Aa

“Mục tiêu tăng trưởng 6,5% của cả năm là nhiệm vụ rất lớn“

Thứ Năm, 01/04/2021 - 11:00

Với kết quả GDP quý 1 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi các quý sau phải tăng trưởng hơn và có quý sẽ phải đạt trên 7%.

“Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý 1 đạt 4,48%, đây là mức thấp so với kịch bản 5,2% trong trạng thái bình thường mới. Lý do là bởi đợt bùng phát dịch bệnh tại Hải Dương đã tác động tương đối lớn về tăng trường kinh tế trong quý. Với kết quả trên, để đạt nhiệm vụ tăng trưởng 6,5% cả năm đòi hỏi các quý sau phải tăng trưởng hơn và có quý sẽ phải đạt trên 7%. Nhiệm vụ này rất lớn và phải tập trung thực hiện,” Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% của cả năm là nhiệm vụ rất lớn
Ảnh minh họa. (Nguồn/TTXVN)

Kết quả "tương đối tích cực"

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 1 của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với các biến thể mới, kinh tế vĩ mô trong nước vẫn được duy trì ổn định trên các lĩnh vực. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,7% với số doanh nghiệp thành lập mới đạt 29.300 doanh nghiệp, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 6,3%. Ngoài ra, xuất siêu đạt 2,03 tỷ USD với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 22% và nhập khẩu tăng 26,3%. Trên thị trường nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng có mức tăng 5,1%.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng đó là những kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa được hồi phục như kỳ vọng trước đó đồng thời phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, như tiến trình tiêm vaccine còn chậm so với yêu cầu đề ra.

Theo báo cáo, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,3% và dịch vụ tăng 3,34%.

“Trong mức tăng trưởng chung của quý, lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp đạt kết quả tốt. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%. Tuy nhiên, đà hồi phục trong lĩnh vực dịch vụ chưa được như mong muốn,” ông Lực đánh giá.

Phân tích kỹ hơn về động lực tăng trưởng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng trong cơ cấu GDP, lớn nhất là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Do đó, phải phục hồi mạnh ngành này để đạt tăng trưởng cao trong các quý tới, trong đó kỳ vọng vào các nhóm thép cán, linh kiện điện thoại, tivi các loại…

Về dịch vụ, cơ bản là khó song bù lại thì dịch vụ công nghệ, dịch vụ tài chính - bảo hiểm có sự tăng trưởng tốt.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% của cả năm là nhiệm vụ rất lớn
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Về xuất - nhập khẩu, mặc dù xuất siêu hơn 2 tỷ USD, song ông Phương thẳng thắn cho rằng chủ yếu là hàng “mượn đường” xuất xứ. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số ngành tiềm năng với sự tăng trưởng khả quan, như sản xuất clinker, hoá chất, chất dẻo, cao su, gỗ, xơ sợi dệt đang tăng lên. Đáng chú ý có 6 sản phẩm đạt trên 1 tỷ USD xuất khẩu trong tháng Ba thể hiện thế mạnh của Việt Nam là gỗ, dệt may, giày dép, điện tử, điện thoại và máy móc thiết bị.

“Về các động lực mang tính đột biến, trong năm 2021 chưa có địa phương nào báo cáo có dự án lớn đi vào hoạt động, do đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đôn đốc các địa phương báo cáo về các dự án lớn sắp đi vào hoàn thành, đóng góp lớn cho tăng trưởng,” ông Phương nói.

Ở góc độ chuyên gia, ông Cấn Văn Lực vẫn kỳ vọng vào các dấu hiệu phục hồi và trong thời gian tới sẽ trở nên rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, với nhiệm kỳ lãnh đạo mới, ông Lực dự báo khả năng GDP cả năm 2021 vẫn có thể đạt từ 6,7% đến 7%.

Áp lực lạm phát vào cuối năm

Bước sang quý 2, các nhà phân tích cũng chỉ ra những thách thách, khó khăn khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế còn rất phức tạp và khó lường.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kinh tế vĩ mô trong quý 1 ổn định với mức CPI tăng 0,29%, thấp xa so với dự báo. Nhưng, ông cho rằng về cuối năm xu thế lạm phát sẽ tăng dần. Các yếu tố tác động làm CPI có khả năng tăng, như giá xăng - dầu, giá dịch vụ công trong lĩnh vực y tế - giáo dục.

Lý giải điều này, ông Cấn Văn Lực chỉ ra lạm phát ở quý 1 có mức thấp nhất trong 20 năm vừa qua về cơ bản do dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến cho sức cầu tiêu dùng giảm. Thông thường quý 1 hàng năm, CPI sẽ tăng cao do có Tết Nguyên đán song năm nay do dịch bệnh nên có sự khác biệt.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng đồng tình với đánh giá áp lực lạm phát sẽ tăng rất lớn về cuối năm và chỉ ra một số nguyên nhân khác. Cụ thể, đà phục hồi kinh tế trên toàn cầu sẽ khiến cho giá cả các mặt hàng thiết yếu và giá xăng - dầu tăng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ nền kinh tế, lượng cung tiền của các nước cũng như Việt Nam sẽ gia tăng. Trong nước, mức tăng trưởng tín dụng năm ngoái từ 10% - 12%, sang năm sẽ đạt khoảng 12% - 14%. Đặc biệt, mức đầu tư công bơm vào nền kinh tế cơ bản sẽ bằng năm ngoái nhưng dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, thị trường tài sản (tạo ra những cơn sốt đất) sẽ kích hoạt giá cả tăng đồng thời trên nhiều loại hàng hóa, dịch vụ.

Thêm vào đó, Việt Nam là kinh tế mở và vô hình cũng sẽ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Bởi thế, ông Lực dự báo CPI trong năm sẽ tăng khoảng 3,6% - 3,8%.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% của cả năm là nhiệm vụ rất lớn
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Phương nhấn mạnh năm 2020, CPI theo mô hình giảm dần nhưng năm nay là tăng dần, do đó sẽ phải xây dựng mô hình điều chỉnh giá. Cụ thể, Bộ sẽ tính toán và đưa ra các phương án điều chỉnh giá dịch vụ công để có sự điều chỉnh phù hợp.

“Không thể trì hoãn mãi việc điều chỉnh giá dịch vụ công, song phải tính kỹ để có thời điểm và mức điều chính phù hợp,” ông nói.

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Phương lưu ý đến tính công bằng, công khai, công tâm và đảm bảo không có lợi ích nhóm. Các ngành gặp khó khăn thì đã rõ, như các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, ăn uống, hàng không, lữ hành đường bộ…

“Tuy nhiên, trong từng ngành, mức độ thiệt hại và khó khăn của các nhóm doanh nghiệp cũng khác nhau, như Hàng không Vietjet vận tải trong nước lớn và nước ngoài lại không nhiều nhưng Vietnam Airlines vận tải quốc tế là chính, qua đó cho thấy trong 2 doanh nghiệp này có mức độ ảnh hưởng khác nhau,” ông Phương dẫn chứng.

Vì vậy, Thứ trưởng Phương cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp nhiều với các đơn vị khác nhau để cùng tính toán và đưa ra các giải pháp thực thi có hiệu quả cao.

Về kiến nghị giải pháp, ông Lực đề xuất: “Tôi cho rằng cải cách thể chế và đổi mới cần mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng tăng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là yếu tố tất yếu và môi trường kinh doanh cần phải cải thiện hơn nữa, bởi trong thời gian qua ở đâu đó vẫn còn chưa thực chất; ở một số chỗ, một số địa phương, đặc biệt về thủ tục hành chính cần phải tinh giản gọn hơn và tăng cường giải quyết thủ tục hành chính tốt hơn nữa.”

Cuối cùng, ông Lực đề cập Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm và thậm chí Nghị quyết của Đảng hướng đến năm 2045.

Tầm nhìn là rất tốt, tuy nhiên ông Lực cho rằng thực thi tầm nhìn và định hướng như thế nào mới là điều quan trọng.

"Quan điểm của chúng tôi, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép là rất quan trọng, nhưng là phải phục hồi theo hướng kinh tế xanh bởi đây là một xu hướng tất yếu, nếu không quan tâm nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt, hạn hán… sẽ quét đi hết tất cả những thành quả phát triển trước đó và đặc biệt là sức khỏe, hạnh phúc của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Đây chính là điều không đúng với tinh thần của Nghị quyết đề ra là nâng cao hạnh phúc của người dân”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top