Aa

"Nên để các nhà đầu tư bất động sản tham gia vào kinh doanh nước sạch"

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 23/10/2019 - 08:17

Đây là nhận định của PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH Khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng tại Tọa đàm “Nước và không khí trong phát triển công trình xanh”.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, sự cố nước nhiễm dầu của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà minh chứng cho thấy, vấn đề an ninh nguồn nước cần được đặc biệt đề cao bởi nó liên quan đến tính mạng, sức khỏe của hàng triệu người. Hay nói cách khác, an ninh nguồn nước cũng chính là an ninh quốc gia.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, vụ nước sạch Sông Đà đã cho thấy nhiều lỗ hổng an ninh nguồn nước, trong đó có liên quan đến quản lý quy hoạch nguồn nước:

“Với điều kiện của Việt Nam thì nguồn nước ngầm sắp cạn kiệt, do đó phải dùng nước mặt để sản xuất nước sạch. Nhưng khi vụ việc Sông Đà xảy ra thì mới thấy lỗ hổng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước. Đây không phải lỗ hổng về văn bản pháp luật, mà là lỗ hổng về quản lý và trách nhiệm quản lý. Trước hết, phải khẳng định, hệ thống pháp luật hiện quy định khá đầy đủ về vấn đề quy hoạch; điều kiện, tiêu chuẩn của vùng nước vào đầu nguồn; khi lấy nước mặt thì thế nào; lấy nước ngầm được thực hiện ra sao. Vấn đề là có thực thi hay không”.

PGS.TS Bùi Thị An

Cũng theo vị chuyên gia này, kinh doanh nước sạch là một loại hình kinh doanh đặc thù. Về nguyên tắc, những công ty kinh doanh nước sạch phải đảm bảo chất lượng nước sạch đến từng người dân nhưng ở Việt Nam lại xảy ra một thực tế là nhiều doanh nghiệp bất động sản lại phải làm thay việc của nhà máy nước sạch, đảm bảo nguồn nước cho cư dân thông qua việc tự thiết kế các công trình lọc nước trong tòa nhà.

Về vấn đề này, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House chia sẻ: “Ở một số dự án trước đây mà chúng tôi thực hiện, cư dân từng phản ánh về chất lượng nước, nhiều khi xả ra đen kịt hoặc có cặn bẩn trong khi nguồn nước cung cấp là nguồn nước sạch từ nhà máy. Chính vì thế khi xây dựng những dự án tiếp theo, chúng tôi đều phải xét nghiệm nước ở các dự án xung quanh và hỏi cư dân quanh đó xem có thắc mắc gì về chất lượng nước hay không.

Đối với Ecolife Capitol, ngay từ ban đầu chủ đầu tư đã lắp đặt màng lọc nước, ở lớp màng lọc thô có than hoạt tính, cát sỏi… Styren trong dầu có thể hấp thụ bởi than hoạt tính. Hệ thống lọc đó tiếp tục qua màng micro - màng siêu lọc - để đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo tiêu chuẩn 06 về nước đóng chai.

Các dự án tiếp theo của Capital House như EcoHome 3 sẽ bàn giao quý III, IV/2020 cũng trang bị hệ thống lọc tương tự, tại đó phát triển thêm hơn 4.000m2 cây xanh. Giá thành của hệ thống lọc nước không quá cao, khoảng 2 - 3 tỷ đồng cho 1.000 căn hộ. Khi có sự việc nguồn nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu mới thấy mình sáng suốt khi lựa chọn phương án giúp cư dân không phải lo lắng, chịu ảnh hưởng khi sự cố nước sạch xảy ra”.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, sự chủ động của chủ đầu tư như Capital House trong việc đảm bảo nguồn nước sạch cho cư dân đã đặt ra câu hỏi: Tại sao không để các doanh nghiệp bất động sản tham gia vào sản xuất nước sạch?

“Nên xã hội hóa, để chính các nhà đầu tư bất động sản tham gia vào kinh doanh nước sạch, chịu trách nhiệm về nguồn nước mà họ cung cấp cho cư dân thay vì chỉ để một vài đầu mối cung cấp như hiện nay, nguồn lực kém, chất lượng không đảm bảo.

Những nhà đầu tư có tâm, có tầm hoàn toàn có thể đầu tư, sản xuất nước sạch phục vụ cho chính cư dân của họ. Tôi cho rằng, với dịch vụ cung cấp nước sạch, nên đấu thầu minh bạch. Như vậy vừa giảm giá thành, vừa đảm bảo chất lượng nước cho người dân để không tái diễn tình trạng khủng hoảng nước sạch như vụ Sông Đà. Trên mặt bằng cạnh tranh thì người dân, Nhà nước sẽ có lợi hơn”. 

Các doanh nghiệp bất động sản nên được khuyến khích tham gia sản xuất nước sạch. Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam chia sẻ: “Sau khi xảy ra sự cố nước do Công ty Sông Đà cung cấp bị nhiễm dầu, tôi có hỏi chủ tịch, lãnh đạo lớn của một số tập đoàn bất động sản. Mọi người chia sẻ rằng, họ đều muốn tham gia làm nước sạch, nhưng để được làm không hề dễ dàng. Thực ra ai cũng hiểu, đặc biệt là các nhà phát triển bất động sản lớn, có hàng triệu khách hàng. Họ cực kỳ lo cho cư dân của mình, làm thế nào để có nguồn nước sạch chất lượng đảm bảo sức khỏe cho cư dân. Và nếu có nước sạch thật sự, họ cũng giảm được rất nhiều mối nguy cơ, phần chi phí đầu tư, thau rửa...”.

Thế nhưng, theo nhà báo Phạm Nguyễn Toan, vấn đề đặt ra là liệu có lợi ích nhóm nào ở đây không, khi mà trên thực tế, có rất nhiều đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư bất động sản làm hạ tầng, đều rất muốn đầu tư vào nước sạch nhưng đều bị... bật ra.

“Rõ ràng, nếu họ trực tiếp làm nước sạch thì đó là cơ hội kinh doanh tốt, nhưng đó cũng là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cư dân. Tôi cho rằng, thực ra Nhà nước không cần hỗ trợ gì nhiều, chỉ cần xây dựng được cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch và chọn được nhà đầu tư thực sự chuẩn, có đầu vào thì nước sạch có thể sẽ rẻ hơn nữa. Bởi với công nghệ xây dựng của các nhà đầu tư chuyên nghiệp về bất động sản, họ có thừa sức để làm những nhà máy nước cực kỳ tốt. Chúng ta cần nhà đầu tư có tâm, có tầm chứ đừng chỉ nhìn vào những doanh nghiệp nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm”, nhà báo Phạm Nguyễn Toan phân tích.

Theo các chuyên gia, kinh doanh nước sạch đang được cho là “miếng mồi béo bở” khi có nguồn cầu ổn định nên không loại bỏ việc cạnh tranh không lành mạnh để chiếm thị phần. Một bộ phận người dân Hà Nội đang phụ thuộc rất lớn vào nước sạch Sông Đà nên sự cố nhiễm dầu đã gây ra cuộc khủng hoảng nước sạch, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Do đó, dịch vụ công này cần được thị trường hóa một cách công khai, minh bạch để lựa chọn được những doanh nghiệp có tâm, có tầm tham gia sản xuất nước sạch, đồng thời có thêm các tiêu chuẩn kỹ thuật để giám sát chất lượng. “Trong đó, luôn phải lấy sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân đặt lên hàng đầu”, PGS.TS Bùi Thị An nhận định. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top