Năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 8,02%, được coi là một kỳ tích, vượt khá nhiều mục tiêu kế hoạch. Nếu quyết tâm nâng cao năng lực thể chế, tính minh bạch và niềm tin của nhà đầu tư, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể giành thêm kỳ tích mới trong năm 2023.
********
Điểm sáng kinh tế Việt Nam 2022 và triển vọng 2023
Vượt qua những khó khăn sau hai năm liền ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam năm 2022 phát triển khá toàn diện, đạt và vượt kế hoạch 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội được Quốc hội giao, GDP tăng trưởng 8,02%. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 đạt 148,5 nghìn; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 59,8 nghìn. Đây là những kết quả rất ấn tượng, là nền tảng quan trọng để nền kinh tế vượt qua những khó khăn được dự báo trong năm 2023 và giành thêm những kỳ tích mới.
Trước đó vào tháng 9/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh: Hơn 90% các nền kinh tế phát triển, 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 và 2023.
Ngày 7/10/2022, WB nhấn mạnh: Thế giới đang đối mặt với "làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ", nhiều quốc gia đang phải đối mặt hoặc có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất tăng cao. Ngay các nền kinh tế lớn cũng lúng túng trước bài toán tăng mạnh lãi suất có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng việc thả lỏng cho lạm phát tiếp tục tăng cao sẽ còn tồi tệ hơn.
Ngày 11/10/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo: Thế giới đang ở trong giai đoạn “rất mong manh”, với lạm phát tiếp tục gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày một chậm lại (năm 2022 chỉ tăng 3,2% GDP, so với 6% GDP năm 2021 và năm 2023 chỉ còn là 2,7%); năm 2023 có 25% khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức 2% và hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến hai quý liên tiếp tăng trưởng âm; cả 3 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc đều sẽ đều tăng chậm lại.
Tuy nhiên, IMF và WB trong dự báo mới nhất đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 từ 7-7,5% GDP. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19. Moody’s vào tháng 9/2022 đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định (chỉ kém mức đầu tư một bậc). Fitch cũng đang xếp Việt Nam ở hạng BB và triển vọng tích cực. Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh…
Theo báo cáo của Chính phủ trong phiên khai mạc ngày 20/10 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ và sẽ là năm đầu tiên trong giai đoạn 3 năm dịch Covid-19 qua, Việt Nam đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế kế hoạch đặt ra, với tăng trưởng GDP khoảng 8%.
Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam nổi lên như điểm sáng cả về kim ngạch, mức xuất siêu, cơ cấu hàng xuất và sự phục hồi thị trường. Chỉ trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,8 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 342,2 tỷ USD, tăng 13,4%; nhập khẩu ước đạt 331,6 tỷ USD, tăng 10,1%; xuất siêu ước đạt 10,6 tỷ USD. 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong số này có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể đạt mức 11 tỷ USD, tức về đích trước hẹn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.
Tất cả các thị trường xuất khẩu đều phục hồi so với năm 2021. Trong đó, các thị trường là đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam có tăng trưởng ở mức cao, như: Liên minh châu Âu (EU) tăng 23,5%; khu vực Đông Nam Á tăng 23,3%.
Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ một nước luôn thiếu đói, Việt Nam đã khẳng định vị thế cường quốc nông nghiệp, với hàng chục nông sản hàng hóa xuất khẩu thuộc tốp dẫn đầu thế giới, như lúa gạo, cafe, chè, cao su, hạt điều và tôm, cá basa… Việt Nam xuất khẩu nông sản năm 2021 đạt trên 48 tỷ USD và đang tự tin cán mốc xuất khẩu trên 50 tỷ USD trong năm 2022, với 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ…
Đặc biệt, nông nghiệp là ngành duy nhất xuất siêu từ khu vực kinh tế trong nước, với mức xuất siêu có năm tới 6-7 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản tăng mạnh trực tiếp góp phần để Việt Nam đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 trên 700 tỉ USD (tăng 7 lần so với năm 2007 và duy trì vị trí vững chắc trong xếp hạng cao của Việt Nam trên thế giới cả về xuất và nhập khẩu, với vị trí thứ 23 xuất khẩu hàng hóa và thứ 20 về nhập khẩu năm 2021, so với mức tương ứng của năm 2006 là thứ 50 và thứ 44).
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018, với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên được thị trường đón nhận tích cực, giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.
Thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 264.000 tỷ đồng, tăng tới 25,1%; từ đó, góp phần thu ngân sách Nhà nước 11 tháng đã vượt hơn 16% so với dự toán, trong đó ngân sách trung ương tăng gần 15% dự toán.
Những thành quả trên là hội tụ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, sự đoàn kết và ủng hộ của người dân, đặc biệt là từ việc chuyển hướng chiến lược từ "zero COVID" sang mở cửa, phục hồi kinh tế hiệu quả và bám sát các nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, nổi bật là xây dựng nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, trách nhiệm vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển; hướng đến con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của phát triển.
Tăng cường kiểm soát, lành mạnh hóa thị trường tín dụng, trái phiếu và bất động sản
Năm 2023, Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Dù nền kinh tế Việt Nam đang có đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng những bất định cũng gia tăng khiến tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu có thể chậm lại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa có đột phá rõ rệt.
Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đang đối diện với áp lực điều hành giá, lãi suất, tỷ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu (hai thị trường chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam).
Sự cảnh báo nóng gắn với các thách thức về triển vọng kinh tế thế giới và nội lực kinh tế cùng những rủi ro và bất cập trong quản lý thị trường, đòi hỏi chúng ta kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai đồng bộ chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, phát triển và nâng cao năng lực thể chế, tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường, củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư.
Hơn nữa, thực tiễn cũng đòi hỏi cần có nhiều đột phá thực sự và đồng bộ, thực chất cả trong nhận thức và thể chế trong tháo gỡ điểm nghẽn về ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu (nổi bật là xăng dầu) cho sản xuất, đời sống; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường tín dụng, thị trường lao động, cũng như trong tái cơ cấu kinh tế và định hướng lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường thu hút FDI đầu tư mới và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy liên kết giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước; tiếp tục đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát nợ xấu, nợ thuế và chi phí vốn của doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...
Đồng thời, chủ động khai thác tốt hơn các cơ hội kinh tế gắn với việc tham gia các FTA thế hệ mới, từ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Hàn Quốc và Mỹ - ASEAN mới được thiết lập cuối năm 2022, cũng như từ sự nồng ấm trở lại quan hệ Việt - Đức được ghi nhận từ sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức trung tuần tháng 11/2022.
Đặc biệt, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động đánh giá các tác động và thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, chính sách, quy định mới của các quốc gia đến sản xuất, xuất, nhập khẩu của Việt Nam; tăng năng lực phản ứng chính sách và phản ứng thị trường linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, hướng tới hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng; Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam; phát triển xuất, nhập khẩu phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương theo tinh thần Chương trình hành động triển khai chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022.
Phát huy các thành công, không chủ quan, tự mãn và các khai thác tốt hơn các động lực từ nền tảng đã có, chủ động nhận diện và linh hoạt vượt qua các thách thức, vừa chia sẻ niềm vui, tự tin và tự hào, vừa tỉnh táo nhận diện đúng để hành động đúng cả trong kinh doanh và trong quản lý, cả vĩ mô và vĩ mô, cả nước mắt và lâu dài, nhằm tiếp tục hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 mà Chính phủ đề ra, với tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD.
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5-6%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%; Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%.
Một yếu tố khác đó là cuộc xung đột Nga - Ukraina cũng đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng chung tới sự phát triển của kinh tế thế giới, giá nhiên liệu tăng cao đang có những tác động nhất định tới thị trường Việt Nam. Đồng thời, để đối phó với sự biến động thì một số quốc gia đã liên tục điều chỉnh lãi suất tiền tệ, cũng sẽ có tác động tới các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tiếp tục phát huy sức mạnh của các doanh nghiệp nội địa, nhằm tạo động lực trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo. Điểm thuận lợi là hiện nay Việt Nam có quỹ đầu tư công lên tới hơn 900 nghìn tỷ đồng, có nghĩa là chúng ta đang có nguồn lực rất mạnh, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất mang tính then chốt là phải nâng cao được năng lực thể chế, các chính sách phải thật sự thông thoáng để khôi phục niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Vận dụng linh hoạt được các chính sách và nguồn lực hiện có, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kết quả tăng trưởng 6,5 - 6,7% trong năm 2023.
Tác giả: TS. Nguyễn Minh Phong
Thiết kế: Thế Công