Aa

Ngân hàng kỳ vọng kinh doanh khởi sắc

Thứ Sáu, 24/12/2021 - 13:56

Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã tác động nhất định tới ngành Ngân hàng, đặc biệt nợ xấu có xu hướng gia tăng trong quý III/2021.

Tuy nhiên theo giới chuyên gia, ngành Ngân hàng vẫn sẽ có những khởi sắc giúp kết quả kinh doanh cả năm 2021 ghi nhận những điểm sáng, lấy bước chạy đà cho năm 2022.

Thúc đẩy tăng trưởng từ bán lẻ

Sau giai đoạn giãn cách kéo dài, nền kinh tế dần phục hồi, nhu cầu về vốn của người dân và doanh nghiệp tăng cao hơn trong quý cuối cùng của năm. Nắm bắt xu hướng này, nhiều ngân hàng đã thực hiện xin cấp bổ sung và được NHNN nới room tín dụng hai lần trong quý III và quý IV/2021. Theo số liệu của NHNN, tính tới cuối tháng 11/2021, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 10,77% so với cuối năm 2020.

Với xu hướng tích cực, VCBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng có thể đạt 13% cho cả năm 2021 - cao hơn chỉ tiêu định hướng của NHNN là 12%. Trong đó VCBS kỳ vọng tín dụng bán lẻ tăng trưởng tích cực hơn. “Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao trên thế giới, tăng trưởng kinh tế nói chung và xu hướng gia tăng tín dụng cá nhân sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn Ngành trong dài hạn”, VCBS nhận định.

Bà Phạm Thùy Dương - Phó Giám đốc Bộ phận Phân tích, Dragon Capital nhận thấy, thời gian gần đây các ngân hàng (kể cả khối NHTM nhà nước và NHTMCP) đã có sự chuyển dịch khi tập trung nhiều hơn vào mảng tín dụng bán lẻ. Tín dụng bán lẻ đang được xem là động lực tăng trưởng chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong 5 năm qua. Theo đó, tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã tăng từ 31% năm 2015 lên mức 42% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý III/2021. Năm 2020, tỷ trọng cho vay bán lẻ chiếm 85% cơ cấu VIB, tại ACB là 70%. Vietcombank cũng đã đưa tỷ lệ dư nợ bán lẻ chiếm trên 54% tổng dư nợ…

“Ngân hàng bán lẻ của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phát triển khá sơ khai, hiện tổng cho vay hộ gia đình/GDP ở Việt Nam ở mức khoảng 30%, nếu so với các nước khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc… thì tỷ lệ này còn khá là thấp, nên dư địa để mở rộng còn rất nhiều. Việc dịch chuyển sang xu hướng ngân hàng bán lẻ sẽ giúp ngân hàng nâng cao biên lợi nhuận, tạo nguồn thu nhập ổn định và dài hạn hơn cho ngân hàng”, bà Dương nêu quan điểm.

Việc mở rộng tệp khách hàng bán lẻ theo đánh giá của giới chuyên môn cũng sẽ phân tán bớt rủi ro tín dụng cho ngân hàng vì rủi ro thường tập trung ở nhóm khách hàng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn. Cùng với hoạt động tín dụng, các ngân hàng hiện nay cũng quan tâm nhiều hơn tới việc đa dạng hoá hoạt động kinh doanh nhằm đa dạng hoá nguồn doanh thu của mình, giảm tải gánh nặng cho vay. Trong đó thu nhập từ phí dịch vụ của các ngân hàng tăng trưởng trở lại cũng sẽ là động lực để ngân hàng lấy đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Tín hiệu lạc quan

Cho rằng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2022, nhưng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mức độ tăng trưởng thế nào phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Nếu dịch được kiểm soát tốt, hoạt động kinh doanh ngân hàng năm tới có thể kỳ vọng những tín hiệu tích cực như những tháng cuối cùng của năm 2021. “Thêm vào đó, chủ trương của Chính phủ và NHNN thời gian tới vẫn là tiếp tục bằng nhiều giải pháp, trong đó nỗ lực để giảm thêm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân nên ảnh hưởng đến lợi nhuận, chưa kể áp lực nợ xấu, tăng trích lập dự phòng. Nên để ngân hàng có một sự bứt phá mạnh trong kinh doanh cũng rất thách thức”, chuyên gia này chia sẻ.

Có góc nhìn lạc quan hơn, bà Phạm Thuỳ Dương cho hay, lo lắng nợ xấu là mối bận tâm hợp lý, song nếu xét ở góc độ đầu tư cơ bản và giá trị thì vấn đề chưa quá bi quan. Trong bối cảnh dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu toàn Ngành tăng từ 1,6% cuối năm 2020 lên mức 1,9% như hiện tại vẫn trong tầm kiểm soát. Điều tích cực là các ngân hàng trong ba quý đầu năm 2021 đều rất mạnh tay trích lập chi phí dự phòng rủi ro, nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhiều ngân hàng tương đối lớn. “Tôi cho rằng nếu thời gian tới không xảy ra giãn cách trên diện rộng thì cũng không ảnh hưởng quá tiêu cực tới kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2022”, bà Dương nhìn nhận.

Dưới góc độ NHTM, ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối VIB cho hay, hàng loạt ngân hàng hiện nay đã được NHNN phê duyệt nới room tăng trưởng tín dụng, như VIB là trên 19%. Đây là cơ hội để ngân hàng tiếp tục tăng trưởng, và một phần tăng trưởng đó sẽ bù đắp cho rủi ro các ngân hàng đã phải trích lập.

Ông Trung cho rằng, lo ngại về rủi ro là có. Nhưng nếu so với thời điểm giãn cách xã hội, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, đứt gẫy thì việc nền kinh tế được mở cửa trở lại, doanh nghiệp phục hồi dần đã là thực tế lạc quan hơn rất nhiều. Cho đến nay, khoảng 70% - 80% các doanh nghiệp bắt đầu kích hoạt trở lại. “Khi nền kinh tế hồi phục sẽ bù đắp lại những khoản vay ngân hàng đã trích lập, người dân lại đảm bảo được thu nhập, từ đó có thể tiến hành trả nợ cho ngân hàng, giảm nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu của hệ thống”, ông Trung nhìn nhận.

Phải khẳng định rằng, sau giai đoạn tái cơ cấu tích cực, sức khoẻ tài chính của hệ thống ngân hàng được củng cố bền vững. Giai đoạn vừa qua thị trường cũng chứng kiến cuộc chạy đua tăng vốn của nhiều NHTM để đáp ứng các tiêu chí an toàn vốn theo thông lệ quốc tế. Một số nhà băng tăng mạnh vốn như VPBank, tăng tới 80%; VIB tăng 44,2%; SCB tăng 32,8%; Sacombank tăng 32%... Đây là cơ sở để giúp cho các nhà băng có thêm khả năng chống chịu trước biến động.

GDP năm 2022 được nhiều cơ quan dự báo ở mức khoảng 4,5 - 6,5%, thậm chí lên đến 7,5%. Bên cạnh đó gói hỗ trợ và tăng trưởng kinh tế của Chính phủ vào khoảng 800 nghìn tỷ đồng (tương đương 10% GDP) nếu được thông qua và triển khai sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phục hồi. Khi nền kinh tế phục hồi, kinh doanh ngân hàng sẽ khởi sắc hơn. Trong khi gói kích thích tăng trưởng kinh tế sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, doanh nghiệp có thêm dòng tiền, nguy cơ nợ xấu sẽ giảm đi.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top