Aa

Mùa gọi đồng hành

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Tư, 01/02/2023 - 06:12

Mùa xuân, mùa của Tết và lễ hội, mùa sống mới của vạn vật, lại một mùa nữa trong đời sống thăm thẳm cõi người, rủ gọi chúng ta đi, thúc giục chúng ta lên đường...

Mùa đã gọi lên đường rồi đấy! Gọi ngay từ lúc ta thưởng cho mình những ngày nghỉ để sắm sửa Tết nhất. Trong cái ý ăn Tết, cách nói quen thuộc: Ăn một cái Tết, nghỉ ăn Tết mà các cụ gọi xưa nay ấy, dường như đã bao hàm cả nội dung chơi Tết, vui xuân.

Và đã trở nên một nghi thức đẹp của Tết, vừa Giao thừa là người ta đi hái lộc, xin lộc. Vậy là ngay sau thời khắc chuyển giao của đất trời, của thời tiết, của ý thiên nhiên và lòng người, từ trong không gian còn đêm tối, rất nhiều bước chân đã chọn cho mình một cuộc xuất hành. Để sáng ngày ra, mồng Một Tết quang quẻ, tươi tắn, sau nén nhang thành tâm bên mâm cơm cúng gia tiên và bữa sáng đầu năm quây quần, nhiều cụ, nhiều ông, bà, nhiều gia đình sửa soạn khăn áo phẳng phiu, là lượt ra lễ chùa, lên đình, đền, lên đường đi chúc Tết.

Những lượt đi ngắn, nhỏ đồng hành cùng xuân mới, đã khởi lên như lộc non trổ mầm trong mấy ngày Tết. Để từ lễ hóa vàng cúng tiễn các cụ và những người đã khuất sau quãng thời gian đón năm mới cùng con cháu lại trở về chốn yên nghỉ, từ những cánh đào nhạt dần sắc thắm đã bắt đầu lả tả xuống mặt bàn, trong ta lại mở rộng cánh cửa dẫn ra con đường vươn xa, tâm trí ta nao nức, sẵn sàng cho những chuyến rong ruổi, trải nghiệm giữa vô cùng non nước, con người.

Không khí hội lễ bừng lên những tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba ảo diệu, huyền linh một không khí giao thoa, cộng cảm của trời, của đất nước và làng mạc. (Ảnh: Tùng Dương)

Đón chúng ta là không khí hội lễ bừng lên những tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba ảo diệu, huyền linh một không khí giao thoa, cộng cảm của trời, của đất nước và làng mạc, của thần và người, cùng sinh linh, cây cỏ. Có một dịp lễ hội của mỗi làng quê, để người dân dù đi xa ở gần, dù công thành danh toại hay giản dị cần lao, là nhà nghệ sĩ, bác giáo sư, ông quan to hay người bán hàng chạy chợ… cũng được ý thức về ơn nghĩa lớn lao của những giá trị thiêng liêng đã hòa trong trăm năm nuôi dưỡng phần tinh thần của cộng đồng quê hương mình. Và ta được đến với những làng quê ấy của bạn hữu. Cũng như, nhiều người con xa quê không chỉ hưởng cái Tết chung cả nước, mà vào dịp lễ hội làng mình, cũng thu xếp trở về, hay nán lại gia đình, cùng với làng với họ “ăn nốt” cái Tết của làng rồi mới lên đường, trở lại nhịp đời thường công danh, sự nghiệp.

Thời buổi người khôn của khó, bóng ma dịch bệnh vẫn còn vất vưởng “ám quẻ” con người ta trong từng thông tin suy giảm của kinh tế, bất ổn trong xã hội, thì thời gian thảnh thơi vui chơi cũng phải gia giảm. Nhiều người đành phải vắng mặt trong dịp “Tết làng”, thậm chí kể cả Tết Nguyên đán, cũng thôi thì nhớ về ông bà, bố mẹ trong giờ tăng ca hay phút vui xuân gọn gàng nơi công xưởng. Những khó khăn mức sống còn dai dẳng, cũng có ảnh hưởng đến sức mua, sức tiêu và sự thụ hưởng như trong những ngày Tết vừa rồi. Nhưng dường như không có gì ngăn được nguồn sinh khí của sự phục hồi cả về kinh tế, vật chất lẫn trong tâm thế mọi người. Để rồi thì “tùy gia phong kiệm”, biết vừa, biết đủ, ai ai đó vẫn cùng có được những cái Tết vui, Tết ấm hợp với hoàn cảnh. Và cả những chuyến đi, những cuộc du xuân, vẫn cần phải có, như một phần đời sống vậy, một cuộc sống không chỉ nước uống, cơm ăn, mà còn phải biết tưới tắm cho tâm hồn bằng những trải nghiệm đó đây. Vì thế mà bảo rằng, no bụng, ấm thân đã rồi hẵng nghĩ đến việc du hý, thì cũng đúng ở cái lẽ phải lo vật chất, dựng nền tảng, đủ đầy mới có thể vươn dần lên đỉnh tháp nhu cầu mà thưởng thức văn nghệ, đi chơi đi lượn này kia, nhưng ngẫm thêm ra thì đời mỗi con người ta, biết thế nào cho đủ, biết bao giờ mới đủ hết? Mà nhu cầu, tham vọng thì khác nhau lắm lắm! Lại ở vào cái bối cảnh mà đời sống biến đổi chớp mắt, hôm nay đã vậy, ngày sau chưa biết thế nào. Cho nên, cũng đừng để tối tăm mặt mũi cắm cúi lo cái ăn cái mặc, rồi một chút ngẩng lên nhìn trời cao, đất rộng, một chuyến rời chân rong ruổi đường xa cũng không có nổi!

Du khách thập phương nô nức đi lễ Đền Hùng để tri ân công đức Tổ tiên và cầu một năm mới an lành trong năm Quý Mão 2023. (Ảnh: Ngọc Tiến)

Quả là như vậy, nên bao nhiêu người đã hẹn nhau khai xuân, du xuân một chuyến, mở đầu cho một năm làm lụng sao cho hanh thông, rộng mở. Có xởi lởi, thong dong những ngày đầu xuân thì vào năm mới được chảy trôi, thuận lợi. Đấy là cái nghĩ thông thường, phổ biến trong nhiều người. Và những cuộc xuất hành cứ tơi tới, cứ liên tiếp. Như đã thành truyền thống, những dòng người lại trảy hội chùa Hương, hội xuân Yên Tử, hành hương về chùa Bái Đính, du ngoạn thắng cảnh Tràng An, rồi thì đi lễ đền Đức ông ở Cẩm Phả, đi lễ đền Bà chúa kho bên Bắc Ninh, Bắc Giang, tìm lên lòng hồ sông Đà lễ đền Thác bờ, đi Phủ Giày, đền Sòng, lên Bảo Hà, Đồng Mỏ… thăm viếng chốn thờ tự những ông hoàng bà chúa, các cô các cậu..., lên Ba Vì lễ thánh Tản Viên và hành hương về chốn tổ ngưỡng vọng oai linh các vua Hùng, tri nhớ ơn sâu lớp lớp người xưa khởi dựng nước non và nhắc nhớ con cháu sau này chung lưng gánh vác từ ý nghĩa cội nguồn của những truyền thuyết lấp lánh.

Mấy năm ròng dịch bệnh, hội hè lễ lạt khép lại, trì hoãn, thu hẹp quy mô như một yêu cầu tất yếu cho cuộc chiến cam go phải bảo đảm an toàn sinh mệnh con người. Năm nay, các lễ hội từ những miền danh thắng của nước non tươi thắm sẽ lại bừng lên, đón gọi. Và những bước chân hành hương cung kính, thành tâm sẽ bồi hồi trở lại, tìm về, như để tiếp thêm cho mình nguồn năng lượng từ truyền thống, từ di sản trân quý đang tiếp tục lưu truyền trong cái thời tưởng chừng đời sống cá nhân và cả cộng đồng đã chìm lấp trong tốc độ vun vút lóa mắt của số hóa, của dịch vụ trang bị đến tận bàn uống nước mỗi nhà, của những trào lưu phát ngôn và những khám phá vũ trụ.

Trên những bước chân du xuân, xa thì có những miền đất lớn, những không gian rộng rãi của núi cao, sông dài, bờ biển bát ngát, người ta tìm đến chiêm bái các bậc thánh thần biểu tượng cho muôn sắc uy linh của khí phách, của văn hóa dân tộc. Gần thì thân mật, gần gũi, nhưng vẫn luôn thiêng liêng, thành kính, là lễ hội làng mình, là những nghi lễ nghiêm cẩn nơi đình trên, miếu dưới, rồi thì thôn bên, xã bạn, quanh quanh những háo hức của hội lễ trong vùng. Mùa xuân, mùa lễ, mùa hội, mùa hành hương, ngưỡng vọng, gọi những con người còn đập trong mình ít nhiều đời sống tâm linh, những con người sống có tín ngưỡng, bước đi và thắp lên ngọn lửa nhỏ ấm cúng của mạch chảy tâm linh, tín ngưỡng ấy.

Rộng hơn thế, là bước đi nương náu tâm hồn vào những giá trị cao quý của văn hóa dân tộc, của đạo lý uống nước nhớ nguồn. Và xa nữa, cũng chính là cuộc trải nghiệm đặc sắc của mỗi con người, nhóm người, đoàn người chúng ta vào không gian bảy màu của các di sản văn hóa nghệ thuật với diễn xướng, kiến trúc đình đền, chùa chiền, với điêu khắc dân gian, với những trò vui lôi kéo làm sinh sôi thêm tình cảm, nhân lên sự cộng hưởng cộng đồng. Không có gì phải băn khoăn nữa, khi ta gọi những không gian nơi ta tìm đến ấy, là bảo tàng sống lớn lao và sinh động của văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật dân tộc, đầy thiêng liêng, gắn bó, thật hoành tráng, lắm màu nhiều vẻ, có sức cuốn hút kỳ lạ và rất đỗi tinh tế, tài tình!

Những lượt đi ngắn, nhỏ đồng hành cùng xuân mới, đã khởi lên như lộc non trổ mầm trong mấy ngày Tết.
(Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Lại cùng với những phần lễ uy nghiêm và phần hội tưng bừng ấy, lòng người mở thêm ra với sơn thủy hữu tình, sơn thanh cảnh tú, với gấm vóc cỏ hoa đang phủ dài trên những đường đất, đồi gò. Chân ta du xuân, mắt ta ngắm nhìn tán cổ thụ ngạo nghễ che phủ mái đình hay một thân cành mảnh dẻ cheo leo nơi vách núi. Miệng ta xuýt xoa khi thấy những mỏm đá nhô lên trên mặt hồ sương khói. Tay ta chỉ cho những bằng hữu đi cùng, có nhìn thấy đằng xa kia, một vừng mây lớn tượng hình dáng người ảo mờ dải áo bay bay đang hiện ra phía rừng thông, trên mái chùa. Và lòng ta càng nôn nao nghe tiếng suối chảy ào ạt, nhìn gió mạnh đưa hơi sương trắng mịt mù quất như mưa trên một sân thiền viện… Du xuân là như thế, khi lòng người hòa nhập với thiên nhiên, gần gũi hơn với những chuyển động của trời đất, thời tiết, lắng nghe nhiều hơn vào những tiếng vọng của mùa. Hồn người lại có phần trở lại ngây thơ, hồn hậu mà đọc những ngôn ngữ của tự nhiên, gặp một phần hoang sơ, dung dị và lành mạnh trong bản chất người của mình, đâu đó vẫn đang mượn thiên nhiên mà nương náu.

Nhưng, đón chúng ta đi qua những nẻo đường, có thể nào không phải là những người đã bắt đầu xuống đồng, cặm cụi cúi mình trong gió ẩm ướt, không phải những chiếc xe máy chở hàng đã lam lũ trở lại nhịp mưu sinh thường nhật, không phải đôi ba người và nay đã là cả những chuỗi người lại nâng trên tay những cành đào nhỏ, những bó đào dăm lấm tấm đỏ nơi ngã ba, ngã tư phố phường, bán cho người muốn chưng hoa đón Nguyên tiêu. Có thể nào, chờ đón ta, để chúng ta được nhìn thấy, nghe, cảm nhận và in dấu trong suy tư của mình, những ngôi nhà cũ mới đủ kiểu, những ngõ những đường, những nhà hàng, quán xá, đèn đóm, xe cộ chen chúc, và cầu vượt cao tốc, những khu công nghiệp lớn, hay một xóm nhỏ heo hút đồng xa… Trên những con đường ta đi hội, ta hành hương, hoặc không phải thế, ta đi làm, ta bước vào ngày mới với một kế hoạch nho nhỏ nào đó, từ bất kỳ hướng nào, sẽ chờ đón chúng ta, luôn là cuộc sống náo nhiệt, ồn ã, tưng bừng, phấn khởi, hoặc lầm lụi, khuất lấp những muộn phiền. Và được nhìn, trông, bước dần vào trong ấy, những nẻo đường không bao giờ đi hết, những câu chuyện và thân phận không thể nào biết hết, hiểu hết, ấy là những hạnh phúc bâng khuâng và cả xót xa mà chúng ta, làm con người hiện hữu trong đời sống này, được ân hưởng.

Mùa xuân, mùa của Tết và lễ hội, mùa sống mới của vạn vật, lại một mùa nữa trong đời sống thăm thẳm cõi người, rủ gọi chúng ta đi, thúc giục chúng ta lên đường. Cùng với mùa, bước chân ta đến đâu cũng có mùa đồng hành, hướng về đâu cũng có mùa vẫy gọi. Và ở rất nhiều cảnh ngộ, trong tâm trạng của chúng ta, dù phấn khích, náo nức, hay khi hồ nghi, lúc chán chường, vẫn có mùa thổi từng cơn gió lành và gieo xuống những chờ đợi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top