Aa

Ngân hàng kỳ vọng lớn, đặt mục tiêu lợi nhuận tăng vọt trong năm nay

Thứ Tư, 13/04/2022 - 06:15

Kỳ vọng nền kinh tế hồi phục sau dịch cùng nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ, nhiều ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận khá tích cực, thậm chí còn tham vọng tăng trưởng bằng lần.

Mùa đại hội cổ đông thường niên của các ngân hàng đã bắt đầu với nhiều kế hoạch lớn lộ diện.

Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dự kiến trình cổ đông mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế lên 29.662 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2021. Song song với việc đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tăng gấp 2 lần, VPBank cũng lên kế hoạch tăng vốn khủng lên gần 80.000 tỷ đồng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 35%. Lãnh đạo của nhà băng này cho biết các chỉ tiêu kế hoạch trên đây dựa trên các giả định kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế nói chung, kế hoạch tăng trưởng chung của ngành và năng lực thực tế của Ngân hàng.

Năm 2021, chịu ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng của dịch bệnh nhưng VPBank vẫn hoàn thành 88% kế hoạch lợi nhuận đã đặt ra. Lợi nhuận năm 2021 của ngân hàng này đạt 14.580 tỷ đồng, ứng với mức tăng trưởng 12% so với năm 2020. Do vậy, với nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho ngành ngân hàng trong năm 2022, VPBank cũng quyết tâm đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn.

Ngân hàng kỳ vọng lớn, đặt mục tiêu lợi nhuận tăng vọt trong năm nay - Ảnh 1.

Một ngân hàng khác là Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trong năm 2022 lên tới 2.500 tỷ đồng, gấp 2,2 lần dự kiến năm trước; thu nhập ngoài lãi đạt 1.159 tỷ đồng, tăng 23% so với dự kiến năm 2021.

Mục tiêu này của Eximbank dựa trên kế hoạch quy mô tổng tài sản tăng trưởng 7,8% so với đầu năm, đạt 178.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tiêu huy động vốn cuối kỳ và dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) lần lượt đạt 147.600 tỷ đồng và 131.400 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% và 13,5%.

Có thể thấy Eximbank có khá nhiều tham vọng khi lợi nhuận trước thuế năm 2021 của nhà băng nay chỉ đạt 1.205 tỷ đồng, không hoàn thanh kế hoạch mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ như đã đề ra trước đó. Với mục tiêu 2.500 tỷ đồng nếu hoàn thành Eximbank sẽ có mức lợi nhuận cao nhất trong 10 năm qua.

Đầu năm 2021, Eximbank cũng từng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế lên tới 2.105 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2020. Tuy nhiên đến cuối năm 2021, ban lãnh đạo của nhà bằng này đã điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận xuống còn 1.300 tỷ đồng. Mặc dù kế hoạch được điều chỉnh giảm so với ban đầu, song năm 2021, Eximbank chưa hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận.

Ngoài VPBank và Eximbank, nhiều ngân hàng khác cũng công bố kế hoạch lợi nhuận rất tích cực. Như SHB, đặt kế hoạch năm 2022 lợi nhuận trước thuế tối thiểu đạt 11.868 tỷ đồng, tăng trưởng 87% so với năm ngoái. Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank) kế hoạch lợi nhuận năm 2022 được trình đến cổ đông dự kiến tăng trưởng đến 71,4% so với năm 2021, vượt mốc 1.000 tỷ đồng.

OCB cũng vừa mới công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 với con số tích cực khi đạt tăng trưởng lợi nhuận cao trong 5 năm liên tiếp. Sang năm 2022, nhà bằng này tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận gần 30% với hơn 7.000 tỷ đồng.

Ngân hàng lớn như VietinBank lên kế hoạch lợi nhuận riêng lẻ trước thuế tăng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của Ngân hàng nhà nước. Theo đó VietinBank có thể đạt hơn 19.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022. 

Hay Vietcombank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận tới 30.000 tỷ đồng, cao hơn VPBank và thể hiện "quyết tâm" giữ vững ngôi vương về lợi nhuận hợp nhất.

Trong báo cáo gần đây về triển vọng ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán SSI, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của các ngân hàng có thể đạt khoảng từ 24 - 25% so với năm trước. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng từ 15 - 35%. Các yếu tố thúc đẩy lợi nhuận được hỗ trợ bởi nền kinh tế phục hồi tốt hơn dự kiến và các khoản thu nhập bất thường từ bancassurance.

Cùng lạc quan về lợi nhuận ngân hàng năm 2022, song một số chuyên gia phân tích cho rằng, triển vọng kinh doanh của các ngân hàng năm nay sẽ có sự phân hóa rõ rệt do mức độ cạnh tranh trong ngành dự báo tăng lên. Những ngân hàng có lợi thế về room tín dụng, có hệ số an toàn vốn (CAR) cao, độ bao phủ nợ xấu lớn, có mô hình hoạt động năng động, hệ sinh thái số rộng lớn… sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Trong khi đó, những ngân hàng có nợ xấu lớn, mô hình kinh doanh chậm thay đổi… sẽ đứng trước nguy cơ thụt lùi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top