Aa

Ngân hàng “kín tiếng“ lợi nhuận

Thứ Năm, 13/07/2023 - 16:48

Khác với năm trước, vừa kết thúc tháng 6 là không ít ngân hàng công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II, hiện đã sang tuần thứ hai của tháng 7 vẫn chưa thấy nhà băng nào hé lộ con số lợi nhuận đạt được.

Tín dụng tăng thấp có thể kéo giảm lợi nhuận

Tổng giám đốc một nhà băng cho rằng, tín dụng trong nửa đầu năm nay tăng thấp do sức hấp thụ vốn chậm lại khi nhu cầu tiêu dùng giảm, đầu ra của doanh nghiệp hạn chế. Đây cũng là khó khăn lớn đối với các ngân hàng, bởi tín dụng tăng chậm không chỉ khiến nguồn thu từ lãi giảm, mà còn kéo theo sự trì trệ của các dịch vụ đi kèm, tức nguồn thu ngoài lãi khó tăng. Thậm chí, trong bối cảnh thị trường khó khăn, nợ xấu khó kiểm soát buộc ngân hàng phải gia tăng dự phòng rủi ro, đồng nghĩa với lợi nhuận bị “bào mòn”. 

Thông tin được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 4/7/2023 cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 27/6 là 4,03% so với cuối năm 2022 và tăng 9,08% so với cùng kỳ. 

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho hay, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2022 và tăng 7,1% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ 2022 ghi nhận mức tăng 9,3%.

Theo các ngân hàng, tín dụng giảm tác động xấu lên lợi nhuận trong nửa đầu năm nay, cho dù tín dụng quý II có phần cải thiện ở một số nhà băng.

Tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát chia sẻ, tín dụng của Ngân hàng bắt đầu cải thiện từ tháng 4/2023, sau khi ghi nhận tăng trưởng âm trong quý đầu năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sức cầu về vốn của khách hàng, kể cả doanh nghiệp vẫn còn yếu, dù ACB nỗ lực giảm lãi vay lên mức tối đa 3%/năm cho khách hàng trong thời gian gần đây. 

Trong khi đó, chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng lớn cho biết, trong hai quý đầu năm 2023, ngân hàng đã phải hy sinh hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi vay theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên lợi nhuận bị ảnh hưởng. 

Tại Vietcombank, sau các đợt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2023, ngân hàng này hy sinh khoảng hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. 

Thực tế, ngay từ đầu năm nay, trước viễn cảnh nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, các ngân hàng có phần thận trọng khi đặt ra mục tiêu kinh doanh cả năm, bởi nhu cầu tín dụng thấp, chi phí tín dụng cao đi đôi với nợ xấu gia tăng. Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank và BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 từ 10-13%, trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đề ra mục tiêu cao hơn như VPBank (33%), VIB (25%), HDBank (24%). 

Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2023. Theo đó, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II/2023 chậm cải thiện, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng nhẹ, nhưng thấp hơn so với mức kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. Các tổ chức tín dụng đã giảm kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới. 

Trước đó, trong cuộc điều tra quý II/2023, các ngân hàng kỳ vọng, lợi nhuận quý II tăng trưởng cao hơn quý I do tín dụng “ấm” lên, nhưng nhận định cả năm 2023, có gần 6% ngân hàng lo ngại lợi nhuận có thể tăng trưởng âm. Các tổ chức tín dụng dự đoán, trong quý II, huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 3,2%, tín dụng tăng 4%; cả năm 2023, huy động vốn tăng 9,2%, tín dụng tăng 13,1%. 

Nhận định lợi nhuận cả năm 2023 trong cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý III, có 88,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng trưởng dương (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ điều tra trước; 5,7% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng; 5,7% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận không thay đổi. 

Lãi suất huy động đã giảm, song đạt được mục tiêu lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay cũng không dễ dàng.

Rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản

Mặt bằng lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ triển khai có thể khiến nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong thời gian tới, giúp cải thiện kết quả kinh doanh của các ngân hàng. 

Bên cạnh đó, các chính sách mang tính hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường được Ngân hàng Nhà nước ban hành gần đây có thể tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung, hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng. 

Chẳng hạn, Thông tư 02/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ 24/4/2023 tới 30/6/2024 cung cấp công cụ giúp các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng trong thời hạn tối đa 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ, trong khi các khoản dự phòng có thể được khấu hao trong 2 năm. Hay Thông tư 03/2023/TT-NHNN đã hoãn thi hành Khoản 11, Điều 4, Thông tư 16/2021/TT-NHNN, đồng nghĩa với việc tiếp tục cho phép các ngân hàng được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp, một trong những cách để các ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng cho vay, trong bối cảnh các ngân hàng đang dư thừa thanh khoản.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, đó là những quyết sách mạnh được doanh nghiệp, người dân và tổ chức tín dụng kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, dòng vốn cho doanh nghiệp và người dân, duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, tạo dòng tiền mới để trả nợ đáo hạn và mở rộng sản xuất - kinh doanh sau này.

Rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đối với ngành ngân hàng vẫn hiện hữu.

Theo thống kê của FiinRatings, tín dụng ngân hàng qua cho vay và đầu tư trái phiếu các dự án bất động sản hiện chiếm khoảng 6% tổng tín dụng, cho vay mua nhà chiếm 15% tổng tín dụng và tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong hệ thống ngân hàng là 2,4%. Ước tính, từ đầu năm 2023 đến nay, có khoảng 97.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản bị quá hạn trả nợ bao gồm quá hạn trả nợ gốc, quá hạn trả nợ lãi và cả trái phiếu đã được cơ cấu lại kỳ hạn; con số này chiếm 74% trong tổng số trái phiếu bị quá hạn. Tổng trái phiếu bị quá hạn chiếm 12% tổng số dư trái phiếu. 

Vẫn theo thống kê của FiinRatings, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu nói chung chiếm khoảng 12% và tỷ lệ nợ xấu của trái phiếu bất động sản chiếm khoảng 24,4%. Số liệu tính đến giữa tháng 5/2023 cho thấy, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường có cơ cấu vốn bao gồm cả trái phiếu và vay ngân hàng, với tỷ lệ lớn là trái phiếu doanh nghiệp, chiếm khoảng 73%, vay ngân hàng và các khoản vay khác chiếm 27%. 

Do đó, kể cả khi ngân hàng không nắm giữ trái phiếu vẫn có thể chịu rủi ro khi doanh nghiệp không trả được nợ trái phiếu, vì khi đó doanh nghiệp cũng không có khả năng trả được nợ ngân hàng. Tuy nhiên, Nghị định 08/2023/NĐ-CP ra đời từ tháng 3/2023 đã giúp các tổ chức phát hành được thương thảo và gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm. Trong quý II/2023, hoạt động cơ cấu, gia hạn trái phiếu diễn ra tích cực và số trường hợp chậm trả nợ đến hạn trái phiếu giảm đáng kể.

Trong kịch bản cơ sở, FiinRatings ước tính, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng do bất động sản tăng thêm 1,4%; ở kịch bản tích cực, mức tăng từ 0,4 - 2%; còn kịch bản tiêu cực là tăng 3,5%. 

Các số ước tính trên cho thấy, rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đối với ngành ngân hàng vẫn hiện hữu. Nhưng theo các nhà phân tích tài chính, thời điểm khó khăn nhất đã qua. Trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất giảm sẽ tạo điều kiện để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có cơ hội hồi phục và chi phí vốn của các doanh nghiệp bất động sản giảm. 

Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, HDBank đánh giá, hiện nay, nguy cơ nợ xấu ngân hàng gia tăng, doanh nghiệp có dòng tiền hạn hẹp có thể không trụ lại được, không ít doanh nghiệp xuất khẩu không nhận được đơn hàng như trước..., nhưng những khó khăn nhất đã bắt đầu qua đi. Hy vọng, trong hai quý cuối năm 2023, tình hình sẽ khả quan hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top