Nêu quan điểm tại hội thảo "Cơ hội Đầu tư - Kinh doanh 2018" được tổ chức mới đây, ông Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất cho vay thực (không phải lãi suất cho vay danh nghĩa) của Việt Nam hiện nay đang ở mức trung bình so với các quốc gia thu nhập trung bình thấp tại khu vực và có mức tăng trưởng tầm tầm như Việt Nam (Indonesia, Thái Lan,...), ở mức 5 - 12%.
Theo ông Lực, có 4 nguyên nhân khiến khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới là khó. Nguyên nhân thứ nhất là bởi lãi suất đầu vào khó giảm. Nguyên nhân thứ 2 là vấn đề nợ xấu hiện đã được xử lý nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để thì không phải ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình. Khi chưa thể xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn thì chưa thể giảm lãi suất.
Nguyên nhân thứ 3 là chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2%-2,4%, so với Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8%-3%.
Nguyên nhân thứ 4 là chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao.
"Như vậy lãi suất ổn định lại thì được nhưng giảm tiếp thì rất khó", ông Lực khẳng định.
Trước đó, tại nghị quyết đầu tiên của năm 2018, một lần nữa Chính phủ nêu định hướng phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô. Có những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện định hướng này.
Trong báo cáo vừa công bố, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, mặc dù thanh khoản hệ thống khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng chưa như kỳ vọng.
Có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất, thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng kém liên thông. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức khá thấp trong khi lãi suất trên thị trường tiền gửi giảm không nhiều, do thanh khoản dồi dào trên thị trường tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng lớn.
Một số tổ chức tín dụng nhỏ hoặc thuộc diện tái cơ cấu thiếu vốn vẫn khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng, buộc phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất huy động trên thị trường tiền gửi.
Thứ hai, nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất trong khi tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các tổ chức tín dụng vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
NIM của hệ thống ngân hàng tuy có xu hướng tăng trở lại (ở mức từ 2,74% năm 2014 lên mức khoảng 3% năm 2017) nhưng vẫn thấp so với các nước như Thái Lan (3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%).
Theo Ủy ban, điều này khiến các tổ chức tín dụng không có nhiều động lực để giảm lãi suất cho vay.
Chỉ ra những thách thức đối với chính sách tín dụng của Việt Nam trong năm 2018, ông Cấn Văn Lực cho rằng, ở góc độ quốc tế, 2018 sẽ là năm mà đa số các quốc gia có chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ, và điều đó sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam. Rủi ro thứ hai là, Trung Quốc - quốc gia đang đóng góp khoảng 36% trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ có chính sách kinh tế chủ đạo là siết chặt tín dụng. Nợ xấu của quốc gia này cũng rất lớn.
Với riêng Việt Nam, ông Lực khẳng định quan điểm của ông là không nên dựa quá nhiều vào tín dụng, dù đây vẫn là kênh đầu tư quan trọng. Năm 2018, nên thận trọng tăng trưởng tín dụng là 17%, thay vì mức 19% như năm vừa qua.
Lý giải về quan điểm của mình, ông Lực cho hay: "Thứ nhất, tín dụng không nhiều. Tín dụng tăng trưởng khá nhanh và mạnh với 8,9% - 2013, 14% - 2014, 15,7% - 2015 và 19% - 2016, như vậy là tăng đều trong các năm vừa qua.
Hiện nay liên quan đến cân đối nguồn vốn, tôi nhận thấy huy động vốn tín dụng chiếm 17,5%, tất nhiên thanh khoản ngân hàng tốt, với hơn 18% là mức chấp nhận được, song cần có sự tách bạch trong thống kê về tín dụng".