Aa

Nắng nóng, TP.HCM tiêu thụ điện kỷ lục trong 10 năm

Thứ Hai, 29/04/2019 - 02:30

Chỉ trong một ngày toàn TP.HCM đã tiêu thụ hơn 90 triệu kWh, đây là con số tiêu thụ kỷ lục trong vòng 10 năm nay.

Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP HCM cho biết, trong tháng 3, toàn thành phố đã "đốt" hết 2,38 tỉ kWh điện, tăng gần gấp rưỡi so với mức 1,65 tỉ kWh trong tháng 2. Dự kiến lượng điện tiêu thụ trong tháng 4 cũng sẽ rất cao, đến ngày 25/4 đã lên đến 2,05 tỉ kWh.

Ngoài sản lượng tiêu thụ "khủng" nói trên, thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP HCM còn cho thấy lượng điện tiêu thụ mỗi ngày trên địa bàn trong hơn 1 tháng nay luôn ở mức cao. Trong đó, ngày cao nhất tháng 4 (24/4) đã tiêu thụ hơn 90 triệu kWh, cao hơn 10% số lượng điện tiêu thụ/ngày cao nhất năm 2018. Đây cũng là con số tiêu thụ kỷ lục trong vòng 10 năm nay.

Ghi nhận từ năm 2014 đến năm 2018, lượng điện dùng trong tháng 2 hằng năm luôn thấp hơn nhiều so với tháng 3, 4; tương ứng với hoá đơn tiền điện tháng 3,4 luôn cao hơn nhiều so với tháng 2.

Riêng năm nay, nhu cầu dùng điện tăng vọt trong những ngày nắng nóng cộng với giá điện tăng từ tháng 3 khiến nhiều gia đình "sốc" khi hoá đơn tiền điện tháng 3 tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với tháng 2.

nang nong tphcm tieu thu dien ky luc trong 10 nam
Trong tháng 3, toàn thành phố đã 'đốt' hết 2,38 tỉ kWh điện

Nhiều người thắc mắc tại sao giá điện chỉ tăng 8,36% từ ngày 20/3 mà số tiền phải đóng "nhảy" lên gấp đôi so với tháng trước. Một số người đặt vấn đề ngành điện có tính đúng, tính đủ tiền điện hay không và mức điều chỉnh giá có thật là 8,36% hay nhiều hơn.

Trả lời thắc mắc của khách hàng, Tổng Công ty Điện lực TP HCM, cho biết hóa đơn tiền điện của người dân TP HCM tăng cao bởi nhiều nguyên nhân như: số ngày sử dụng tăng, giá điện tăng, mức tính giá điện ở các bậc thang tính khác nhau và nhiệt độ thời tiết nắng nóng kéo dài.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực TP HCM giải thích hóa đơn tiền điện trong tháng 3 và tháng 4 cao hơn hóa đơn tiền điện trong tháng 2 là vì tháng 2 chỉ có 28 ngày, lại trùng với kỳ nghỉ Tết, nhiều gia đình về quê, đi du lịch nên số ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 2 ít hơn so với tháng 3 (tháng 3 có 31 ngày). Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do nắng nóng kéo dài từ tháng 3 đến nay khiến công suất sử dụng các thiết bị sinh hoạt trong gia đình tăng cao, sản lượng điện tiêu thụ vì vậy tăng theo. Lượng điện sử dụng càng nhiều, mức thang tính giá điện càng cao, tương ứng với giá điện càng cao.

Trước thực trạng nắng nóng trên, EVN HCMC đã kêu gọi khách hàng nên sử dụng tiết kiệm điện. Cụ thể:

Không đặt nhiệt độ máy lạnh quá thấp, tốt nhất là trên 25 độ.

– Không sử dụng các thiết bị tốn nhiều điện năng như bếp điện, bàn ủi, bơm nước… vào các giờ cao điểm (từ 9 đến 13h, từ 18h đến 22h).

– Các doanh nghiệp sản xuất cần cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm, đầu tư các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng và phối hợp với ngành điện theo dõi, kiểm soát chất lượng điện năng.

– Người dân nên sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng yêu cầu.

Đồng thời, khách hàng có thể tận dụng bức xạ mặt trời mạnh để đầu tư hệ thống Điện năng lượng mặt trời áp mái mới nhằm phục vụ sinh hoạt và có thể bán lại phần điện dư cho ngành điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung với giá 9,35 UScents/kWh. Việc ký hợp đồng và thanh toán tiền điện đã được triển khai từ 25/4.

Đại diện Tổng công ty Điện lực TP HCM hướng dẫn khách hàng có thể dựa trên biểu giá và cách tính để tham khảo đối chiếu với tiền điện cũng như mức tiêu thụ điện năng của gia đình. Nếu có thắc mắc, cần liên hệ với Tổng đài 1900545454 để được hỗ trợ giải đáp.

Nguyễn My

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top