TS. Bùi Trinh: “Thực thi chính sách luôn có độ trễ nhưng trễ quá thì cần phải xem lại”

TS. Bùi Trinh: “Thực thi chính sách luôn có độ trễ nhưng trễ quá thì cần phải xem lại”

Hà Thương (Thực hiện)
Hà Thương (Thực hiện) ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 16/05/2023 - 06:00

Theo chuyên gia kinh tế TS. Bùi Trinh, quyết sách như xe cấp cứu, nhưng lái xe cứ chạy từ từ thì khó đạt hiệu quả. Đồng ý là việc thực thi chính sách luôn có độ trễ nhưng trễ quá thì cần phải xem lại. 

*****

Giai đoạn từ cuối quý III/2022 đến hết quý I/2023 là giai đoạn đặc biệt khi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp ban hành các chính sách hỗ trợ, có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản. 

Sự vào cuộc của Chính phủ được đánh giá cao trong bối cảnh thị trường bất động sản đang suy trầm, cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực này ngày càng kiệt sức. Các chính sách đã tạo ra tâm lý tích cực hơn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp đến thời điểm này vẫn còn chồng chất, thị trường vẫn chưa thoát khỏi khung cảnh ảm đạm khi thanh khoản liên tục về đáy, nhiều dự án vẫn trong trạng thái chờ đợi là chủ yếu.

Thực tế này khiến không ít người đặt ra câu hỏi: Liệu các chính sách giải cứu thị trường bất động sản đã thẩm thấu vào thực tế? Đâu là mức độ thẩm thấu của các chính sách hiện nay?

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản chiều ngày 5/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã nhấn mạnh: “Không thể họp nhiều mà thị trường vẫn vậy, vướng mắc vẫn vậy”. 

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan thị trường bất động sản hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của nền kinh tế. Ông Hà yêu cầu phải chỉ rõ vướng mắc ở văn bản pháp luật nào, thuộc cấp nào ban hành, ai giải quyết, bao giờ xong, trong đó tập trung vào những nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để có những bàn luận sâu hơn về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Trinh. 

Độ thẩm thấu của các chính sách gần như bằng không

PV: Để giải cứu thị trường bất động sản cũng như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực này vượt qua khó khăn, Chính phủ đã liên tục tổ chức các cuộc họp và ban hành nhiều chính sách từ cuối năm 2022 đến nay. Ông có đánh giá như thế nào về những động thái này từ phía Chính phủ? 

TS. Bùi Trinh: Từ đầu năm đến nay, điểm nhấn nổi bật trên thị trường bất động sản có lẽ là những cuộc họp được tổ chức liên tục, những chính sách được ban hành nhanh chóng từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. 

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, Chính phủ và Ngân hành Nhà nước đã ban hành gần 10 nghị quyết, nghị định, thông tư, quyết định như Nghị quyết số 33, Nghị định 08, Nghị định 10, Quyết định 388 và mới đây là Thông tư 02, Thông tư 03. 

Đặc biệt, chỉ trong tháng 3/2023, lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm đến hai lần, đánh dấu cho sự chuyển biến quan trọng của chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng. 

Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định, không phải đến đầu năm 2023 Chính phủ mới có những động thái hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà từ cuối năm 2022, Chính phủ cũng đã thể hiện rõ sự quan tâm của mình đến thị trường này.  

bất động sản
Thị trường bất động sản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm. (Ảnh: H.Triều)

Từ cuối năm ngoái, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện các dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. 

Chính phủ đã có các công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương yêu cầu triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở ổn định, lành mạnh, bền vững, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.  

Nhìn chung, những động thái này của Chính phủ là xuất phát từ mong muốn thông qua cơ chế chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản tự điều chỉnh, điều tiết và cộng đồng doanh nghiệp địa ốc có cơ hội tái cấu trúc, tái cơ cấu. Điều này là rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại khi tạo nên những động lực để thị trường bất động sản có cơ hội hồi phục và chuyển biến tích cực trong năm 2023. 

Qua đây cũng thấy rằng, Chính phủ vẫn luôn quan tâm, hỗ trợ và thừa nhận tầm quan trọng của thị trường bất động sản đối với sự phát triển của nhiều ngành nghề khác cũng như nền kinh tế của cả nước. 

PV: Như ông nói, những động thái của Chính phủ xuất phát từ mong muốn thông qua cơ chế chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản tự điều chỉnh, điều tiết và cộng đồng doanh nghiệp địa ốc có cơ hội tái cấu trúc, tái cơ cấu. Từ đó, giúp thị trường có khả năng hồi phục và chuyển biến tích cực. 

Trên thực tế, những mong muốn này của Chính phủ đã đạt được hay chưa? Thị trường bất động sản có thực sự chuyển biến tốt hơn, thưa ông?

TS. Bùi Trinh: Việc thực thi chính sách tại Việt Nam luôn có độ trễ nhất định nên để đánh giá hiệu quả thì cần chờ một khoảng thời gian sau khi chính sách đó được ban hành.

Vì vậy, với những chính sách giải cứu thị trường bất động sản được Chính phủ đưa ra từ đầu năm 2023 đến nay, tôi sẽ chưa vội cho ý kiến. Tôi cho rằng, những chính sách này phải hết quý II năm nay mới có thể đưa ra những đánh giá khách quan về hiệu quả của nó. 

Còn với những chính sách đã ban hành từ cuối năm 2022 thì theo quan sát của tôi, hiệu quả, kết quả hoàn toàn chưa như kỳ vọng mà Chính phủ, doanh nghiệp và cả thị trường bất động sản đang trông chờ. 

PV: Dựa vào đâu để ông khẳng định như vậy?

TS. Bùi Trinh: Từ cuối quý II/2022 đến nay, thanh khoản thị trường vẫn chưa được cải thiện, các giao dịch trên thị trường tiếp tục bị trì hoãn, các dự án đang triển khai dở hầu hết phải tạm dừng. Sức khoẻ của các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản vẫn ở trong tình trạng suy kiệt sức lực vì thiếu vốn và vướng mắc pháp lý kéo dài.  

Thẩm thấu chính sách

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang phải bán gần hết tài sản với giá thấp cho các doanh nghiệp nước ngoài và điều này là vô cùng nguy hiểm, hệ quả của nó là rất lớn. 

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng cho biết, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản quý I/2023 chỉ còn 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Khi thị trường bất động sản không khởi sắc thì nền kinh tế cả nước cũng ngày càng suy giảm. Tăng trưởng GDP quý I của cả nước chỉ đạt 3,32%, riêng TP.HCM chỉ đạt 0,7% đã chứng minh điều đó. 

Nhìn nhận một cách thẳng thắn, các động thái, chính sách của Chính phủ có thể có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra tâm lý tích cực hơn đối với thị trường bất động sản nhưng chưa đủ mạnh để tạo ra nhiều chuyển biến cho thị trường này. Nhìn chung, mức độ thẩm thấu của các chính sách gần như bằng không, trạng thái chủ yếu của thị trường hiện nay vẫn là “án binh bất động”. 

Quyết sách như xe cấp cứu, nhưng lái xe cứ chạy từ từ thì khó đạt hiệu quả

PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân khiến các chính sách liên tục được ban hành nhưng mức độ thẩm thấu gần như bằng không?

TS. Bùi Trinh: Quyết sách như xe cấp cứu, nhưng lái xe cứ chạy từ từ thì làm sao đạt được hiệu quả như mong muốn. Đồng ý là việc thực thi chính sách luôn có độ trễ nhưng trễ quá thì cần phải xem lại. 

Theo tôi, mấu chốt của vấn đề này là nằm ở khâu thực thi chính sách của các cấp chính quyền. Hiện nay, khâu thực thi chính sách của cơ quan nhiều bộ ngành, địa phương đang quá chậm, thậm chí là không dám triển khai do mắc phải “bệnh sợ”. 

Thẩm thấu chính sách

Một bộ phận chính quyền sợ sai, sợ trách nhiệm nên thường xuyên né tránh, đùn đẩy trong việc thực thi chính sách. Chính vì vậy mà việc triển khai, thực thi chính sách bị chậm trễ, mức độ thẩm thấu của chính sách không có hiệu quả. 

Bên cạnh khâu thực thi chính sách chậm, thì nguyên nhân khiến nhiều chính sách ban hành chưa tạo ra chuyển biến tích cực cho thị trường bất động sản, cho cộng đồng doanh nghiệp còn do bản thân những chính sách đó đôi khi chưa thật sự hài hoà với thực tế.

Đơn cử như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và cá nhân vay mua nhà tại dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2%. Chính sách này về cơ bản là nhân văn, góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho người dân có thu nhập thấp, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển phân khúc này. Nhưng trên thực tế, gói tín dụng này sẽ khó giải ngân do quỹ nhà ở xã hội hiện nay quá ít để người dân có thể vay mua và mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% vẫn chưa thực sự hấp dẫn cộng đồng doanh nghiệp.

Hay mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 486/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở. 

Thực tế là chính sách này đã có từ năm 2017 và bây giờ chỉ nhắc lại nhưng từ trước đến nay, không nhiều người có thể tiếp cận được. 

Năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao 15.000 tỷ đồng để cho vay trong chương trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai, số vốn cho vay còn lại trong năm 2023 vẫn gần 11.000 tỷ đồng. 

Rõ ràng là tiến độ giải ngân đang quá ì ạch, kém hiệu quả. Nếu không nhìn nhận vấn đề một cách thẳng thắn để tìm ra cách giải quyết mà cứ tiếp tục duy trì chính sách thì hiệu quả thực thi sẽ không đi đến đâu. 

PV: Theo quan sát của ông, tình trạng các cấp chính quyền sợ sai, sợ trách nhiệm có phải đã có từ lâu hay chỉ gần đây mới xuất hiện?

TS. Bùi Trinh: Bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám tham mưu, đề xuất, quyết định không phải bây giờ mới có nhưng phải đến giai đoạn gần đây mới đi đến cực hạn. Nguyên nhân là do việc bắt bớ, hình sự hoá vấn đề diễn ra ngày càng nhiều. 

Đây là hành động đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm mục đích làm sạch môi trường quản lý, lãnh đạo, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng khi mức độ và tần suất quá nhiều trong cùng một giai đoạn dễ ảnh hưởng đến tâm lý chung. 

Ngoài ra, một phần còn do pháp luật có nhiều kẽ hở, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng. Hiện nay, có quá nhiều quy định, rào cản dẫn đến cán bộ rất lúng túng, không biết phải xử lý thế nào, sờ đến công đoạn nào cũng có vấn đề khó, rất khó xử lý. Vì vậy mà không nhiều người dám làm, dám triển khai. 

PV: Đúng như nhận định của ông, phát biểu trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắng chỉ ra vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy và lẩn tránh không làm

Theo ông, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, việc thực thi chính sách sẽ tiếp tục “giậm chân tại chỗ”, kém hiệu quả thì khả năng hồi phục của thị trường bất động sản trong ba quý còn lại sẽ như thế nào?

TS. Bùi Trinh: Đừng nói đến khả năng hồi phục mà thậm chí thị trường bất động sản sẽ còn suy giảm nghiêm trọng hơn nếu  việc thực thi chính sách không triển khai nhanh chóng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. 

Nhìn rộng hơn, nền kinh tế cũng sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2023 là rất khó đạt được. Cộng đồng doanh nghiệp từ trạng thái trầm luân sẽ dễ đi đến bờ vực giải thể, phá sản. 

Giải cứu thị trường bất động sản: Xóa khoảng cách nói và làm

PV: Vậy theo ông, giải pháp cần kíp lúc này là gì?

TS. Bùi Trinh: Về phía các cơ quan ban hành chính sách, cần quyết liệt đẩy mạnh quá trình giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực thi chính sách của các cấp chính quyền, tránh đùn đẩy, né trách nhiệm. 

Để giải cứu thành công thị trường bất động sản cần phải xoá khoảng cách nói và làm. Nói mà không đi đôi với làm sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. 

PV: Bên cạnh câu chuyện thực thi chính sách thì ngay khâu ban hành chính sách cũng cần phải triển khai như thế nào, thưa ông?

TS. Bùi Trinh: Phải kiểm soát và đảm bảo chất lượng các chính sách ban hành, dự thảo các văn bản luật sửa đổi. Thực thi có tốt nhưng chính sách không tốt, không hợp lý cũng không được. Việc ban hành chính sách và thực thi chính sách đều quan trọng và cần phải chú tâm như nhau. 

thẩm thấu chính sách

Hiện nay, một số luật liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang được lấy ý kiến sửa đổi. Việc sửa đổi các luật này là rất quan trọng nhằm hoàn thiện pháp luật, thể chế để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Tôi mong rằng, các luật sẽ nhanh chóng hoàn thiện quá trình sửa đổi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nội dung. 

PV: Là một chuyên gia kinh tế, ông có đề xuất gì thêm cho các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay?

TS. Bùi Trinh: Đối với một nền kinh tế, tiết kiệm (saving) là yếu tố quan trọng hơn cả GDP. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang quá chú trọng vào tăng trưởng GDP. 

Về nguyên tắc, phần tiết kiệm phải lớn hơn phần đầu tư. Nếu tiết kiệm nhỏ hơn đầu tư chứng tỏ nền kinh tế đó đang phụ thuộc lớn vào hai vấn đề: Chuyển nhượng vốn của FDI và vay nợ nước ngoài. Và khi nền kinh tế quá phụ thuộc vào FDI sẽ vô cùng nguy hiểm. Bởi vì, đến một thời điểm FDI rút hết thì kinh tế Việt Nam sẽ chẳng còn lại gì.

Vì vậy mà Việt Nam cần phải lưu tâm hơn đến nguồn lực tiết kiệm của đất nước. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân đầu tư công và miễn, giảm thuế. 

Giải ngân đầu tư công hiện nay đang quá chậm, tiền đã có sẵn nhưng không hiểu lý do vì sao không được giải ngân. Đơn cử như TP.HCM, ước thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đến hết ngày 31/3 chỉ đạt 0,89% kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao. Hơn 38,39% số vốn kế hoạch của TP.HCM, tương đương 27.074 tỷ đồng chưa được triển khai, phân bổ.

Đầu tư công được xem là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế của đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, suy giảm mạnh thì đầu tư công lại càng phải ưu tiên và giải ngân nhanh chóng. 

Cùng với đó, chúng ta cũng nên giảm cả thuế gồm: Thuế gián thu và thuế trực thu. Riêng thuế giá trị gia tăng (VAT) nên được giảm xuống khoảng 5% thay vì đề xuất giảm xuống 8% như hiện nay. Đặc biệt, với những doanh nghiệp nhà nước cung cấp các mặt hành thiết yếu như điện và xăng thì việc giảm thuế ở những mặt hàng này là vô cùng quan trọng.

Nhưng phải lưu ý, chỉ nên giảm thuế chứ không nên bù lại bằng việc tìm mọi cách để xử phạt. Bởi như tôi đã nói, thời điểm này thanh lọc quá nhiều sẽ không tạo môi trường tốt cho nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản có thể hồi phục. 

Về lãi suất, với xu hướng giảm như hiện nay tôi cho là tốt. Còn giảm sâu nữa thì nó sẽ liên quan đến nhiều vấn đề như áp lực lạm phát, thanh khoản. 

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top