứa ở ngay trong sân nhà máy, ông cười và bảo rằng: “Thép thì nặng nề, còn tình yêu lại bay bổng; thép thì rắn rỏi, còn tình yêu lại yếu mềm; nhưng chúng có một điểm chung là nóng bỏng khi rực rỡ và lạnh giá lúc cô đơn”.
Cái cơ ngơi đồ sộ ấy cùng với tâm huyết của một doanh nhân tài hoa đã trải ra con đường thành đạt mà nhiều người mong ước: Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thép Việt Nhật, Chủ tịch Tập đoàn thép Việt Nhật, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Và đây là thông tin mới nhất mà tôi có về sự nghiệp của ông hiện nay. Đó là Tập đoàn thép Việt Nhật vừa đưa vào sử dụng giai đoạn 1 Khu liên hợp luyện cán thép cao cấp tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền và bắt đầu có sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.
Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 1.200 tỷ đồng, bao gồm 3 nhà máy: Nhà máy luyện phôi thép cao cấp 500.000 tấn/ năm; Nhà máy cán thép thanh thép cuộn công suất 300.000 tấn/ năm và Nhà máy cán thép hình cao cấp công suất 200.000 tấn/ năm cùng một cảng biển với 430 m cầu Cảng và bãi hàng hóa rộng 3,8 ha.
Hiện các hạng mục cơ bản hoàn thành và bắt đầu sản xuất thử từ tháng 4, chính thức hoạt động từ tháng 5 với sản lượng đạt hơn 4.000 tấn phôi thép, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng. Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Bình, đã có 2 đối tác ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, gồm Liên doanh thép Việt Hàn và Công ty liên doanh Việt Nam- Singapore tại Thái Nguyên, đồng thời mở LC xuất khẩu 5.000 tấn trong tháng 7…
Thế mới biết, đôi khi cái “nháy mắt” trong một cuộc đời nó giá trị đến mức nào!