Aa

Nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau!

Thứ Tư, 30/10/2019 - 13:34

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan và nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau!

Qua báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng tăng trưởng được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, Việt Nam là nhóm nước tăng trưởng cao nhất ASEAN, kinh tế có nhiều điểm sáng.

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%. Thất nghiệp dưới 4%. Tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm. Trên 130.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đầu tư xã hội được mở rộng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện.

Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên…

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng nếu nhìn năm 2020, mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh thương mại giảm thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phụ thuộc 2 nguồn chính là đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình)

Ông Lộc cảnh báo một số nguy cơ với nền kinh tế. Theo đó, ngành chế biến chế tạo đang có tỷ lệ hàng tồn kho lớn chưa từng có. Tính đến ngày 30/9, tỷ lệ hàng tồn kho khu vực này là 17,3%. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

“Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng 8,2%, chỉ bằng phân nửa tốc độ tăng cùng kỳ, bằng 1/3 vào những năm trước đó. Cơ cấu xuất khẩu có những bất lợi, khi xuất sang EU, Nhật Bản giảm tốc, nhưng vào Mỹ là tăng nhưng tiềm ẩn nhiều lo ngại”, ông Lộc nói.

Ông Lộc nhấn mạnh Việt Nam là một trong 6 quốc gia xuất siêu nhiều nhất vào Mỹ. Trong khi đó, hầu hết quốc gia xuất siêu cao vào Mỹ đều bị nước này trừng phạt.

“Ai dám chắc chúng ta không bị trừng phạt khi xuất siêu vào Mỹ?”, ông Lộc đặt câu hỏi.

Chủ tịch VCCI cũng nêu vấn đề thu hút FDI từ các thị trường như Nhật Bản và Hàn Quốc đang giảm, trong khi tăng đột biến ở đầu Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc. Ông cho rằng đây là những nguồn FDI không bền vững.

Vị đại biểu cho rằng động lực chính tăng trưởng trong thời gian tới là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp nguồn thu từ doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn. Do đó, ông đề nghị cải cách mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh, thể chế, để doanh nghiệp phát triển, nếu không thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top